Bầu ai làm đại biểu Quốc hội?

Nguyễn Quang A

Tại các nước dân chủ khi bầu cử luôn có ít nhất 2 đảng chính trị đưa ra các ứng viên của mình, họ cạnh tranh với nhau bằng các chương trình hành động. Tại mỗi đơn vị bầu cử, các ứng viên của mỗi đảng cạnh tranh nhau không chỉ theo cương lĩnh chung của đảng mình mà còn bằng các chính sách dự kiến sẽ đưa ra ở địa phương, cũng như các cam kết cá nhân của mỗi ứng viên. Cạnh tranh quyết liệt thông qua vận động bầu cử theo thể thức, quá trình được luật quy định rõ ràng. Trong quá trình đó cử tri hiểu hơn về các ứng viên và đảng của họ, rồi tùy vào mức được thuyết phục của mình đến đâu cử tri quyết định bầu cho 1 trong ít nhất 2 ứng viên của các đảng đó (hay các ứng viên độc lập). Có người bảo đấy là “dân chủ hình thức”.

Tại các nước xã hội chủ nghĩa không có cạnh tranh chính trị. Các ứng viên đều do đảng cầm quyền đưa ra (trực tiếp hay gián tiếp).

Trước đây số ứng viên và số người trúng cử cùng là một con số, không hơn, không kém. Cử tri chẳng còn quyền nào để lựa chọn.

Rồi thấy thế “hơi lố” đối với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền “dân chủ đích thực” và “ngàn lần dân chủ” hơn nền dân chủ hình thức, người ta bèn “nới” ra một chút, cử tri của một đơn vị bầu cử có thể chọn một số (chứ không phải 1 người duy nhất) trong số các ứng viên được phân cho đơn vị bầu cử đó. Số ứng viên nhiều hơn số người trúng cử. Khá hơn trước kia một chút, nhưng phần lớn quyền tự do lựa chọn của cử tri vẫn bị tước đoạt.

Dân chủ hình thức chẳng phải là cách tốt nhất (hiểu theo nghĩa nó còn nhiều khiếm khuyết) để nhân dân chọn ra những người điều hành đất nước, nhưng nhân loại không tìm ra cách nào tốt hơn.

Chúng ta chưa có dân chủ hình thức.

Thôi, hãy xem trong nền dân chủ “đích thực” ta có thể làm gì một cách hợp pháp?

Có vài ba cách ứng xử.

“Đích thực” mà hóa ra hình thức hơn “hình thức” nên bầu cho ai chẳng thế, cứ theo hướng dẫn của cán bộ bầu cử là xong, hay cứ gạch bừa, hay bầu thay cho cả nhà. Đấy là cách ứng xử thụ động, tiêu cực và bằng cách ấy chỉ làm cho tình hình của mình và của đất nước trầm trọng thêm.

Cách thứ hai là, lựa chọn những người tốt nhất trong số các ứng viên “được cử” và bầu cho họ. Đấy là cách tích cực nhất trong bối cảnh “đảng cử-dân bầu”, song cái khó là cử tri không có đầy đủ thông tin về họ do thiếu cạnh tranh lành mạnh, thiếu “dân chủ hình thức”.

Cách thứ ba khả dĩ là, loại bỏ những người “được cử” mà mình biết rành rành rằng họ đã có thành tích kém hoặc rất kém trong thời gian vừa qua. Đấy là cách khả dĩ nhất hiện nay.

Ai cũng biết và cũng bị ảnh hưởng của lạm phát tăng cao, của bất ổn kinh tế vĩ mô, của tệ nạn xã hội gia tăng, của tham nhũng tràn lan,... Cử tri đủ sáng suốt để biết trong số các ứng viên ở đơn vị bầu cử của mình ai phải chịu trách nhiệm về những chuyện đó (ở tầm quốc gia hay địa phương) và hãy đừng bỏ phiếu cho họ.

Muốn thế Thanh tra Nhà nước nên sớm công bố kết luận thanh tra về Vinashin (như Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa nói “không có chuyện xuê xoa với Vinashin”, hay như ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội nói, “về vụ Vinashin, cử tri nói với tôi so sánh rằng cách đây mấy năm có vụ cháy rừng ở Cà Mau, chủ tịch UBND tỉnh này bị kỷ luật vì quản lý yếu kém. Vụ Lã Thị Kim Oanh, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cũng bị xử lý. Vụ PMU 18, Bộ trưởng Đào Đình Bình cũng bị kỷ luật. Nhưng vụ Vinashin này lớn hơn nhiều, tại sao không ai bị kỷ luật?”).

Báo chí nên nêu rõ những ai chịu trách nhiệm về lạm phát, về thất thoát của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, về tham nhũng, về các vụ công an đánh người, vân vân, để cử tri có cơ sở mà gạch tên họ, không bầu họ khi thực hiện quyền cử tri của mình trong vài tuần nữa.

Nhưng người hoài nghi có thể hỏi, Ban kiểm phiếu trong tay họ và họ gian lận thì sao?

Điều 47 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội quy định, “việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê và niêm phong lại số phiếu bầu không sử dụng đến và phải mời hai cử tri không phải là người ứng cử có mặt tại đó chứng kiến việc kiểm phiếu. Người ứng cử, đại diện đoàn thể, tổ chức đề cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí, điện ảnh, nhiếp ảnh, truyền hình, phát thanh được chứng kiến việc kiểm phiếu”.

Những người được nêu trong điều này, nhất là các phóng viên và các tổ chức xã hội dân sự có thể giám sát và vạch trần sự gian lận. Hay các phóng viên lại bị ông “Tổng biên tập” duy nhất của 6-700 tờ báo cấm làm việc này? Ngay cả khi đó, với tư cách phóng viên họ vẫn có thể giám sát và dù 6-700 tờ báo không đăng thì họ vẫn có thể phản ánh trên blog của mình.

Đấy là cách làm tích cực, hoàn toàn hợp pháp, góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ, thực hiện pháp luật hiện hành trong bối cảnh “nền dân chủ đích thực” hiện nay của chúng ta còn thiếu tính “dân chủ hình thức” như ở các nước tiên tiến.

Trong bất cứ tình huống nào chúng ta vẫn có thể hành động một cách hợp pháp theo luật hiện hành và tìm cách cải thiện tình hình dẫu sự cải thiện nhỏ đến chừng nào. Đấy là cách tư duy và hành động tích cực.

N.Q.A

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn