Quên! (Kỳ 1)

Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường

clip_image001

 

Một khu đất 5 ha giữa đô thị bị "quên"

 

(Tamnhin.net) - Đôi khi mải mê với cuộc sống muôn màu, chịu bao nhiêu áp lực của cuộc sống thành ra quên mất cả khái niệm thật sự của chính chữ quên! Lần mở lại ngữ nghĩa xưa, so với cuộc sống lúc này thấy những định nghĩa trước đây về “quên” có vẻ đã thay đổi nhiều.

Quên là gì nhỉ?

Tìm nghĩa sơ giản nhất của từ “quên” thì không khó. Quên là không nhớ nữa, nhưng mà cho đến bây giờ, vạn vật thay đổi, cái sự “quên” cũng thay đổi, có khi nó vẫn nằm trong tiềm thức, người làm chủ tiềm thức ấy vẫn nhớ, nhưng nếu để người khác biết là mình nhớ có vẻ “dzầy dzà” thì thà quên phắt luôn đi cho xong!

Để tạo cho bạn đọc niềm vui nho nhỏ, xin kể câu chuyện thuộc hàng “đệ nhất quên” ở Phú Thọ quê tôi.

Ông Trần Văn Đăng (nhà thơ Bút Tre nổi tiếng) - Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Phú Thọ, những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có cú quên “lịch sử”.

Khi một Ttrưởng phòng đem văn bản viết tay của ông tới hỏi cho rõ một đoạn viết quá láu, quá rối, ông cầm văn bản, nhòm ngó một hồi không nhớ được mình đã viết gì, bèn trả lại cho anh kia và nói:

- Cậu đem cái này xuống cái Loan đánh máy, nó tài đoán chữ của chú lắm, chứ chính chú cũng quên mất rằng chú viết cái gì vào chỗ này rồi!

Chuyện dù thực dù hư cũng rất dễ giải thích về cái sự đại bi hài này, khi mà cán bộ tỉnh còn phải dùng bút mực, chưa hề có máy tính, làm trăm công ngàn việc giữa điều kiện chiến tranh nhiều khó khăn.

Câu chuyện 50 năm sau

Sáng 19/4/2011, báo Thanh niên in trên trang nhất một “đề xuất” mới về tăng phí khi các phương tiện vào nội thành.

clip_image002

Đến lúc này, không thể nói những tác giả của “dự án” trên quên mất rằng: mươi năm nay, thỉnh thoảng đến hẹn lại… tăng các loại phí.

Tăng nhiều rồi, tăng đáng kể rồi.

Chưa có nơi nào các thứ thuế ngoài giá trị thật của cái xe cao như ở Việt Nam.

Đã có lúc hứng chí lên đánh thuế đường vào xăng dầu, thế là nghiễm nhiên cây cà phê, khóm dứa, bụi chè không bao giờ đi đâu, đứng nguyên một chỗ cũng bị đánh thuế… đi đường vì người nông dân vẫn phải mua dầu về nổ máy bơm tưới cây.

Các tác giả dự án có thể quên, nhưng bên kiểm toán, bên tài chính và nhiều ngành chức năng thì phải nhớ, chỉ nội một khoản thuế trước bạ xe cộ thôi, dăm bảy năm nay tăng từ ngưỡng 2% lên 5% rồi 10% được giải thích là để hạn chế tăng đầu xe, góp phần giảm ách tắc… Nhưng sau khi thu được từ gần 1 triệu xe hơi, 15 triệu xe gắn máy trong thời gian mươi năm vừa qua cỡ nửa  tỉ USD, tình hình ách tắc không những không thuyên giảm mà càng thu, càng tăng.

Về phía người dân, phần vì bận trăm công ngàn việc nên cũng quên mất việc này, còn thu thì còn nộp; nay bắt thu nữa, cũng phải nộp, chả còn cách nào khác.

Có điều, ai cũng có quyền… quên, nhưng các đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội mà cũng quên luôn thì hơi phiền.

Lẽ ra, các vị cần nhớ và nhớ rõ xem đã thu cụ thể được bao nhiêu tiền? Tiền đó làm việc gì? Có đúng mục đích hay không? Chi rồi mà vẫn ách tắc là vì sao? Nếu thu mà không giải quyết được ách tắc liệu có nên thu nữa hay không?...

Đó, nếu các đại biểu của nhân dân không quên mà nhớ giùm chừng đó câu hỏi thì bà con đỡ lo, trước hết là để dễ toan tính với đồng lương mỏng lét lúc này đang phải căn ra từng miếng nhỏ: cái nào cho khoản xăng dầu, điện nước vừa tăng, cái nào cho khoản tiền ký lô gạo, cân đường đang nhấp nhổm, nếu phải chi thêm cái khoản phí khó nói kia nữa để cuộc sống được bình ổn, thì muôn dân đội ơn lắm lắm.

Câu chuyện đất đai

Hai năm nay, từ kết quả nghiên cứu của một số tổ chức trong nước và quốc tế về tham nhũng trên lĩnh vực đất đai, từ thực tế… dễ thấy việc tham nhũng qua đất đai là có và nó tạo nên những nhân tố bất ổn trong lòng dân.

Ở xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ khi con đường cao tốc Côn Minh – Hải Phòng chạy qua, người ta tính tiền đền bù cho hai thửa đất nông nghiệp ở cách nhau nửa mét, cùng lịch sử, cùng thứ hạng… giá cao thấp hơn nhau 5 lần trên một sào. Đương nhiên, số đất có gốc là của dân ở phía thấp, còn của cán bộ xã ở phía cao.

Ấy vậy mà, khi ngồi vào bàn viết, tìm tư liệu để chuẩn bị, tôi còn thấy nhiều nơi dân có muốn được… thiệt thòi như bà con ở Sai Nga cũng khó. Đường quốc lộ chạy qua tỉnh T. xén vào hai bên có chỗ 15m so với ranh đường cũ, có chỗ sâu hơn, nhưng “ông dự án” quên luôn chuyện đền bù. Được cái, dân vùng này tự động viên, thôi thì làm đường cho toàn dân nhờ, thiệt thòi một chút, cho qua.

clip_image003

Đó cũng không phải chuyện cá biệt, một số con đường ở những nơi khác cũng vậy.

Một nghị định bị quên thật!

Năm 2008, tôi về dự một cuộc họp xét đền bù ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Một tuyến đường điện hạ thế chạy qua nhiều thửa đất của hàng chục hộ dân, vào một nhà máy. Ban dự án viết giấy gọi các chủ đất đến, tuyên bố thu hồi đất và “ra giá” đền bù lối vài chục mớ rau muống một mét vuông.

Toàn bộ “diễn văn” của ông chủ sự chỉ quan tâm đến 2 yếu tố, vườn nhà nào có cây cao thì đền nhiều “mớ rau muống” hơn, nhà nào cây còn thấp thì nếu lấy tiền về sẽ mua được ít rau muống hơn (giá những thửa đất của dân cư kế cận đó khoảng 2 triệu/m2, giá đền bù dự tính chừng 50.000 đông/m2).

Suốt cuộc họp kéo dài, các nhà chức trách ở đây còn quên luôn việc thông báo cho dân biết danh chính của dự án, ai lãnh đạo, trụ sở ở đâu, trực thuộc cấp nào, số điện thoại để liên hệ cũng không.

Một người dân bức xúc thưa: “Bây giờ tôi muốn hiến đất cho nhà nước cũng không biết tìm ai nữa!”.

Cái “quên” mất văn hóa công sở của các vị này xem ra không nhẹ nhàng chút nào. Tan cuộc họp, ai đi đường nấy xong, coi như tất cả biến vào hư vô! Có thắc mắc cũng chả biết đường nào mà lần.

Chưa hết

Đỉnh cao của cái sự “quên” này nằm ở chỗ khác.

Lúc đó là đầu năm 2008.

Trước đó, bằng bao nhiêu trí tuệ, lao động và vượt qua bao nhiêu trở lực, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công bố Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

Trong Nghị định này, có Điều 41, quy định rõ lộ trình đầu tiên của việc thu hồi đất làm dự án là nhà đầu tư tiến hành thỏa thuận với dân, cùng định giá bồi hoàn cho thấu đáo; sau đó mới triển khai quyết định thu hồi đất.

Dưới đây là nội dung điều 41.

Điều 41. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

1. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo việc cung cấp các văn bản về chính sách, pháp luật, các hồ sơ về thửa đất có liên quan đến việc thoả thuận;

b) Chủ trì việc tiến hành thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất nếu có đề nghị của một hoặc các bên có liên quan;

c) Chỉ đạo việc thực hiện các thủ tục về chuyển nhượng, thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Rõ ràng, các cấp ở Nhơn Trạch “quên” mất tiết b của điểm 1. Họ quên hẳn việc cung cấp hồ sơ, văn bản pháp luật có liên quan trước ngày gọi dân lên “thông báo” và trao quyết định thu hồi đất.

Từ trước chí sau, hoàn toàn không có một cơ hội, một không gian, thời gian nào để người dân TIẾN HÀNH THỎA THUẬN với nhà đầu tư, là bên sắp sử dụng đất như Nghị định 84 quy định cả.

Tất cả đều diễn tiến theo kiểu “Nhà đầu tư đặt đâu, con dân ngồi đấy”.

Khi tôi nhắc nhở đến nội dung Nghị định này, vị chủ tọa lắc đầu rất hồn nhiên “tôi chưa được biết đến điều này”, mặc dù văn bản  này có hiệu lực pháp luật trước đó gần một năm trời.

Vài dòng về cái sự “quên” để ta nhớ được quên là gì? Để ta thấy được sự “cố quên” lợi hại như thế nào.

Hình như triết học cổ có câu: Hạnh phúc lớn nhất của loài người là biết quên…

Vâng, quên đi những gì đáng quên thì tốt.

Nhưng quên những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, để lại hậu quả xấu cho nhân dân thì không hay chút nào.

Trước khi dừng bút, xin có một dòng vừa “gỡ tội” cho “ông” dự án ở Nhơn Trạch, vừa an ủi ông, rằng ba năm qua kể từ khi có Nghị định 84, không phải chỉ “mấy ổng” ở Nhơn Trạch quên nghị định này mà hầu như rất nhiều nơi.

Trong việc thu hồi, giải tỏa đất để làm các dự án, người ta quên mất Nghị định 84 thật rồi…

(còn nữa)

N.H.C

Nguồn: Tamnhin.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn