Lại tiếng Anh (của Bộ Ngoại giao)

GS Nguyễn Văn Tuấn

clip_image002

Nhân đọc một bài về sự cẩu thả trong tiếng Anh tại cột cờ Lũng Cú, tôi chợt nhớ đến tiếng Anh của Bộ Ngoại giao. Mấy tháng trước tôi có chỉ ra sự cẩu thả trong spokesmanspokeswoman, nay thì trang nhà Bộ Ngoại giao đã sửa sai sót đó, nhưng vẫn còn đầy rẫy những sai sót khác. Những sai sót này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và thể diện quốc gia.

Từ tiếng Anh tại cột cờ Lũng Cú

Trong entry về tiếng Anh tại cột cờ Lũng Cú, blogger Mai Thanh Hải chỉ ra rằng chữ “Tỉnh Hà Giang” bị dịch sang tiếng Anh là “Ha Giang Provine” (đúng ra là Ha Giang Province, hay theo tôi thì trang trọng hơn là Province of Ha Giang). Nhưng đọc kỹ dòng chữ khắc trên chân cột cờ tôi còn phát hiện vài điều bất bình thường khác. Xin “vạch lá tìm sâu” vài điểm đó:

clip_image003

Sai chính tả ngay trên tấm bia khẳng định chủ quyền. Nguồn: Blog Mai Thanh Hải

Một là thiếu nhất quán giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Trong phần tiếng Việt, tấm bia viết là “Huyện Đồng Văn – Tỉnh Hà Giang” (huyện trước, tỉnh sau), nhưng trong phần tiếng Anh người ta đảo ngược thứ tự, với tỉnh trước, huyện sau: Ha Giang Provine, Dong Van District. Đó là một sự thiếu nhất quán.

Hai là chữ “NATIONAL FLAG-POLE”. Theo chuẩn tiếng Anh, flagpole là hai từ riêng lẻ, nhưng có thể viết liền (flagpole), hoặc viết rời (flag pole). Không ai viết với cái gạch như cách viết của Việt Nam cả. Thật ra, tôi nghĩ từ National (trong National Flag-Pole) không cần thiết. Cột cờ quốc gia có nghĩa là gì? Đó là cái sai thứ hai, một lần nữa thể hiện tính thiếu cẩn thận.

Thứ ba là thông tin về vị trí. Trong khi các thông tin khác thì viết tiếng Việt và tiếng Anh, nhưng đến thông tin về kinh độ, vĩ độ, và độ cao thì chỉ viết bằng tiếng Việt! Như thế là thiếu nhất quán. Ngay cả viết tiếng Việt cũng khó hiểu. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người biết Đ đằng sau con số kinh độ, hay B đằng sau con số vĩ độ là gì. Tại sao không viết thẳng là ĐôngBắc cho người ta hiểu?

Ở đây, cũng nên nhớ rằng qui ước chung là viết đơn vị đo lường và số cách nhau một khoảng trống. Không nên viết “1488,73m” mà phải viết đúng là “1488,73 m”. Một lần nữa, cẩu thả.

Còn chữ “Well come to Dong Van” thì … miễn bàn. Sai sót quá hiển nhiên.

Cần nói thêm rằng hôm nọ, tôi cũng phát hiện một sai sót tiếng Anh khác trong bia cây số đường Trường Sơn. Nay đến sai sót này. Tôi nghĩ bất cứ cái gì khắc trên bia đá thì phải rất cẩn thận. Bia đá là những cấu trúc có giá trị lâu dài (giống như bia tiến sĩ). Chúng ta cần phải tỏ ra có đầu tư thời gian để làm cho tốt. Cẩn thận trong suy nghĩ và thực hành. Cách thiết kế, phông/kiểu chữ, màu, và nhất là từ ngữ trong bia phải được chọn cẩn thận. Nhưng trong thực tế thì chúng ta thấy sai hết chỗ này đến chỗ khác. Thật đáng tiếc!

…đến tiếng Anh của Bộ Ngoại giao

Nhưng sai sót tiếng Anh tại một tỉnh lẻ thì có thể thông cảm được, còn sai sót tiếng Anh của một Bộ như Bộ Ngoại giao thì mới đáng trách. Cách đây vài tháng, tôi có chỉ ra một sai sót hiển nhiên trong trang nhà của Bộ Ngoại giao về chữ spokesman khi đề cập đến bà Nguyễn Phương Nga. Tôi có đề nghị nên viết trịnh trọng là “Ministry of Foreign Affairs of Viet Nam”. Hôm nay, tôi ghé qua trang nhà thì thấy các đồng chí đã sửa lại. Hoan hô Bộ Ngoại giao!

Nhưng đọc qua một vài chỗ tôi lại phát hiện nhiều sai sót khác. Một số điểm cũng không hẳn là sai sót, mà chỉ là cách hành văn không đúng chuẩn mực tiếng Anh mà thôi. Ở đây, tôi chỉ ra vài sai sót đáng chú ý như sau:

Cần chú ý đến cách viết tên nước. Chúng ta viết “Việt Nam” bằng tiếng Việt, nhưng còn tiếng Anh thì hình như chưa có qui định chung. Có lẽ chính vì thế mà có khi chúng ta viết Vietnam, nhưng có khi lại Viet Nam, Viet nam, hay thậm chí Việt Nam. Tôi chưa biết cách viết nào đúng nhất, nhưng cá nhân tôi vẫn hay viết Vietnam. Nhìn qua trang nhà, tôi thấy các đồng chí trong Bộ chưa nghiêm chỉnh khi viết tên nước. Điển hình là có lúc họ viết:

Viet Nam attends 7th ASEAN People’s Forum 04-05-2011

lại có khi:

Viet-nam's response to the statement by the Acting Deputy Spokesperson of the US Department of State

và ngay dưới đó thì lại viết:

VN sets development example, says ADB President 04-05-2011

Cách viết tắt VN chỉ có người Việt mới hiểu, chứ có bao nhiêu người nước ngoài hiểu. Bộ Ngoại giao mà viết tên nước tùy tiện như thế là rất đáng trách. Tên quốc gia mà viết còn không nghiêm chỉnh tức là mình không tôn trọng mình, vậy thì hỏi ai tôn trọng mình? Không chấp nhận được.

Sai văn phạm. Chắc ai cũng đồng ý rằng Bộ Ngoại giao của một nước 87 triệu dân mà viết sai văn phạm tiếng Anh là rất... khó coi. Có rất nhiều chỗ sai văn phạm trong trang nhà của Bộ Ngoại giao, không thể nào kể ra đầy đủ ở đây. Nhưng có thể lấy vài ví dụ ra để minh chứng. Ngay từ trang đầu của website, có dòng chữ nhảy nhót “Achievement in the protection and the promotion of human rights in Vietnam”. Sai sót ở đây là thừa mạo từ the (trong the promotion). Ngoài ra, đáng lẽ phải là achievements (số nhiều) chứ không phải achievement.

Không biết các bạn thì sao, nhưng tôi rất ghét những trang nhà có những hình ảnh nhảy nhót. Những hình ảnh đó chẳng những làm đau mắt người đọc, mà nó còn cho thấy người chủ trang nhà có tính… trẻ con. Trẻ con hay khoe khoang kỹ xảo làm website bằng những hình ảnh màu mè và gây chú ý. Trang web của Bộ Ngoại giao không nên màu mè trẻ con như thế.

Cách viết thiếu chuẩn mực. Có thể tìm hàng trăm câu văn thiếu chuẩn mực tiếng Anh trong trang nhà của Bộ Ngoại giao.

Ngay cả cách viết ngày tháng mà cũng… sai. Ví dụ như bản tin:

Answer on the conflict between Thailand and Cambodia on April 22nd 2011

Không ai viết ngày tháng tiếng Anh như thế cả. Cách viết chuẩn là:

April 22, 2011

22nd April 2011

22nd April, 2011

22 April 2011

Thật ra, ngay cả cách dùng chữ “Answer” trong tiêu đề cũng không… ngoại giao chút nào. Answer cũng có nghĩa là phát biểu mang tính chống trả lại một vu cáo. Nên nhớ rằng chữ answer cũng có khi hiểu là đánh trả. Do đó, dùng chữ answer trong trường hợp của Bộ Ngoại giao là rất dễ gây hiểu lầm. Ngoài ra, answer on thường dùng trong văn nói, ít ai dùng trong văn viết trịnh trọng. Tiếng Anh có nhiều chữ trang trọng hơn là văn nói như answer để trình bày quan điểm chính thức của một quốc gia.

Văn chương lòng vòng. Đọc qua vài văn bản, tôi có thể nói cách viết tiếng Anh của Bộ Ngoại giao rất khó hiểu. Khó hiểu không phải vì sai văn phạm, hay lệch chuẩn tiếng Anh, mà vì câu văn có khi quá dài dòng. Câu văn dài có lẽ là do người ta dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, nhưng dịch chưa thoát ý. Chúng ta thử đọc qua đoạn văn sau đây:

“Implementing the foreign policy line of independence, self-reliance, peace, cooperation and development and the foreign policy of openness and diversification and multilateralization of international relations, Viet Nam has established diplomatic relations with 178 countries. For the first time in history, Viet Nam is now entertaining normal relations with all major powers and UN Security Council’s Permanent Members. (Herein the directory, readers can find basic information on Viet Nam’s relations with other countries in the world)” (Nguồn: http://www.mofa.gov.vn/en/cn_vakv/#QSlC7kZVDbf7).

Đoạn văn này chỉ có 2 câu văn. Câu thứ nhất có 34 từ. Câu thứ hai có 41 từ. Câu văn dài như thế là “đại kỵ” trong viết tiếng Anh. Câu văn dài rất phức tạp và làm cho người đọc khó hiểu. Thật vậy, câu văn đầu có đến 4 liên từ and! Cách viết này chứng tỏ người viết hoặc là “tham vọng” dồn nhiều ý tưởng trong một câu văn, hoặc là lúng túng không biết mình viết gì. Khái niệm independence (độc lập) và self-reliance (tự lực) thật ra có khác gì nhiều đâu! Tôi tưởng rằng international relations thì phải là đa phương rồi, vậy thì từ multilateralization có cần không? Chưa thấy ai viết entertaining normal relations! Lưu ý rằng entertaining thường sử dụng trong văn nói (chẳng hạn như tôi hay nói trong hội nghị: Today, I am going to entertain a topic …) chứ ít ai viết trong văn bản ngoại giao.

Trong câu trên, người viết dùng từ herein sai. Herein có nghĩa tiếng Anh là in here (và tiếng Việt có nghĩa là ở đây, ví dụ: Our analyses suggest that alendronate usage, as herein described …). Trong bối cảnh câu văn trên herein có nghĩa là trong tài liệu này. Do đó, viết Herein the directory là thừa – thừa cụm từ the directory.

Chỉ một câu ngắn như trên mà đã có quá nhiều vấn đề. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi nhiều văn bản khác cũng được soạn với một văn phong rất bí hiểm, và rất… Việt Nam. Có thể xem đoạn văn trên đây như là một minh chứng. Theo tôi, toàn bộ những đoạn văn trên đây cần phải viết lại.

Tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Vì thế việc vài cá nhân sai sót trong tiếng Anh là chuyện… bình thường. Ngay cả nhiều người ở ngoài này cả mấy mươi năm, làm việc trong môi trường nói và viết tiếng Anh (như người viết bài này) mà vẫn thỉnh thoảng viết sai tiếng Anh. Nhân vô thập toàn. Nhưng một Bộ Ngoại giao đại diện cho một quốc gia 87 triệu dân mà viết sai tiếng Anh thì đó là điều cần bàn. Ở đây, không phải chỉ sai vài chỗ hay sai sót ngẫu nhiên, mà là sai có hệ thống. Sai từ những điểm nhỏ nhất như đánh vần, cách viết ngày tháng, cách viết tên nước, đến sai về văn phạm, và quan trọng nhất là văn phong rất thiếu chuẩn mực. Tại sao Bộ Ngoại giao không mướn hẳn một người ngoại quốc nói tiếng Anh biên tập những văn bản ngoại giao và trang web? Đài VTV làm được thì không có lí do gì Bộ Ngoại giao không làm được.

Mấy năm gần đây, xuất hiện một "bệnh", tạm gọi là bệnh hời hợt và cẩu thả. Một dự án tốn gần 40 tỉ USD mà chỉ được giải trình trong một tài liệu không đầy 40 trang. Phát biểu về tương lai kinh tế quốc gia mà chỉ dựa vào tính toán trên... Excel. Còn trong thực tế thì hình như đụng đến đâu cũng có vấn đề ở đó. Đường sá làm mới xong đã có vấn đề. Building mới xây đã nứt. Những hố tử thần ai cũng thấy, nhưng phải chờ đến cả tháng trời mới được khắc phục (sau khi vài người đã bỏ mạng!). Thế mới biết bệnh hời hợt và cẩu thả có ảnh hưởng rất lớn chẳng những đến nền kinh tế, mà còn gây thiệt mạng cho người dân. Nhưng hời hợt và cẩu thả trong văn bản ngoại giao thì có lẽ ảnh hưởng còn lớn hơn: thể diện quốc gia.

Đây không phải là vấn đề sai về cách chọn hay sử dụng từ, mà còn ảnh hưởng đến ý nghĩa của phát biểu. Dùng từ sai có thể gây ra hiểu lầm cho người đọc, và nếu đó là văn bản ngoại giao thì hiểu lầm có thể gây ra nhiều hệ quả phiền phức. Khổng Tử từng nói (và tôi tạm dịch): “Nếu ngôn ngữ không đúng, thì những gì nói ra sẽ không phản ảnh chính xác ý của người nói; nếu ý của người nói không được phản ảnh chính xác, thì những gì cần phải làm sẽ không thực hiện được; và những gì không thực hiện được đạo đức và nghệ thuật sẽ suy đồi”. Nhìn từ góc độ đó, vấn đề tiếng Anh trong website Bộ Ngoại giao không phải là vấn đề cười được, vì nó ảnh hưởng đến thể diện quốc gia.

N. V. T.

Nguồn: nguyenvantuan.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn