Lịch sử Trung Quốc không phản ánh thực tế chút nào

Philip Browning, Asia Sentinent, Ngày 6 tháng Sáu 2011

Việc Trung Quốc bóp méo lịch sử để tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và các hải đảo đang bị báo chí quốc tế lên án. Xin giới thiệu bài tiểu luận sau đây liên quan đến tin tức TQ sẽ đặt tên chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình là Thi Lang, một tướng nhà Thanh đã có công chiếm đảo Đài Loan vào thế kỷ 17, một tín hiệu đe dọa không những gửi đến đảo quốc này mà còn nhắm đến các nước có sắc dân Mã Lai/Nam đảo như Philippines, Indonesia và Malaysia.

Bauxite Việt Nam

Ở Cuộc Đối thoại Shangri-La thường niên giữa các bộ trưởng quốc phòng và giới chức quân sự cao cấp châu Á và Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã tuyên bố rằng chính sách “vươn dậy hòa bình” của nước ông vẫn còn nguyên vẹn, một lời tuyên bố bất chấp cả một số vụ đụng độ có chứng cớ với Việt Nam và Philippines chỉ vài ngày trước đó.

Thật vậy, các đồng nhiệm của ông từ Việt Nam và Philippines có mặt hôm đó đã phơi bày lời tuyên bố của họ Lương dưới một ánh sáng bất đồng. Trong khi đó ở một nơi khác, hằng trăm người biểu tình đã đổ về Đại sứ quán TQ tại Việt Nam vào hôm Chủ nhật để phản đối một vụ việc trong đó một tàu TQ bị cho là đã cố tình cắt cáp ngầm của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam đang tiến hành các cuộc thăm dò địa chấn. Philippines cũng lên án TQ đã xây nhiều đồn bót trên những đảo đá ngầm mà Manila tuyên bố chủ quyền.

Niềm tin mà các nước trong khu vực đặt vào “sự vươn dậy hòa bình của TQ” đã bị xói mòn nghiêm trọng trong năm vừa qua do một loạt vụ việc gồm các xung đột với Ấn Độ và Nhật Bản cũng như về Biển Đông, và do sự thành công rõ rệt của TQ trong việc tiến tới làm chủ những hệ thống vũ khí, mà trong đó có một số vũ khí trên nguyên tắt là có thể đối địch lại với vũ khí của Mỹ và của Nga. Một số trong những hệ thống vũ khí ấy phải được coi là những tài sản chiến lược có thể được sử dụng giới hạn cho các cuộc xung đột có tính địa phương. Nhưng một tài sản mới mẻ, vừa làm chức năng của một lời tuyên bố với toàn cầu vừa có tiềm năng đe dọa các nước lân cận, sắp sửa đi vào đấu trường với mưu đồ viết lại lịch sử, một thứ lịch sử không luôn luôn phù hợp với sự thật.

Đó là chiếc tàu sân bay đầu tiên của TQ, một con quái vật khổng lồ nặng 67 ngàn tấn, ban đầu là một chiếc tàu đóng dở của Liên Xô và về sau được Ukraine bán lại cho TQ năm 1998. Tin tức cho biết rằng chiếc tàu sân bay này sẽ đi vào hoạt động năm nay và đặt căn cứ tại một cảng ở miền nam TQ với một phi đội gồm 50 máy bay – và các phi công đang tập đáp xuống và cất cánh trên sàng tự chế (improvised platform) và những tàu sân bay hết hoạt động (de-commissioned) [có lẽ mua lại của nước khác, DG].

Nhưng không phải chỉ sức mạnh của chiếc tàu này khiến các nước láng giềng phải giật mình – những nước này vốn đã [hoài nghi] lo ngại về khả năng và ý chí của chính phủ Mỹ trong việc duy trì một hạm đội Thái Bình Dương ở mức độ có thể bảo đảm với các đồng minh rằng Mỹ vẫn tiếp tục giữ thế khống chế trong khu vực. Thậm chí cái tên của chiếc mẫu hạm này cũng mang theo một sự đe dọa.

Tất cả tin tức cho đến nay tiết lộ rằng chiếc tàu sân bay sẽ được đặt tên là “Thi Lang”. Đây là tên của vị tướng theo phò nhà Thanh khi vương triều này vừa mới được thành lập, đã chiếm Đài Loan năm 1683, và đánh thắng tướng nhà Minh là Trịnh Thành Công. Trước đó, Trịnh Thành Công đã chạy ra Đài Loan để tránh nhà Thanh, một hành động đã đẩy người Hoà Lan ra khỏi đảo năm 1662 và thành lập một tiểu quốc gần địa phận Đài Nam bây giờ.

Như vậy Thi Lang là người đầu tiên trong lịch sử đã sáp nhập Đài Loan vào đế quốc Trung Hoa. Sự kiện Thi Lang chiến đấu để phục vụ quân xâm lược Mãn Châu, một thế lực đã tiêu diệt đế chế nhà Minh chỉ vài năm trước đó, được lặng lẽ bỏ quên.

Việc sử dụng tên tướng Thi Lang có dụng ý rất rõ là để gửi một thông điệp đến Đài Loan về số phận sau cùng của đảo quốc này – được tái sáp nhập với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – và để gây ấn tượng với người dân trong nước về tầm quan trọng mà các lãnh đạo không mấy tự tin của TQ đã dành cho việc chiếm lại Đài Loan.

Nhưng, việc này cũng gửi một thông điệp đến Đông Nam Á về sự bành trướng mà đế quốc Trung Hoa đã thực hiện kể từ cuộc xâm chiếm của người Mãn Châu – sáp nhập lãnh thổ Mãn Châu và phần lớn đất Mông Cổ, vào đế quốc Trung Hoa, chiếm Đài Loan và, kể từ 1949, định cư đông đảo người Hán tại các vùng đất do các dân tộc phi-Hán chiếm đóng lâu đời qua lịch sử – như người Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ, Tây Tạng, vân vân. Câu chuyện Tướng Thi Lang chinh phục đảo Đài Loan đặc biệt có ý nghĩa đối với 350 triệu người Philippines, Indonesia và Malaysia.

Vào thời điểm Thi Lang đem quân qua chiếm đóng Đài Loan, người Hán Hoa là một thiểu số nhỏ bé trong dân số của vùng này, lúc bấy giờ gồm có nhiều nhóm sắc dân Mã Lai-Đa đảo nói tiếng Nam đảo – tức là những sắc dân liên hệ gần gũi với các sắc dân ở Bắc Luzon và liên hệ ít nhiều với các sắc dân tại Malaysia và Indonesia ngày nay. Sự kiện những giống dân nói tiếng Nam đảo này, những giống dân sau khi rời đảo Đài Loan đã tràn về phương nam, vốn phát xuất từ lục địa châu Á không làm cho họ trở thành người Trung Hoa. Thật vậy, hiện nay họ không nằm trong những dân tộc ít người của TQ, gần gũi nhất có lẽ là những kẻ còn sót lại của dân tộc Chăm, một dân tộc đã từng ngự trị ở miền Trung Việt Nam cho đến thế kỷ 15.

Cho đến thế kỷ ấy, các đế chế Trung Hoa chưa tỏ ra có ý định sáp nhập Đài Loan và đã thật tình tìm cách ngăn cản bất cứ một cuộc di dân nào từ Phúc Kiến ra đảo đó hay đi đến các vùng Đông Nam Á. Cuộc di dân đáng kể của người Hán chỉ bắt đầu với việc người Hoà Lan khuyến khích dân buôn và dân đến định cư trồng lúa và đường tại Đài Loan.

Tiến trình này đã diễn ra nhanh hơn sau khi Thi Lang chiếm Đài Loan khiến người bản địa, vốn phân tán thành bộ lạc và lạc hậu hơn về phương thức canh tác, bị buộc rút lui vào các vùng đồi núi hay hợp hôn với những người mới đến. Đó là một tiến trình tuần tự lâu dài nhưng mãi cho đến thế kỷ 19 người Hán vẫn chưa trở thành đa số. Hiện nay số thổ dân Đài Loan còn có thể nói thổ ngữ Nam đảo chiếm khoảng 2% trong dân số 23 triệu của Đài Loan.

Thổ dân Đài Loan không thể tháo bỏ lịch sử, cũng như người Da Đỏ tại Mỹ không thể quay chiếc kim đồng hồ lịch sử về lại 200 trước. Tuy nhiên, cái tên Thi Lang sẽ thường xuyên nhắc nhở các dân tộc Mã Lai (theo nghĩa rộng) về chiến bại của họ tại Đài Loan dưới bàn tay của một TQ bành trướng, làm tăng thêm nỗi sợ hãi của họ về tham vọng khống chế toàn Biển Đông và các hải đảo, đến tận lãnh hải nước họ và bất chấp cả các thềm lục địa thường dùng để phân định khu đặc quyền kinh tế. Trong vụ tấn công gần đây nhất của TQ nhắm vào một tàu thăm dò địa chấn Việt Nam [Bình Minh 2], sự cố đã diễn ra ở một địa điểm chỉ cách duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam 120 hải lý.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng kèm theo những tuyên bố chủ quyền của mình những tư liệu của một lịch sử có giá tri như bộ đại tự điển của Stalin, như việc TQ đánh bóng các thành viên bộ chính trị từng bị thất sủng hay như cách họ giải thích Khổng Tử để phục vụ mục đích chính trị từng thời. Bằng chứng lịch sử gần đây cho thấy rất rõ ràng Đài Loan chưa bao giờ là một bộ phận của thực thể chính trị Trung Hoa “từ thời tiền sử” và đảo quốc này gần như là một phần đất bị sáp nhập sau cùng vào đế quốc Trung Hoa.

Còn về những tuyên bố chủ quyền của TQ tại Biển Đông và các hải đảo căn cứ trên các lần ghé lại của ngư dân Trung Hoa, chính phủ TQ đã phớt lờ sự kiện lịch sử là, sinh hoạt thương mại trong vùng biển đó, vào trong và xuyên qua Ấn Độ Dương được tiến hành do những thuyền bè và các đoàn thủy thủ Mã Lai cả hàng trăm năm trước khi dân biển và dân buôn Trung Hoa dám mạo hiểm đi xa bờ. Những tu sĩ Phật giáo Trung Hoa đến Tích Lan (Sri Lanka) hành hương trên những chiếc thuyền Mã Lai đi qua Java hoặc Sumatra. Khoảng 2000 năm trước, các thương gia La Mã đã mang về nước các sản phẩm gia vị đảo từ miền nam Ấn Độ – chính các thủy thủ Mã Lai và Ấn Độ đã chuyên chở các sản phẩm ấy đến đó. Cũng vào thời điểm này, sắc dân Mã Lai đã vượt nam Ấn Độ Dương trên những chiếc thuyền dài 20 mét có móc chèo, đến định cư tại đảo Madagascar khổng lồ và còn để lại nhiều dấu tích tại châu Phi. Thậm chí ngày nay, sau các đợt di dân đến từ châu Phi, Arabia và Ấn Độ, trong tổng hợp huyết hệ (gene pool) của Madagascar có đến 50 phần trăm của giống thuộc ngôn ngữ Nam đảo và ngôn ngữ này chiếm đến 80 phần trăm.

Những quốc gia ngày nay có tiền thân là những đoàn người đi biển, đi di cư và buôn bán thuộc sắc dân Mã Lai thiếu hẳn những văn kiện ghi lại lịch sử của mình – đây là điều họ khác với người Trung Hoa. Phần lớn giới tinh anh tại các nước đó cũng không ý thức được phần lịch sử của họ trước khi có sự xâm nhập của Hồi giáo và, không lâu  sau đó, của các thương gia và bọn đế quốc châu Âu. Nhưng những tiến bộ trong ngành khảo cổ, di truyền học và các khoa học khác – những ngành khảo cứu có thể bù đắp các khoảng hở trong lịch sử thành văn – đang bắt đầu làm cho sắc dân Mã Lai nói chung ý thức rõ ràng hơn về quá khứ của mình và về quyền lợi của mình nhằm thách đố lại những tuyên bố chủ quyền của TQ và chống lại sự bành trướng thêm nữa của người Hán vào vùng Đông Nam Á.

Tàu sân bay Thi Lang chắc chắn sẽ tăng cường ý thức ấy hơn nữa. Trong khi đó một ngọn triều diễn ra thuận lợi cho cho các quốc gia thuộc sắc dân Mã Lai/Nam đảo, một ngọn triều cuối cùng có thể quan trọng hơn vũ khí – đó là dân số. Dân số Hán Hoa, từ lâu vốn là động cơ chính thúc đẩy sự bành trướng của nước Trung Hoa, không còn tăng thêm được nữa. Trong khi đó dân số thuộc giống Mã Lai và Nam đảo vẫn còn gia tăng.

P. B.

Nguồn: Asia Sentinel, June 6, 2011

Trần Ngọc Cư dịch

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn