Yêu nước không chỉ riêng ai

Đỗ Trung Quân

clip_image001

Nhân bài viết trao đổi thêm với cá nhân tôi của anh Văn Ngọc Trà… Xin có đôi lời thưa lại cùng anh.

Các nhân vật mà tôi được hân hạnh xuất hiện cùng họ trong ngày 5 tháng 6 vừa qua vì lý do gì không xuất hiện sau đó, tôi tất nhiên không được phép trả lời thay. Phần lên tiếng hay không tùy thuộc quyền cá nhân của các vị ấy. [Ông Lê Hiếu Đằng vẫn xuất hiện trên mạng với những quan điểm đúng đắn và quyết liệt, nếu chúng ta vẫn theo dõi trên các Web và đài ngoài nước như Ba Sàm, RFI].

Riêng cá nhân tôi xin thưa lại như sau. Nhưng trước tiên phải có lời xin lỗi đã gây ngộ nhận với anh hay nhiều người khác trong entry ngắn “Tại sao Sài Gòn vắng lặng sau 3 tuần  xuống đường tôi chọn thể loại giễu nhại thông qua lời kể cũng giễu nhại của một người bạn Hà Nội. Nghĩa là như một tiểu phẩm hài hước. Nó có thể đúng, có thể thiếu lý lẽ. Có thể mở ra những cửa ngõ khác để phản biện trở lại. Nhưng dù gì, khi đã gây ngộ nhận thì  xin một lời thể tất. Tác giả đã đùa không đúng vào thời điểm cần nghiêm chỉnh.

Nhân đây cũng xin trở lại một vài chuyện đã cũ. Có móc túi trong đoàn tuần hành hay không? Nếu chọn đoàn biểu tình để trà trộn móc túi những kẻ đấy ăn gan trời bởi lẽ công an chìm nổi đầy rẫy, kẻ gian nào dám chường mặt để thò tay vào túi ông… an ninh chìm thường phục [biết đâu trúng nhằm  túi ông ấy]. Vậy theo lô-gic là: không thể có kẻ cắp. Nhưng kẻ cắp vẫn có thể yêu nước và khi đã xuống đường cùng thể hiện lòng yêu nước, kẻ cắp ấy chắc chắn sẽ không thò tay vào túi ai cả. Kẻ cắp ấy trong trường hợp này, thật đáng kính trọng. Vậy “con ông cháu cha” có thể cùng xuống đường không? Tại sao không? Lòng yêu nước không độc quyền cho tầng lớp nào và cứ hễ là con ông cháu cha thì không “ lộn ruột”  trước thực trạng  giặc cướp rình rập ngoài cửa nhà mình? Có những vấn đề con cãi cha mẹ là chuyện thường tình bất kể gia cảnh. Nếu có ai đó là con ông cháu cha không thể bước xuống lòng đường, chỉ ngồi bên lề đường để nghiến răng nhìn bạn bè đồng lứa vung cao nắm tay cũng là điều đáng trân trọng. Tôi có mơ mộng không? Có thể – nhưng tôi tin thế.

Phần tôi.

Tôi quan niệm biểu tình là sự bày tỏ một thái độ, nó là việc hoàn toàn tự nguyện của mỗi cá nhân. Việc chống ngoại xâm phương Bắc là chuyện nghìn  năm không chỉ một ngày một bữa. Sẽ thật ấu trĩ nếu tôi đòi hỏi các cụ Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Huệ Chi và các vị nhân sĩ, trí thức, v.v. đã từng tham dự tuần hành từ nay, mỗi cuối tuần phải có mặt để xuống đường, ai vắng mặt sẽ đồng nghĩa với “đầu hàng, thỏa hiệp hay bị định hướng”, v.v. Tôi hoàn toàn không cho rằng những ai không xuống đường, không tuần hành, là không yêu nước bởi lẽ yêu nước có nhiều cách bày tỏ khác nhau. Như đã nói, trước nay tôi vẫn tôn trọng những người vắng mặt vì những lý do riêng của mình.

Cá nhân tôi cũng mỗi ngày lắng nghe động thái đối ngoại của nhà nước và động thái phản ứng của phía Trung Quốc trong từng hành động của họ. Nếu động thái ngoại giao nhà nước Việt Nam đã thực hiện không giống thực tế với những đáp trả Việt Nam từ phía Trung Quốc, chủ quyền, tài sản và sinh mạng ngư dân Việt nam vẫn tiếp tục bị đe dọa, thì khi ấy chắc chắn không riêng ai, không riêng tôi. Mọi người sẽ lại tiếp tục phản ứng với cái gọi là hiểm họa phương Bắc.

Vài dòng chúc anh vui khỏe.

Đ. T. Q.

Nguồn: http://basam1.wordpress.com/

-----------------------------------------------

Nói thêm với nhà thơ Đỗ Trung Quân

Văn Ngọc Trà

clip_image002

Chúa nhật 19/6/2011, tôi ra khu vực nhà thờ Đức Bà. Chuẩn bị tư trang kỹ hơn các lần trước.  Nhưng lại hụt hẫng. Ngồi chờ đến trưa , buồn quá, về.

Về nhà, lên mạng, thấy ảnh TS Diện cầm lá cờ với lời chú thích: Sài Gòn, Hà Nội vẫy gọi, càng buồn hơn. Và tôi cũng đã suy nghĩ:  Tại sao Hà Nội có lần 3 mà Sài gòn lại không.

Lý do chính, theo tôi, là ở Sài Gòn không có những thủ lĩnh tinh thần. Đó là những vị trí thức có uy tín trong xã hội.

Lần 1 ngày 5/6/2011, Sài Gòn biểu tình rất khí thế. Đây là thành công của cả một tập thể. Đúng.  Nhưng không thể không kể đến vai trò cá nhân của các vị  có mặt trong bức ảnh, (trong đó có cả anh Quân). Tôi rất vui và cũng rất bất ngờ khi đọc bài: “Cuộc đối thoại…” của anh.

Nhưng đến lần 2, các vị trên không xuất hiện nữa. Số lượng giảm đã đành, nhưng chất lượng cũng không bằng đợt 1. Hà Nội thì khác, lần 2 khí thế hơn lần 1. Đặc biệt, các thủ lĩnh tinh thần càng ngày càng nhiều. Còn ở Sài Gòn thì lần 2 đã bộc lộ những yếu kém trong khâu tổ chức rồi. 

Lý do mà ở Hà Nội có lần 3, ngoài quần chúng, phải kể đến sự xuất hiện của các vị trí thức có uy tín  như bác Huệ Chi, bác Hiển, bác Chu Hảo, bác Xuân Nguyên, và một vài vị nữa…, và các blogger như bác Nhương, anh Ba Sàm, A. Tạo , A. Xuân Diện… (tôi không nhớ hết).

Hà nội có lần 3, còn Sài Gòn thì không. Lý do theo như A. Quân nói thì chưa hẳn. Bởi lực lượng con ông cháu cha thực tế tham gia xuống đường không nhiều.

Chắc anh còn nhớ, ở Sài Gòn lần 1 ngày 5/6/2011, lực lượng biểu tình bị chia làm 2. Một trụ lại trước LSQ Trung Quốc liên tục hô vang khẩu hiệu đả đảo Trung Quốc, nhóm còn lại tuần hành khắp Sài Gòn. Khi nhóm 2 đi một vòng định quay trở lại LSQ. Khi nhóm 2 còn cách LSQ một đoạn khá xa, tôi ở nhóm 1, chưa thấy người ở nhóm 2, chỉ thấy lá cờ giương cao và những âm thanh đi trước.  Nhóm 1 hô vang về rồi, về rồi và reo vang náo nhiệt. Khí thế hừng hực hẳn lên.

Một vài suy nghĩ nhỏ, mạnh dạn trao đổi với anh qua blog của Bọ Lập.

Sài Gòn vẫn kiên cường bất khuất, Sài Gòn như dông như bão.  Nhất định  Sài Gòn sẽ đi cùng Hà Nội trong cuộc chiến giữ chủ quyền đất nước, kiên quyết chặn đứng mọi âm mưu  xâm lược của bọn bá quyền Trung quốc.

Nhưng tôi cũng rất boăn khoăn, tại sao không một vị nào có mặt trong bức ảnh lần 1, tham gia biểu tình lần 2.  Chẳng lẽ, các vị ấy cũng bị định hướng?

V. N. T

Nguồn: quechoa.info

----------------------------------------------

Tại sao Sài Gòn vắng lặng sau 3 tuần xuống đường \?

Đỗ Trung Quân

clip_image003

Ông bạn dân Hà Nội chính hiệu, hỏi: “Anh có biết làm toán không?”. Trả lời: “Toán thì tôi đại dốt, biết mỗi GS Ngô Bảo Châu, còn cái bổ đề gì đấy thì chịu”.

Bạn bảo: “Vậy thì nghe đây. Hà Nội có khoảng hơn 100 Ủy viên trung ương. Mỗi vị bình quân có 2 thằng [hay 2 con]. Nhân lên thử xem có bao nhiêu đứa đang phất phơ ngoài phố [đã có trừ ra những đứa đi học, ở nước ngoài]. Thêm khoảng 40 Bộ. Mỗi vị trong Bộ lại có chừng ấy đứa đang phất phơ, tung tăng ngoài đường [đã trừ ra những đứa ở nước ngoài]. Lại thêm bao nhiêu Thứ trưởng con cái cũng tương tự, nhân lên thử coi.

Bình thường thì dân Hà Nội vốn đã có máu “bật”,  hở tí là “bật”  liền. Bật gặp bật thì cười với nhau một phát cho êm. Lẽ đời là thế. Nên biểu tình: Êm!

Nếu Hà Nội xuống đường thì có bao nhiêu đứa như vừa kể cùng đi [đã trừ ra nhân sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức và sinh viên]. An ninh lỡ dại hung hăng xông vào, nó chỉ hỏi: “ Mày còn muốn đứng ở đây không?”. Xong!

Sài Gòn thì khác, ngoài các tiểu đại gia hay “xuống đường” hàng ngày với xe hơi hàng khủng và chân dài, [tất nhiên chả thấy ai đi biều tình. Dù thế cũng không thể hàm hồ nói họ không yêu nước] còn lại là sinh viên, con cái gia đình tiểu thị dân, chả có con ông cháu cha nào phất phơ ra đấy. Các vị an ninh có thể an tâm thi triển võ công.

Xong.

Đ. T. Q.
Nguồn
: http://quechoa.info

--------------------------------------------

Viết sau ngày 5-6

Đỗ Trung Quân

Đôi lời [của ABS]: Tiếp tục có những bài viết hay về cái ngày 5-6-2011 đã đi vào lịch sử. Độc giả LP mới gửi email: Bài của nhà thơ Đỗ Trung Quân và cho biết “Cháu thấy bài này trên Facebook nên gởi cho Chú. Bên blog của nhà thơ hình như vẫn chưa đăng”.

clip_image004

Ảnh (Nhà báo Nguyễn Quốc Thái gửi từ Sài Gòn cho Ba Sàm. Người chụp: Cao Lập): Từ trái qua: Đình Vượng, Vương Đình Chữ, cụ Nguyễn Đình Đầu, cựu “quan chức” Mặt trận Tổ quốc Lê Hiếu Đằng, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà báo Nguyễn Quốc Thái, cô Trần Tử Vân Anh, André Menras Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm - có thể khác tuổi tác, tôn giáo, dân tộc, quá khứ, thậm chí cả chính kiến… nhưng cùng chung một tình yêu đất nước.

Viết sau ngày 5-6

Đợi mọi cảm xúc lắng xuống. Bây giờ mới có thể ghi lại vài cảm nghĩ của buổi sáng 5- 6-2011.

Cuộc tuần hành lừng lẫy của thanh niên Sài Gòn – Hà Nội. Tôi đi cùng những người lớn tuổi, cụ GS sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu và nhân vật không xa lạ với phong trào đấu tranh đô thị trước 1975 - Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Cao Lập… Để bày tỏ thái độ trước nguy cơ ngoại xâm thì tuần hành hay chỉ đứng tham gia trong đám đông, thì già hay trẻ, dù hét to những khẩu hiệu hay chỉ giơ cao nắm tay nó cũng cùng đều chung mục đích vì Tổ quốc . Nó không như một nhận định hỗn xược với lời lẽ chợ búa, thiếu văn hóa của một Blogger còn trẻ [chắc chắn tuổi tác còn chưa ngang bằng với con cái của giáo sư] gọi họ là những lão già đi “sô hang”.

Cụ Nguyễn Đình Đầu, nhà sử học, trí thức 92 tuổi và những nhân vật đứng đắn hẳn không chấp thứ ngôn ngữ chợ búa ấy [vì thế, tôi không nhất thiết dẫn đường link ở đây].

Tháng 6- 2008

Khi còn lưu trú tại Hoa Kỳ nơi nhà của một người bạn vong niên, dịch giả Hoàng Ngọc Biên, tôi xem cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh băng qua Sài Gòn – Việt Nam qua truyền hình VTV 4, khi mà hình ảnh Hoàng Sa – Trường Sa vẫn in rõ thuộc về Trung Quốc trong những áp- phích Olympic của Bắc Kinh!!! Cảm giác thật não nề.

Về lại Sài Gòn. Cuộc biểu tình không lâu sau đó nổ ra. Trước đó ngành Văn hóa Thông tin đã phải gỡ những banner có nội dung chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh khỏi nội dung tuyên truyền trên đường phố “Dân ta thuộc Sử ta” treo gần Lãnh sự quán Trung Quốc - ngã tư Phạm Ngọc Thạch - vì một lệnh từ đâu ai cũng có thể đoán được. Những banner chống Pháp – Mỹ được cho phép giữ lại. Lịch sử là lịch sử. Sự ngạo mạn của các “Thái thú” ngày càng lộ liễu và sự nhu nhược nhân danh “tình Hữu nghị – Hòa bình – ổn định” cũng lộ liễu theo.

Cuộc biểu tình bùng nổ. Những “Thái thú” mới ngạo nghễ mở cửa sổ khoanh tay theo dõi cuộc biểu tình bị ngăn chận từ lực lượng quân sự và công an Việt Nam. Nhiều người trẻ tham gia bị bắt bớ với nhiều lý do khác nhau. Đấy là chuyện của 3 năm trước.

Hôm nay

Những ai đã rời cây súng chẳng bao giờ muốn cầm lên nữa trừ một điều duy nhất: Tổ quốc bị lấn át, uy hiếp. Hải đảo, sinh mệnh đồng bào trên biển ngày càng bị đe dọa thì thái độ công dân là không cần ai kêu gọi hay tổ chức. “Ổn định chính trị” như cách nói của nhà cầm quyền phải được hiểu là an dân. Khi lòng dân không an thì cái ổn định vô nghĩa.

Chọn xuống đường cùng những người tuổi trẻ hôm nay hẳn những người từng vào sinh ra tử như những nhân vật được kể tên ở trên không những chỉ gặp lại tuổi trẻ chính mình mà còn là thái độ chia sẻ tình cảm đồng bào.Thật kinh ngạc khi có những người nắm trọng trách, người thầy ở cương vị cao trong ngành lại xuất hiện yêu cầu sinh viên, những học trò mình giải tán. Giải tán có nghĩa là đừng yêu nước theo cách của mình, phải chờ “yêu nước” theo cách của họ, khi được… cho phép [!!!]. Một nền giáo dục như thế, những người trẻ hôm nay còn trông mong được giảng dạy điều gì về đất nước?

Nền giáo dục ấy chính nó sản sinh ra những con người tuổi đời còn trẻ nhưng đủ trâng tráo gọi cuộc tuần hành biểu dương tinh thần Việt Nam trước đe dọa ngoại xâm, trước sự có mặt của những nhân sĩ, trí thức và kể cả những người từng là cán bộ của chế độ nhưng đầy đủ lòng tự trong dân tộc là cuộc “sô hang”.

Sự vô liêm sỉ ấy không có gì khó hiểu.

“Hàng chục năm nay chúng ta mơ ước xây dựng thành công con người mới xã hội chủ nghĩa. Thật khủng khiếp thay! Chúng ta đã… thành công!”.

Một câu nhận định hài hước chua chát được truyền khẩu.

Và những kẻ hỗn xược ấy chính là sự “thành công khủng khiếp!” .

Đ. T. Q.
Nguồn:
anhbasam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn