Việc Trung Quốc xâm lấn Trường Sa chỉ làm suy yếu thêm lập trường của họ

Bernice Camille V. Bauzon

264064_243802988965842_100000084275576_1055162_7934229_nViệc Trung Quốc (TQ) từ chối đưa cuộc tranh chấp chủ quyền của mình với Philippines và các nước Đông Nam Á ra trước Toà án Quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật biển (ITLOS) có thể làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của TQ trên quần đảo mà nhiều nước tranh chấp là Trường Sa, Bộ trưởng Ngọai giao Philippines Albert del Rosario tuyên bố vào hôm thứ Tư.

Del Rosario phát biểu như trên sau khi Bộ Ngọai giao TQ bác bỏ đề nghị của Manila đòi đưa vấn đề Biển Đông ra trước một toà án quốc tế về luật biển.

“Việc Trung Quốc không muốn chấp nhận đề nghị của Philippines để đưa cuộc tranh chấp của họ ra trước Tòa án Quốc tế về Luật biển có thể dẫn đến kết luận rằng TQ không thể chứng minh được lập trường của mình theo tinh thần Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”, ông del Rosario nói.

Đặt trụ sở tại thành phố Hamburg của Đức, tòa án này là một cơ quan pháp lý độc lập được UNCLOS thiết lập để giải quyết các cuộc tranh chấp.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines có mặt tại Bắc Kinh từ ngày 7 đến ngày 8 tháng Bảy để thảo luận những căng thẳng đang leo thang trong những vùng tranh chấp tại Biển Đông, đặc biệt trong vùng đảo Trường Sa mà người ta cho là có nhiều dầu khí.

Del Rosario đưa đề nghị đem cuộc tranh chấp lãnh thổ ra trước ITLOS, nhưng đồng thời ông cũng nói rằng ông không nghĩ là sẽ “có một hồi đáp [từ phía TQ]”.

Cuộc họp giữa ông del Rosario và các viên chức cấp cao của Bắc Kinh diễn ra trong lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy TQ đang gia tăng hoạt động quân sự trong vùng biển tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ, ông Hồng Lỗi, hôm thứ hai khẳng định rằng TQ tiếp tục đẩy mạnh thương thuyết song phương về cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước có tuyên bố chủ quyền, gồm Brunei Darussalam, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.

Ông Hồng Lỗi thêm rằng, cuộc tranh chấp phải được dàn xếp theo “luật pháp quốc tế được mọi người nhìn nhận”.

Ông del Rosario kêu gọi mọi quốc gia có tuyên bố chủ quyền phải tuân theo một chế độ dựa vào luật lệ (a rules-based regime), đặc biệt dựa vào các điều khoản của UNCLOS và Tuyên bố 2002 về Qui tắc Ứng xử giữa TQ và ASEAN.

Ông thúc đẩy các nước này tổ chức các cuộc đàm phán đa phương nhưng TQ cương quyết không nói chuyện với ASEAN như một khối.

Trước đó Manila đã phản đối 9 lượt xâm nhập mà TQ thực hiện trong khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, một vi phạm mà Bắc Kinh từ chối.

Những cuộc xâm nhập này gồm việc nả đạn vào các ngư dân Philippines và bắt nạt họ tại vòng đảo san hô Quirino và Bãi Reed, cũng như xây các đồn bót và phao nổi gần Bãi Amy Douglas.

TQ cho rằng việc họ gia tăng hoạt động quân sự trong vùng này là không có gì bất bình thường, một khi đã tuyên bố chủ quyền trên toàn Biển Đông.

Nhưng del Rosario gọi phản ứng của Bắc Kinh là “không thể chấp nhận”, đồng thời lặp lại chủ quyền của Manila trên phần đảo Trường Sa mà họ tuyên bố là của họ.

TQ nhìn nhận đã đưa ra “tuyên bố chủ quyền [lớn nhất] lịch sử”, tạo thành một diện tích hình chữ U rộng lớn trùm phủ lên toàn Biển Đông, tổng cộng 1,7 triệu ki-lô mét vuông.

Nguồn: Manila Times, July 13, 2011

Trần Ngọc Cư dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn