Hộ khẩu, dân công và đào tạo

Nguyễn Xuân Nghĩa

Để làm rõ ý bài viết cô đọng của Ngải Vị Vị

Nguyễn Xuân Nghĩa

clip_image001  

"Dân công" Trung Quốc, một bi kịch kinh tế - và nguy cơ an ninh

 

"Kinh tế cũng là chính trị" 

Kinh tế chính trị học với màu sắc Trung Quốc 

Trong bài viết trên tờ Newsweek ngày 28 tuần qua (tại trang cuối trong số báo đề ngày 05 Tháng Chín), Ngải Vị Vị có một câu nhắc đến việc "các trường học cho di dân bị đóng cửa" – "You will see migrants’ schools closed." Người viết xin đi sâu hơn vào khung cửa đóng ấy...

Tại Trung Quốc, tuần báo Newsweek bị xé mất trang chót, nhưng nhà cầm quyền không kiểm duyệt nổi mạng lưới thông tin hay xã hội nên chỉ mong là dân chúng ít đọc tiếng Anh! Bài viết của người nghệ sĩ vừa bị giam 81 ngày mà không có lý do đã so sánh thủ đô Bắc Kinh vô hồn với một nhà tù, "cơn ác mộng không dứt"... Quý độc giả nên tìm đọc bài này nếu chưa có cơ hội.

Xin trở lại các ngôi trường bị đóng và mở ra một thảm kịch kinh tế có màu sắc Trung Quốc.

***

Ngày 15 tháng Tám vừa qua, chừng 300 phụ huynh học sinh đã biểu tình ở nhiều nơi tại Bắc Kinh để phản đối việc đóng cửa và phá hủy một số trường học cho "dân công".

"Dân công" - chữ chính thức của Trung Quốc mà Tây phương dịch là "migrant workers" - là thành phần lao động từ quê ra tỉnh kiếm việc. Ta có thể dịch là "thợ bụi" cho dễ hiểu! Họ không có hộ khẩu chính thức nên là dân ở lậu. Con cái đem theo thì chỉ được học trường "tư thục cho dân công" và trả học phí cao hơn trường công, là trường dành cho ai có hộ khẩu ở thành phố.

Số là tháng Sáu vừa qua, Ủy ban Nhân dân Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa một số trường này vì "thiếu tiêu chuẩn an toàn". Sau đó, có 24 trường bị đóng, phân nửa sẽ bị kéo sập và ba vạn học sinh trở thành... vô giáo dục. Vì thế cha mẹ mới biểu tình. Ở tại chỗ, Ngải Vị Vị đã thấy nên mới viết ra ngoài. Nhưng vì sao một nghệ sĩ thuộc loại quốc tế lại chú ý đến điều ấy?

Xin nói về chuyện dân công trước, học đường sau.

Từ khi cải cách kinh tế 30 năm về trước, Trung Quốc gặp bài toán kinh tế cổ điển là sung dụng lao động, mà không giải quyết nổi vì một lý do chính trị là chế độ "hộ khẩu" - chữ của họ mà Hà Nội xài nguyên con. Sung dụng lao động là các thành phố được công nghiệp hóa cần nhân công trong khi nông thôn lại thừa người cần việc nên phải có chính sách phân bố hợp lý. Bình thường ra thì người ta đi kiếm việc ở nơi cần người, và nhờ vậy nơi nơi đều có lợi. Nhưng Trung Quốc không là một xứ bình thường.

Từ năm 1958, Mao Trạch Đông cho ban hành chế độ hộ khẩu – ai ở đâu thì khai báo ở đó và di chuyển là phải có phép.

Lý do thứ nhất là đoàn ngũ hóa để kiểm soát về an ninh. Lý do thứ hai là kinh tế. Kế hoạch Ngũ niên đầu tiên (1953-1957) đề ra việc công nghiệp hoá bằng lợi tức của nông dân – trưng thu lương thực với giá rẻ để nuôi công nhân ở thành phố trong chế độ bao cấp. Theo kiểu Xô Viết, muốn công nghiệp hóa thì phải ưu tiên xây dựng công nghiệp nặng tại các thành phố. Tại một xã hội còn ở trong trạng thái nông nghiệp, nông dân dư dôi bèn ào ạt lên tỉnh nên đe dọa sự ổn định của đảng và nhà nước. Chế độ hộ khẩu ra đời và từ đấy nông dân phải bám lấy đất mà sống đời đời kiếp kiếp ở đó.... 

Trong khi ấy, "giai cấp công nhân" được hưởng chế độ bao cấp về gia cư, giáo dục, y tế và có việc làm bảo đảm trong khu vực kinh tế nhà nước.

Chiến lược kinh tế hão huyền này phá sản sau "Thổ địa cách mạng" (cải cách ruộng đất) và "Đại dược tiến" (bước nhảy vọt vĩ đại) khiến mấy chục triệu người chết đói, đa số là nông dân. Từ đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình mới tiến hành cải cách và thực tế là làm một cuộc cách mạng ra khỏi mộng mị chết người của Mao.

Nhưng 30 năm sau sau khi mở cửa kinh tế, người dân chưa ra khỏi cái khuôn hộ khẩu dù lãnh đạo đã cả chục lần muốn cải cách.

Bài này xin miễn nói về mấy đợt cải cách ấy, chỉ chú ý đến từ 150 đến 200 triệu "dân công". Họ xiêu dạt từ nơi này qua nơi kia để kiếm việc và gửi tiền về cho gia đình ở thôn quê hay các tỉnh kém phát triển nằm sâu bên trong. Một số người kéo dài kiếp sống tạm bợ ấy và sinh con đẻ con cái. Tính đến năm ngoái thì có chừng 11 triệu em nhỏ con nhà dân công đi học kiểu bụi trong các thành phố, đa số tại vùng duyên hải.

Một số người có thiện chí hoặc máu kinh doanh và nhiều "dân công lão thành" đã tìm cách mở trường tư cho con em dân công. Nhiều hội thiện cũng tham gia việc công ích đó - kể cả những người Mỹ hằng tâm hằng sản - và phong trào học đường dân công nở rộ. Khốn nỗi, vì là trường tư nên chịu học phí cao gấp 10, mà vẫn là trái phép và điều kiện về trường ốc hoặc mô phạm dĩ nhiên là kém: lớp học tồi tàn trong khu ổ chuột, thầy cô thì chạy trường như đèn kéo quân. Nhưng thà có còn hơn không!

Mà thực tế thì phong trào này có làm giảm bớt gánh nặng về giáo dục thiếu nhi cho nhà nước...

Nhưng nhà nước Bắc Kinh vừa giải quyết chuyện này với màu sắc Trung Quốc: thay vì hợp thức hóa chế độ di dân nội địa - cải tổ quy chế hộ khẩu - hoặc trước mắt thu xếp cho con em của thợ bụi được học ké một trường công, dù là lớp tối đi nữa, họ ra lệnh đóng cửa trường học dù chưa có trường lớp nào cho con em của "dân công"! Chúng ta đang chứng kiến sự bất toàn của một chế độ xưng danh "xã hội chủ nghĩa" mà thành phần bần cùng nhất của xã hội không có các dịch vụ xã hội tối thiểu như y tế, gia cư hay giáo dục loại sơ cấp...

Nhưng vấn đề nào chỉ có vậy...

***

Nhiều cuộc khảo sát mới đây của các đại học uy tín - ở thành phố dĩ nhiên – như Thanh Hoa tại Thượng Hải hay Đại học Bắc Kinh và nhiều trường khác, cho thấy là từ hai thập niên qua, thành phần sinh viên gốc nông thôn đã giảm sút liên tục và rất mạnh. Từ hơn 30% nay chỉ còn là 10%.

Ta đều biết giáo dục là đầu tư. Quốc gia chỉ phát triển khi đào tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức cần thiết cho tương lai, xã hội chỉ tiến hóa khi mọi thành phần đều có cơ hội đi học. Ta cũng biết là trong mọi xã hội con người, việc phân cấp thành nhiều giai tầng cao thấp thường dễ xảy ra. Vì vậy mà các xã hội văn minh đều cố san bằng trở ngại để mọi người đều có cơ hội thăng tiến, và một chế độ tự xưng "xã hội chủ nghĩa" lại càng phải quan tâm đến thành phần bần cùng ở dưới.

Nhưng Trung Quốc chưa là một xứ văn minh, và cái gọi là "xã hội chủ nghĩa" chỉ là khẩu hiệu, y hệt như chữ "liên minh công nông" ngày xưa.

Xưa kia, văn hoá Trung Hoa có đề ra chế độ khoa cử, lần đầu từ nhà Tùy vào thế kỷ thứ bảy, để tuyển người cho bộ máy hành chánh của triều đình. Chế độ ấy cho phép người có tài thì dù thuộc giai tầng thấp kém vẫn có thể vượt lên trên – cùng với cả gia đình. Nội dung giáo dục có thể bất toàn và lạc hậu chứ giải pháp ấy vẫn là cần thiết. Nên nó tồn tại cho đến năm 1905 mới bị nhà Thanh xoá bỏ.

Với sự ra đời của đảng Cộng sản, ta có hiện tượng trái ngược: chế độ hộ khẩu đóng khung các giai tầng xã hội trong sự bất công được định chế hóa. Với thiểu số được ưu đãi ở thành thị, đa số tại thôn quê thì bị bóc lột và khó có cơ hội thăng tiến. Con cái "dân công" học trường bụi mà còn mất trường thì làm sao lên tới cấp đại học?

Không có giải pháp "khoa cử" như thời phong kiến - mà chỉ có giải pháp giáo dục thời xã hội chủ nghĩa còn phong kiến gấp bội - thì dân nghèo tại đây chỉ còn ngả "đào tạo": sau bậc trung học thì tìm trường dạy nghề để tiến thân. Khá hơn thì có loại đại học cộng đồng ở địa phương. May ra sau này còn có cơ hội được tuyển vào các trường đại học có uy tín quốc gia... 

Đáng lẽ Thiên triều phải phân bố ngân sách cho nhu cầu này vì cả lý do kinh tế lẫn chính trị - tức là nâng đỡ nông dân và các gia đình nghèo túng ở dưới - họ lại chẳng làm việc đó. Gốc nông dân mà không tiền hay thiếu quan hệ với kẻ ở trên thì vẫn bơi dưới đáy và khó vào đến các trường cao đẳng kỹ thuật hay đại học cộng đồng.

Chỉ vì thành phần ưu tú ở trên – trong đảng và bộ máy nhà nước, xuất thân đại học ở thành phố –  muốn giữ nguyên trạng và duy trì một rào cản vĩ đại là chế độ hộ khẩu! Phản động là thế.

Do đó, ba chục năm sau khi ngả theo kinh tế thị trường, Trung Quốc còn đào sâu dị biệt giàu nghèo và có mức bất công cao hơn mọi xã hội Đông Á đã từng chuyển hướng kinh tế trước đó. Chuyện "xã hội hài hòa" như lãnh đạo Bắc Kinh vẫn nói cũng chỉ là khẩu hiệu.

Nhưng vấn đề còn nghiêm trọng hơn vậy.

***

Tiến trình kỹ nghệ hoá thường phát triển song song với hiện tượng đô thị hoá: các đô thị thành hình từ đất đai và nhân lực của nông thôn.

Nông dân bị kẹt với chế độ hộ khẩu chỉ còn giải pháp bán đất của mình để đổi lấy tấm "thẻ xanh" – chứng minh nhân dân thay thế sổ hộ khẩu – để kiếm ăn trong thành phố, rồi đóng góp vào tiến trình đô thị hóa một cách tự phát. Khi bán đất là họ bị bóc lột... chính đáng: đảng bộ địa phương cần thu nhập ngân sách để trang trải các chi phí cho địa phương mà! Nhân đó cướp đất để làm giàu cho mình, và con cái thì "mã đáo thành công" vào các đại học lớn!

Từ chuyện Mao mị xa xưa đến chuyện hiện đại là 900 triệu nông dân bị dồn nén - chỉ có một vài trăm triệu là ngoi vào con đường "dân công" vất vả -  ta còn thấy ra một điều lạ khác.

Thời hoang tưởng của Mao khiến nhiều đồng chí bị tiêu diệt, từ Phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ trở xuống. Vậy mà con em của họ chưa tỉnh giấc cách mạng. Họ vẫn củng cố chế độ và bước vào Trung ương đảng, Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị để trở thành thế hệ lãnh đạo mới. Đó là phe "Thái tử đảng" rất mạnh ngày nay và sẽ còn mạnh hơn sau Đại hội 18 vào năm tới.

Sau Đại hội 17 năm 2007, thế hệ Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo đã cố giải tỏa chế độ hộ khẩu mà không thành. Gần đây nhất, Trưởng ban Chính pháp Trung ương đảng là Chu Vĩnh Khang, người có thẩm quyền về an ninh cho chế độ, đã nhân danh an ninh mà bác bỏ việc cải cách đó.

Kinh tế không chỉ là chính trị mà còn là an ninh. Và vì vậy Trung Quốc càng dễ bị loạn!

N.X.N.

Nguồn: dainamax.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn