Tiếng trống khai giảng

Blogger Bút Lông

image Hôm nay 5-9, “ngày khai giảng, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”… mà bọn nhóc không thấy còn háo hức nữa. Lý do, chúng đã “luyện” khai giảng suốt cả tuần trước, “tổng duyệt” mất một buổi và trong ngày 3-9, trường chúng đã tổ chức “khai giảng sớm” để đón lãnh đạo thành phố về đánh trống!

Trong ký ức người viết, ngày khai giảng thường là cố định, chỉ năm nào trùng Chủ nhật (hoặc gặp thiên tai) thì ngày khai giảng sẽ lùi lại, nhưng vẫn đảm bảo tính đồng loạt trên một phạm vi hợp lý. Và tiếng trống, đúng rồi, nó là hiệu lệnh đầy náo nức báo hiệu một năm học mới bắt đầu trên khắp đất nước. Hơn 35 năm qua, những ca từ của bài hát “Đi học” (thơ Minh Chính, nhạc Bùi Đình Thảo) cứ ám ảnh trên mỗi bước đường: “Hôm nay em tới trường/Mẹ dắt em từng bước”... réo rắt như bước chân vừa bỡ ngỡ, vừa hồi hộp của những học trò lần đầu tới lớp, dù “Trường của em be bé/Nằm ở giữa rừng cây/Cô bé em tre trẻ/Dạy em hát rất hay”…

Nhưng nay, chuyện “tập luyện” khai giảng, chuyện gọi nhập học sớm nửa tháng (thường là vào 15-8) và nhất là chuyện các trường phải bố trí lệch ngày giờ nhau để đón lãnh đạo chạy sô đánh trống, đã giết chết niềm háo hức của bọn nhóc khi nghe tiếng trống trường đầu năm học! Câu chuyện kể với cha mẹ không là niềm vui oà vỡ khi gặp lại bạn bè, cô giáo sau ba tháng hè, mà là lời kể nhát gừng về “những bác quen quen hay xuất hiện TV” phát biểu!

Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, ai cũng biết thế, lãnh đạo càng phải thuộc. Song cái sự “thuộc” đó mấy năm nay biến thái thành hàng loạt toan tính nổi và “chìm” của những người lớn. Trực tiếp phát biểu khai giảng, đánh trống trước rừng cờ hoa và ống kính phóng viên… còn chiêu PR nào hiệu quả hơn?! Thế là thay vì dự ở một trường, có vị lãnh đạo địa phương xuất hiện ba, bốn lần trên đài truyền hình với một cách thức giống nhau: phát biểu và đánh trống! Còn với các trường, có sắp xếp lại ngày khai giảng để đón cấp trên dù hơi phiền toái thì vẫn… nên cố. Lý do không chỉ vì các nguồn kinh phí từ ngân sách trong thời gian tới, mà còn là “tăng thương hiệu” khi có VIP đến… đánh trống! Với cha mẹ học sinh thì hiểu rõ, có lãnh đạo cao đến đánh trống đồng nghĩa với việc “giá” xin một suất vào trường ấy năm tới sẽ cao hơn…

Riêng với lũ nhóc thì chắc là vô tư, bởi “cái bác quen quen” ấy cũng nói toàn những điều Bác Hồ đã dặn, và tâm trạng không còn náo nức mỗi khi khai trường cũng chóng qua…

Nhưng khi tiếng trống không còn thúc giục lòng người, thì mục tiêu giáo dục lại vỗ cánh bay khi học trò hiểu rằng có thể đổi ngày khai giảng khi cần “bác quen quen” đến đánh trống!

B.L.

Nguồn: butlong.multiply.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn