Tranh chấp trên biển Đông, điềm báo về sự thay đổi mang tính chiến lược trong khu vực

Thông tấn xã Việt Nam

Tài liệu Tham khảo đặc biệt

Thứ sáu, ngày 23-09-2011

TTXN (Tôkyô 14/9)

Thưa các vị cầm quyền,

Các vị đã cố tình bằng mọi cách hạ nhục cho được người dân Việt kiên cường yêu nước, liên tục biểu tình chống Trung Quốc xâm lược trong hàng chục buổi sáng Chủ nhật tại Hà Nội và Sài Gòn. Trước mắt các vị hình như không còn có dân, vì dân là một cản trở lớn để các vị thoải mái mặc đồng phục nghênh đón ông anh “16 chữ”. Nhưng các vị có biết đằng sau vài cái ôm hôn thắm thiết, trong tim đen của những kẻ họ Đới chứa đựng điều gì không? Có thể khi trở về họ sẽ khen các vị là dễ bảo đấy, nhưng thật tình nỗi ám ảnh mà họ không dứt đi được lại là hình ảnh của đám người ròng rã biểu tình không ngừng nghỉ trước Đại sứ quán và Tổng lãnh sự của họ, cũng như chững chạc tuần hành quanh Hồ Gươm – đấy mới là tư thế đích thực của người dân Việt Nam đối với kẻ thù xâm lược truyền kiếp làm cho họ hoảng hồn. Hãy nghe một chuyên viên khoa học xã hội Trung Quốc nói đây này: “Tiến sĩ Trương Minh Lượng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, cho biết Bắc Kinh phải giữ mối quan hệ tốt về ngoại giao và quân sự với Hà Nội và Manila, đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm như khi có cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam gần đây do “vai trò đáng xấu hổ” của Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông”.

Đấy, các vị thấy đấy, giữa các vị và người dân, đối phương của chúng ta nhìn nhận tinh tường đấy chứ! Họ có hề nói người biểu tình Việt Nam là bị lực lượng phản động bên ngoài xúi giục đâu! Bởi vậy, thiết nghĩ, các vị cũng nên để cho dân chúng còn giữ lại một chút niềm tin rằng các vị vẫn mang được dù chỉ một phần nào cái “chính danh” là con cháu những người xưa kia đã từng giương ngọn cờ ái quốc.

Bauxite Việt Nam

Ngày 11/9, nhật báo Asahi đã đăng tải bài của tác giả Yoichi Kato, chuyên gia phân tích vấn đề an ninh quốc gia của nhật báo này, về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Trong bài viết này, tác giả nhận định các tranh chấp này có thể là điềm báo về sự thay đổi mang tính chiến lược trong khu vực và đưa ra đề xuất đối với Nhật Bản. Dưới đâylà nội dung của bài viết này:

Các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông (biển Hoa Nam) giữa Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác, trong đó có Việt Nam và Philíppin, đang ngày càng có ý nghĩa hơn về mặt chiến lược đối với toàn bộ khu vực châu Á- Thái Bình Dương và bên ngoài khu vực này. Nhật Bản không thể xem thường vấn đề này như một hiện tượng riêng biệt ở khu vực xa xôi bởi vì, nó phản ánh chiến lược khu vực của Trung Quốc, vốn được xây dựng trên cơ sở nền kinh tế đang tăng trưởng và sự quyết đoán của nước này.

Thách thức mang tính cơ bản hơn là các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, cần xử lý mâu thuẫn chiến lược trong tư tưởng xuất phát từ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng với Trung Quốc và sự phụ thuộc vào trật tự an ninh khu vực được Mỹ bảo đảm.

Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông có vẻ như đã đạt được tới trạng thái cân bằng nhất định tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7 ở Bali, Inđônêxia. Mười nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về các đường lối chỉ đạo mới, trong đó quy định cách thức thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Bỉển Đông (DOC) vì một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ này. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản lúc đó Takeaki Matsumoto, người tham dự các hội nghị này của ASEAN, đã hoan nghênh diễn biến này. Phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản, ông Matsumoto nói: “Tôi coi đây là bước tiến”.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng coi đây là “bước đi quan trọng”, đồng thời kêu gọi ASEAN và Trung Quốc hành động nhanh chóng để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử mang tính bắt buộc về pháp lý nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột. Bà Clinton nói: “Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cần phải công bố các tuyên bố của họ một cách công khai và chi tiết để chúng tôi biết được nơi đâu có tranh chấp”.

Tuy nhiên, có vẻ như trạng thái cân bằng này đang sụp đổ một cách nhanh chóng. Chưa đầy hai tuần sau hội nghị ở Bali, tờ Nhân dân nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng tải bình luận trên trang nhất tố cáo Philíppin xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc bằng cách xây dựng một hầm trú ẩn quân sự trên một trong các đảo tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Bài báo này kết thúc với lời cảnh báo: “Những ai đưa ra các quyết định sai lầm nghiêm trọng về chiến lược đối với vấn đề này sẽ phải trả giá thích đáng”.

Tân Hoa xã của Trung Quốc ngay lập tức trích đăng tóm tắt bài bình luận này bằng tiếng Anh. Rõ ràng là Đảng và Chính phủ Trung Quốc có ý định gửi thông điệp này tới tất cả các bên liên quan. Trên thực tế, thông điệp này đã tạo một sự xáo trộn trong khu vực.

Các Chính phủ Nhật Bản và Mỹ coi các hội nghị cấp Bộ trưởng của ASEAN gần đây là một thành công, bởi vì họ thành công trong việc đưa vấn đề “an ninh trên biển” vào trong chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao Đông Á sắp tới vào tháng 11. Với quyết định này, vấn đề Biển Đông có thể được thảo luận kỹ hơn trong một khuôn khổ đa phương rộng hơn tại Hội nghị Cấp cao Đông Nam Á cùng với các hội nghị liên quan của ASEAN. Điều này sẽ đảm bảo cơ hội cho các bên không tuyên bố chủ quyền và các nước sử dụng (các tuyến đường biển) trên Biển Đông như Nhật Bản và Mỹ có thể tham gia cuộc thảo luận này.

Về mặt nhạy cảm hơn, nó cũng được coi là thành công bởi vì có một thỏa thuận ngầm giữa các quốc gia tuyên bố chủ quyền và các quốc gia liên quan trên Biển Đông để tiếp tục đặt vấn đề xung quanh tính hợp pháp về mặt pháp lý trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường 9 đoạn” trên Biển Đông. Chiến lược thận trọng này có vẻ như nhằm đưa Trung Quốc vào một thỏa thuận đa phương mới. Đó là bộ quy tắc nhằm giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình thông qua việc gây áp lực mang tính tập thể về tính pháp lý đối với tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn này”.

Trung Quốc sử dụng đường 9 đoạn hình chữ U dọc theo bờ biển và các chuỗi đảo ở Biển Đông là cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của nước này. Khu vực khoanh tròn mở rộng tới phần lớn Biển Đông. Theo tài liệu chính thức mà Chính phủ Trung Quốc đệ trình lên Liên hợp quốc vào năm 2009 cùng với một bản đồ, Bắc Kinh tuyên bố có “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo này ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu có phải Trung Quốc tuyên bố toàn bộ khu vực trên Biển Đông nằm trong đường 9 đoạn này là lãnh hải của nước này hay tuyên bố chủ quyền của nước này chỉ mở rộng tới các đảo này và các vùng biển xung quanh.

Ngày 24/8, một tháng sau hội nghị ARF, hai tàu tuần tra của Cơ quan Quản lý Nghề cá Trung Quốc đã đi vào lãnh hải của Nhật Bản ở vùng biển gần một trong những đảo thuộc quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên các tàu của Chính phủ Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku kể từ năm 2008, khi hai tàu tuần tra của Lực lượng Hải giám Trung Quốc (CMS) xâm phạm lãnh hải Nhật Bản trong hơn 9 giờ. Lần này, khoảng thời gian xâm phạm lãnh hải Nhật Bản ngắn hơn nhiều. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản coi sự cố này là rất nghiêm trọng bởi vì, ngay khi một tàu đánh cá của Trung Quốc năm ngoái đâm vào gần đảo Senkaku, tất cả các tàu của Chính phủ Trung Quốc, trong đó có các tàu của Cơ quan Quản lý Nghề cá và CMS, rõ ràng đã ở trong lãnh hải của Nhật Bản.

Phản ứng trước phản hồi chính thức của Chính phủ Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Đảo Điếu ngư (đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản) và các đảo phụ thuộc là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc kể từ thời xa xưa. Các tàu của Cơ quan Quản lý Nghề cá Trung Quốc đã tuần tra các vùng  biển này để duy trì trật tự sản xuất nghề cá thông thường”.

Quan điểm này không có gì mới nhưng đó là hành động được tăng cường của một trong những cơ quan thực thi pháp luật biển. Có lời đồn đại trong một bộ phận Chính phủ Nhật Bản rằng ý định của Trung Quốc có thể là nhằm kiểm tra sự kiên quyết trong lập trường của Chính phủ Nhật Bản đối với các tuyên bố chủ quyền của nước này sau hội nghị ARF và đặc biệt khi Nhật Bản đang trong quá trình chuyển giao quyền lực chính quyền của Thủ tướng Kan sang Chính quyền Noda.

Quan điểm chiếm ưu thế trong Chính phủ Nhật Bản là những điều đang xảy ra ở biển Hoa Đông có mối liên hệ chặt chẽ với các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Matsumoto nói: “Nhật Bản có quan tâm lớn đối với các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông bởi vì chúng có thể ảnh hưởng đối với hòa bình và an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và chúng cũng có quan hệ chặt chẽ với việc đảm bảo an ninh hàng hải”.

Các tranh chấp lãnh thổ này không chỉ giới hạn ở trên biển. Có một số dấu hiệu về sự tăng trưởng lực lượng ở biên giới trên bộ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Có một quan điểm trong các học giả Ấn Độ đó là Trung Quốc đang muốn tái xác định các biên giới trên bộ và trên biển trong quá trình theo đuổi tư cách một siêu cường. Hàng loạt các hành động tái xác định biên giới như vậy đang được thực hiện và gây thiệt hại cho sự toàn ven lãnh thổ và an ninh của các nước láng giềng của Trung Quốc. Ấn Độ theo dõi sát sao tình hình ở Biển Đông bởi vì họ coi đây là dấu hiệu cho những gì có thể xảy ra trong vấn đề tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Thách thức cơ bản hơn nữa mà toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang phải đối mặt đó có thể là mâu thuẫn trong tư tưởng mang tính chiến lược mới nổi. Phần lớn các nước ở trong khu vực này đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng, thậm chí là lớn nhất, trong khi họ lại phụ thuộc vào Mỹ trong việc duy trì trật tự an ninh khu vực, trong đó có quyền tự do đi lại trên biển. Tuy nhiên, sự phụ thuộc kép này có thể sẽ khiến các nước trong khu vực khó hơn trong việc quyết định hành động gì cần làm và nếu khi Trung Quốc thách thức bá chủ của Mỹ. Có vẻ đây là điều đang xảy ra ở Biển Đông hiện nay.

Năm ngoái, ông Hugh White, Giáo sư thuộc Đại học quốc gia Ôxtrâylia, đã có bài viết mang tiêu đề “Sự dịch chuyển quyền lực – Tương lai của Ôxtrâylia giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh”. Trong bài viết này, ông đã chỉ ra rằng kỷ nguyên “sự bá chủ không thể tranh cãi của Mỹ” đã kết thúc và một trật tự hòa bình mới ở châu Á phù hợp với quyền lực đang gia tăng một không gian chính trị và chiến lược nào đó”.

Điểm cốt lõi trong lập luận của ông White đó là Mỹ cần phải tránh cạnh tranh quyền bá chủ với Trung Quốc mà thay vào đó là chia sẻ quyền lực với nước này. Ông này cũng đưa ra đề xuất rằng đây là thời điểm phải xem xét lại chiến lược bao vây. Đây là một câu trả lời có thể để giải quyết vấn đề tiến thoái lưỡng nan là “sự phụ thuộc kép”.

Điều nổi lên từ lập luận trên đối với Biển Đông là sự thừa nhận các tranh chấp lãnh thổ thực chất là sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc và rằng Mỹ không thể chiếm ưu thế trong khu vực này bất chấp các tiềm năng quân sự to lớn của nước này. Quan điểm đa số trong số các nước ASEAN có thể không rõ ràng và quá khích như quan điểm của ông White. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu sự “nổi lên của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của Mỹ” tiếp tục diễn biến xấu hơn, sự chuyển dịch từ “sự bá chủ của Mỹ” sang “sự chia sẻ quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ” có thể sẽ trở thành xu thế trong số các nước và người dân khu vực. Đây là thách thức lớn đối với Nhật Bản, nước vẫn xây dựng chiến lược an ninh trên cơ sở giả định rằng quyền bá chủ của Mỹ là không thể lung lay.

Những điều đang diễn ra ở Biển Đông có thể là điềm báo về sự thay đổi tiềm tàng trong suy nghĩ mang tính chiến lược trong số các quốc gia khu vực và trật tự chiến lược trong khu vực này.

* * *

(Đài BBC 12/9)

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 12/9 có bài viết tiêu đề “Bắc Kinh tỏ lập trường mềm mỏng hơn với các nước láng giềng”. BBC trích lược vài nét chính để độc giả tham khảo về góc nhìn của một số chuyên gia Trung Quốc sau chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc.

Những nỗ lực ngoại giao gần đây nhằm cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, vốn bị ảnh hưởng do tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), cho thấy Bắc Kinh đang có cách tiếp cận hòa giải hơn để giải quyết căng thẳng. Quan hệ ngoại giao và quân sự với Việt Nam và Philíppin được củng cố thông qua một loạt các chuyến thăm cấp cao trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Philíppin Benigno Aquino đã gặp gỡ vào ngày 31/8 tại Bắc Kinh và tái khẳng định cam kết giải quyết một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ trong vùng Biển Đông.

Ngày 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã gặp Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh để mở đường cho một chuyến thăm Trung Quốc vào năm nay của tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Uỷ viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc đã đến Hà Nội gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Cả hai ông đã đồng chủ trì một phiên họp về quan hệ song phương và thảo luận các vấn đề chiến lược và quan trọng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho biết Bắc Kinh sẽ làm việc với Hà Nội để giữ mối quan hệ song phương đi đúng hướng. Thiếu tướng đã nghỉ hưu Từ Quang Vũ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ không để cho mối quan hệ với Việt Nam và Philippin xấu đi.

“Bên thứ ba”

“Mặc dù có một loạt các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và tồn tại thái độ chống Trung Quốc ở Việt Nam và Philippin trong vòng 3 tháng qua, Bắc Kinh nhận ra rằng bất kỳ cuộc xung đột nào với các nước láng giềng sẽ không chỉ gây tổn hại cho an ninh khu vực mà còn sẽ làm tổn thương sự phát triển kinh tế của chúng ta và điều đó sẽ chỉ đem lại lợi ích cho bên thứ ba”, ông Vũ nói như vậy nhưng từ chối đề cập bên thứ ba là nước nào.

Trong khi đó học giả Vương Hàn Lĩnh, một chuyên gia về vấn đề hàng hải và luật quốc tế tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết “bên thứ ba” là Mỹ. Giáo sư Vương nói: “Mỹ đã có mặt ở đó; Mỹ chưa bao giờ rời châu Á, Bắc Kinh biết điều này rất rõ và nhận ra rằng Oasinhtơn sẽ sử dụng các tranh chấp Biển Đông để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng nhận ra rằng khi xét tới sự ổn định của Đông Nam Á với lợi ích kinh tế chung giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông không phải là vấn đề lớn”.

Ông Vương cho biết ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh sẽ là duy trì tốt mối quan hệ với tất cả các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp biển, bởi vấn đề phức tạp không thể được giải quyết về ngắn hạn. Căng thẳng trong tranh chấp tại Biển Đông nên được kiếm soát, không được phép leo thang, vì sẽ chỉ gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế và an ninh khu vực Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng nhắc nhở các nước láng giềng rằng họ có cùng một nền văn hoá và lịch sử, đặc biệt là ở chỗ tất cả họ đều bị các nước phương Tây xâm chiếm trong thế kỷ qua. Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam, Philíppin và những nước khác thực hiện các biện pháp để ngăn chặn khả năng tranh chấp biển leo thang.

“Không thể cắt quan hệ”

Tiến sĩ Trương Minh Lượng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, cho biết Bắc Kinh phải giữ mối quan hệ tốt về ngoại giao và quân sự với Hà Nội và Manila, đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm như khi có cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam gần đây do “vai trò đáng xấu hổ” của Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông. Tiến sĩ Trương nói: “Không giống như quan hệ Trung-Mỹ, vốn bị đình chỉ nhiều lần trong hai thập niên qua, chúng ta có thể không dễ dàng cắt đứt quan hệ với Việt Nam và Philippin. Khi so với Việt Nam và Philippin, Trung Quốc là quá lớn. Nếu Bắc Kinh quá lớn tiếng (về tranh chấp biển), Trung Quốc sẽ đe dọa các nước nhỏ hơn và đẩy các nước này tìm sự giúp đỡ từ Mỹ. Lấy ví dụ về việc tàu hải quân Mỹ đến Cam Ranh lần đầu tiên trong 38 năm qua, quan hệ Việt-Mỹ dường như đang được tăng cường. Hồi tháng trước, hai nước đã ký một tuyên bố về ý định phát triển quan hệ quân y. Thật dễ dàng để Việt Nam đứng về phía Mỹ vì Oasinhtơn quá quan trọng đối với Hà Nội”.

Ông Trương Minh Lượng cũng chỉ ra rằng mậu dịch Trung-Việt đạt 30 tỷ USD vào năm ngoái, nhưng 90% là hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam, tạo thâm hụt mậu dịch lớn cho Hà Nội. Tuy nhiên, Mỹ có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều sản phẩm công nghệ cao mà Trung Quốc không có khả năng làm điều đó.

Theo ông Trương, có nhiều Việt kiều Mỹ gửi tiền về nước và có thể giúp người nhà ở Việt Nam mua nhiều sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh nên giữ mối quan hệ tốt với Hà Nội để ngăn Việt Nam xích lại quá gần với Mỹ./.

Nguồn: anhbasam.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn