Vị sư Tây Tạng thứ 10 tự thiêu

clip_image001

Các tăng sĩ Tây Tạng ở New Delhi cầu nguyện trong một cuộc tuần hành phản đối chính sách hà khắc của Trung Quốc đã đẩy người Tây Tạng vào chỗ tự thiêu. Hình: Reuters

Một tổ chức lưu vong hàng đầu của người Tây Tạng nói một nhà sư Tây Tạng khác đã tự thiêu tại vùng tây nam Trung Quốc. Đây là biến cố mới nhất trong một loạt các vụ tự thiêu nhằm phản đối sự cai trị của Trung Quốc tại vùng này.

Trung tâm Tây Tạng vì Nhân quyền và Dân chủ loan báo vụ tự thiêu này hôm thứ Ba. Đây là lần tự thiêu thứ 10 của các tu sĩ Phật giáo được loan báo tại tỉnh Tứ Xuyên trong năm nay.

Vụ phản đối mới nhất xảy ra cách tu viện Kirti 150 kilômét. Tu viện Kirti được coi là điểm nóng, nơi đã có 9 vụ tự thiêu trước đây.

Các nhân chứng nói lửa đã bốc lên cao quanh tu sĩ Dawa Tsering tại tu viện Kardze khi ông hô to lời đòi hỏi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong trở về và tái thống nhất của nhân dân Tây Tạng. Tình trạng của nhà sư này chưa thể kiểm chứng.

Tuần qua, Trung Quốc cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyến khích các nhà sư tự thiêu bằng cách vinh danh các vụ phản đối hơn là lên án.

Cáo buộc mới nhất của Bắc Kinh đã được đưa ra một ngày sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ tọa một buổi lễ thắp nến cầu nguyện cho những người chống đối tại nơi Ngài sống lưu vong ở miền bắc Ấn Độ. Lời cáo buộc này đã  bị Phật giáo Tây Tạng và các chính phủ Tây phương mạnh mẽ bác bỏ.

Nguồn: voanews.com

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Giới tranh đấu Tây Tạng dùng tự thiêu làm công cụ chính trị

Peter Simpson | Beijing

Trong những tháng vừa qua nhiều nhà sư và ni cô Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng. Các vụ mưu toan tự sát đã khơi ra phản ứng giận dữ từ phía các giới chức Trung Quốc cho rằng các vụ phản kháng này có liên hệ với các hành vi khủng bố được sự bảo trợ của Đức Đạt Lai Lạt ma. Theo tường trình của thông tín viên VOA Peter Simpson từ Bắc Kinh, các sự cố đau lòng này đánh dấu một hiện tượng leo thang trong chiến thuật chống sự cai trị của Bắc Kinh.

clip_image002

Người Tây Tạng lưu vong sơn tên của các nhà sư tự thiêu lên người trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 21/10/2011. Hình: ASSOCIATED PRESS

Kể từ hồi tháng năm 9 người Tây Tạng đã tìm cách tự thiêu. Vụ mới nhất là một ni cô. 4 nhà sư đã chết vì những thương tích. Tất cả những người mưu toan tự thiêu cho mục đích chính trị đều ở độ tuổi dưới 24.

Giống như những vụ mưu toan tự thiêu khác, ni cô Phật giáo tên là Tenzin Wangmo đã hô to những khẩu hiệu phản đối đòi chấm dứt sự cai trị của Trung Quốc, đòi tự do tôn giáo và đòi Đức Đạt Lai Lạt ma đang sống lưu vong được phép trở về Tây Tạng.

Hầu hết những vụ tự sát đều diễn ra ở thị trấn nhỏ Aba, trong tỉnh Tứ Xuyên nằm sát cạnh Tây Tạng và có các cộng đồng lớn người Tây Tạng.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng các hành động đó đã châm ngòi cho những vụ biểu tình khác khắp vùng, là đi ngược lại với niềm tin và lời Phật dạy.

Nhưng học giả Tây Tạng ở trường Đại học Columbia, ông Robert Barnett không đồng ý.

Ông Barnett nói: “Có sử sách, rất ít, nhưng đề cập đến việc tự hủy mình như một tập tục tôn giáo trong quá khứ huyền thoại, nơi người ta làm như thế để chứng minh lòng sùng bái với Đức Phật. Vì thế ta không thể nói hoàn toàn rằng đây không phải là tập tục Phật giáo, vì sự kiện này đã từng xảy ra từ xa xưa”.

Song khác với cổ sử, tất cả những vụ tự hủy mình đã được coi như những phát biểu chính trị. Các nhóm Tây Tạng lưu vong đã tổ chức những buổi thắp nến để tưởng niệm những người mà họ gọi là thánh tử vì đạo và hối thúc những người khác chớ nên quên các hành động của họ.

Ông Barnett nói việc tự thiêu như một hành vi bày tỏ chính kiến chưa hề xảy ra trong cộng đồng phản kháng Tây Tạng.

Ông Barnett nói tiếp: “Chúng ta phải rõ ràng. Hình thức phản kháng bằng cách tự thiêu đến chết hay tự đốt mình là hoàn toàn mới lạ ở Tây Tạng thời cận đại. Chúng ta không hề có một tiền lệ nào như thế này... Tập tục chính trị này hoàn toàn mới lạ”.

Những vụ tự hủy mình bắt đầu sau khi nhà chức trách Trung Quốc ở Bắc Kinh ra lệnh hạn chế tự do tôn giáo bằng cách buộc các nhà sư theo các khóa học tập chính trị. Các giới chức buộc các nhà sư từ bỏ lãnh tụ tinh thần là Đức Đạt Lai Lạt ma và học tập chủ nghĩa cộng sản.

Các nhà sư đã lên tiếng phản đối ở các tu viện và vì thế nhà chức trách Trung Quốc đã có biện pháp.

Họ đặt những trạm công an bên trong một số tu viện và cắt điện nước ở những tu viện khác.

Một khi các vụ tự hủy mình bắt đầu, nhà chức trách đã đáp lại bằng cách gửi thêm công an chống bạo động đến Aba để ngăn ngừa những vụ tự sát khác. Một số công an được trang bị bằng dụng cụ cứu hỏa.

Giáo sư Barnett nói các hành động của giới phản kháng đã làm tăng thêm hình ảnh áp bức của chính quyền Trung Quốc.

Giáo sư Barnett cho biết: “Điều này rất quan trọng bởi vì nó chứng tỏ cho tất cả những người Tây Tạng, rằng các hành động này nổi bật như một dấu hiệu cực kỳ tuyệt vọng. Nó vẫn là sự lựa chọn cuối cùng. Nói cách khác, người Tây Tạng không coi đây hành động này có tính chiến lược, như một cách để được chú ý. Họ coi đó là một cách cho thấy rằng áp lực đối với các nhà sư này lớn đến độ họ không cảm thấy rằng họ có chọn lựa nào khác”.

Đối với các nhóm người Tây Tạng sống lưu vong, có sự đồng thuận rằng chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm về những cái chết. Bà Stephanie Briggen là Giám đốc tổ chức Tây Tạng Tự do có trụ sở ở London.

Bà Briggen nói: “Người Tây Tạng trẻ tuổi đang dũng cảm dâng hiến đời sống của mình để thu hút sự chú ý của quốc tế đến một trong những cuộc khủng hoảng về nhân quyền lớn nhất và kéo dài nhất ở Tây Tạng”.

Các chính phủ Tây phương đã công bố các thông cáo thường phù hợp với quan điểm cho rằng các chiến thuật của Trung Quốc góp phần vào tình hình. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Kinh giải quyết các khiếu nại cơ bản của khối dân Tây Tạng ở Trung Quốc.

Bắc Kinh đã cực lực phản đối quan điểm đó và tiếp tục mô tả những vụ tự hủy mình là kết quả chung quyết của chủ nghĩa khủng bố thực hiện bởi Đức Đạt lai Lạt ma và các phong trào tự do của Tây Tạng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói rằng mối quan tâm chính của Bắc Kinh là duy trì điều bà mô tả là trật tự xã hội bình thường ở Tứ Xuyên và Tây Tạng. Bà gọi những vụ tự hủy mình là “các hành động chia rẽ”, và đó là cách thức mà chính phủ Bắc Kinh mô tả các hành động đòi độc lập của Tây Tạng. Bà cũng gọi đó là chủ nghĩa khủng bố trá hình.

Học giả Barnett của trường Đại học Colombia nói rằng đây là phản ứng tiêu chuẩn của Bắc Kinh.

Học giả Barnett nói tiếp: “Bất cứ khi nào có biểu tình ở Tây Tạng, mà phía Trung Quốc nhận thấy là thuộc loại không thể chấp nhận được, thì đây là cách đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên họ chưa nói về bất kỳ bằng chứng nào của những gì mà chúng ta có thể coi là khủng bố”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không nói rằng họ đã tiếp xúc với nhà chức trách Ấn Độ để theo đuổi các cáo trạng khủng bố chống lại các nhóm người Tây Tạng sống lưu vong ở Ấn Độ.

Trung Quốc từng nói rằng các chính phủ khác bình luận về vấn đề nay nên tự chế đừng đưa ra lời bình. Các giới chức Trung Quốc đáp lại những lời kêu gọi của Hoa Kỳ đề nghị tôn trọng quyền của công dân Tây Tạng và các công dân Trung Quốc khác bằng cách nói rằng Washington chớ nên can dự vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Nguồn: voanews.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn