Đấu trí giữa nông dân và nhà xuất khẩu

Nam Nguyên, Phóng viên RFA

Giá lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đứng ở mức cao mặc dù Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA đưa tin thương mại đóng băng.

Thu hoạch vụ Đông Xuân tại ĐBSCL. Photo by Bay Tran

Điều gì đang xảy ra ở vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.

Theo thông lệ, mỗi khi Hiệp hội Lương Thực Việt Nam VFA loan báo ngừng ký hợp đồng xuất khẩu thì giá lúa đồng bằng sông Cửu Long sẽ rớt thê thảm. Nhưng tình hình trong tháng 11 này lại khác, chính là giá lúa gạo Thái Lan và thị trường tiêu thụ nội địa đang giúp nông dân bán được lúa với giá cao ngất.

Nông dân được giá

Một bà nội trợ ở TP. HCM cho biết giá gạo đã tăng thêm nhiều trong thời gian gần đây, gia đình bà ít người nên không ảnh hưởng lắm. Tuy nhiên những gia đình lao động đông con thì gạo tăng giá là một gánh nặng:

“Gia đình tôi ăn gạo Tài Nguyên lúc trước 15-16 ngàn thì bây giờ 17-18 ngàn một kg. Giá gạo tăng trung bình vài ngàn, chúng tôi hai vợ chồng già ăn ít lắm 1 kg gạo 4 lon sữa bò ăn mấy ngày, còn gia đình lao động hai vợ chồng 2 đứa con trung bình họ ăn 3 lon một bữa vị chi 6 lon tức 1,5 kg một ngày tăng khoảng 1.500 đồng”.

clip_image002

Khu bán gạo chợ Bến Thành – TP HCM. Photononstop

Nhận định về thị trường lúa gạo sắp tới, PGS. TS Phạm Văn Dư Cục phó Cục trồng trọt từ Cần Thơ nói rằng, vụ thu đông đồng bằng sông Cửu Long sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn gạo và qua sang năm mới có vụ đông xuân. Nguồn cung của Việt Nam so với nhu cầu các nước trong khu vực không phải là nhiều lắm.

“Người nông dân trước đây họ không có thông tin, bây giờ họ biết rồi thì cái đấy là kinh tế thị trường thôi. Giữa hai bên xuất khẩu và sản xuất sẽ thương lượng với nhau để có giá cả phù hợp. Người nông dân bây giờ có rất nhiều thông tin chứ không phải như những năm trước đây và như thế thị trường sẽ quyết định mức giá, xuất được giá cao thì đương nhiên phải mua giá cao cho nông dân. Đặc biệt từ nay cho tới những tháng đầu năm 2012, nhu cầu lương thực sẽ là một trong những vấn đề bức xúc của các nước trong khu vực”.

Hiện nay giá lúa từ 6.600đ tới 7.500đ/kg lúa ướt thu hoạch tại ruộng, còn lúa khô tùy theo loại giống có thể tới 8.000đ/kg.

GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Dương Nghĩa Quốc

Cùng với chuyện lũ lụt gây thiệt hại nhân mạng tài sản người dân và nhấn chìm 8.400 ha lúa vụ ba trên tổng diện tích 650.000 ha, lũ cao ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có những mặt tích cực như tăng thu nhập về tôm cá, bồi đắp phù sa, tẩy rửa đồng ruộng và trùng hợp thời điểm giá lúa gạo đang tăng cao. Trao đổi với chúng tôi tối 9/11, ông Dương Nghĩa Quốc Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết cụ thể mức giá lúa cao chưa từng có:

“Hiện nay giá lúa từ 6.600đ tới 7.500đ/kg lúa ướt thu hoạch tại ruộng, còn lúa khô tùy theo loại giống có thể tới 8.000đ/kg. Phần trà lúa bà con thu hoạch sau này có lợi nhuận 50%-60% như báo chí phản ảnh”.

Sản lượng lúa vụ ba tức thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay được ước tính vào khoảng 3 triệu tấn lúa tương đương từ 1,3 tới 1,4 triệu tấn gạo. Trước lũ các tỉnh đã thu hoạch khoảng 40% diện tích, phần còn lại sẽ thu hoạch xong từ nay đến giữa tháng 12.

VFA ngừng ký hợp đồng

clip_image003

Vùng ven đô Bangkok bị ngập cả thước nước. RFA photo

Nhắc lại lũ lụt ở Thái Lan khiến nước này có thể tổn thất khoảng 6 triệu tấn lúa tương đương 3,6 triệu tấn gạo. Tại hội nghị xuất khẩu gạo ở đồng bằng sông Cửu Long hôm 4/11 Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong không loại trừ khả năng Thái Lan đứng ngoài thị trường một thời gian dài vì cần khôi phục hạ tầng cơ sở sau trận lụt lịch sử. Ông Phong lập luận là chương trình tăng giá lúa 50% từ ngày 7/10 của chính phủ Thái Lan trên thực tế chưa có tác động dẫn đắt thị trường. Tuy nhiên giá lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đã tăng từ tháng 10 tới nay, trong khi Ấn Độ và Pakistan vẫn giữ giá thấp hơn khá nhiều so với chào giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Kinh tế Saigon Online, Ông Trương Thanh Phong nhận định là người dân trong nước có thể gặp rủi ro lớn nếu cứ nhìn vào thị trường Thái Lan để lo tích trữ gạo.

Tuy vậy một số chuyên viên phân tích thị trường nói với chúng tôi là nếu Thái Lan đứng ngoài thị trường một thời gian dài như khả năng mà chủ tịch VFA đề cập, thì sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và dù muốn hay không giá gạo châu Á sẽ gia tăng.

Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu hiện ngừng mua gạo vì giá lúa gạo nội địa tăng cao hơn giá xuất khẩu, nhưng thương lái lại tích cực mua lúa thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long với giá cao kỷ lục, lúa ướt hay lúa khô bất kể loại nào đều được mua hết để tích trữ chờ giá và cung cấp cho thị trường nội địa. Còn VFA thì chỉ đạo doanh nghiệp tăng mua lúa gạo của Campuchia để được giá rẻ.

Trên thực tế các doanh nghiệp thành viên VFA đã nắm trong tay lượng hợp đồng xấp xỉ 7 triệu tấn trọn năm 2011 và đã xuất khẩu gần hết chỉ còn lại khoảng chưa tới 700.000 tấn. Trong khi đó lượng gạo tồn kho là 1,2 triệu tấn.

Mặc dù chính phủ nhiều lần trấn an sẽ không sốt giá gạo vì có đủ gạo cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, nhưng dù muốn dù không lúa gạo cũng sẽ được điều chỉnh theo cung cầu thị trường, theo mặt bằng giá chung, nhất là Việt Nam đang có mức lạm phát hơn 22% so với năm ngoái.

N.N.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn