Huyền thoại “an toàn tuyệt đối”

Nguyễn Hoàng

BBC Tiếng Việt, Chatham House, London

“Nhật Bản sau Thế chiến II đã xây dựng được hình ảnh rõ nét của một đất nước có độ an toàn và an ninh cao”.

Bài học từ Thảm họa Fukushima

clip_image001

Học giả Nhật thuyết trình về lỗ hổng quản lý giữa các cơ quan cấp chính phủ và ngành công nghiệp điện nguyên tử

"Người Nhật tự hào về một xã hội an toàn, kể như “thương hiệu” của Nhật trong nhiều năm và công chúng Nhật cũng thấy điều này”.

“Tuy nhiên hình ảnh này, theo quan điểm của tôi, nay đã bị hoen ố”.

Đó là lời của Tiến sỹ Yoichi Funabashi, một trong hai diễn giả trong buổi thuyết trình tại Chatham House (cơ quan nghiên cứu độc lập của Anh) ở London hôm 22/03/2012.

Là Chủ tịch Quỹ Sáng kiến Tái thiết Nhật bản và là Giám đốc Ban điều tra Độc lập về sự cố Nhà máy điện Hạt nhân Fukushima, ông Funabashi nói về những lỗ hổng quản lý giữa các cơ quan cấp chính phủ và ngành công nghiệp hạt nhân.

"Vấn đề của Tepco (Công ty Điện lực Tokyo) là họ bị ám ảnh bởi huyền thoại an toàn tuyệt đối và miễn cưỡng đưa ra phương án dự phòng an toàn, và kết quả là họ tự đưa họ vào bẫy".

clip_image002

Ông Funabashi là cựu Tổng biên tập Asahi Shimbun.

"Và chính phủ cũng phải lĩnh hội trách nhiệm này. Tức là quá tin vào huyền thoại về an toàn tuyệt đối".

“Chính phủ có ban điều tra, quốc hội cũng có ban điều tra, nhưng chúng tôi thấy cần phải lập ra ủy ban điều tra độc lập có sự tham gia của tư nhân, của công dân”.

Bản phúc trình của quỹ này ra ngày 05/03/2012 nói “người ta có thể và nên tiên liệu trước được khủng hoảng hạt nhân khi có sóng thần và rằng thực trạng mơ hồ về vai trò của các tổ chức nhà nước và tư nhân trong khủng hoảng này là một yếu tố dẫn tới phản ứng yếu kém tại Fukushima”.

“Sự cố nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima đã và đang đặt ra trở ngại rất lớn với công cuộc tái thiết của Nhật Bản”, Tiến sỹ Funabashi, đồng tác giả của cuốn “Bài học từ Thảm họa ở Nhật Bản” nói.

"Thế hệ ở tuổi 30-40 đang đặt ra câu hỏi cho những điều được coi là sự thấu hiểu vốn có của thế hệ trước".

Ông Funabashi nói thêm rằng khủng hoảng nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi đang có hệ lụy sâu rộng với chính trị Nhật trong những năm tới.

“Việc Thủ tướng Nhật lúc đó là ông Naoto Kan trực tiếp chỉ đạo và giám sát khủng hoảng cũng nhận phản hồi lẫn lộn, có người cho rằng đó là điểm tích cực trong khi có những ý kiến hoàn toàn trái chiều”.

“Thế hệ ở tuổi 30-40 đang đặt ra câu hỏi cho những điều được coi là sự thấu hiểu vốn có của thế hệ trước”.

“Thế hệ này và người thuộc lớp trẻ đang đòi hỏi một thứ chính trị mới trong tình hình mới”.

Cảnh báo sớm

clip_image003

Nhiều nơi tại vùng duyên hải Đông Bắc Nhật Bản vẫn còn bề bộn rác thải sóng thần.

Tại buổi thuyết trình, Giáo sư Heizo Takenaka, từ Keio University, cựu thành viên nội các chính phủ thời Thủ tướng Koizumi cũng chia sẻ ý kiến này và nói rằng “hiện đang có nhu cầu tạo ra điều ông gọi là “thứ chính trị mới”.

“Câu hỏi đặt ra là Nhật Bản cần có giới lãnh đạo kiểu gì để vượt qua khủng hoảng này”.

Tuy nhiên Giáo sư Takenaka nói rằng hệ thống cảnh báo sớm của Nhật đã cứu được nhiều mạng sống.

“Thảm họa song thần cướp đi khoảng hơn 19.000 mạng sống, nhưng quí vị lưu ý rằng sóng thần tại Ấn Độ Dương hồi năm 2004 đã làm 227.000 người chết, gấp hơn 10 lần, vì không có cảnh báo sớm”.

“Khi có động đất, nhiều tàu hỏa cao tốc đang chạy ở tốc độ hàng trăm km/giờ đã có hệ thống tự động ngưng chạy tức thì, nhờ đó đã cứu được nhiều mạng sống”.

“Công cuộc tái thiết gặp nhiều thách thức, hiện mới chỉ có 7% trong tổng số 22 triệu tấn đất đá, cầu đường đổ vỡ được thu dọn”, ông Takenaka nói.

Điện hạt nhân hiện cung cấp khoảng một phần ba nguồn điện cho tiêu thụ tại Nhật Bản.

Điểm đáng chú ý là cả hai diễn giả người Nhật đều cho rằng Nhật Bản chắc chắn sẽ giảm phụ thuộc vào điện nguyên tử trong tương lai.

Điểm còn chưa rõ, họ nói, là chính phủ nước này sẽ quyết định sẽ giảm bao nhiêu và sớm ở mức độ nào.

N. H.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn