Tại sao nông dân sợ hãi “mua tạm trữ”

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Nông dân và chuyên gia phản ứng tiêu cực đối với kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính sách mua gạo tạm trữ của Việt Nam từng gây nhiều tranh cãi, vậy ai là người hưởng lợi nhờ chính sách này.

705311

Cảnh mua bán gạo ở một chợ nhỏ miền Trung Việt Nam. AFP photo

Được mùa rớt giá

Một tuần trước khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam khởi sự mua tạm trữ vào ngày 15/3, giá lúa đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm sâu. Ngành nông nghiệp ước tính sản lượng vụ đông xuân đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 11 triệu tấn lúa, hiện đang thu hoạch rộ cho đến tháng Tư. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói với chúng tôi: 

“Hôm nay không có ghe mua… ít lắm, giá lúa tươi khoảng 4.300đ-4.400đ/kg lúa hạt dài, còn lúa 50404 khoảng 4.000đ/kg lúa tươi nhưng cũng không có người mua, giá quá rẻ nông dân đem về phơi chứ không bán lúa tươi nữa. Tôi thấy mua tạm trữ không có ích lợi gì cho nông dân, nói là khi lúa khô rớt dưới 5.000đ/kg thì mua tạm trữ …cách đây khoảng một tháng thì nói như vậy, một vài ngày tới đây sắp có mua tạm trữ nhưng mấy ‘ổng’ mua giá 5.000đ/kg lúa khô tức một kg lúa tươi khoảng 4.000đ, giá này quá ‘bèo’ không thể chấp nhận được.”

Việt Nam xếp vị trí thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, năm 2011 đã xuất khẩu  hơn 7 triệu tấn gạo trị giá 3,5 tỷ USD. Tuy vậy trong nhiều năm qua điệp khúc được mùa rớt giá thường xuyên xảy ra và mỗi lần như thế Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đều được cho vay vốn ưu đãi lãi suất để thực hiện mua tạm trữ gạo. Giá mua tạm trữ thường là giá được tính toán để nông dân có thể lãi 30%, nhưng đây là mức giá nông dân gọi là “giá bèo” vì với diện tích nông hộ dưới 1 héc-ta thì lãi 30% chẳng đủ vào đâu. Ngoài ra các doanh nghiệp thành viên VFA khi được giao mua tạm trữ thường mua cầm chừng, duy trì giá lúa gạo thấp. Sau khi nông dân đã bán hết lúa với giá thấp, doanh nghiệp dễ dàng kiếm lời với các hợp đồng xuất khẩu với giá cao hơn hẳn.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long nói với báo chí rằng, việc thực hiện mua tạm trữ thiếu sự giám sát, mà đây là trách nhiệm của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn.

Một vài ngày tới đây sắp có mua tạm trữ nhưng mấy ‘ổng’ mua giá 5.000đ/kg lúa khô tức một kg lúa tươi khoảng 4.000đ, giá này quá ‘bèo’ không thể chấp nhận được.

Một nông dân ĐBSCL

Theo chúng tôi tìm hiểu, tại Thái Lan và một số nước khác, khi giá xuất khẩu gạo không thuận lợi, chính phủ đứng ra thu mua lúa gạo với giá cao cho nông dân hoặc tạm ứng tiền cho nông dân để chờ giá tốt. Khi cần xuất khẩu chính phủ bán đấu giá gạo cho các doanh nghiệp. Với chính sách mua tạm trữ như thế người nông dân thực sự được hưởng lợi.

Tại Việt Nam chính sách mua tạm trữ gạo là cần thiết để thị trường lưu thông, tuy nhiên các chuyên gia cho là việc thực hiện mua tạm trữ đã diễn ra theo phương thức hoàn toàn trái ngược. Chính phủ Việt Nam không đứng ra mua tạm trữ gạo mà giao cho các doanh nghiệp thực hiện. Các doanh nghiệp này được cho vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để mua tạm trữ, cụ thể là các doanh nghiệp thành viên VFA. Như vậy việc thực hiện tạm trữ vô hình chung đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp vì mua giá đã thấp lại được lãi suất ưu đãi, đến khi xuất khẩu giá cao doanh nghiệp không chia sẻ gì cho nông dân.

Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục Trồng trọt từ Hà Nội phát biểu:

“Cơ chế mua tạm trữ hiện nay do chính phủ qui định và thông qua các doanh nghiệp mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo bắt đầu từ 15/3. Cơ chế hoàn toàn do chính phủ quyết định. Mỗi nước có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau và mỗi chính phủ có những quyết định khác nhau.”

Lợi nhuận vào tay ai

clip_image003

Một cửa hàng bán gạo ở TPHCM, ảnh minh họa. AFP

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi hỏi chuyện, đã có nhiều kinh nghiệm đắng cay về những vụ lúa được mùa mất giá và doanh nghiệp thành viên VFA thực hiện mua tạm trữ, bức xúc phát biểu:

“Tôi kiến nghị chính phủ thay đổi cách mua tạm trữ, tạm trữ như thế nào, ai là người đứng ra mua tạm trữ, triển khai như thế nào để chính phủ trực tiếp mua của nông dân thì nông dân mới có lợi. Năm nào cũng có mua tạm trữ với giá quá rẻ bằng như khỏi cần tạm trữ nữa. Cũng có nhiều cách làm như chính phủ bỏ ngân sách ra mua trữ với giá cao để giúp cho ngừơi nông dân nghèo đỡ khổ.

Người nông dân sau khi thu hoạch chở lúa ra, mỗi xã huyện có một vài điểm mua lúa nông dân chở ra đó bán, chuyện này cũng dễ thôi nhưng chính phủ không làm được chuyện này. Nhiều người đổ lỗi thương lái ép giá nông dân nhưng thực ra doanh nghiệp mua gạo rẻ thì thương lái mua lúa rẻ, nếu chính phủ đứng ra trực tiếp với nông dân thì ông thương lái chỉ là người làm thuê chở thuê cho ông chính phủ thôi. Chính phủ lập nhiều điểm mua lúa cho dân thì ông thương lái sẽ chở lúa từ nông dân ra điểm tập trung.”

Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc biện giải rằng việc mua lúa tạm trữ ở Việt Nam là một chủ trương đúng và theo ông nông dân có được hưởng lợi từ chính sách này. Ông Nguyễn Trí Ngọc phát biểu:

Tôi kiến nghị chính phủ thay đổi cách mua tạm trữ, tạm trữ như thế nào, ai là người đứng ra mua tạm trữ, triển khai như thế nào để chính phủ trực tiếp mua của nông dân thì nông dân mới có lợi.

Một nông dân ĐBSCL

“Tôi thấy chính sách này người nông dân vẫn có lợi, vì doanh nghiệp thu mua thóc đúng vào dịp thu hoạch rộ của vụ đông xuân thì sẽ đẩy giá thóc bình quân tăng cao. Vì vậy người nông dân có cơ hội bán được giá cao mà với giá thành sản xuất vụ đông xuân năm nay thì ít nhất họ cũng có lợi nhuận 30% so với giá thành sản xuất. Còn những bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện cũng như cơ chế thì chắc chắn sẽ được các bộ ngành như Bộ NN-PTNT Bộ Công thương sẽ có những kiến nghị và đề xuất với chính phủ.”

Theo nhiều chuyên gia, lúa gạo rõ ràng là một vũ khí chính trị, nếu bên Thái Lan nông dân được quan tâm đặc biệt là vì chính phủ cần tới lá phiếu trong các cuộc bầu cử.

Còn ở Việt Nam, lợi nhuận cao cho nông dân có thể chỉ là chủ đề để bàn cãi trên các diễn đàn. Mục tiêu của chính phủ là an ninh lương thực, giữ ổn định tiêu dùng nội địa để chống lạm phát. Chính phủ đề cao kim ngạch xuất khẩu gạo 3,5 tỷ USD năm 2011, nhưng phần lợi nhuận lớn nhất vào tay ai, doanh nghiệp hay nông dân thì các chuyên gia nói là miễn bàn.

N. N.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn