'Dùng thông tin để điều chỉnh Đảng'

Một nhà văn đảng viên cộng sản đề nghị Đảng trở lại tên Lao Động như một cách thuyết phục người dân về cố gắng chỉnh đốn nội bộ.

clip_image001

Ông Phạm Viết Đào cho rằng dân chủ hóa về thông tin là bước đi khả dĩ hiện nay

Ông Phạm Viết Đào, được biết đến qua một trang blog cá nhân, nói chuyện với BBC trong khi đang diễn ra hội nghị chỉnh đốn Đảng ở Hà Nội.

Ông cũng cho rằng bước đi "thiết thực" hiện nay là dân chủ hóa về thông tin, cho phép sự tồn tại chính thức của báo chí tư nhân.

Phạm Viết Đào: Chỉnh đốn Đảng rất cần thiết hiện nay. Nhưng trong dư luận nhân dân, người ta cảm thấy việc đó khó lòng đạt được hiệu quả mong muốn.

Nếu đã chỉnh đốn, phải có biện pháp mạnh hơn, phải dùng luật pháp, chứ nếu chỉ động viên nhau thì...

Trong lịch sử, có thời Cụ Hồ mỗi sáng mời các ông "có vấn đề" đến cùng ăn phở để cụ khuyên răn. Ông Tố Hữu kể tôi nghe chuyện này. Cụ Hồ uy tín rất lớn và tốn rất nhiều phở để mời các ông "có vấn đề". Thời ấy kỷ cương còn nghiêm mà xem chừng cũng không có hiệu quả cao. Bây giờ phát động tự phê, thì cũng ủng hộ thôi. Nhưng nếu không tiến thêm bước mạnh hơn nữa, chắc khó đạt hiệu quả mong muốn.

BBC: Báo trong nước vừa qua đăng nhiều bài nói về việc lấy lại lòng tin của dân. Phải chăng lòng tin của người dân đã có phần lung lay?

Lòng tin của nhân dân lung lay nhiều rồi. Báo chí công khai đã nói, các ông trên cũng nhận thấy. Nhưng nếu chỉ kêu gọi thì đó là duy ý chí.

Đảng lại trở thành Nhà thờ, Nhà chùa, cứ đến đấy tu niệm rồi cải tà quy chính? Bây giờ đảng viên liên quan quyền lực, quyền lợi. Lại muốn dùng Kinh Thánh thức tỉnh họ, thật khó.

BBC: Vậy hội nghị lần này có như nhiều người nói là chỉ hình thức và không hiệu quả, thưa ông?

Tôi không nghĩ là hình thức. Thực tâm các vị lãnh đạo cũng sốt ruột. Nhưng họ làm thế nào, đấy là vấn đề.

Trong nội bộ cấp cao, tôi nghĩ cũng nhiều vị có tấm lòng, tâm huyết. Nhưng họ có vượt qua được sức ỳ không? Nội bộ Đảng bây giờ cũng nhiều khuynh hướng. Vậy khuynh hướng tiến bộ có trở thành tiếng nói áp đảo không?

BBC: Có ý kiến cho rằng thay vì tự chỉnh đốn, Đảng nên chấp nhận dân chủ hóa. Ông nghĩ thế nào?

Khó trăm lần, dân liệu cũng xong, vậy phải dựa vào dân. Chừng mực nào đó phải để dân phát biểu và nghe dân. Không nên xem phản ứng của dân là của thế lực thù địch và dùng biện pháp cảnh sát quá mạnh.

Trong một hội thảo gần đây, tôi nói cần nới rộng biên độ thông tin. Hiện nay gần như thông tin một chiều. Dân chủ hóa trước hết phải là dân chủ hóa thông tin, thiết thực nhất trong bối cảnh hiện nay.

"Dùng công luận, dùng thông tin để điều chỉnh Đảng cũng là cách văn minh và đỡ xương máu nhất. Hiện nay luật pháp chưa cho phép. Các trang tin, blog vẫn nấp dưới danh nghĩa cá nhân."

Rất cần những trang mạng tư nhân. Các trang web tư nhân hiện nay đều nấp dưới danh hiệu các blog. Mà blog đều như các tờ báo chiến đấu cho tiến bộ xã hội. Vụ Hải Phòng vừa rồi, nếu không có thế giới mạng, thì sẽ còn tồi tệ đến mức nào?

Dùng công luận, dùng thông tin để điều chỉnh Đảng cũng là cách văn minh và đỡ xương máu nhất. Hiện nay luật pháp chưa cho phép. Các trang tin, blog vẫn nấp dưới danh nghĩa cá nhân. Nhưng thực ra mục tiêu của họ giống tôn chỉ các báo chính trị, chứ không còn là blog cá nhân nữa. Nhưng nó không được công khai, nên rất khó phát triển. Làm thì đến lúc cũng mỏi mòn vì không có động viên nào về mặt vật chất cả. Kỹ thuật thì rất nhom nhem.

Nếu Đảng thật sự muốn dân tham gia, thì phải cho dân tham gia trước tiên là lĩnh vực thông tin. Hiện nay xuất bản đã là tư nhân rồi, thì các trang báo tư nhân phải được công khai đi để họ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

BBC: Ông có nghĩ Đảng đã suy thoái đến mức Đảng không chấp nhận nhân dân và dân cũng không chấp nhận Đảng?

Chưa đến nỗi như thế. Nước nào cũng cần một lực lượng lãnh đạo, tức là một đảng chính trị. Chứ bây giờ sụp đổ hoàn toàn, trí thức cũng không muốn dẫn đến ba bè bảy mối, nội chiến. Người dân chịu khổ chứ người có chức có tiền họ chạy ra nước ngoài, con cháu họ có chết đâu.

"Đổi tên khác thì khó, chứ trở lại tên Lao động chả có gì sai. Chứ để tên Cộng sản, bản thân tôi là đảng viên cũng thấy không hợp giữa khẩu khí của thế giới hiện nay".

Những người có trách nhiệm cũng thấy Đảng cần phải thay đổi. Phải làm gì để có thay đổi, chứ đánh sập nó đi để có mô hình mới lại chưa biết thế nào.

Dân hiện nay thấy Đảng nhiều cái quá trớn. Nhưng cũng có những người có trách nhiệm thấy cần phải thay đổi.

Tôi cho rằng Đảng trước nhất cần thay đổi tên. Chứ bây giờ nói Đảng Cộng sản thì khó vào lòng dân chúng. Trong quá khứ Đảng rất nhiều công lao, nhưng khi ấy Đảng đứng tên đảng Lao động đấy chứ.

Bây giờ có thể trở lại tên Đảng Lao động cũng được. Đổi tên khác thì khó, chứ trở lại tên Lao động chả có gì sai. Chứ để tên Cộng sản, bản thân tôi là đảng viên cũng thấy không hợp giữa khẩu khí của thế giới hiện nay. Bước thứ hai là trở lại Hiến pháp 1946.

Đòi hỏi tách quân đội, công an ra khỏi Đảng, rất khó. Nhưng thiết thực nhất bây giờ là trở lại mô hình đảng Lao động. Nếu góp ý cho Đảng, tôi sẽ góp ý như thế.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn