Sách giáo khoa mới đã giương buồm

Võ Thái

Lời giới thiệu

Trong ba anh em đồng sáng lập trang Bauxite Việt Nam, giáo sư Huệ Chi và giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng xem ra vất vả hơn nhà giáo tiểu học 81 tuổi Phạm Toàn.

Ông này nhẹ nhàng tiến bước… và trong ba năm lại đây, đã gây dựng nên một nhóm có tên Cánh Buồm. Nhóm này quyết tâm soạn lại sách giáo khoa Giáo dục phổ thông, coi đó là một công trình phản biện bằng cách tạo ra một cái mẫu (nguyên văn lời ông là “châm ngòi”) để xã hội có một mục tiêu bắt cái mẫu ấy phải lui lại phía sau lưng mình.

Cuối cùng thì bản thân một nền Giáo dục muốn “nên thân người” nhất thiết phải hiện ra bằng nhiều chương trình – nhiều bộ sách chứ không thể độc diễn như lâu nay – một cung cách làm ăn dẫn đến những lời kêu gọi xà xã bất lực giảm tải… giảm tải nữa… giảm tải sâu…

Cuối cùng thì xã hội cũng có quyền mừng vui, vì một nhóm thiện nguyện chỉ có sự hỗ trợ tinh thần của Quỹ Phan Châu Trinh (“quỹ” nhưng không cấp tiền) và nhà xuất bản Tri thức, không tiêu một cắc công quỹ, nhưng đã làm ra những sản phẩm cụ thể.

Giá trị của các sản phẩm đó tới đâu? Nhà giáo Phạm Toàn - Nhóm trưởng Cánh Buồm giải thích: “Nếu thấy sách của Cánh Buồm tốt thì dùng thử đi – thấy nó chưa tốt thì cùng nhau chữa cho tốt lên – thấy nó tồi quá thì làm ra cái khác tốt hơn nó… Hết sức đơn giản!”.

Bauxite Việt Nam

Ngày 14/4 vừa qua, lần đầu tiên những nhà quan tâm đến giáo dục tại TP HCM đã tiếp xúc với bộ sách giáo khoa tiểu học mới do nhóm Cánh Buồm biên soạn. Mục đích của bộ sách mới nhằm giúp các em tiếp cận với một cách giáo dục khác với lối giáo dục hiện nay.

clip_image001

Nhà giáo Phạm Toàn: hiện đại của ông không nằm ở trang thiết bị dạy học đắt tiền. (Võ Thái)

clip_image003 clip_image007 clip_image009
clip_image005 clip_image011 clip_image013
  clip_image015  

Đây là kết quả sau gần ba năm làm việc của gần 10 con người, đa phần có tuổi đời chưa đến 30, trăn trở với ngành giáo dục nước nhà.

Trả lại bình thường

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng khi tiếp xúc với bộ sách do nhóm Cánh Buồm biên soạn đã nhận xét: cái quan trọng cơ bản nhất của bộ sách là triết lý giáo dục. Nó đã được thể hiện qua một bộ sách cụ thể. Bộ sách là một cuộc cách mạng, xem người học là chủ thể của giáo dục.

Tuy nhiên, TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen tại TP HCM, cho rằng: “Đây chỉ là cách giáo dục bình thường của các nước trên thế giới. Chỉ vì ta không bình thường, cho nên mới như hiện nay. Do vậy, chúng ta phấn khích vì sự trở lại bình thường mà nhóm Cánh Buồm đã mang về”.

Nhà giáo Phạm Toàn, người chịu trách nhiệm chính của nhóm Cánh Buồn, chia sẻ: sai lầm lớn với nền giáo dục của Việt Nam chính ở chỗ bê nguyên xi sách của nước ngoài về dịch ra cho học sinh học. Đây không thể là cách làm sáng suốt. Vì Việt Nam khác nơi sản sinh ra những bộ sách kia về văn hóa, truyền thống… Tuy nhiên ông Toàn đồng ý cần dịch ra để tham khảo.

Chính vì lẽ đó, nhà giáo Phạm Toàn cùng các bạn trẻ đã bắt tay vào biên soạn bộ sách cho giáo dục, bắt đầu từ bậc học đầu tiên - tiểu học. Cách làm của nhóm Cánh Buồm tạo ra một môi trường giáo dục hiện đại. Điều này nằm ngay trong kỹ năng, thói quen tự học, tự giáo dục của chính đứa trẻ.

Theo nhà giáo Phạm Toàn, hiện đại của ông không nằm ở trang thiết bị dạy học đắt tiền mà ở đó học sinh chỉ được xem giáo viên tự biểu diễn.

Chưa thể thay đổi cách giáo dục

Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên, đang dạy ba môn Văn, Tiếng Việt và Lối Sống cho các em học lớp 1 và 2 đã hai năm nay. Cô Bích Hà, Hiệu trưởng trường, hài lòng: “Tôi rất ưng ý với sách của các môn Lối Sống, Văn và Tiếng Việt. Sách rất tốt, hợp với lứa tuổi của các em”.

Dù ưng ý nhưng buổi sáng các em học sinh trường Nguyễn Văn Huyên, phải học bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến buổi chiều các em mới học sách do nhóm Cánh Buồm biên soạn như những môn làm giàu kiến thức và giá trị sống.

“Sách rất hay nhưng vì không có giờ để dạy tất cả các bài nên nhà trường chỉ chọn lọc những bài, đoạn ưng ý và hay nhất để dạy cho các em”, cô Nguyễn Bích Hà tâm sự.

Cô Thanh Hoa, một giáo viên tiểu học đang dạy ở nhiều trường quốc nội cũng như quốc tế tại TP HCM, khi tiếp xúc với bộ sách đã nhìn nhận nếu chỉ dựa vào bộ sách mà thay đổi được cách giáo dục hiện nay là cực kỳ khó, dù đây là tham vọng chính đáng của những người soạn sách.

Tuy nhiên, nó sẽ góp phần nào đó vào sự thay đổi vì ít nhất những người quan tâm đến giáo dục sẽ quan tâm đến bộ sách và nhóm Cánh Buồm. Các nhà chuyên môn cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ thông tin để bộ sách hoàn thành tốt hơn.

Hiện cô Hoa cũng đang có dự định mở một ngôi trường của riêng mình và mong muốn có một bộ sách tốt hơn sách giáo khoa hiện nay để dạy. Tuy nhiên, theo lời của cô giáo trẻ thì không phải muốn là được mà cần có sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bản thân bộ sách cũng phải được hoàn thành đầy đủ nên cô chờ đợi sự hoàn thiện đó.

Một người ngoại đạo với giáo dục, họa sĩ Trịnh Cung, khi được những người soạn sách giới thiệu về cách dạy môn văn (nhóm Cánh Buồm gọi là giáo dục nghệ thuật) đã tâm sự: “Khi các em được học với bộ sách này, đặc biệt là môn Văn, những người họa sĩ chúng tôi triển lãm tranh không còn sợ thiếu người xem”.

Tác giả sách ‘U30’

Ngoài nhà giáo Phạm Toàn ở tuổi 80, nhà thơ Hoàng Hưng, dịch giả Dương Tường mới tham gia nhóm Cánh Buồm, các thành viên còn lại của nhóm đều dưới 30 tuổi.

Cái duyên để mọi người gắn bó với nhau lại không phải xuất phát từ việc soạn sách giáo khoa mà từ trước đó. Tháng 7/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở lớp công nghệ giáo dục để huấn luyện người đi dạy cho giáo viên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc. Tuy nhiên, dự án đã bị “phá sản” sau khi huấn luyện.

Nhà giáo Phạm Toàn, người đứng lớp công nghệ giáo dục đã “truyền lửa” và tập hợp một số bạn lại để lập nên nhóm Cánh Buồm.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, thành viên của nhóm, nói: “Tôi bị thuyết phục với phương pháp của thầy Toàn và mong muốn cải thiện tình hình giáo dục hiện nay nên tham gia nhóm”. Thạc sĩ Hải đang là người biên soạn chính sách giáo khoa môn Văn và môn Lối sống của nhóm Cánh Buồm.

Từ ngày tham gia nhóm, thạc sĩ Đinh Phương Thảo không chọn cách đi xin việc để gắn thời gian vào một cơ quan nào. Thay vào đó, Thảo chọn công việc đi làm gia sư để có cơ hội áp dụng một phần cách giáo dục của nhóm vào việc dạy học sinh và có nhiều thời gian hơn cho việc biên soạn sách.

“Tôi cảm thấy rất thích khi được làm việc với các thành viên và tham gia soạn sách”, thạc sĩ Thảo, người soạn sách Tiếng Việt chính của Cánh Buồm, nói.

V. T.

Nguồn: radioaustralia.net.au

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn