Xích lại gần hơn từ “nỗi đau mất mát”

Hằng Nga

clip_image001

Ông André Menras nhận tiền quyên góp hỗ trợ ngư dân tại Ba Lan.

Bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” đã được người Việt tại các nước châu Âu ủng hộ nhiệt tình.

Được quay tại vùng biển Lý Sơn, (Quảng Ngãi) và dựng phim tại Đài truyền hình TP.HCM vào năm 2011, bộ phim đã mang tiếng nói của ngư dân Việt Nam ra cộng đồng quốc tế và kiều bào.

Đạo diễn và biên kịch của phim, ông André Menras Hồ Cương Quyết, là người mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam. Ông là Chủ tịch Hiệp hội Trao đổi Sư phạm Pháp Việt. Trong các buổi chiếu phim và trò chuyện với kiều bào tại Pháp, Đức, Cộng hòa Séc và Ba Lan, Menras cho biết ông đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, chân thành của cộng đồng người Việt tại các nước đó. NCĐT [Nhịp cầu Đầu tư – BVN] đã trao đổi với ông trên đường ông đi từ thủ đô Ba Lan về Pháp.

clip_image002

Kiều bào ủng hộ tại Ba Lan.

Ông nhận xét như thế nào về cộng đồng người Việt tại các nước mà bộ phim được công chiếu?

Phim được công chiếu tại 6 thành phố ở Pháp với sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè Pháp, Việt, các tổ chức Pháp và cộng đồng Việt kiều. Cuối tháng 3 vừa qua, tôi bắt đầu vòng lưu diễn ở Berlin, Köln (Đức), Praha, Plzen (Cộng hòa Séc) và Warsaw (Ba Lan). Tôi đã được người Việt tại các nước này đón tiếp, giúp đỡ phương tiện đi lại, ăn ở. Toàn bộ chương trình đều được chuẩn bị qua internet, từ những lời mời của các bạn người Việt tôi chưa từng quen biết và những người bạn mời tôi tại các nước đó cũng chưa hề gặp nhau. Thế nhưng, việc tổ chức qua email lại hết sức chuyên nghiệp, chặt chẽ và hiệu quả với tinh thần đoàn kết cao. Đó là điều khiến tôi bất ngờ và cảm động.

Ông ấn tượng nhất điều gì?

Quá nhiều ấn tượng. Ở thành phố Köln và Warsaw, có những người Việt trước đây chưa từng ngồi với nhau vì bất đồng quan điểm. Song khi nghe có buổi chiếu phim, họ tìm đến và cùng xem phim, trao đổi, trò chuyện và giao lưu rất ấm áp. Có người phải chạy xe đi và về mất 600 km để xem phim. Tại Warsaw, cùng với anh Tuyển, Giám đốc một Trung tâm thương mại, chúng tôi đã đi bộ 1 vòng khoảng 5 tiếng đồng hồ đến các quầy hàng của các tiểu thương người Việt Nam ở trung tâm để quyên góp hỗ trợ cho ngư dân Việt Nam. Tất cả những tiểu thương Việt kiều chúng tôi gặp đều vui vẻ tham gia.

Một số kiều bào Đức cho chúng tôi biết, yếu tố hòa hợp dân tộc đã được thể hiện tại các buổi chiếu phim này.

Tôi cũng có nghe cụm từ này khi trao đổi với một số bạn tại Đại sứ quán Việt Nam ở Cộng hòa Séc, Ba Lan. Khi mang phim đi chiếu, mục đích của tôi là làm thế nào để đưa tiếng nói của ngư dân Việt ra cộng đồng quốc tế, quyên góp hỗ trợ cho họ càng nhiều càng tốt. Còn các vấn đề khác, nếu có thì cũng đến một cách tự nhiên. Tôi thấy rằng nhiều khi chúng ta không tưởng tượng được sức mạnh, sự quan tâm, tình cảm của người Việt xa quê lâu ngày, hướng về quê mãnh liệt đến thế nào. Cần tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng người Việt ở châu Âu, bởi đó là sức mạnh và là lợi thế của Việt Nam.

Một số kiều bào tại Cộng hòa Séc và Ba Lan kinh tế khó khăn, lại xa quê lâu ngày, làm thế nào ông thuyết phục được họ đóng góp cho quỹ hỗ trợ ngư dân tại Việt Nam?

Đúng, một số vùng ở Ba Lan, Cộng hòa Séc tập trung kiều bào từng đi xuất khẩu lao động, nhiều người nghèo, một số đang thất nghiệp như ở thành phố Plzen. Tuy nhiên, họ đã không ngần ngại rút từ trong túi ra những tờ giấy bạc mệnh giá khiêm nhường để đóng góp. Trò chuyện với họ, tôi đọc được nỗi ngóng trông nhớ về quê hương rất sâu đậm. Có anh bạn, khoảng 50 tuổi, gốc Thái Bình, cho biết đã sang đây 19 năm, chưa lập gia đình, chỉ biết ngày làm, đêm về ngủ. Anh không có cơ hội gặp gỡ bạn bè và thèm được về thăm quê hương một lần. Tôi nghe anh ta nói mà lòng xúc động vô cùng.

Nhiều người quan niệm, Việt kiều đa số có cơ hội để thành đạt và giàu có. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Nhưng họ đều suy nghĩ, mong muốn điều tốt đẹp cho quê hương. Từ anh bạn là công nhân đến doanh nhân hay trí thức đều có mong muốn chung là quê nhà được phồn thịnh, ổn định và vững mạnh về mọi mặt. Thông tin về Việt Nam được họ cập nhật mỗi ngày.

Từ thành công của chuyến đi, ông sẽ tiếp tục mang phim đi chiếu cho người Việt ở Nhật và Mỹ?

Đó là kế hoạch và tôi đang cố gắng thực hiện. Trong chuyến đi vừa qua, ngoài thành công có thể nói là giúp cộng đồng người Việt xích lại gần hơn, chúng tôi đã quyên góp được 7.000 euro cho Quỹ hỗ trợ ngư dân, tất cả đều được công khai minh bạch. Cộng đồng Việt kiều ở Đức hứa sẽ chiếu phim và trao đổi tiếp vào tháng 9 tới tại 5 thành phố Hanover, Aarhen, Hamburg, Stuttgart và Sarrebruck. Tuy nhiên, hiện nay, mọi kế hoạch tôi tạm hoãn bởi mẹ tôi năm nay đã 86 tuổi và vừa rồi lại gặp vấn đề về sức khỏe.

Ông sẽ gửi lời cảm ơn ai vì sự thành công của chuyến đi này?

Nhiều lắm, những người bạn nước ngoài và người Việt đến xem phim, trao đổi và ủng hộ ngư dân Việt Nam. Đặc biệt, Hoài (Đức), Thọ, Cường (Cộng hòa Séc) và Hồng (Ba Lan) là những người đã đưa đón tôi rất chu đáo. Cảm ơn tất cả các bạn và người thân đã không quản ngại khó khăn, góp phần vào sự thành công của chuyến đi này.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn