Những ngư dân không sợ giặc cướp ở Hoàng Sa

Tấn Thành

KỲ 1: Bị cướp trên “sân nhà”

Không phải đến bây giờ ngư dân Việt Nam, nhất là ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi mới bị Trung Quốc bắt tàu, bắt người, tịch thu hải sản mà liên tiếp trong những năm qua, sự việc này xảy ra thường xuyên. Điều đáng lên án là những vụ bắt bớ nói trên đều xảy ra khi các ngư dân Việt Nam đang hoạt động đánh bắt hải sản hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

clip_image001

Các thuyền viên tàu QNg-90078-TS kể chuyện tàu bị bão đánh và bị cướp khi trú bão

Liên tục cướp của, bắt người tống tiền

Những vụ cướp của, bắt người diễn ra liên tục, khiến cho nhiều ngư dân rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Theo thông kê từ năm 2005 đến 2011, Quảng Ngãi đã có 144 tàu với 1.116 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, khiến nhiều người bị thiệt hại số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Chỉ tính năm ngoái, Quảng Ngãi có 17 tàu thuyền với khoảng 200 ngư dân bị nước ngoài bắt và giam giữ, xua đuổi, phạt tiền, tông hỏng tàu, cướp tài sản, phạt tù..., trong đó có đến 10 trường hợp do phía Trung Quốc gây ra. Gần đây nhất là vụ 21 ngư dân bị bắt cả tàu và người, bị cướp hết hải sản đánh bắt được, còn bị tống tiền. Hoặc trước đó, ngày 22-2, phía Trung Quốc cũng đã bắt giữ tàu cá QNg-90281-TS của ngư dân Đặng Tằm (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) sau đó tịch thu, phá hỏng toàn bộ phương tiện hành nghề trước khi thả tàu cá ông Tằm về lại địa phương. Còn theo ông Lê Văn Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Từ đầu năm đến nay, tỉnh có 5 tàu cá với 61 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giam, tịch thu ngư cụ, đòi tiền nộp phạt.

clip_image002

Nỗi lo của những người vợ có chồng hiện đang bị Trung Quốc bắt giam ở đảo Phú Lâm

Hay như trước đó, ngày 6-5-2011, tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu QNg-50615-TS do ngư dân Trần Văn Thoa (31 tuổi) làm thuyền trưởng cùng 14 ngư dân thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã bị một tàu kiểm ngư của Trung Quốc rượt đuổi và tịch thu tài sản trị giá hơn 200 triệu đồng. Tiếp đến trưa ngày 11-5-2011, tàu của thuyền trưởng Phạm Hà (37 tuổi) cũng bị tàu kiểm ngư của Trung Quốc vơ vét sạch tài sản như dây hơi, máy định vị, đồ nghề sửa máy, dây điện và toàn bộ 200 kg tôm hùm, 3 tấn cá... Anh Võ Đào (35 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu là thuyền trưởng tàu cá QNg-90019-TS cũng cho biết: "Ngày 9-5-2011, sau 10 ngày đổ mồ hôi giữa biển khơi 8 anh em đánh bắt được khoảng 5 tấn hải sản các loại đã bị tàu kiểm ngư Trung Quốc mang biển hiệu 309 áp sát trấn lột toàn bộ...”. Có những trường hợp chạy trốn bão cùng bị bắt, như tàu QNg-95031-TS, tàu QNg-90078-TS, tàu QNg-5012-TS... bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tài sản và đánh đập trong quá trình trú bão. Khó mà kể hết những vụ bắt, cướp, tống tiền như trên.

clip_image003

Chị Nguyễn Thị Mai Trang (vợ ngư dân Phan Văn Tân là thuyền viên tàu QNg-66074-TS bị Trung Quốc bắt giữ) bên đứa con nhỏ mới sinh hơn 1 tháng

Khốn đốn vì bị cướp, bắt, tống tiền

Nếu có ai về miền Trung thì chắc chắn không xa lạ gì với những câu chuyện ngư dân bị bắt, cướp, tống tiền. Trong số những người khánh kiệt do Trung Quốc bắt tàu, đáng kể là ông Mai Phụng Lưu, 30 năm qua ông đã kiên tâm bám biển thế nhưng 4 lần bị Trung Quốc bắt tàu, khiến ông phải khánh kiệt, nợ ngân hàng và các đầu nậu cá hơn 700 triệu đồng. Hay như thuyền trưởng Tiêu Viết Là (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu), chỉ trong vòng 5 năm, tàu cá ông đã 4 lần bị Trung Quốc tấn công, bắt giữ, tịch thu tàu. Bà Nguyễn Thị Bưởi (vợ ông Là) nói: "Gia đình còn nợ ngân hàng 120 triệu đồng nhưng biết lấy gì trả đây!” Vì thế, từ một gia đình giàu có nhất, nhì thôn Châu Thuận Biển, bây giờ ông Là trở nên khánh kiệt, nợ nần và đau ốm. Rất nhiều ngư dân ở xã Bình Châu và ở huyện đảo Lý Sơn rơi vào tình cảnh tương tự. Hay như tâm sự của ông Đặng Tằm: "Năm 2010, tui và 10 ngư dân bị tàu ngư chính của Trung Quốc bắt về đảo Phú Lâm giam 10 ngày, sau khi nộp phạt 210 triệu đồng mới được họ thả về. Sau lần đó tui nợ nần gần 600 triệu đồng. Năm rồi tui đi bốn chuyến, trả được gần 300 triệu đồng, tính năm nay đi biển sẽ gom lại trả hết. Nhưng mới chuyến đầu đã bị cướp, nợ lại chồng nợ lên 600 triệu đồng. Vậy có khổ không chứ!” Có rất nhiều gia đình như ông Lưu, ông Là, ông Đặng Tằm, họ là những ngư dân hiền lãnh làm ăn ngay chính trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, thế nhưng phía Trung Quốc vẫn cướp, bắt, tống tiền khiến họ lâm vào cuộc sống nợ nần khó khăn.

Nhiều ngư dân cho rằng, thật sự nếu không có sự giúp đỡ từ cộng đồng, từ những chính sách thiết thực của Đảng và Nhà nước thì họ khó có cơ may trở lại biển khơi. Như hoàn cảnh của "Sói biển” Mai Phụng Lưu, ông Lưu tâm sự rằng: "Tui bị phía Trung Quốc bắt 4 lần, tổn thất hàng tỉ đồng, tưởng chừng như sẽ không còn cách gì để ra khơi. Thế nhưng nhờ được hỗ trợ vay vốn, tui lại có tàu để ra khơi. Lòng tui lúc nào cũng luôn hướng về ngư trường Hoàng Sa”. Tâm sự của "sói biển” Lưu cũng là tâm sự của những người kiên tâm bám biển. Thật đáng trân trọng và khâm phục lòng quả cảm của những ngư dân này.

Nguồn: daidoanket.vn

KỲ 2: Vẫn thẳng tiến về ngư trường Hoàng Sa

Thực tế cho thấy, mỗi chuyến ra khơi ngư dân phải đối diện với rất nhiều gian nan và hiểm nguy, thế nhưng tất cả họ đều tâm huyết bám ngư trường Hoàng Sa đến cùng. Họ chỉ căm ghét chứ không hề sợ "cướp biển” ở Hoàng Sa. Bởi họ ý thức rằng, nơi đó là Tổ quốc thiêng liêng. Nên cho dù bắt bớ, tịch thu tàu, hải sản, thậm chí bị đánh đập, họ vẫn đấu tranh, vẫn ra khơi, dong buồm phất cờ thẳng tiến về ngư trường Hoàng Sa.

clip_image004

Cờ Tổ quốc hàng ngày vẫn tung bay trên Biển Đông

Thẳng tiến về ngư trường Hoàng Sa

Quảng Ngãi hiện có gần 6.000 tàu cá, trong đó có trên 1.000 tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (tại Hoàng Sa có hơn 600 tàu với gần 1.000 lao động, tại Trường Sa có 425 tàu với trên 700 lao động). Còn Quảng Nam có trên 3.200 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản, trong đó có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ ở 2 quần đảo nói trên. Chỉ tính riêng huyện Núi Thành đã có 2.445 phương tiện hoạt động khai thác hải sản với tổng công suất 52.250 CV, thu hút 9.400 lao động địa phương. Trong số đó, có hơn 2.000 lao động đặc thù đánh bắt xa bờ mà chủ yếu là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hay như huyện đảo Lý Sơn, dân số hơn 21.000 người đã có đến 70% dân số sống bằng nghề biển. Hiện tại, Lý Sơn có tổng số 411 tàu thuyền, tổng công suất 36.434 CV, với gần 3.000 lao động trực tiếp tham gia trên biển, trong đó có 120 tàu đánh bắt xa bờ.

"Sói biển” Mai Phụng Lưu từng tâm sự: "Nhiều đời cha ông của chúng tôi đã bám biển Hoàng Sa, nay đến lớp lớp, đời đời con cháu chúng tôi vẫn bám biển. Riêng tôi có hàng chục năm bám ngư trường Hoàng Sa. Việc Trung Quốc gây khó dễ, hay bắt bớ đánh đập, cản trở việc ngư dân đánh bắt hải sản, khiến chúng tôi vô cùng tức giận chứ không hề sợ. Tôi sẽ mãi mãi bám biển Hoàng Sa và con cháu chúng tôi vẫn vậy”. Đó cũng là tâm sự của nhiều ngư dân đánh bắt ở ngư trường truyền thống này.

Còn ngư dân kỳ cựu Phan Kim Nhựt ở xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) khẳng định: "Bà con chúng tui luôn đi về vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa bởi nơi đó là Tổ quốc thiêng liêng!”

clip_image005

Các ngư dân Việt Nam chuẩn bị đồ nghề lặn bắt hải sâm tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam

Biển không phụ lòng người!

Trong quá trình kiên tâm bám biển, ngư dân cũng đã gặt hái những kết quả tốt đẹp. Quảng Ngãi hằng năm khai thác được trên 100.000 tấn hải sản các loại. Riêng Bình Chánh là một xã ven biển, hiện có 102 tàu cá, hằng năm đánh bắt khoảng 10.000 tấn hải sản. Còn từ đầu năm đến nay, bà con ngư dân huyện Đức Phổ, với 1.306 chiếc tàu, tổng công suất trên 135.000 CV đã ra khơi đánh bắt hải sản đạt trên 34.100 tấn,.. Hay như tại huyện đảo Lý Sơn, năm 2011 khai thác trên 31.000 tấn hải sản các loại, đạt giá trị kinh tế hơn 250 tỉ đồng. Năm 2012 dự kiến khai thác đạt sản lượng hải sản 35.000 - 37.000 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 300 tỷ đồng. Cùng với đó, dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Tại Quảng Ngãi, từ giữa tháng 2 đến nay, ngư dân các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức (Quảng Ngãi) liên tiếp được mùa cá cơm. Bình quân mỗi đêm ngư dân đánh bắt từ 20 - 30 tấn cá, giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, bà con thu về từ 250 - 450 triệu đồng. Trong khi đó những ngày qua, ngư dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa đã trúng đậm cá mập. Như tàu cá QNg-27225 -TS của anh Trần Thái Sơn (35 tuổi) vừa cập bến với 40 con cá mập, trong đó có con nặng hơn 4 tạ. Với giá cá mập hiện nay 1,8 triệu đồng/kg, tính ra, sau 2 đêm săn cá mập, tàu cá của anh Sơn thu về 200 triệu đồng. Hay như tàu cá của ông Cao Đình Trung chỉ trong một đêm đã săn được 98 con cá mập, bán được gần 1 tỷ đồng.

Còn tại Quảng Nam, mùa khai thác hải sản năm 2011, ngư dân huyện Núi Thành đạt sản lượng khá, góp phần nâng cao đời sống ngư dân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động với thu nhập đáng kể. Kết thúc vụ mùa năm ngoái, toàn huyện đã đánh bắt được 28.780 tấn hải sản, tăng 7,23% so với năm 2010. Năm nay huyện Núi Thành phấn đấu khai thác 27.000 tấn hải sản các loại. Ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang (huyện Núi Thành) cho biết: "Trong năm 2011, toàn xã khai thác được 12.800 tấn hải sản”...

Với sự kiên tâm bám biển, biển cả cũng đã không phụ lòng người. Ngư dân vẫn sống với nghề đánh bắt xa bờ, cho dù đó đây vẫn còn giặc cướp nhưng bà con không nao núng tinh thần. Bởi ngư trường biển truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, của cha ông đã nhiều đời để lại cho chúng ta. Sự kiên trì bám biển này thật đáng trân trọng. Cờ Tổ quốc mỗi ngày tung bay trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là niềm hạnh phúc không của riêng ai.

Nguồn: daidoanket.vn

Kỳ cuối: Sự đồng hành vững vàng

Nhiều ngư dân lâm cảnh bị cướp, bắt, tịch thu tài sản tâm sự rằng: nếu không có sự lên tiếng kịp thời của báo chí, những sự giúp đỡ của cộng đồng và nhất là những chính sách giúp đỡ ngư dân của Nhà nước, họ thật sự không biết xoay xở ra sao. Thật vậy, trong thời gian qua, Nhà nước đã kịp thời có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho ngư dân và đầu tư hậu cần nghề cá, cùng với đó là sự ra đời kịp thời những Tổ đoàn kết trên biển, những Hiệp hội, Nghiệp đoàn, Hợp tác xã (HTX) nghề cá... đã thật sự là "bà đỡ” cho ngư dân, góp phần quan trọng giúp ngư dân bám biển.

clip_image006

Ngư dân ngày càng sắm những tàu to, ngư cụ đầy đủ để ra khơi là nhờ có sự đồng hành từ phía Nhà nước

Những chính sách thiết thực

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu - một trong 428 ngư dân đầu tiên tình nguyện viết đơn vào Nghiệp đoàn nghề cá, tâm sự: "Nhiều lần bị Trung Quốc bắt tàu, giữ người đòi tiền chuộc, nợ nần làm tôi khánh kiệt, nhưng nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, của những chính sách tốt đẹp của Nhà nước nên tôi vẫn giữ được mong ước của mình là suốt đời bám biển Hoàng Sa”. Thật sự không chỉ ông Lưu mà rất nhiều ngư dân đã được thụ hưởng những sự hỗ trợ thiết thực cho nghề đánh bắt hải sản.

Có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân như Quyết định số 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu, đánh bắt xa bờ. Thực hiện Quyết định này, nhiều địa phương đã quyết định hỗ trợ kinh phí nhiên liệu, mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên cho các ngư dân đánh bắt trên các vùng biển xa với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng. Cùng với đó, các tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân, Quỹ nhân đạo nghề ca, Quỹ bảo hiểm...

Các chính sách hỗ trợ ngư dân khác như: Quyết định số 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản hoặc tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản; Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg về hỗ trợ đối với ngư dân bị tai nạn trên biển. Bộ NN&PTNT cũng đã trình lên Chính phủ chính sách hỗ trợ "Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển”. Theo đó, dự kiến hỗ trợ cho 3.000 Tổ đoàn kết với 15.000 tàu (có công suất 90 CV trở lên) và hỗ trợ cho 150.000 thuyền viên, với mức hỗ trợ dự kiến là 636,6 tỷ đồng...

clip_image007

Cùng với đó là sự thăm viếng, động viên, chia sẻ kịp thời những gia đình ngư dân gặp nạn của các cấp chính quyền, các đoàn thể đã thể hiện sự quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành với bà con ngư dân. Hay mỗi chuyến ra khơi, bộ đội biên phòng luôn sát cánh cùng bà con ngư dân. Chính vì thế, tình quân dân ngày càng sâu nặng và bà con càng an tâm với những chuyến ra khơi xa!

Sự đầu tư hiệu quả

Cùng với những chính sách thiết thực dành cho bà con ngư dân, thời gian qua, Nhà nước cũng đã đầu tư cho hậu cần nghề cá. Hàng loạt những công trình vô cùng hiệu quả giúp nghề đánh bắt hải sản phát triển.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản đồng ý trích ngân sách hơn 11.000 tỉ đồng xây dựng các khu neo đậu cho tàu cá tránh, trú bão từ nay đến năm 2020. Theo đó, cả nước sẽ có 131 khu neo đậu cho tàu cá tránh, trú bão với sức chứa hơn 84.000 tàu, trong đó có 17 khu tránh, trú bão cấp vùng, còn lại là các khu tránh, trú bão cấp địa phương.

Chính quyền Quảng Ngãi cũng đã chi nguồn kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng xây dựng trạm thông tin liên lạc dọc bờ biển và mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa trang bị cho ngư dân đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Chính quyền cũng triển khai một loạt dự án, trang bị thiết bị phát hiện luồng cá cho các tàu trong tỉnh trị giá 13,9 triệu USD và tiếp nhận 280 bộ thiết bị GPS do Bộ NN&PTNT để cấp và quản lý các tàu đánh bắt cá xa bờ. Các tỉnh miền Trung cũng thường xuyên hỗ trợ phao cứu sinh, máy trực trường, tuyên truyền về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, luật hàng hải quốc tế... cho ngư dân. Xây dựng trạm cứu nạn, cứu hộ tại huyện đảo Lý Sơn với tổng số vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai hệ thống thông tin cho tàu cá. Trang bị máy Icom tầm xa, tầm gần để ngư dân liên lạc thường xuyên với nhau và liên lạc với đất liền. Hay như xây dựng Khu dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Công ty Biển Đông (Bộ NN&PTNT) hoạt động tại đảo Đá Tây (quần đảo Trường Sa) đã giúp đỡ cho bà con rất nhiều từ nhiên liệu đến lương thực, nước ngọt, sửa chữa tàu bị hỏng... Chính quyền cũng đã hỗ trợ kinh phí để đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; tổ chức tập huấn cách ứng phó khi gặp bão.

clip_image008

Cùng với đó, hàng loạt cảng cá, âu thuyền đã được xây dựng để tàu thuyền neo đậu, trú bão như âu thuyền Hồng Triều (Quảng Nam), với tổng vốn 44 tỉ đồng, diện tích gần 16ha, đáp ứng cho hơn 1.000 tàu thuyền neo đậu tránh, trú bão; âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) có kinh phí lên đến 66,457 tỉ đồng, sức chứa khoảng 2.000 tàu thuyền. Cùng với đó là một số điểm trú ẩn cũng khá an toàn được xây dựng tại Lý Sơn, Sa Kỳ của Quảng Ngãi. Hay như đầu tư xây dựng cảng cá nằm cuối sông Trà Bồng có tổng kinh phí đầu tư hơn 184 tỷ đồng; Dự án thông luồng và xây dựng cảng cá Sa Huỳnh với kinh phí trên 40 tỉ đồng; công trình Cầu cảng cá Lý Sơn với mức đầu tư hơn 31 tỷ đồng...

Rõ ràng với những chính sách thiết thực, sự đầu tư kịp thời các cơ sở hạ tầng như cảng cá, âu thuyền đã thật sự tiếp sức cho ngư dân, nên cho dù còn gặp không ít những khó khăn nhưng ngư dân miền Trung vẫn kiên tâm bám biển. nhất là ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Việc khai thác hải sản ở đó còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng ngư dân vẫn cho rằng, cần có nhiều hơn thế nữa những sự hỗ trợ, đầu tư cho nghề cá và cả biện pháp cần thiết để bảo vệ ngư dân.

T. T.

Nguồn: daidoanket.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn