FAO ra chỉ thị về việc mua bán đất, để bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu

Trọng Thành

Nhà tư bản thì ở đâu cũng thế thôi, “được 300% thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ” (Các Mác, Tư bản, tập I, quyển I, phần 2, Chương XXIV, Nxb Tiến bộ - Mat-xcơ-va, Nxb Sự Thật – Hà nội, 1984, tr. 315, chú thích số 250). Người ta thấy nhan nhản từ châu Mỹ qua châu Phi, châu Á cảnh các công ty cá mập “mua đất” hay cấu kết với chính quyền địa phương chiếm đoạt đất, đẩy nông dân vào khốn cùng.

Tất nhiên, tình trạng tồi tệ đó không loại trừ những đất nước tự xưng là “xã hội chủ nghĩa”, như Việt Nam, Trung Quốc, mà những vụ như Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Ninh Bình) là minh chứng. Điều mỉa mai là ngay tại các nước “xã hội chủ nghĩa”, việc cưỡng chế “thu hồi” đất dường như quyết liệt hơn, tạo ra nhiều oan khiên hơn, vì nấp dưới danh nghĩa “sở hữu toàn dân”. Công cụ sản xuất của bất kỳ ai cũng đều được luật pháp thừa nhận, duy chỉ có công cụ sản xuất của nông dân, là đất, thì không! Tước đất đai, đối với người nông dân, là tước nguồn sống!

Theo RFI, trong Chỉ thị về việc mua bán đất, nhằm bảo vệ an ninh lương thực tại các nước nghèo, FAO (Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc) khẳng định “quyền sở hữu đất đai không phù hợp và không được bảo vệ khiến đói nghèo gia tăng và khiến các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương, và như vậy có thể dẫn đến các xung đột xã hội và làm suy thoái môi trường”. Thì điều đó hẳn đã không là hiện thực ở nước ta hay sao?

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Có chế tài để bảo vệ quyền sở hữu và sử dụng đất của các cộng đồng địa phương là biện pháp căn bản để xóa đói giảm nghèo. Trong ảnh, nông dân Pêru đấu tranh giữ đất (DR)

Ngày hôm qua 11/05/2012, ủy ban an ninh thực phẩm thế giới (CSA) thuộc tổ chức FAO đã thông qua chỉ thị về việc mua bán đất, nhằm bảo vệ an ninh lương thực tại các nước nghèo. Mặc dù, nhiều tổ chức phi chính phủ chưa hài lòng với văn bản này, nhưng theo lãnh đạo CSA, chỉ thị này có “một ý nghĩa lịch sử”, cho thấy nỗ lực của cộng đồng quốc tế hướng tới đẩy lùi nạn đói.

Chỉ thị của FAO khẳng định, quyền sở hữu đất đai không phù hợp và không được bảo vệ khiến đói nghèo gia tăng và khiến các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương, và như vậy có thể dẫn đến các xung đột xã hội và làm suy thoái môi trường. Nghị quyết này nhấn mạnh đến quyền của các cư dân bản địa đối với đất đai, sự bình đẳng giới trong việc sở hữu đất. FAO cũng khuyến nghị các nhà đầu tư tư nhân tôn trọng nhân quyền và quyền sở hữu của người dân.

Chỉ thị này là kết quả của nhiều tháng thương thuyết giữa các chính phủ, các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và khu vực tư nhân.

Theo tổng giám đốc FAO José Graziano da Silva, việc thừa nhận “quyền sở hữu theo phong tục tập quán” (customary tenure systems) trong chỉ thị này là một điều hết sức quan trọng đối với hàng triệu nhà nông, người làm nghề rừng, cũng như những người khai thác hải sản trên quy mô nhỏ.

Văn bản dài khoảng 40 trang của tổ chức Lương nông của Liên hiệp quốc không mang tính bắt buộc. Văn bản này chỉ đưa ra các nguyên tắc nhằm khuyến cáo các quốc gia cải thiện chế độ sở hữu đất và cung cấp cho chính phủ các nước những chỉ dẫn giúp cho việc quản trị tốt hơn quyền sở hữu đất theo nghĩa rộng, bao gồm đất đai, rừng và nơi đánh bắt hải sản.

Theo chỉ thị này, để chống lại nghèo đói, cần phải xây dựng được một hệ thống pháp luật thích ứng, dành cho các cộng đồng địa phương quyền được thông tin, được đưa ra ý kiến, trong những trường hợp đất đai trồng trọt được bán đi, hay cho thuê trên quy mô lớn. Chỉ có như vậy thì lợi ích của các cư dân mới được bảo đảm.

FAO khuyến nghị các quốc gia cần xây dựng các quy tắc minh bạch trong việc mua bán đất liên quan đến loại đất, quy mô đất được bán... và cần phải xác định rõ thế nào là các giao dịch về đất trên quy mô lớn. Trả lời AFP, ông Angel Strappazzon - thành viên phong trào nông dân quốc tế La Via Campesina - nói, chính phủ các nước cần dựa trên chỉ thị này để xây dựng các chế tài đối với việc mua bán đất.

Trong thời gian gần đây, việc bán và thuê đất trồng trọt trên quy mô lớn gây ra nhiều tranh luận. Các tổ chức phi chính phủ tố cáo những tác động tiêu cực của việc tư nhân mua lại đất trên quy mô lớn tại các nước nghèo, nhất là ở châu Phi và châu Á.

Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 200 triệu ha đất đã được bán hay cho thuê trong khoảng những năm từ 2000 đến 2010. Việc mua bán đất đai này thường không mang lại lợi ích cho dân cư địa phương. Theo các dữ liệu của dự án Land Matrix, việc các công ty tư nhân mua lại đất đai của các cộng đồng địa phương ngày càng bị phản đối, trong bối cảnh giá lương thực thực phẩm tăng cao, từ năm 2008. Một phần tư trong số diện tích đất mua được dùng để trồng cây làm nguyên liệu cho xăng thực vật.

Chỉ thị của FAO cũng nhận được nhiều phê bình. Theo ông Stéphane Parmentier (Oxfam), thiếu sót cơ bản của văn bản này là không lên án hành động chiếm đoạt đất đai và các tài nguyên khác. Theo các tổ chức phi chính phủ, một điều thiếu sót nữa là văn bản đã không đả động đến tài nguyên nước, cũng là một điều vô cùng hệ trọng đối với an ninh lương thực.

T. T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn