Gói cứu trợ ‘có thể bị lợi dụng’

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký thông qua gói cứu trợ lên đến 29.000 tỷ đồng (1,39 tỷ USD) hôm 10/5 dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong tình trạng khốn quẫn.

clip_image001

Các doanh nghiệp Việt Nam chưa bao giờ khó khăn như hiện nay

Kế hoạch cứu trợ này, được biết đến như Nghị quyết 13, thực chất là một gói nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang trong tình trạng được mô tả là ‘sống dở chết dở’ trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Nghị quyết nói các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định sẽ được hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đến 6 tháng, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đến 9 tháng, giảm một nửa tiền thuê đất, được ngân hàng khoanh và giãn nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi...

Ngoài ra chính phủ cũng đề xuất Quốc hội xem xét giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh trong các lĩnh vực đời sống như cho thuê phòng trọ, trông giữ trẻ, nấu ăn cho công nhân.

Các lĩnh vực được ưu tiên trợ giúp là khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, sắt thép, xi măng...

'Nhiều kẽ hở'

Nhìn bên ngoài thì đây là một tin tốt lành đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ – một bộ phận rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam – nhưng cũng có ý kiến cho rằng bên trong gói cứu trợ này còn những điểm khuất tất.

"Các doanh nghiệp nói rằng các biện pháp trên giấy thì đúng và rất đẹp nhưng ít đến được với họ".

TS Lê Đăng Doanh

Trao đổi với BBC, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế trung ương, khẳng định rằng gói cứu trợ này chưa đánh trúng đối tượng và có nhiều kẽ hở có thể bị lợi dụng.

Ông cho biết là sau khi gói cứu trợ này được công bố, nhiều doanh nghiệp đã gọi điện đến ông thể hiện ‘sự dè dặt’ vì ‘không biết gói cứu trợ có đến được’ với họ hay không.

“Các doanh nghiệp nói rằng các biện pháp trên giấy thì đúng và rất đẹp nhưng ít đến được với họ”, ông kể lại.

Ông Doanh than phiền rằng Nghị quyết 13 này bỏ qua một nhóm các doanh nghiệp rất đáng được trợ giúp là các doanh nghiệp ‘đã nằm trong quan tài’.

Ông giải thích rằng đây là những doanh nghiệp thật sự có công nghệ, có hợp đồng, lâu nay vẫn hoạt động tốt nhưng do tình hình xuất khẩu quá khó khăn làm cho lượng hàng tồn kho của họ quá lớn nên không sản xuất được nữa.

“Những doanh nghiệp này đáng được cứu”, ông nói.

"Các tiêu chí (của gói cứu trợ) rất chung chung và không cụ thể. Đây là dư địa để các quan chức có thể tận dụng dụng cơ chế xin cho cho các doanh nghiệp sân sau của mình".

TS Lê Đăng Doanh

Tuy nhiên kinh tế gia Lê Đăng Doanh đánh giá rằng đối tượng được hưởng lợi từ Nghị quyết 13 là các doanh nghiệp ‘đang hoạt động’ chứ không phải đang hấp hối vì chỉ khi còn hoạt động thì họ mới được lợi trong việc hoãn thuế.

Một điểm nữa về Nghị quyết 13 mà ông Doanh cũng than phiền là không xác định rõ các doanh nghiệp như thế nào thì được trợ giúp.

Ông cảnh báo đây là lỗ hổng sẽ được lợi dụng để làm lợi cho không đúng đối tượng.

Cơ chế "xin cho"

“Các tiêu chí rất chung chung và không cụ thể,” ông nói, “Đây là dư địa để các quan chức có thể tận dụng dụng cơ chế xin cho cho các doanh nghiệp sân sau của mình.”

Theo ông Doanh thì lẽ ra Nghị quyết nên xác định cụ thể doanh nghiệp phải có các điều kiện như có hợp đồng, bán được hàng, có trả thuế đều đặn, trả nợ ngân hàng đúng hạn thì mới được cứu trợ.

“Thí dụ như mới đây một doanh nghiệp bất động sản mua lại một doanh nghiệp thủy sản để (lấy tư cách đó) tiếp cận với tín dụng cứu trợ”, ông đưa dẫn chứng.

Ông không trả lời câu hỏi có hay không ‘lợi ích nhóm’ trong việc cho ra đời Nghị quyết 13, nhưng than phiền rằng nghị quyết này chưa được ‘công khai minh bạch’ và có sự tham vấn hiệp hội của các ngành công nghiệp.

“Các ngành hàng có thể giúp... Họ có các tiêu chí đưa ra bàn bạc công khai để gói cứu trợ có thể đến được những người cần cứu trợ và có tác dụng tốt”, ông nói.

“Tôi đã có đề nghị trước khi ban hành (Nghị quyết 13) nên có đối thoại với các doanh nghiệp và tham khảo ý kiến các hiệp hội ngành hàng”, ông nói.

"Nói chung dù có cứu trợ dù ít hay nhiều cũng là đáng quý cả".

Trần Quang Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử

Tiến sỹ Doanh cho biết các doanh nghiệp Việt Nam ‘chưa bao giờ khó khăn như hiện nay’.

Ông cũng cho rằng việc gói cứu trợ này được tung ra vào thời điểm hiện nay ‘rõ ràng là chậm’ vì hồi tháng Tư khi các chuyên gia đã lưu ý về tình hình các doanh nghiệp đang bị khó khăn thì chính phủ họp ‘vẫn có ý kiến cho rằng những doanh nghiệp bị đóng cửa là những doanh nghiệp ma hoặc rất nhỏ’.

“Nhẽ ra không có đánh giá đó”, ông nói, “Nhưng chậm còn hơn không”.

Ông cho biết vấn đề hiện nay là ‘cần phải thực thi gói cứu trợ cho kịp thời để thiện chí của chính phủ đến được các doanh nghiệp’.

Trong khi đó, ông Trần Quang Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử, nói với BBC rằng các doanh nghiêp trong hiệp hội của ông ‘rất phấn khởi’ với gói cứu trợ vừa được tung ra này.

“Nói chung dù có cứu trợ dù ít hay nhiều cũng là đáng quý cả”, ông nói và cho biết các biện pháp giảm tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp là có tác dụng giúp đỡ nhiều nhất.

“Chúng tôi đang bàn với nhau trong ngành hàng sẽ tổ chức và sử dụng gói cứu trợ này làm sao cho tốt”, ông nói.

clip_image002

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ông cũng nói là ngành hàng của ông muốn có gói cứu trợ lớn hơn và phạm vi rộng hơn nữa và ‘giá mà (gói cứu trợ) ra sớm hơn tí nữa thì tốt hơn’.

Nghị quyết 13 nói sẽ giảm 50% tiền thuê đất trong năm nay đối với các tổ chức kinh tế trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ trong đó có việc gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính.

Giới quan sát tỏ ra hoài nghi về khâu thực hiện bởi Nghị quyết không nói cụ thể về mức độ khó khăn như thế nào thì được giảm tiền thuê đất và khâu cấp xét phải qua có ý kiến của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng nhân dân.

Khi được BBC tiếp cận, Ngân hàng Phát triển châu Á chưa có bình luận gì về Nghị quyết mới này.

Tuy nhiên vào giữa tháng Tư, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam trên thông cáo báo chính nói “Tăng cường sự minh bạch trong hiệu quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp nhà nước sẽ đưa ra tín hiệu mạnh mẽ với thị trường rằng Chính phủ thực sự cam kết cải cách”.

“Tiến trình cải cách cũng sẽ được hưởng lợi từ việc có nhiều thông tin hơn về các cải cách cơ cấu tới nay, so sánh với các mục tiêu của Chính phủ”.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn