Nợ xấu ngân hàng từ đâu?

Thái Bình

Từ năm 2007 đến cuối năm 2011, Chính phủ Việt Nam điều hành nền kinh tế chạy theo chỉ số GDP. Hằng năm Chính phủ trình Quốc hội các chỉ tiêu kinh tế xã hội phát triển đất nước trong đó có chỉ số tăng trưởng GDP, kế hoạch của Chính phủ được Quốc hội ủng hộ, chỉ số GDP hằng năm càng cao càng tốt. Khả năng nền kinh tế có hạn trong khi chính phủ đưa ra chỉ số GDP cao và phấn đấu đạt bằng được với mọi giá mà không tính đến hậu quả.

Để đạt được chỉ tiêu GDP hằng năm bằng mọi giá phải tăng cường đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư trên tổng sản phẩm quốc nội tăng nhanh hằng năm và nay vào hàng cao so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Trong khi nguồn vốn đầu tư có hạn, muốn hoàn thành được các hạng mục đầu tư phải tăng nguồn cung tiền cho nền kinh tế từ ngân sách, đi vay, phát hành trái phiếu, lạm phát, tín dụng tăng trưởng rất nóng...

Hậu quả là kinh tế vĩ mô bất ổn, thể hiện các mặt sau

+ Nợ công tăng rất nhanh từ mức rất thấp (trên dưới 20% GDP) đến nay đã trên 50% GDP.

+ Tín dụng tăng trưởng nóng gây áp lực tăng giá và lạm phát.

+ Tăng cường đầu tư phải tăng cường nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu khiến nhập siêu tăng nhanh có năm tới cả chục tỷ đô la Mỹ; nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng về thu chi ngoại tệ làm tỷ giá hối đoái tăng nhanh, đẩy chỉ số CPI tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân.

+ Chỉ số CPI năm 2011 tăng lên mức kỷ lục châu Á (gần 19%).

+ Đầu tư dàn trải, nhiều dự án kém hiệu quả, mà tập trung nguồn lực lớn các Tập đoàn gây thất thoát lãng phí rất lớn, đóng góp tăng trưởng GDP của các Tập đoàn kinh tế không tương xứng với mức đầu tư.

+ Thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng, giá bất động sản phi mã.

+ Các ngân hàng thi nhau đổ tín dụng vào bất động sản nhằn hưởng lãi suất cao hơn các ngành khác.

+ Cùng với tác động xấu của kinh tế thế giới kết hợp với điều hành yếu kém của ta gây khó khăn cho sản xuất vì thế tăng trưởng GDP có xu hưởng giảm.

+ Năm 2011 nguồn vốn đầu tư nước ngoài của thế giới nói chung tăng trưởng rất tốt còn Việt Nam suy giảm lớn.

+ Mặc dù GDP năm 2011 vẫn tăng trưởng trên 5%, nhưng đời sống người dân đi xuống, đặc biệt là tầng lớp nghèo, vì chỉ số CPI tăng quá lớn, gần 19% năm 2011.

Khi nhận ra tình hình bất cập trên, thay vì xử lý mềm mại từ từ, thì chính phủ không vận hành như vậy mà thắt chặt ngay chính sách tiền tệ, tài khoá vì thế tuy đạt được một số chỉ tiêu nhưng hậu quả rất nặng nề:

+ Hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, những doanh nghiệp không phá sản nhưng đình đốn sản xuất tồn kho sản phẩm cao, hàng vạn lao động thất nghiệp.

+ Thị trường bất động sản bong bóng bị vỡ.

+ Cán cân xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2012 tương đối cân bằng, lý do chính không phải ta tăng trưởng được xuất khẩu mà là sản xuất trong nước đình trệ do vậy nhu cầu nhập khẩu thấp.

+ Tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2012 thấp nhất hơn mười năm qua.

Như vậy hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, thị trường bất động sản đóng băng, các tập đoàn kinh tế nhà nước đa phần kinh doanh kém hiệu quả, trong đó một số tập đoàn làm thất thoát và lãng phí lớn vốn và tài sản như Vinashin, Vinaline... là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ ngân hàng làm hàng loạt ngân hàng có số nợ xấu tăng vọt. Nhưng âu cũng là nhân quả, đầu tư tín dụng vào bất động sản thời bong bóng với lãi suất cao ngất ngưởng, thu nhập của người làm trong lĩnh vực ngân hàng cũng rất cao, nay nợ xấu thì phải gánh chịu.

T.B.

Hà Nội, ngày 19/09/2012

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn