Năm lần “phá” Chủ nghĩa xã hội để tồn tại

Nhà thơ Ngô Minh

clip_image001

Không ai biết Chủ nghĩa xã hội (CNXH) là một hình thái xã hội như thế nào. Nó có trong trí tưởng của ai đó hay có ở hành tinh khác. Chỉ nghe thầy giáo chính trị giảng đi giảng lại trong lớp học từ bé lớp một cho đến sinh viên đại học, rằng: Nước ta đang xây dựng CNXH, giai đoạn đầu của Chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa xã hội là sung sướng gấp vạn lần, dân chủ, tự do gấp vạn lần chủ nghĩa tư bản. Nhưng thực tế ở nước ta (và nhiều nước CNXH “anh em” khác như Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, các nước Đông Âu, Liên Xô (cũ) 80 năm qua, càng xây dựng CNXH thì cuộc sống càng đi xuống, bị kềm nén không có tự do báo chí, không có tự do lập hội, thiếu dân chủ, v.v. Chỉ đi xe chục tiếng sang Thái Lan, thấy đời sống nước họ, tự do dân chủ nước họ mà thèm. Đó là chưa nói đến Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch… cuộc sống của họ là thiên đường thực sự. Ở xứ ta, chỉ có giai cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền là ngày càng giàu sang và quyền lực. Các nước Đông Âu và Liên Xô đã làm một cuộc “cách mạng mềm” lật đổ CNXH để xây dựng cuộc sống mới. Bốn trăm triệu người ở Liên Xô và Đông Âu được giải phóng, vô cùng hoan hỷ. Nước ta từ năm 1954 ở miền Bắc và từ sau năm 1975 trên cả nước, ai cũng nhận thấy càng xây dựng CNXH thì dân càng đói kém, cuộc sống càng bị o ép khổ cực. Đến bây giờ nước ta vẫn được xếp hạng một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nhưng nhân dân ta đã có những cuộc vượt phá chiếc “vòng kim cô” “CNXH” để mưu sinh và tồn tại rất ngoạn mục.

1. Cuộc “lãn công” vĩ đại dưới thời Hợp tác xã

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ở miền Bắc tiến hành Hợp tác hóa nông nghiệp và cải tạo tiểu thủ công nghiệp. Hợp tác xã là Chủ nghĩa xã hội. Lúc đầu bà con háo hức lắm. Nhưng rồi tham nhũng nảy nòi, được thể chế CNXH khuyến khích: Một người làm việc bằng hai / Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe / Một người làm việc bằng ba / Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân… Đưa ruộng cha ông để lại vào hợp tác rồi, người nông dân không còn ruộng đất canh tác nữa, phải đi làm đồng theo kẻng. Ruộng chung như cha chung không ai khóc, nắng lên khỏi ngọn sào mới lục tục ra đồng, chưa xong đường cày đã giải lao, chiều mặt trời còn con sào đã về. Nên cuối vụ chia công điểm, mỗi công được hai lạng thóc. Dại gì mà làm cho thằng khác ăn. Thế là đói. Cả xã hội nông thôn lãn công. Người gần rừng thì đi đào củ mài. Người không có rừng thì đào cua bắt ốc ra chợ đổi gạo. Nên cả miền Bắc nông dân lãn công.

Lãn công đến độ, bờ xôi ruộng mật cũng chẳng ai ngó ngàng đến. Thấy cảnh dân đói quá, các nhà quản lý buộc phải “phá lệ XHCN”, chia “Đất phần trăm” cho nông dân. Đất % là đất được xác định 5% quỹ đất của địa phương chia cho các hộ gia đình để sản xuất rau màu, cấy lúa. Những người sinh từ 1962 trở về trước được chia 2 thước ta tức là 48 m2/người và được toàn quyền sử dụng. Trên mảnh đất phần trăm đó, các hộ nông dân đã trồng khoai cấy lúa nuôi sống gia đình mình, không cần đến thu nhập của HTX. Đất % tư nhân ấy là cú “phá CNXH” đầu tiên của nông dân Việt Nam.

2. Khoán hộ Kim Ngọc – cú đấm vào mặt CNXH

Có đất phần trăm rồi vẫn nhiều hộ đói, vẫn tiếc ngẩn ngơ hàng triệu hecta đất màu mỡ vào HTX không mang lại thu nhập, bà con ở Vĩnh Phú, theo anh Kim Ngọc nghĩ ra cách khoán hộ, để có người chịu trách nhiệm hiệu quả trên tầng thước đất. Khoán Kim Ngọc ra đời. Tổng Bí thư Đảng kêu lên: “Khoán hộ là phá CNXH”. Thế là Kim Ngọc bị kiểm điểm. Phá CNXH cũng không chết bằng đói. Thế là phong trào khoán hộ phát triển rầm rộ ở nhiều tỉnh như Hải Phòng, Hải Hưng… Cuối cùng thì Bộ Chính trị buộc phải “phá CNXH” ra nghị quyết “Khoán 10”. Khoán Kim Ngọc như một nắm đấm đấm vỡ mặt CNXH ảo tưởng.

3. CNXH: PHÂN NHƯ CỨT, CỨT GÌ CŨNG PHÂN

CNXH được định nghĩa là “nền kinh tế Kế hoạch hóa từ sản xuất đến tiêu dùng”. Nên kế hoạch sản xuất hàng hóa hàng năm giao cho các nhà máy, xí nghiệp. Sản xuất được bao nhiêu nộp cho nhà nước để nhà nước phân phối theo kế hoạch. Nhưng sản xuất không đủ cung cấp cho nhu cầu ngày càng cao. Nên tất cả các nước đều phải áp dụng chế độ tem phiếu một cách triệt để. Chỉ có lãnh đạo cao cấp là được mua theo nhu cầu, toàn hàng tốt ở của hàng Tông Đản, còn cán bộ, công nhân viên đều có đủ loại tem phiếu, từ mớ củi, bìa đậu phụ, bó rau… đến mét vải màn cho phụ nữ vệ sinh, đều có tem phiếu hoặc sổ mưa hàng. Bắt cởi trần phải cởi trần / Cho may ô mới được phần may ô. Cung cấp thành nếp sống. Lãnh đạo Đảng tuyên bố: “Kế hoạch hóa tiêu dùng chính là bản chất của CNXH”. Buổi sáng nọ, ở cổng Sở Thương mại tỉnh nọ có câu đối: Phân thì như cứt. Cứt gì cũng phân. Nhưng đến khi Bộ trưởng Thương mại Trần Phương vạch kế hoạch bỏ tem phiếu, TBT kêu lên: “Làm thế thì phá CNXH còn gì?”. Nhưng dân tộc ta đã “phá CNXH”, từ bỏ được chế độ tem phiếu để tồn tại. Từ bỏ cảnh cung cấp bao năm trời làm đau khổ chị em: Hôm nay mồng tám tháng Ba / Chị em phụ nữ đi ra đi vào / Hai tay hai củ su hào/ Miệng luôn lẩm bẩm: Nên xào hay kho?

4. TỰ CHỦ TÀI CHÍNH – CUỘC PHÁ CNXH NGOẠN MỤC

Sau năm 1975, Bộ Chính trị Đảng chỉ đạo tức tốc “cải tạo công thương nghiệp miền Nam, đánh bại bọn tư bản, nếu không thì không thể xây dựng CNXH được”. Thế là đua nhau đập phá, cải tạo. Các nhà máy, xí nghiệp hiện đại đang vận hành êm ru bỗng chốc tiêu điều. Nguyên liệu không có để sản xuất, công nhân không có việc làm, không lương. Nhiều giám đốc tư bản giãy chết bị thay bằng “giám đốc học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ra”. Cái trường ấy cũng lạ, ai tốt nghiệp trường đó có thể ra làm bất cứ việc gì, từ bí thư, chủ tịch, đến giám đốc nhà máy dệt, giám đốc công ty điện tử êm ro. Không cần sản xuất hàng hóa nhiều, chỉ cần suốt ngày phê bình tự phê bình, đấu tranh giai cấp. Thế là cả một nền kinh tế miền Nam khổng lồ chỉ vài năm sau thành kiệt quệ. Đói đầu gối phải bò. Anh em công nhân đề xuất chủ trương “tự hạch toán”, “tự chủ tài chính”, “kế hoạch ba”, “xuất khẩu để lấy ngoại tệ mua vật tư nguyên liệu”… TBT Đảng hét: “Bọn bây phá chủ nghĩa xã hội à!”. Không phá thì chết đói cả nút. Thế là cuộc “phá” CNXH lần thư tư diễn ra không thể đảo ngược.

5. CNXH LÀ KHÔNG ĐƯỢC CÓ NHÀ 2 TẦNG TRỞ LÊN

Qua bốn lần “phá CNXH”, đời sống của nhân dân khá lên đôi chút. Có người buôn bán có tiền làm nhà lầu vài ba tầng. Thế mà một lãnh đạo Đảng hét lên: “Giàu như rứa là trái với bản chất chủ nghĩa xã hội”. Thế là khoảng tháng 3 năm 1983, Chỉ thị Z30 – một chỉ thị miệng – ra đời, nhằm tịch thu nhà, tài sản của những gia đình có nhà hai tầng trở lên tại các thành phố. Chỉ thị mật, không rõ của Ban Bí thư hay của Chính phủ ra lệnh, không có người ký, không có văn bản, không dựa trên bất kỳ một điều khoản pháp luật hiện hành, chỉ truyền miệng qua hệ thống Công an. Thế mà ở Hà Nội đã tịch thu 105 nhà, không cần tòa án và cũng không có bất cứ một bằng chứng nào để có thể khẳng định đó là tài sản bất minh. Có một gia đình bị tịch thu, cả nhà đội khăn tang, bị đẩy lên xe, khóc sướt mướt. May mà có một số người đã phá cái lệnh CNXH đó. Nguyễn Văn An – Bí thư Hà Nam Ninh đã đốt danh sách (khoảng 100 quyết định) do công an tỉnh lập để tiến hành tịch thu, đã được đóng dấu ngay trước đêm định thực hiện trong danh sách 200 gia đình xếp theo ABC. Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh cũng không tuân lệnh “bảo vệ CNXH” ấy.

Đó, CNXH là rứa đó, nhân dân ta đã bao nhiêu năm điêu đứng, lầm than vì nó, đã năm lần vùng lên “phá CNXH”, cố thoát ra khỏi cái ách đó, mà không thể thoát được. CNXH lại biến thành cái đuôi đằng sau cái khái niệm: Kinh tế thị trường định hướng XHCN, pháp chế XHCN, v.v. với kinh tế nhà nước là chủ đạo. Thế là tha hồ cho bọn tham lam hốt tiền ngân sách. Các tập đoàn nhà nước đã thất thoát hơn triệu tỷ đồng, bọn bán biệt thự Hà Nội trốn thuế 1.400 tỷ đồng, những Vinashin, Vinalines… mọc lên như nấm. Bây giờ thì CNXH đã lộ nguyên hình là một hình thái xã hội tham nhũng, ăn cắp. Ăn đất, ăn biển, ăn rừng, ăn dự án, ăn chức, ăn quyền… ăn cả học vị và học hàm giáo sư, tiến sĩ. ĂN CẮP CẢ XƯƠNG MÁU ĐỒNG ĐỘI ĐỂ CÓ DANH HIỆU ANH HÙNG. Đau đớn thay! Nhưng nhân dân Việt Nam vốn thông minh và dũng cảm, nhất định sẽ tìm cách để vứt bỏ chiếc vòng kim cô CNXH vô lý đang thít chặt quanh đầu mình…

N. M.

Nguồn: ngominh.vnweblogs.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn