Thư ngỏ gửi Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ

Vũ Duy Phú

Bauxite Việt Nam nhận được lá thư ngỏ của một đảng viên có nhiều năm tuổi đảng mong tìm cho Đảng một con đường trong sạch hóa để lấy lại niềm tin cho những người như ông cũng như cho dân chúng. Tôn trọng ý muốn của tác giả, chúng tôi xin đăng lên để các vị chức quyền và bạn đọc xa gần tham khảo.

Bauxite Việt Nam

Kính gửi: – Các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

– Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ

– Cùng toàn thể Bộ Chính trị.

– Đồng kính gửi TƯ Đảng và Quốc hội.

Xin kính gửi các đồng chí lời chào rất kính trọng. Sau đây, tôi xin tự giới thiệu, nêu nhận thức của tôi và nội dung kiến nghị TƯ.

1. Tự giới thiệu

Tôi là một đảng viên, một trí thức của Đảng, từ tuổi niên thiếu đến khi về hưu, suốt đời tôi đã được Đảng giáo dục và cũng suốt đời tôi phục vụ không ngừng nghỉ chế độ ta, vì vậy năm ngoái đã được nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, hiện nay tôi vẫn rất tin và quý trọng Đảng, coi sự nghiệp cách mạng của đảng như là máu thịt của mình và rất kính trọng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng (Nếu quan tâm, xin xem thêm chi tiết trong phụ lục).

Tuy cuộc đời hoạt động cho cách mạng XHCN của tôi không có gì xuất sắc, nổi trội, song những từng trải trong hơn 60 năm đã qua cũng đủ làm cho nhận thức của tôi chín muồi, và tự tin để góp với các đồng chí một số ý kiến sẽ được trình bày trong Thư ngỏ này.

2. Nhận thức về tình hình

(1) Nhân dân ta không chỉ nổi tiếng anh hùng, khát vọng độc lập tự do, mà là rất đặc biệt: Với đường lối lãnh đạo đúng, có thể làm nên những sự nghiệp thật vĩ đại, không chịu khuất phục trước bất cứ khó khăn, kẻ thù nào, đã đóng góp rất xứng đáng với lịch sử tiến hoá nhân loại và đã trở thành một đất nước rất đặc biệt, được thế giới một thời hết lời ca ngợi và tôn trọng: Chặn đứng và làm phá sản làn sóng xâm lược tàn bạo của Quân Mông tràn khắp hai châu lục Á - Âu; dù bị phong kiến phương Bắc xâm lược đô hộ hàng ngàn năm, vẫn kiên cường bất khuất đứng lên tự dành lại độc lập và bản sắc dân tộc; đã dẫn đầu phong trào đấu tranh tự giải phóng làm tan rã hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới; đã giữ vững biên giới phe XHCN trong đụng đầu gay gắt quyết liệt giữa 2 phe ý thức hệ trong chiến tranh lạnh thế kỷ XX, và đã vượt qua mọi ý đồ ngăn chặn của các nước lớn, không chịu “trở về thời kỳ đồ đá” để hoàn thành sự nghiệp vĩ đại thống nhất nước nhà; Từ bùn lầy nghèo khó, lạc hậu, từ tan hoang đổ nát do bị tàn phá nặng nề trong mấy chục năm chiến tranh, đã hiên ngang đứng lên, hội nhập thành công với thế giới văn minh, bước đầu rất tự tin gia nhập hàng ngũ đoàn thuyền trưởng của con tàu toàn cầu! Trong sự nghiệp vĩ đại đó, từ giữa thế kỷ XX, có công lao rất to lớn của Đảng Lao động (sau này là đảng CS) VN.

(2) Chính sự nghiệp vĩ đại của dân tộc ta, của đảng ta, cùng với những nhận thức còn rất mơ hồ về thời đại mới, đã làm cho một bộ phận không nhỏ đảng viên đã quá say sưa với thành tích, đã quá tự tin, thậm chí có những biểu hiện tự mãn, tự kiêu cộng sản: Mặc cho phần chủ yếu của phe XHCN, đặc biệt là ngay cái nôi của CM tháng 10 Nga vĩ đại, cũng đã nhận ra sai lầm nặng nề của CN hỗn tạp Mác – Lênin – Stalin, của thể chế chính trị theo mô hình Liên Xô cũ sai lầm. Nếu chỉ là sai lầm nhất thời trong đổi mới cải cách của ban lãnh đạo LX, đứng đầu là Goorbachốp như người ta từng hiểu nhầm, thì chắc chắn nhân dân Liên Xô và nhân dân các nước nguyên XHCN Đông Âu họ đã không chịu hoà bình hoà vào trào lưu tự do, dân chủ, nhân quyền trên thế giới như đã và đang xảy ra! Nếu CN Mác – Lênin do Stalin tạo dựng ra mà đúng đắn, thì phong trào CS theo Quốc tế III của Lênin trên thế giới đã không suy tàn thảm hại đến mức như hiện nay, và phong trào Xã hội Dân chủ trên thế giới đã không phát triển vượt bậc, và CNTB thế giới đã không còn để mà đấu tranh mạnh mẽ chống “Chủ nghĩa tự do mới” như đang diễn ra! Sự thiếu tri thức sâu rộng và đúng đắn của nhiều lớp cán bộ lãnh đạo, tuy anh dũng, kiên cường bất khuất của đảng ta đã để cho đất nước ta, nhân dân ta, đảng ta bỏ qua biết bao thời cơ vàng (sau chiến thắng 1954, 1975, 1968, 1989…) để đưa dân tộc ta đi lên văn minh hiện đại hơn hiện nay rất nhiều. Không phải dân tộc nào cũng có được một lãnh tụ tư tưởng vĩ đại anh minh, thiên tài của chính mình, như Hồ Chí Minh của chúng ta, Người đã có hẳn một chủ thuyết, khác hẳn chủ thuyết “đấu tranh giai cấp đối đầu một mất một còn, khác ta là địch”, lấy “chuyên chính vô sản” làm công cụ đàn áp nhân dân ngày càng quyết liệt để giữ quyền lực sai lầm cho đến giờ phút chót trước khi tan rã như CN Mác – Lê. Có thể nói vắn tắt: CN Mác – Lê chỉ có sức mạnh thực tế giúp giai cấp công nhân liên minh với lao động nghèo khổ một số nơi trên thế giới lật đổ được giai cấp tư sản ở những “mắt xích” còn rất non yếu của giai cấp này. Giai cấp công nhân rõ ràng không đủ tri thức để tự tổ chức một xã hội văn minh tiên tiến như Mác và Lênin mong muốn. “Thiên chức” xoá bỏ mọi thể chế lạc hậu hơn, xây dựng một xã hội văn minh hơn luôn thuộc về tầng lớp ưu tú của mọi giai cấp, mọi thành phần xã hội, những người có trí tuệ thật sự, biết đoàn kết, đại đoàn kết, liên hợp lại thành sức mạnh vô địch của toàn cộng đồng, như bản chất đường lối tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã từng vinh dự và xứng đáng đại diện. Đây có thể là quy luật phổ biến nhất trên thế giới từ xưa cho đến nay, chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh được hầu hết những người thông thái và đại đa số các dân tộc trên thế giới kính trọng, yêu mến, đã và đang làm theo.

CN Mác – Lê chưa từng thắng lợi ở đâu, trái lại đã bị thế giới từ bỏ, kể cả Nga, Trung Quốc và Cu ba.Với tư tưởng, đường lối đúng đắn Hồ Chí Minh, nhân dân ta, đảng ta đã giành hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác,trái lại, cứ mỗi khi đảng ta xa rời tư tưởng đường lối HCM, là chúng ta lại phạm ngay sai lầm, thậm chí rất nặng nề (Cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xoá bỏ công thương nghiệp tư nhân, hợp tác hoá và công hữu hoá triệt để đất đai, và… bây giờ là suy thoái đạo đức xã hội, là đàn áp ý kiến của cả những cán bộ cách mạng lão thành và một bộ phân tinh tuý nhất trong giới ưu tú của đất nước, mà phần lớn trong họ lại là do cách mạng, do đảng ta đào tạo ra!).

Có thể nói, Hồ Chí Minh đã bị buộc phải dựa vào thời thế để đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước, trong khi, một mặt thì Pháp và Mỹ không thấy được bản chất tư tưởng đường lối tân tiến (tự do dân chủ cộng hoà và nhân quyền; “Đoàn kết xây dựng đời mới mà đấu tranh giai cấp là một điều ngu ngốc”) của Hồ Chí Minh, mặt khác Người đã bị mắc vào thế kẹt trong cuộc đấu tranh giữa hai trào lưu tư tưởng ý thức hệ trên thế giới, nên đã bị buộc phải dựa hẳn vào Liên Xô và Trung Quốc (cả về chật chất lẫn bị động, không kiểm soát được trong giáo dục đào tạo ý thức hệ), trong đó, cho đến tận ngày hôm nay, đến tận giờ phút này, phần lớn cán bộ đảng viên của đảng ta không hề nhận thức ra tính sách lược lịch sử bị bắt buộc đó của Hồ Chí Minh. Biểu hiện rõ nhất của sự nhầm lẫn này là, tuy đã buộc phải chấp nhận cải cách căn bản về kinh tế, về hội nhập quốc tế (mình Sở), nhưng vẫn “kiên định” CN Mác – Lê (đầu Ngô), cố gắng hạ thấp vị trí tư tưởng đường lối cách mạng Hồ Chí Minh, vùi dập những tư tưởng văn minh, tiến bộ của Dân tộc. Đó là sai lầm căn bản về đường lối trong thực hiện cách mạng XHCN đích thực của chúng ta hiện nay, đi ngược lại trào lưu tiến hoá của Nhân loại... Nếu chúng ta không khắc phục cho nhanh những sai lầm từ gốc hiện có, thì, một mặt, sẽ tiếp tục làm hoang mang, nản lòng nhân dân, rất khó tạo được sức mạnh đoàn kết rộng lớn và nhiệt tình xây dựng đất nước với tràn đầy tâm huyết của toàn dân tộc như xưa, mặt khác lại tạo nguy cơ bị lạc lõng, bị biệt lập không chỉ về tư tưởng chính trị, mà sự suy thoái khá nặng về văn hoá đạo đức xã hội và kỷ cương phép nước cũng sẽ làm nản lòng, thậm chí làm xa lánh, thất vọng đối với những nước văn minh muốn đoàn kết ủng hộ chúng ta, mặt khác, bằng cách đó lại vô tình tạo thêm cớ cho tư tưởng hành động chống phá chế độ, khuyến khích mưu đồ thâm hiểm của kẻ thù dân tộc! Khi thời cơ đến mà cố tình bỏ lỡ là tội rất nặng đối với Nhân dân.

3. Kiến nghị lên Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ

(1) Trong tình hình trong nước và thế giới hiện nay, chúng ta càng cần nhanh chóng nghiêm chỉnh quay trở lại về bản chất tư tưởng đường lối Hồ Chí Minh, vì đó là tâm tư nguyện vọng cháy bỏng của toàn dân và gần như là xu thế tất yếu của thời đại: Đoàn kết, đại đoàn kết, không phân chia giai cấp, tôn giáo, giàu nghèo, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kể cả các yếu tố khác biệt với đường lối của đảng, miễn là nhất trí với mục tiêu sự nghiệp các mạng, xây dựng đất nước của Dân, do Dân và vì Dân.

(2) Quay trở lại tư tưởng đường lối Hồ Chí Minh trong hoà bình (không cần chuyên chính, đàn áp), ổn định và giữ vững phát triển kinh tế và hội nhập có kết quả với thế giới văn minh, dẫn đầu là Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ, với bộ phận Trung Quốc văn minh, tiến bộ, và với các nước tư bản phát triển khác, cùng tât cả các lực lượng văn minh tiến bộ còn lại trên thế giới…

(3) Quay trở về tư tưởng đường lối Hồ Chí Minh trong một quá trình được tính toán cẩn thận, làm sao không làm đảo lộn tổ chức và xã hội, không làm mất ổn định chính trị, tránh gây ra sự thất thiệt không cần thiết của bất kỳ tầng lớp nhân dân cán bộ nào, bởi “sai lầm tích tụ lâu nay không phải của riêng ai, không do riêng ai”, và “Bộ Chính trị hiện nay cũng là nạn nhân của những sai lầm quá khứ tích tụ lại” (VDP).

(4) Muốn vậy, sự quay về tư tưởng đường lối HCM cần và nhất thiết phải bắt đầu từ cấp cao nhất của đảng và Chính phủ, vì đây là những người đã tự nguyện nhận lấy và đang quyết tâm giữ lấy trọng trách cao nhất đất nước. Lấy lại niềm tin của nhân dân và của đảng viên vào sự lãnh đạo của đảng phải bắt đầu từ những tiêu chí và chỉ dấu tiêu biểu nhất của Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết dân tộc, Liêm khiết, Khiêm tốn, Dũng cảm, Hy sinh, biết “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, “Lấy Trí Nhân thắng cường bạo”, và phải bắt đầu từ Bộ Chính trị, TƯ Đảng… Trên cơ sở đó Đảng và Chính phủ nghiên cứu sửa đổi HP, và nhanh chóng đi đến những chính sách cụ thể , sáng suốt trên tinh thần dựa vào “Thiên chức” của Dân.

(5) Chừng nào TQ không tôn trọng những điều như TƯ hai bên đã giao kèo với nhau, thì ta buộc phải cương quyết, dũng cảm “Quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông và phần lớn các biển đảo mà chúng ta đang sở hữu, nhưng chưa đủ sức quản lý, khai thác. Chúng ta nên nhìn chiều hướng toàn cục tất yếu của sự phát triển xã hội loài người mà dũng cảm đi trước, dẫn đầu! Đây cũng là “thời thế tạo anh hùng”, “biến nguy cơ to thành cơ hội lớn” cho Dân tộc Việt Nam chúng ta lại một lần nữa sẽ lập kỳ tích mới trên thế giới! Thế hệ trẻ và Quân đội VN anh hùng đang sẵn sàng chờ đón quyết tâm dũng cảm của Đảng!

(6) Một số gợi ý cụ thể:

1/ Hãy thực sự, thực lòng lấy ý kiến nhân dân xây dựng Hiến pháp mới, phù hợp thời đại mới của nước ta (tôn trọng nhân dân, đặc biệt là đối với tầng lớp ưu tú của nhân dân, của đảng; tránh chụp mũ, phê phán đao to, búa lớn với những ý kiến khác đường lối tư tưởng cũ của đảng và chính phủ, và hết sức tránh mưu mẹo, dối trá với nhân dân, hoặc làm câu chuyện hình thức đã rồi trong sửa đổi HP);

2/ Thời Hồ Chí Minh còn lãnh đạo trực tiếp, dù không có Điều 4, không có quy định “Quân đội phải bảo vệ Đảng” trong Hiến pháp, cách mạng ta vẫn đi từ hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vậy có ghi hay không ghi không phải là vấn đề gì lớn mà cần gay gắt tranh luận, đánh giá, quy kết nặng nề, hoặc thậm chí cho rằng “Bỏ Điều 4 là tự sát” (!). Trái lại, ghi như vậy trong Hiến pháp lại dễ tạo chỗ dựa pháp lý cho những thế lực xấu xa núp dưới danh nghĩa quang minh của toàn Đảng để làm hại dân. Còn chừng nào Đảng ta nói chung đã phải dựa vào những điều này mới tồn tại an toàn, thì lúc đó, chúng ta cũng không nên mơ hồ, thiếu nhậy bén mà hiểu ra rằng: Chúng ta đã hết vai trò lịch sử rồi! Vì vậy, thay vì đấu tranh kỳ được , thậm chí mạt sát người có ý kiến khác ta để có Điều 4 và cụm từ “Quân đội nhân dân phải bảo vệ đảng” trong Hiến pháp, thì nên tập trung vào việc làm cho nhân dân tôn trọng, thừa nhận thật sự vai trò lãnh đạo của đảng như khi lãnh tụ Hồ Chí Minh còn sống, và quân đội một lòng tin theo và bảo vệ đảng mà họ không cần biết có ghi điều đó trong HP hay không! Khi Dân đã “nổi can qua” thì cái HP không được lòng Dân sẽ chẳng còn sức mạnh để bảo vệ chế độ CS đã suy thoái (như LX cũ, như Rumani, Libi trước đây, và như Syria hiện nay);

3/ Là nước đi sau, hãy khiêm tốn học tập những cái hay của các nước tiến bộ đi trước. Đó là nhà nước pháp quyền đầy đủ, thị trường tự do có điều tiết và kiểm soát (như các nước phát triển đang làm), và xã hội dân sự lành mạnh (giúp nhà nước điều tiết và quản lý thị trường và đất nước nói chung có kết quả); chúng ta cũng không câu nệ hình thức, nhưng vì đảng ta luôn muốn để Tổng bí thư lên trên Chủ tịch nước, cờ đảng để trước cờ quốc gia, các khẩu hiệu vị Đảng ra mặt, như “Mừng Đảng, mừng Xuân”, mà quên vế Mừng Tổ Quốc, mừng Nhân dân anh hùng…, mặt khác, về thực chất không thể giao quyền lãnh đạo toàn diện, trao quyền quyết định cuối cùng cho mọi loại cấp uỷ đảng như hiện nay, vì đó là những dấu hiệu không thuận lòng người, là sự phạm thượng của Đảng trước cha ông, trước toàn dân tộc (mà ít ai dám nói công khai) và ngược với lẽ thường trên thế giới văn minh!! Sửa ngay những cái chi tiết nhưng mang ý nghĩa biểu trưng này sẽ có thể ngay lập tức lấy lại sự tin tưởng mạnh mẽ trong lòng dân và thổi một luồng khí thế mới cho sự nghiệp đổi mới thật lòng của Đảng.

4/ Công hữu đất đai tràn lan như hiện nay khi luật pháp và cơ chế chưa hoàn chỉnh và nghiêm minh, thì chỉ làm mồi cho những thế lực tham nhũng tiêu cực hoành hành, thậm chí dễ vi phạm nghiêm trọng quyền lợi cơ bản của người Dân. Tại sao các nước tiên tiến họ giữ được trong sạch lành mạnh hơn chúng ta? Điều đó rất cần công khai thảo luận trên các diễn đàn của tất cả mọi giới trong nước.

5/ Nên nhất trí với kiến nghị của các tầng lớp ưu tú là cần có Toà án Hiến pháp. Nếu đảng mình mà công minh, chính đại, thì mình sợ gì?! Chỉ các thế lực tham nhũng, tiêu cực, nối giáo cho giặc thì mới sợ toà án, luật pháp và công an mà thôi.

6/ Cuối cùng, Đảng ta cần dẫn đầu, bằng hành động cụ thể, nung nấu lại nhiệt tình, tâm huyết và sự trong sáng thực sự của mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng đất nước như đã từng hiện hữu ở mọi lứa tuổi trên mọi miền Tổ Quốc ta trước đây.

Tất cả những điều trên, nếu thực hiện đúng, Đất nước ta sẽ TỪNG BƯỚC, CÓ TRẬT TỰ, nhưng khẩn trương chuyển hoá đến một xã hội tốt đẹp hơn, không gây đảo lộn gì lớn như “cách mạng hoa hồng”, hay “diễn biến hoà bình” theo nghĩa xấu mà chúng ta sợ. Không những thế, nhân dân ta thậm chí lại có thể tung hô lớn Đảng CSVN, đứng đầu là Bộ Chính trị, muôn năm!

Tóm lại, nếu toàn Đảng, TƯ đảng, và Bộ Chính trị muốn tồn tại hoà bình và được nhân dân tiếp tục tín nhiệm, ủng hộ, và bảo vệ thì nên thông minh, sáng suốt, nhạy bén, bớt kiêu ngạo cộng sản, bớt chủ quan, thuận theo nguyện vọng của nhân dân và xu thế tất yếu của thời đại.

Sơ lược để kịp thời mấy điều nói trên, mong các đ/c xem xét.

V.D.P.

***

Xin tham khảo thêm các tài liệu giải trình trong trang web: vids.org.vn, đặc biệt là hai bài của cùng tác giả: “Nội dung thời sự của những vấn đề thời đại” và “Nói thật rõ để an tâm sửa tận gốc”.

Phụ lục của tác giả:

Tại sao tôi tin yêu Đảng, vì từ trước Khởi nghĩa tháng 8 năm 45, tuy còn nhỏ tuổi, tôi đã sống trong bầu không khí Cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc do Đảng lãnh đạo tại quê hương chúng tôi, từ đầu năm 1945, tôi đã tham gia canh gác cho các vị cha chú vào Việt Minh hội họp bí mật bàn chuyện đánh Pháp, đưổi Nhật.

Tại sao tôi tự cho rằng mình có nhận thức đúng để tự tin viết thư này gửi đến các đ/c? Bởi từ tuổi thiếu thời, tôi đã phục vụ công tác hành chính trong “Tổ nghiên cứu Chủ nghĩa Mác” trực thuộc Ban Tuyên huấn Liên khu uỷ, Liên khu 3 do đ/c Nguyễn Văn Vịnh (liên khu uỷ viên) làm trưởng ban; ấn tượng sâu sắc nhất thời đó còn đọng lại trong tôi là tinh thần tích cực vượt khó khăn gian khổ thiếu thốn trong chiến tranh của các đ/c lớn tuổi, là cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ về “Chủ nghĩa hội tụ” (giữa CNCS và CNTB) mà bấy giờ được coi là rất “nhạy cảm”; bởi tôi đã được tổ chức đảng cơ sở cho đi học ở trường Nguyễn Ái Quốc 2 lần, và một lần học giáo trình Chủ nghĩa Mác – Lê ở đại học Liên Xô; còn bởi tôi đã được cơ quan chuyên môn cho đi học đại học và nghiên cứu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về ngành điện tử ở Nga và Hungary, cùng khá nhiều những đợt học tập, thực tập về quản lý và chuyên môn sau đó ở nước ngoài; bởi tôi cũng đã trải qua công tác thực tế trong các cấp uỷ Đảng từ cấp cơ sở đến cấp Bộ ở khá nhiều nơi, cùng hơn ba năm công tác trong môi trường quân đội. Trước khi nghỉ hưu, tôi đã chủ động vận động và thành lập được Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử - Tin học Việt nam VEIA, sau nghỉ hưu, tôi đã vận động thành lập Viện nghiên cứu Những vấn đề phát triển - VIDS (đã vận động được GS Đặng Hữu làm Chủ tịch Viện), sau đó lại kỳ cục vận động thành lập Diễn đàn Lý luận Phát triển - FODS (và đã đề nghị đ/c Nguyễn văn An làm Chủ tịch, với sự thuyết phục thêm của các thành viên, đã được ông vui vẻ chấp nhận làm Chủ tịch luân phiên). Mọi việc tôi làm đối với 2 tổ chức sau này tôi đều có báo cáo với các cấp uỷ Đảng, Bộ Nội vụ, từ liên quan trực tiếp cho đến đ/c Trần Đình Hoan, sau đó là đến đ/c Trương Tấn Sang, (khi đ/c còn là Thường trực Ban Bí thư). Hiện tôi đã bàn giao công việc điều hành 2 tổ chức trên cho các cộng sự trẻ hơn của chúng tôi, hiện nay tôi chỉ tham gia như một thành viên. Trong suốt quá trình công tác, như mọi trí thức bình thường khác, tôi đã đọc rất nhiều sách và nghe giảng rất nhiều về chính trị, trong đó có học thuyết Mác và CN Mác – Lê, đồng thời cũng tự chiêm nghiệm, tự kiểm chứng được khá nhiều điều trong thực tế công tác và cuộc sống, cả trong nước, và cả ở nước ngoài. Đó là tóm tắt chỉ một số nét chính hoạt động của tôi.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn