Báo chí nước ngoài ở Trung Quốc: Ai cần ai?

Vincent Ni

Gửi cho BBC tiếng Việt từ London

clip_image001

New York Times đã điều tra về tài sản thân nhân ông Ôn Gia Bảo (giữa)

Nhà chức trách Trung Quốc đang tăng cường kiểm duyệt truyền thông nước ngoài tại đây.

Một năm kể từ khi các trang web của Bloomberg và New York Times bị chặn tại Trung Quốc vào năm ngoái, chính phủ nước này tiếp tục gây khó khăn cho các phóng viên quốc tế làm việc tại đây.

Phiên bản tiếng Trung của Wall Street Journal và Reuters đã không thể truy cập được từ ngày 15/11.

Trong năm 2012, New York Times tiết lộ người nhà ông Ôn Gia Bảo, khi đó ông còn là Thủ tướng, có tài sản lên tới 2.7 tỉ đôla nhờ việc ông ngồi ghế này.

Phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung của báo này ngay lập tức bị chặn tại Hoa Lục sau khi bài báo này được đăng tải.

Nhà báo David Barboza của New York Times đã giành một Giải thưởng Pulitzer vì phóng sự chi tiết về bê bối gia đình thủ tướng Ôn.

Ông Ôn Gia Bảo đã bác bỏ thông tin này và thề sẽ thuê luật sư để chứng minh bài báo này là sai về dữ kiện.

Tuy nhiên người ta không thấy có tiến triển gì về việc New York Times bị kiện.

Không cấp visa

Việc tương tự xảy ra với Bloomberg News vào cùng năm. Vào tháng Sáu 2012, các phóng viên của Bloomberg tại Trung Quốc đã điều tra tài sản của gia đình ông Tập Cận Bình, bao gồm 18% cổ phần gián tiếp trong một công ty đất hiếm có tài sản trị giá 1.73 tỉ đôla và nhiều khoản đầu tư trong công ty với tổng trị giá tài sản lên tới 376 triệu đôla.

Trang web của Bloomberg đã không truy cập được kể từ khi có bài báo đó. Sau đó doanh thu của Bloomberg sụt giảm mạnh vì chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho các công ty không mua dịch vụ tin tức của hãng này nữa. Nhà chức trách Trung Quốc không cấp thêm visa báo chí mới cho phóng viên Bloomberg kể từ đó.

clip_image002

Người dân tại Trung Quốc không đọc được trang web của một số báo nước ngoài.

Hệ quả của sự trừng phạt này dường như dễ thấy. Vào đầu tháng 11, nhiều hãng tin tức, bao gồm cả Ban tiếng Trung của BBC, đưa tin rằng Bloomberg quyết định không chạy tin nói về liên kết kinh doanh giữa doanh nhân Vương Kiến Lâm và giới lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Bloomberg bác bỏ tin này, nhưng một nguồn ẩn danh nói với New York Times rằng Tổng Biên tập, Matthew Winkler, nói với các phóng viên của hãng tin này ở Hong Kong vào hôm 29/10 rằng nếu họ cứ đăng câu chuyện đó thì các phóng viên của họ sẽ bị đuổi khỏi Trung Quốc.

Làn sóng trấn áp mới xảy ra khi trang Reuters phiên bản tiếng Trung đăng lại một phóng sự điều tra của New York Times vào này 13 tháng 11.

Bài báo nói rằng con gái của ông Ôn Gia Bảo là Ôn Như Xuân đã dùng quan hệ của mình để tư vấn cho Morgan Stanley về các quyết định đầu tư trong giai đoạn từ năm 2006-2008. Bà Ôn nhận 1.8 triệu USD từ Morgan Stanley.

Động thái mới

Phiên bản tiếng Trung của Wall Street Journal cũng bị chặn vào cùng ngày, mặc dù không đăng tải về câu chuyện Morgan Stanley. Nhưng người ta cho rằng một bản dịch từ tiếng Anh của bài ra hôm 13/11/2013 gọi Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc là “cá nhân quyền lực nhất sau Đặng Tiểu Bình” là lý do mà trang này bị chặn, theo một số nhà phân tích.

Can thiệp vào truyền thông nước ngoài là việc thường thấy tại Trung Quốc. Trong quá khứ, chính phủ Trung Quốc đã chặn truyền thông nước ngoài vì lý do pháp l‎ý và tư tưởng. Chẳng hạn như trang tiếng Trung của BBC bị chặn tại Trung Quốc từ năm 1999. Nhà chức trách Trung Quốc cáo buộc trang web này “vi phạm luật Trung Quốc”.

Tuy nhiên các bước gần đây của Bắc Kinh cho thấy một động thái mới. Chính phủ Trung Quốc ngày càng quan ngại về các bài báo nói về quan hệ khăng khít giữa chính khách và doanh nhân. Ngoài việc chặn các trang web tin tức, chính phủ Trung Quốc cũng dằn mặt phóng viên nước ngoài bằng việc từ chối cấp visa và hạn chế không việc kinh doanh của họ tại nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.

Điểm oái oăm là giới lãnh đạo mới lại tỏ ra quyết tâm giải quyết nạn tham nhũng tràn lan. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần cảnh báo rằng tham nhũng có thể “làm tổn hại tới tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Phép thử cho ông Tập

clip_image003

Trung Quốc đã chặn trang New York Times bản tiếng Trung

Trong một chừng mực, Trung Quốc có lợi từ việc truyền thông nước ngoài đưa tin về tham nhũng trong khoảng thời gian kinh tế bùng phát trong 30 năm qua. Nhiều khi giới lãnh đạo Trung Quốc cũng cần điều họ gọi là “ngoại lực" để hỗ trợ họ đối phó với các nhóm đối lập.

Vào tháng Ba năm 2012, ông Ôn Gia Bảo đã tận dụng cơ hội trả lời câu hỏi từ một phóng viên của Reuters để công bố lập trường của Trung Quốc về Bạc Hy Lai, lúc đó là Bí thư Trùng Khánh. Ông Bạc sau đó bị tuyên án 18 tháng tù. Phiên xử ông Bạc được truyền thông quốc tế mô tả là “minh bạch”.

Đợt trấn áp mới nhất kéo dài bao lâu còn chưa rõ. Nhưng với thực tế rằng truyền thông nước ngoài ngày càng muốn đưa tin về Trung Quốc, cần phải có giải pháp để ngăn việc Bắc Kinh kiểm duyệt các tổ chức tin tức nước ngoài.

Trong kỷ nguyên Giang Trạch Dân hồi đầu thập niên 2000, chính phủ Hoa Kỳ đã thúc giục mạnh Bắc Kinh cải thiện nhân quyền và tự do báo chí. Trong năm 2001, ông Giang đã gặp các phóng viên của New York Times và rốt cùng trang web của báo này đã không bị chặn nữa tại Trung Quốc.

"Nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục tạo áp lực với Trung Quốc, nhà chức trách có thể sẽ giảm bớt lập trường cứng rắn"

Trong kỳ Thế Vận Hội 2008, nhiều trang web, trong đó có trang tiếng Trung của BBC, được tạm thời ngưng bị chặn tại Trung Quốc. Lúc đó nhà chức trách Trung Quốc trấn an cộng đồng quốc tế rằng Bắc Kinh sẽ cho phép có môi trường tự do báo chí trong suốt Thế Vận Hội. Nhưng khi người ta bớt để mắt tới thì mọi chuyện lại trở lại như cũ.

Có lẽ sức ép từ bên ngoài có thể sẽ đưa tới một giải pháp mới. Nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục tạo áp lực với Trung Quốc, nhà chức trách có thể sẽ giảm bớt lập trường cứng rắn. Rốt cùng Trung Quốc ngày càng quan tâm tới diện mạo của họ và điều họ gọi là “quyền lực mềm”, và nhà nước Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều để thế giới bên ngoài có cái nhìn tích cực về Trung Quốc.

Cùng lúc này, ông Tập nên nhận ra rằng tham vọng “mở cửa Trung Quốc thêm” sẽ dần làm giảm bớt khác biệt về ý thức hệ giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới; Trung Quốc cũng nên thay đổi cách nhìn méo mó về truyền thông nước ngoài.

Trong khi đó, những bài báo tiết lộ về tham nhũng của các tổ chức truyền thông nước ngoài chuyên nghiệp và kỹ năng tốt cũng có thể giúp ông Tập trong nhiệm vụ chống tham nhũng ở trong nước của mình. Đó chính là phép thử cho nhà lãnh đạo mới đầy tham vọng này.

V. N.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn