Cơ quan lập pháp và sự tan rã xã hội: nhìn từ John Locke

Tháng 12 7, 2013

Lê Tuấn Huy

Viết cho việc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII thông qua Hiến pháp sửa đổi, và cho việc một giảng viên quân đội, đang làm luận án tiến sỹ, liên lạc với tôi sau khi đọc Khảo luận thứ hai về chính quyền.

Trước khi mang diện mạo như ngày nay dưới một số hình thức khác nhau, đã có hai định chế làm luật ghi lại dấu ấn trong quá trình tiến hóa của cơ quan lập pháp và của lịch sử loài người. Đó là Hội nghị Công dân ở Hy Lạp, La Mã cổ đại, và Nghị viện ở nước Anh trung và cận đại. Cái đầu là cơ quan lập pháp trực tiếp, cái sau là cơ quan lập pháp đại diện.

Với sự phát triển của cộng đồng lãnh thổ, lập pháp toàn dân, với tư cách một định chế thường trực, đã ngày càng trở nên bất khả ngay ở thời đại của nó. Đến thời phong kiến, trên tổng thể, lập pháp không còn là định chế riêng.

Tuy nhiên, tại Anh, sau khi cho ra đời Đại Hiến chương (Magna Carta, Great Charter, 1215), trong thế kỷ XIII và XIV, cũng đã hình thành nên nghị viện. Ở những thế kỷ tiếp sau, kinh tế, văn hóa, xã hội châu Âu có những bước phát triển vượt bậc. Nghị viện Anh quốc không tránh khỏi sự tác động chính trị từ đó, và trở thành một trong những tuyến đầu chống lại quyền lực lỗi thời của nhà vua và giới quý tộc cũ, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688, định hình nền quân chủ lập hiến.

Trong tiến trình chuẩn bị bước ngoặt này, John Locke viết Khảo luận thứ hai về chính quyền, công bố lần đầu năm 1689.

Sau khi mở đầu bằng lý lẽ bác bỏ kiểu nhà nước truyền nối, Locke bàn về các quyền tự nhiên, về một số tiến trình kinh tế liên quan, về các chính thể…, và kết thúc với việc giải thể chính quyền bằng sức mạnh của nhân dân.

Có thể diễn giải tiến trình khiến chính quyền phải giải thể từ việc xác định, rằng nhà nước không phải là cái tự dưng có quyền lực mà mọi người mặc định phải chấp nhận và phục tùng. Ngược lại, chính mỗi con người trong cộng đồng mới là cái đem lại cho nó điều đó, khi họ chấp nhận chuyển giao quyền lực tự nhiên của mình cho chính quyền, để tránh tình trạng ai cũng tự sử dụng uy quyền ở mức cao nhất đối với người khác. Việc chuyển giao này diễn ra từ hình thức thô sơ nhất, là chính quyền của người cha, để tiến triển thành chính quyền của xã hội.

Và như vậy, quyền lực nhà nước chỉ là loại quyền lực được ủy thác, chứ không phải cái quyền lực mặc nhiên và tuyệt đối.

Sự chuyển giao vừa nói đưa con người và cộng đồng từ trạng thái tự nhiên bước vào trạng thái xã hội. Nhưng dù trong bối cảnh phi trạng thái tự nhiên, chính quyền vẫn phải tôn trọng các quyền tự nhiên của con người, với những cái nổi bật nhất là quyền sinh mạng, quyền tự do, quyền sở hữu. Bảo toàn các quyền này là mục đích của những chính quyền chân chính. Xâm phạm các quyền này là mục đích của những chính thể bất chính.

Một khi đã xâm phạm các quyền của con người, chính quyền đã tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với nhân dân, đẩy xã hội về lại trạng thái tự nhiên.

Dù vậy, trạng thái tự nhiên không phải là cái dễ dàng tái diễn, vì một khi đã chuyển giao quyền lực vào tay cộng đồng, người ta không thể rút lại cho mình (§243)[1]. Đồng thời, nhân dân lại luôn nhẫn nại với áp bức. Những trường hợp riêng lẻ không khiến họ khác đi. Nhiều sự việc như thế có thể vẫn khiến họ chịu đựng. Sự thiệt hại lớn hơn nữa, có lẽ họ cũng chưa sẵn sàng phản kháng. Thế nhưng, một khi chúng trở nên phổ biến, cùng với xác tín rõ rệt về sự xâm phạm, thì khó mà giữ cho họ bất động (§235, 230).

Đến khi đấy, quyền lực tối cao được ủy thác vào một cá nhân hay một hội đồng sẽ bị chính những người đã ủy thác tước bỏ. Nhân dân sẽ tự hành động với tư cách tối cao, lập nên chính thể mới hoặc giữ chính thể cũ nhưng trao quyền lực vào tay những con người mới (§243).

Suốt quá trình ấy, có hai định chế mà Locke tập trung vào như những cái khiến đi đến kết cục này, là quốc vương và cơ quan lập pháp. Vai trò của chủ quân trước biến động của quốc gia, là rõ ràng. Còn lập pháp, sao phải đặt nặng vấn đề khi nó vốn không thể vượt qua cái quyền uy mặc định kia?

Đó là bởi, một khi đã tồn tại với tư cách đại diện, lập pháp là nơi lưu giữ và công bố ý chí của xã hội, và cũng là cái linh hồn tạo nên hình thể và sự thống nhất của chính quyền. Khi cơ quan này bị phá vỡ hay giải thể, mọi sự vụ chính trị cũng theo đó mà kết thúc (§212).

Do vậy, đối với Locke, lập pháp bị hoán đổi là nhóm nguyên nhân đầu tiên khiến chính quyền bị giải thể. Có bốn biểu hiện khiến cơ quan này rơi vào tình trạng đó: 1. Quốc vương đặt ý chí độc đoán của mình cho lập pháp công bố; 2. Quốc vương cản trở lập pháp nhóm họp; 3. Quốc vương khiến cho cử tri hoặc cách tuyển cử bị hoán đổi mà không có sự châp thuận của nhân dân; và 4. Lập pháp khiến nhân dân rơi vào cảnh khuất phục ngoại bang (§214-217).

Trong nhóm nguyên nhân thực hiện trách nhiệm, ngoài lập pháp, còn có việc hành pháp sao nhãng, bỏ mặc việc thực hiện luật pháp. Và một khi luật pháp không còn được thực thi, cũng hiển nhiên xem như chính quyền không còn tồn tại (§219).

Nhóm nguyên nhân khác khiến chính quyền biến động, là sự phản loạn trách nhiệm. Đó là việc lập pháp hoặc hành pháp tối cao, hoặc cả hai hành động trái ngược sự ủy thác của nhân dân, khi thay vì bảo vệ, lại xâm đoạt sở hữu của người dân, tự biến mình thành ông chủ và định đoạt tài sản của họ. Khi hai nơi này đặt quyền lực độc đoán vào tay kẻ khác để áp bức người dân, cũng là một hành động chống lại sự ủy thác (§221).

Locke nói rằng một khi những nơi nắm giữ quyền lực bị, hoặc tự hoán đổi mình, thì chính họ đã làm loạn chống lại nhân dân (§227). Khi đó, họ tự đánh mất quyền lực mà nhân dân đặt vào, và nhân dân có quyền khôi phục quyền tự do nguyên thủy của mình (§222).

Trước khi đề cập đến sự giải thể chính quyền, ở những phần trước, Locke thường nói đến việc mọi người phải cáo kiện đến trời cao khi không có sự phân xử thế tục một cách công minh. Đến phần cuối của tác phẩm, người đọc sẽ hiểu, ông không khuyên nhân dân thụ động “kêu trời”, mà là sau khi cáo với trời, đến lượt người dân phải tự đưa ra phán xét để bảo vệ mình (§241-242). Lúc đấy, không tránh khỏi họ phải “đánh đấm” tương xứng với sự “đánh đấm” của những kẻ áp bức (§235).

Với giải pháp đó, không phải Locke cổ xúy cho loại bạo lực tuyệt đối. Ông nói rõ rằng học thuyết của mình, chủ trương quyền lực nơi nhân dân, mới chính là cái để ngăn ngừa bạo loạn, vì chính quyền phải biết rằng nó phải bảo toàn sở hữu của mọi người, nếu không, nhân dân sẽ phải thực hiện quyền thiết lập một cơ quan lập pháp mới (§226). Nổi loạn của người dân là điều răn đe mà Locke muốn nhà nước phải biết để tránh, để không buộc nhân dân phải đi đến giải pháp cuối cùng, sau khi chính quyền đã làm loạn trước bằng việc xâm đoạt những thứ mà nó phải bảo vệ cho họ.

Ngoài ý nghĩa chung của một tác phẩm kinh điển triết học chính trị, Khảo luận thứ hai về chính quyền đặc biệt có giá trị với những nơi mà ngày nay vẫn mang nhiều đặc trưng của hoàn cảnh ra đời cuốn sách.

Về kinh tế, đó là bối cảnh của chủ nghĩa tư bản buổi sơ khai và mông muội, tức sự vận hành của một nền kinh tế thị trường không đầy đủ, và tước đoạt bằng sức mạnh phi kinh tế là chuyện phổ biến. Trong đó, tích lũy đất đai, mà cũng là tích lũy tư hữu, diễn ra dưới hai hình thức trái ngược nhau, là sự tích lũy tự nhiên bằng lao động và chiếm hữu, và sự tích lũy bằng quyền lực và cưỡng đoạt. Nước Anh xưa cũng có hình thức sở hữu toàn dân về đất đai, để rồi trên danh nghĩa đất công, nhà vua (quyền lực trung ương) hay lãnh chúa (quyền lực địa phương) có quyền tước đoạt của nơi này hay người này, để trao cho nơi khác hay người khác, chung phe nhóm (lợi ích) của mình.

Về chính trị, đó là sự tồn tại của một chính thể dựa trên sự mặc định lịch sử và bất biến từ sự mặc định đó. Nhà vua đương nhiên cai trị xã hội nhờ công lao của vương triều và do mệnh trời quy định. Nghị viện thì có đó nhưng chỉ là cánh tay nối dài của chủ quân, không phải là cơ chế thường trực và thực quyền, mà là chỉ nơi hợp thức hóa những quyết định có sẵn của định chế tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện kia, bởi đa phần “đại biểu” là người thân tín và có đặc quyền đặc lợi gắn liền với sự chuyên chế ấy. Ngày nay, những thể chế lấy “lịch sử mệnh” (sứ mệnh lịch sử), “dân tộc mệnh” hay “giai cấp mệnh” làm nền tảng cho sự lãnh đạo tuyệt đối thì chẳng qua chỉ là thay ngôn từ cho cái thiên mệnh cai trị được Thượng đế ban phong bất di bất dịch khi xưa.

Mâu thuẫn ngày càng trở gay gắt hơn giữa xu hướng biến đổi của kinh tế với định hướng bất biến của chính trị, sẽ khiến chính quyền ngày càng sử dụng những phương cách khắc nghiệt hơn để duy trì cái phải thay đổi. Và càng như thế thì chủ thể vận dụng chúng cũng càng tự hoán đổi, từ chính quyền chân chính trở thành chính quyền bất chính, từ sự giải thể tự trong lòng nó đi đến sự giải thể của nhân dân. Quá trình đó cũng đồng thời là quá trình tan rã xã hội, mà kết cục sẽ là định hình một xã hội mới, với một chính quyền mới an toàn hơn cho mọi người. Thời của Locke đã vậy, mà thời mang danh của bất kỳ ai cũng vậy.

Locke không nói đến sự tan rã về mặt văn hóa, đạo đức, hay giáo dục…, mà diễn đạt sự tan rã xã hội về mặt chính trị.

Sự hoán đổi của cơ quan lập pháp, sự phản loạn của chính quyền đối với những người đã ủy thác quyền lực cho mình, bằng cách tước đoạt sở hữu của họ, chính là sự tan rã đó.

Thực thi luật pháp yếu kém, khiến xảy ra tình trạng vô chính phủ khi người thừa hành luật pháp lẫn người dân đều thực thi luật tự nhiên đối với sinh mạng người khác, chính là sự tan rã đó.

Khi chính quyền tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với dân chúng bằng việc sử dụng loại bạo lực không có quyền dùng, ra những luật không có thẩm quyền ra, chính là sự tan rã đó.

Ở thời hiện đại, sự tương đồng bối cảnh tan rã xã hội càng được cụ thể hóa, đến độ đặc thù, mà có lẽ tư duy sắc bén của Locke cũng khó lòng nghĩ đến.

Xưa, vua chúa công nhiên khẳng định phẩm giá và quyền lực tối thượng, chỉ sau có Thượng đế. Nay, cũng là sự công nhiên nhưng là công nhiên lập lờ, khi có một kiểu “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” có luật định, nhưng đứng sau một quyền lực cao nhất khác (không kèm chữ “nhà nước”), phi luật định nhưng quyền hạn vô biên và siêu tối thượng.

Xưa, người ta lấy đất công chuyển thành đất tư và thẳng thắn với sự phân phong sở hữu đó. Nay, “sở hữu toàn dân” nơi những người dân cụ thể được “chuyển nhượng” cho những người, những nhóm tư nhân được mang danh công lợi mơ hồ.

Xưa, chính quyền không đồng bộ nên người dân phải bột phát tự vệ. Nay, chính quyền hoàn chỉnh với lập pháp, hành pháp, tư pháp vừa thống nhất, vừa có sự phân công và phối hợp để “chăm lo” tốt nhất, mà người dân phải tự đứng ra định liệu mình cả theo kiểu tự phát lẫn tự giác[2].

Xưa, hành xử luật tự nhiên là để bảo toàn các quyền tự nhiên, trong điều kiện thiếu vắng luật xã hội. Nay, giữa “rừng luật” người ta lại sử dụng “luật rừng” để bảo toàn các quyền chuyên chế, cả ở phạm vi dân sự lẫn hình sự.

Xưa, luật tự nhiên về sinh mạng là bởi phải “mạng đổi mạng”. Nay, luật rừng về sinh mạng là để người dân liều mạng để giữ lấy sinh mạng trước đe dọa mất mạng thường xuyên từ những người phải bảo vệ nó, là để người dân đi đến chỗ tự đoạt mạng người đổi lấy mạng chó, là để chính quyền trọng vật mạng hơn nhân mạng.

Đương nhiên, còn nhiều thứ nữa có độ khác biệt giữa xưa và nay về biểu hiện của sự tan rã xã hội về chính trị, nhưng đối với lập pháp, những gì góp phần to lớn vào sự tan rã ấy, thì thời nào cũng thế. Đó là, do tham vọng, sợ sệt hay tham nhũng mà cơ quan này cố nắm giữ một quyền lực tuyệt đối, hay đặt nó vào tay người khác, áp nó lên cuộc sống, quyền tự do và tài sản của nhân dân. Rồi thực thể tuyệt đối ấy lại tiếp tục gạ gẫm, đe dọa, hứa hẹn để lôi kéo và sử dụng cơ quan này phục vụ cho mưu đồ của mình, để nhận trước từ các thành viên lập pháp lời hứa là sẽ bỏ phiếu cho cái gì và sẽ ban hành cái gì. Vào khi trạng thái chính trị đã như thế, nhân dân sớm muộn cũng phải giành lại vị trí tối cao của mình (§222).

Vào thời của Locke, quyền thay đổi chính quyền bằng lá phiếu chưa được chế định, tức chưa có biện pháp hòa bình để nhân dân “đuổi chính phủ” (theo ngôn từ của Hồ Chí Minh, mà đúng từ ngữ phải là “đuổi chính quyền”), nên ông phải khẳng định biện pháp vũ lực để cảnh báo.

Ngày nay, dù đã phát kiến phương pháp bất bạo động, nhưng nếu thực chất quyền thay đổi chính quyền vẫn chỉ là như xưa, tức chỉ tồn tại những quyền hiến định trên giấy, thì bối cảnh hiện diện của bạo lực vẫn còn nguyên đấy – đặc biệt ở thể chế nào xác tín sự tồn tại của mình bằng vũ lực – mà không thực thể bất bạo động nào có thể ngăn cản khi nó đã chín muồi (và ngược lại, không thực thể bạo động nào có thể thúc ép khi nó không là cái tất thiết).

Chủ nghĩa tư bản giãy hoài không chết bởi đã biết mở con đường hòa bình và đa nguyên cho người dân thay đổi cả thể chế kinh tế lẫn chính trị, cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chủ nghĩa xã hội không giãy cũng chết bởi chỉ biết có con đường vũ lực và đơn nguyên, để người dân phải chấp nhận và thuần phục những định chế “toàn năng” mặc nhiên và những quyết định “lịch sử” sẵn có.

Marx không sai khi nói vũ khí phê phán không thể thay thế cho sự phê phán bằng vũ khí. Nhưng trước đó, Locke đã bổ khuyết cho ông, với việc vạch rõ phạm vi bối cảnh của hai loại phê phán này, ở sự tan rã chính trị của xã hội và sự hoán đổi của lập pháp, cùng với sự chuyên chế của chủ thể nắm trong tay quyền lực tối thượng.

Vấn đề còn lại chính là nhận thức của giới quyền lực sẽ đẩy hiện thực vào bối cảnh nào. Thay đổi hòa bình hay chuyển biến vũ lực đều là do họ. Chỉ là, trì hoãn càng lâu, sự phân rã xã hội càng rộng, tàn phá kinh tế càng lớn, hậu quả chính trị càng nặng, hụt hẫng chiến lược càng sâu.

29/11 – 05/12/2013

L.T.H.

[1] Con số chỉ số tiết trong sách.

[2] Các link được dẫn chỉ là tượng trưng những sự việc gần đây trong dòng sự việc cùng loại.

Nguồn: procontra.asia

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn