Trung Quốc: Chính quyền Tỉnh Hải Nam leo thang các tranh chấp về đánh cá

Carlyle A. Thayer

Bản dịch BVN

Hỏi: Các tường thuật trên truyền thông xác nhận nhà chức trách tỉnh Hải Nam vừa thông báo những luật lệ mới buộc tàu thuyền đi qua Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông – BVN) phải được phép của chính phủ Trung Hoa. Chúng tôi xin ông đánh giá việc này. Vì sao Trung Quốc làm việc này vào lúc này và vì sao các chính phủ nước khác lại bình thản như thế trước việc này?

Trả lời: Cứ cho là tường thuật của báo chí là chuẩn xác, thì quyết định của nhà chức trách tỉnh Hải Nam đòi hỏi việc đăng ký và phê chuẩn những tàu thuyền muốn đánh bắt cá và điều tra trong vùng hành chính rộng hai triệu dặm vuông là một bước leo thang về đòi hỏi pháp lý của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa. Luật lệ của chính quyền tỉnh Hải Nam trên thực tế là đòi hỏi chủ quyền về pháp lý đối với vùng biển trong phạm vi tuyên bố đường chín đoạn (tức đường lưỡi bò – BVN) trên Biển Nam Trung Hoa. Theo ước tính của tôi thì khu vực mà tỉnh Hải Nam đòi hỏi lên tới 57% Biển NamTrung Hoa.

Trong phạm vi các quyền của mình, Trung Quốc có thể ra lệnh quản lý đối với Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 200 dặm được ban bố hợp pháp, xung quanh đảo Hải Nam và quần đảo Paracel (Trường Sa – BVN). Nhưng Trung Quốc đang hành động bất hợp pháp bên ngoài những ranh giới ấy. Các tàu thuyền Trung Hoa toan tính cưỡng chế thi hành lệnh ấy bên ngoài EEZ sẽ mắc vào tội “hải tặc nhà nước” vì những tàu thuyền này ở trong hải phận quốc tế.

Luật lệ mới cung cấp sự biện minh hợp pháp cho điều mà chính quyền Trung Hoa đã làm trong nhiều năm: cưỡng bức tàu thuyền nước ngoài ra khỏi vùng biển tranh chấp, lên tàu tịch thu hải sản đánh bắt được và những thứ có giá trị khác (máy định vị, máy thu thanh, dụng cụ nghề cá), bắt giữ tàu cá nước ngoài và phạt các thủy thủ của những con tàu ấy. Những luật lệ mới ấn định những mức phạt lớn lên tới 83.000 đô la Mỹ, cao hơn nhiều so với mức trước đây.

Hành động của tỉnh Hải Nam là không thể giải thích sau khi chính quyền trung ương Trung Quốc đặt ra cơ quan chức trách cấp huyện tại Thành phố Tam Sa hai năm trước, khi họ ban bố luật lệ vượt quá thẩm quyền giải quyết của cơ quan này. Luật lệ này sẽ cho phép việc lên những tàu nước ngoài đi qua vùng biển quốc tế. Sau đó chính quyền trung ương nói rõ rằng luật lệ này chỉ áp dụng trên những khu vực ở đó các đường gốc (baselines) và một EEZ đã được tuyên bố.

Hành động của chính quyền tỉnh Hải Nam có tiềm năng làm tăng những căng thẳng và do đó phá hoại nếu không nói là phá hủy hoàn toàn những cuộc thảo luận giữa các quan chức ASEAN và Trung Quốc về một bộ luật Ứng xử trong khuôn khổ nhóm làm việc nhằm đưa ra bản Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Nam Trung Hoa. Hơn nữa, luật lệ của đảo Hải Nam đặt các quan chức Trung Quốc vào con đường xung đột với Việt Nam, Philippines và Malaysia vì người dân đánh cá của những nước này thường xuyên đi trên vùng biển được bao hàm trong luật lệ ấy. Tất nhiên là chính quyền tỉnh Hải Nam có thể có sự chọn lọc trong việc áp dụng luật lệ này bằng cách nhắm vào người đánh cá Philippines hoạt động trong khu vực đường chín đoạn Trung Hoa chồng lấn với EEZ của Philippines.

Luật lệ của tỉnh Hải Nam đi ngược lại những thỏa thuận đã đạt được giữa Trung Quốc và Việt Nam trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường năm ngoái. Hai bên đã thoả thuận lập một đường dây nóng giữa hai bộ nông nghiệp để xử lý những sự cố về đánh bắt cá. Trung Quốc hoan hô chuyến thăm của Lý như một sự đột phá trong quan hệ vì hai bên đã thỏa thuận lập ra ba nhóm làm việc liên hợp để vạch ra chương trình hợp tác về biển, trên đất và các vấn đề tiền tệ.

Luật lệ của tỉnh Hải Nam bao trùm lên một vùng rộng lớn đến mức có vẻ như nhà chức trách Trung Hoa không thể cảnh sát mọi nơi. Trung Quốc đã từ lâu tích nhập “vũ khí pháp luật” vào kế hoạch quốc phòng của họ. Những hành động của nhà chức trách Hải Nam là một ví dụ nữa cho việc Trung Quốc sử dụng pháp chế và luật lệ quốc nội để thúc đẩy những yêu sách về lãnh thổ và quyền tài phán của mình. Trung Quốc sẽ luôn luôn sử dụng “cơ sở pháp lý” tham vọng của mình để biện minh việc bắt bớ thô bạo những người đánh cá trong vùng biển tranh chấp. Trong trường hợp này vùng biển tranh chấp là vùng biển quốc tế. Việc ban bố những luật lệ này của nhà chức trách Hải Nam sẽ buộc các quốc gia khác đáp ứng cơ sở pháp lý cho các yêu sách của Trung Quốc, do đó tình cờ tạo lợi thế cho Trung Quốc khi họ “thừa nhận” sự tồn tại của yêu sách của nước này đối với Biển Nam Trung Hoa.

Một câu hỏi mấu chốt là liệu phần lớn các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình có biết được những luật lệ nguy hiểm (được thông qua ngày 29 tháng 11, thông báo ngày 3 tháng 12 và có hiệu lực ngày 1 tháng 1) và chuẩn thuận chúng?

Chính quyền các nước khác có lẽ đã chậm phản ứng vì ba lý do. Thứ nhất, các nhà nước khác có vẻ chờ sự xác minh của nhà chức trách trung ương Bắc Kinh. Tường thuật của truyền thông nói rằng luật lệ của tỉnh Hải Nam chỉ được lưu hành trong nội địa. Thứ hai, nhiều nhà nước khác, như Hoa Kỳ và Úc, không đứng về bên nào trong các tranh chấp về lãnh thổ. Họ ủng hộ tự do hàng hải nhưng trong trường hợp này không có tàu cá nào của họ có vẻ như liên đới. Thứ ba, các nhà nước khác muốn chờ đợi và đánh giá phản ứng của những nhà nước trực tiếp liên quan trước khi công khai phản ứng.

Nguồn: Thayer Consultancy Background Brief, January 9, 2014.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn