Đằng sau chuyện 'cả thôn góp tiền thăm nuôi tù'

Kiên Trung

Đôi lời: Nén bạc đâm toạc cái gì?

Rành rành có chuyện anh thương binh 4/4 tên là Hoằng trong câu chuyện này chắc chắn là đã thiếu một nén bạc để đút cho bọn mang mặt người nhưng tâm địa cầm thú đã đổi trắng thay đen đẩy anh Hoằng vào nhà tù.

Nói cẩn thận! Bằng chứng đâu?

Bằng chứng đây: cả một thôn, với những người dân không ai đỗ tiến sĩ, không ai được phong phó giáo sư hoặc giáo sư hoặc viện sĩ, không ai đỗ cử nhân Luật, thế mà chúng khẩu đồng từ họ ra phán quyết dứt khoát anh Hoằng vô tội.

Lại hỏi: phán quyết đâu?

Thì đấy: cái phán quyết nằm ngay trong cái nghị quyết miệng, cả làng nghèo thì nghèo  cũng chung nhau đi thăm nuôi anh Hoằng đang bị giam theo cái bản án tuyên phạt oan ức anh những hai năm tù giam.

Lại bĩu môi: phán quyết miệng thì có hiệu lực thi hành không kia chứ?

Xin thưa: cái phán quyết miệng ấy là bản án của những con tim đầy nhạy cảm. Như một bà mẹ không hề đỗ Y khoa nhưng đủ sức biết con mình đang ươn. Như một cộng đồng dân quê với những bà mẹ và những người chị người em, tất cả đều cảm nhận được một chút nhích nhiệt độ ở anh Hoằng mà họ thương cảm hết nỗi. Họ gom tiền đi thăm anh Hoằng trong tù. Những ai còn mắt còn tim còn gan còn cái miệng cười hô hố chờ mở hòm phiếu để thấy mình được “những” chín mươi mấy phần trăm tín nhiệm biết trước, hãy xem “bọn đó” đi bỏ phiếu mà đâu đã phải là bỏ phiếu! Cái phiếu cho anh Hoằng thương binh 4/4 đúng người của họ mới là lá phiếu đích thực.

Lá phiếu của những người dân hiền hòa ấy dõng dạc nói: hãy lắng nghe đây!

Nghe đây! Người Việt Nam đầy bí ẩn. Cộng đồng dân Việt đầy bí ẩn. Chúng ta đây nói ít hơn những thứ sà sã ngày đêm, chúng ta đây viết ít hơn những ngòi bút nhăng cuội rẻ tiền, chúng ta đây ra nghị quyết không thành văn vì bọn ta không có phe phái đang cần tranh chấp nhau từng dấu phảy.

Chúng ta đây đã quyết định gom tiền đi thăm nuôi anh Hoằng. Thách thức của chúng ta chống lại bọn nào đó đang dùng nén bạc để đâm toạc cuộc đời này. Thách thức tuyệt vọng và hồn nhiên của triết lý dân gian: không ai nắm tay được từ tối đến sáng đâu. Thức lâu khắc biết đêm ngắn hay dài, các con ạ!

Phạm Toàn

clip_image002 - Câu chuyện khá hi hữu cả xóm góp tiền thăm nuôi người… tù khiến không ít người cảm động. Còn, bà con xã miền núi Lâm Giang (Văn Yên, Yên Bái) trông ngóng, chờ đợi vào câu trả lời của các cấp chính quyền.

Lạ lùng cả thôn góp tiền nuôi người đi… tù

Đối với người dân miền núi, những xô xát, mâu thuẫn nhỏ lẻ trong cuộc sống là những chuyện không tránh khỏi.

Tuy nhiên, những vụ việc mà các cơ quan công an, tòa án vào cuộc, và mở phiên tòa lưu động như vụ việc “Cố ý gây thương tích” của anh thương binh Nguyễn Văn Hoằng là chuyện chưa từng gặp.

clip_image004

Những người hàng xóm chứng kiến đang kể lại sự việc xảy ra xô xát giữa hai anh em cọc chèo Nguyễn Văn Hoằng và ông Cường. Theo họ, hành động của anh Hoằng là hành động tự vệ chính đáng, chứ không nên quy kết là hành vi phạm tội.

Trưởng công an xã Lâm Giang, Nguyễn Xuân Lai cho biết: chúng tôi yêu cầu hai bên viết bản tường trình sự việc, rồi yêu cầu anh Cường viết đơn kiến nghị chính quyền xử lý vụ việc cho đúng trình tự.

“Tổng số thiệt hại, thuốc men điều trị của anh Cường là hơn 1 triệu đồng, anh Cường yêu cầu anh Hoằng bồi thường hơn 3 triệu, nhưng anh Hoằng không bồi thường. Hòa giải không được, chúng tôi chuyển sự việc lên công an huyện Văn Yên.

Sau đó, công an huyện điều tra vụ án, gia hạn điều tra mấy lần, ba lần triệu tập anh Hoằng lên huyện để phục vụ điều tra. Lần cuối cùng, tháng 12/2013, anh Hoằng nhận được giấy triệu tập và vẫn chấp hành lên công an huyện, thì được tạm giữ luôn từ đó đến khi mở phiên tòa xét xử” – trưởng công an xã Lâm Giang cho biết.

Trái ngược với điều này, chị Nguyễn Thị Hằng, em gái anh Hoằng cho hay: Anh Cường đòi bồi thường 15 triệu đồng. Anh tôi nhà tranh vách đất, lấy đâu ra số tiền đó.

Sau khi vợ bỏ đi, đứa con trai cũng lập gia đình riêng, cuộc sống cũng khó khăn chưa giúp đỡ được gì cho bố, anh Hoằng sống bằng tiền chế độ thương binh 4/4 của mình mỗi tháng hơn 1 triệu đồng.

Khi chưa có chuyện gì xảy ra, anh Hoằng là người chăm chỉ lao động, tằn tiện chắt chiu, chưa bao giờ say sưa rượu chè. Từ khi vợ anh ấy đầu mày cuối mắt, anh ấy sinh buồn chán như thế”.

clip_image006

Con đường mòn dẫn lên ngôi nhà buồn tẻ, chỉ có một mình Nguyễn Văn Hoằng ở kể từ khi vợ bỏ đi.

Người mẹ già héo hắt kể lại câu chuyện buồn: "Mấy năm nay cháu nó chán đời, sinh rượu chè, rồi như người tâm thần, cứ lảm nhảm suốt ngày, rồi đi lang thang khắp xã. Cơ sự, cũng vì vợ nó, cả làng trên xóm dưới đều biết.

Nhà có hai con trâu, nửa đêm chị ta về nhà dắt đi sang nhà mẹ đẻ (ở thôn 5, cùng xã). Bà con làng xóm nhìn thấy mách, em gái của cháu (chị Nguyễn Thị Hằng) chạy ra ngăn thì được trả lại một con nghé con. Mấy đồi keo, anh em bên vợ đưa cả xe ô tô vào chở đi đâu bán không ai biết…

Cái hôm cháu nó lên xã để giải quyết phân chia tài sản, cũng là về cái chuyện con nghé con mà nó bỏ lại. Giờ, nó như thế, tôi cứ héo hết từ trong lòng héo ra”.

Ngôi nhà vắng lạnh, bụi phủ kín, chiếc giường nằm tơ hơ một góc. Nó là tài sản duy nhất hiện hữu trong ngôi nhà đất ba gian lợp lá cọ.

Phiên tòa lưu động xử. Ông Bùi Quang Trung, anh Vũ Đức Hoàn và con dâu của Hoằng được mời đến với tư cách nhân chứng.

“Họ mời chúng tôi đến nhưng chẳng cho chúng tôi nói gì cả” – ông Trung cho biết.

Hàng trăm người dân Lâm Giang đã bỏ làm ngày 27/2 để theo dõi phiên tòa lưu động. Và, từ sau phiên tòa đó đến nay, cũng hàng trăm người dân trong xóm 12, nơi anh Hoằng sinh sống, bứt rứt, bức xúc về câu chuyện “thằng Hoằng nó tự vệ mà lại xử nó đi tù, chúng tôi không phục”.

Ông Trần Văn Phong (phó chủ tịch xã Lâm Giang), ông Nguyễn Xuân Lai (trưởng công an xã) chia sẻ thành thật: Anh em chúng tôi cũng tranh cãi nhiều về hành vi “tự vệ” hay “cố ý” của anh Hoằng.

clip_image008

PCT UBND xã Lâm Giang, ông Trần Văn Phong (ảnh trái) và Trưởng công an xã Nguyễn Xuân Lai (ảnh phải): "Chúng tôi cũng đang tranh cãi về hành vi đó là tự vệ hay cố ý gây thương tích...".

Trong lúc anh Hoằng còn đang ở trong trại giam, trong lúc bà con xóm 12 của xã miền núi bươn bải đi viết đơn kháng cáo hộ, hay gom góp mỗi người một ít để phụ gia đình người đàn ông khốn khó, hai câu hỏi mà khi chúng tôi đưa ra, cả hai đại diện lãnh đạo xã đều không có câu trả lời.

Đó là, việc bắt giữ Nguyễn Văn Hoằng tại trụ sở cơ quan điều tra khi người đàn ông này lên huyện theo giấy triệu tập!?

Thêm nữa, vết thương từ con dao… văng vào, “người bị hại” được đưa ra trạm xã xá để cầm máu, sau đó “anh ấy vẫn bật tường ầm ầm” (lời ông Trung) thì bị bao nhiều % giám định sức khỏe, để quy kết cho anh Hoằng tội danh “cố ý gây thương tích” với bản án 2 năm tù lơ lửng?!

K.T.

Nguồn: vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn