VIÊN ĐẠN BẮN TỪ BÊN TRONG LÃNH HẢI ?

Luật sư Cao Xuân Bái

(Chuyện bây giờ mới kể)

Có lẽ nhờ “trận chiến pháp lý” của hai anh em chúng tôi với Cơ quan điều tra hình sự Bộ tư lệnh hải quân năm xưa mà cả hai đều nuôi hoài bão sẽ trở thành luật sư...

Năm 1978, từ thao trường là những cánh rừng bạt ngàn của đảo Phú Quốc, chúng tôi miệt mài ngày đêm với nhiều kỹ năng chiến thuật đặc biệt của “lính thủy đánh bộ”, chuẩn bị tham chiến tại Campuchia thì cả hai được tuyển chọn về Học viện hải quân (lúc đó gọi là Trường sỹ quan hải quân 2). Được đi học nhưng chúng tôi không hề vui. Bởi một lý do thật đơn giản, thật mộc mạc là phải xa anh em, đồng đội. Xa cái nắng, cái gió, xa con vắt, con muỗi rừng của Phú Quốc, xa căn bệnh “hắc lào” mà chúng tôi vẫn nói vui rằng ai không bị “hắc lào” thì không phải là lính Đảo!

     Tốt nghiệp ra trường, Trần Xuân Kính nhận công tác tại Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171). Còn tôi là giảng viên Trường kỹ thuật hải quân. Tôi “yên phận” trên giảng đường thì Trần Xuân Kính cũng “yên phận” trên biển cả. Dạo đó Việt Nam chưa phải là thành viên Asean. Mỹ và Phương Tây đang siết chặt cấm vận. Cuộc sống của người dân đã cực khổ với trăm bề thiếu thốn, thì cuộc sống và sinh hoạt của người lính xem ra còn vất vả hơn nhiều. Chiến hạm HQ01 của Trần Xuân Kính có nhiệm vụ bám biển, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các giàn khoan của Vietsovpetro ngoài khơi Vũng Tàu. Trong một lần ra khơi làm nhiệm vụ, HQ01 phát hiện thấy có tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, gần khu vực giàn khoan. Trong chuyến ra khơi lần này, do bận công tác nên thuyền trưởng vắng mặt. Kính vừa phải đảm nhiệm công việc chuyên môn của mình là Trưởng ngành hàng hải, vừa thay thuyền trưởng chỉ huy tàu. Trần Xuân Kính ra lệnh tiếp cận tàu lạ. HQ01 tăng tốc. Chiếc tàu nước ngoài phát hiện được HQ01 đang tiếp cận nên tháo chạy. Quyền thuyền trưởng ra lệnh bắn cảnh cáo. Ba loạt đạn chát chúa vang lên. Chiếc tàu nước ngoài vẫn ngoan cố, bất chấp tín hiệu cảnh cáo. Lòng kiên nhẫn đã cạn kiệt, HQ01 nhả đạn tiêu diệt. Tàu lạ bốc khói và dừng hẳn. Sau khi áp mạn, cán bộ, chiến sỹ của HQ01 làm công tác cứu thương, và ướp lạnh thi hài của thuyền trưởng và máy trưởng của chiếc tàu lạ rồi lai dắt chiếc tàu này về căn cứ. Sự việc được báo cáo về Bộ tư lệnh hải quân và Bộ quốc phòng. Sau khi khám xét và lấy lời khai của những người còn sống trên tàu lạ, cơ quan chức năng của Việt Nam mới biết đây là tàu của Thái Lan. Bộ ngoại giao Thái Lan đề nghị Việt Nam cho điều tra làm rõ sự việc. Theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh HQ, cơ quan điều tra hình sự của Quân chủng hải quân vào cuộc ...

     Thật may mắn là tôi và Trần Xuân Kính đã được nghiên cứu khá kỹ về Luật biển 1982 (Liên hợp quốc). Tuy nhiên, để chuẩn bị “chiến đấu” với các điều tra viên hình sự của Bộ tư lệnh, chúng tôi phải “ôn lại” đủ thứ. Từ đường cơ sở, vùng nước nội thủy, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền về kinh tế v.v.. chúng tôi ôn hết! Phương tiện thông tin liên lạc hồi đó không cho phép chúng tôi có thể trao đổi nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn một cách dễ dàng, nhanh chóng như bây giờ. Mà chủ yếu là gửi thư qua bưu điện hoặc thư tay. Cuối cùng chúng tôi cũng thống nhất được nội dung của “Bài tự bào chữa” trước cơ quan chức năng. Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Quả đúng như vậy. Hành vi ra lệnh nổ súng của Trần Xuân Kính, tuy còn bị hạn chế ở một góc độ pháp lý nào đó, nhưng trên phương diện bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc, thì rất đáng được hoan nghênh.

Cái duyên trên mặt trận pháp lý có lẽ nảy sinh ra từ đó. Sau khi rời quân ngũ, chúng tôi mỗi người một ngả. Ít có dịp gặp nhau. Khi nghe tin “quyền thuyền trưởng” năm xưa đã trở thành luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM thì tôi bắt đầu cắp sách tới Trường đại học luật TP HCM. Đó là năm 1998.

Nếu trước đây chúng tôi đã từng “chung chiến hào” thì bây giờ lại càng gắn bó. Chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở nhau rằng trước đây chúng mình đã cống hiến hết tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thì bây giờ hành nghề luật sư không chỉ đơn thuần là kiếm sống, mà phải tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân chủ. Góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải ...

Chúng tôi đã nhận nhiều vụ, việc của khách hàng. Đôi khi gặp trường hợp khách hàng quá khó khăn, chúng tôi còn “khuyến mãi” chi phí cà phê, thuốc lá cho thân chủ của mình trước giờ mở phiên tòa ! Có lúc tôi nói vui với luật sư Trần Xuân Kính rằng “hình như mình ăn cơm nhà mà đang vác tù và hàng tổng”.

C.X.B.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn