Một cách “đối họa” của người được vẽ chân dung

Nguyễn Huệ Chi

Tôi quen biết họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi ở Boston từ 2001. Biết anh là một họa sĩ kiêm nhạc sĩ-ca sĩ có danh nhưng lại đến đất Mỹ khá muộn vì vào những ngày gấp gáp cuối tháng Tư năm 1975, sau khi lo liệu cho vợ con xuống Vũng Tàu tạm ổn anh bèn vọt lẹ về thu xếp nốt vài việc cuối cùng ở Sài Gòn, dự định xuống lại ngay Vũng Tàu đến điểm hẹn cùng gia đình lên thuyền nhổ neo ra tàu lớn đang chờ ngoài khơi để vượt “nghìn trùng hải lý”; nào ngờ tính chậm đi một bước, khi chiếc honda rồ máy được gần nửa quãng đường thì con đường Sài Gòn - Vũng Tàu đã bị án ngữ bởi một cánh lính miền Bắc. Chưng hửng và tuyệt vọng, không còn cách gì khác, đành liều quay lui... xáp mặt với “bên thắng cuộc” rồi sẽ tính tiếp sau. Và từ đó là một cuộc... chung sống, tuy nói là “đồng sàng dị mộng” thì cũng đã có đằng đẵng 13 năm lăn lộn trong làng “tân văn nghệ” của thành phố bây giờ mang tên mới Hồ Chí Minh. Mà với tính cách xông xáo, nhập cuộc, không chịu buông xuôi, với tài năng phú bẩm của một Nguyễn Trọng Khôi xuất thân từ Trường Cao đẳng mỹ thuật Gia Định, dẫu muốn giấu kín mình đi, như ngọc Biện Hòa, cũng có lúc phải xuất lộ.

Anh đã chính thức tham gia vào hàng ngũ cộng tác viên hoặc biên tập viên một vài tờ báo từ buổi mới sáng lập như Tuổi trẻ, Văn nghệ TP HCM..., đã vẽ tranh, sáng tác nhạc, vẽ bìa minh họa cho đôi ba nhà xuất bản, và có mặt thi thoảng trong một ít hội diễn cả phía Bắc và phía Nam. Có lần tranh của anh đem trưng bày được chấm 40 điểm, lẽ ra đã ẵm giải nhất, hơn một người khác 38 điểm. Song nại cớ anh triển lãm hai bức, người kia có một bức, nên Ban tổ chức buộc số điểm của anh phải chia hai, thế là lọt xuống giải khuyến khích, giải nhất về tay người kia ngon lành. Có lần vẽ xong bìa một cuốn sách cho một nhà xuất bản ngoài miền Trung, sách in xong nhà xuất bản nhắn tin mời ra nhận “nhuận bìa”, nhân tiện có xe “anh thủ trưởng” xuất hành anh xin đi ké. Ấy nhưng khi cô thủ quỹ nhà xuất bản nọ vừa trao anh khoản tiền chưa kịp rờ tới thì thủ trưởng đã điềm nhiên giơ tay cầm trước đút luôn vào túi, nói một giọng tỉnh bơ: “Đồng chí Khôi, đồng chí được cơ quan ưu tiên nhiều rồi, số tiền này để góp vào công quỹ”. May mà mấy chữ “thế là huề” kịp hiện ra trong trí trước khi máu trong đầu anh chực trào sôi. Lại có lần tưởng gặp họa vì anh vẽ một cô gái miền Nam đứng lấp sau các bông sen. Bức tranh gợi nhiều ý tưởng lạ khiến ai xem cũng trầm trồ thích thú. Cắc cớ là chỉ sau mấy ngày, Ban Tuyên huấn lại hạ lệnh đem tranh anh cùng những bức khác “có vấn đề” nhốt chặt trong một gian phòng khóa kín bằng cửa sắt. Đến khi nghe lời giảng của vị Trưởng ban mới rõ lý do: “Người Việt Nam ví Bác Hồ là sen – Trong đầm gì đẹp bằng sen / Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ – vậy mà tác giả lại cho bông sen che mất khuôn mặt xinh đẹp của cô gái, có ý nói Bác che khuất nhân dân đi, thế không chống đối ngầm là gì?” Hỡi ôi..., chỉ một lời của “bề trên” đã chỉ ra “trúng phóc” chỗ yếu chết người của bức tranh: bỏ lãng mục tiêu “vẽ làm gì, vẽ cho ai”. Trong “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” thế là mất “tính đảng”. Dù có muốn biện minh mấy cũng đến phải cứng họng. Phúc làm sao bức tranh “chống đối ngầm” ít lâu sau lại được chính một vị quan chức công an – chắc có ghé xem triển lãm – tìm tới tận nhà mua với cái giá của tay “sành chơi” khiến người vẽ phải sửng sốt; đã thế lại được đem treo trang trọng tại sảnh đường một công sở ở Sài thành, đến nay vẫn còn.

Đại loại những chuyện tầm phào mà giờ đây ai nghe hẳn cũng phải bật cười nhưng thời ấy là cả một cái án đè lên đầu khiến người chịu án ngơm ngớp không biết lúc nào mình bị đem ra “mổ xẻ”. Thôi đành phải dứt khoát ra đi.

clip_image002

Cô gái miền Nam của Nguyễn Trọng Khôi bị đem vào “nhà giam” nhốt chặt trong những ngày triển lãm.

Đến tháng Bảy năm 1988 anh mới làm xong mọi thủ tục bảo lãnh để sang Hoa Kỳ đoàn tụ với vợ con. Tôi đến Mỹ tháng Ba năm 2001 nghĩa là gần đúng sau anh 13 năm, bằng với số năm anh ở lại Sài Gòn. Biết anh chị từ ngày ấy và những lần giao du với anh chị cũng như các văn nhân, trí thức ở Boston như nhóm học giả Mỹ-Việt xoay quanh Joiner Center (bây giờ là Joiner Institute) thuộc Đại học UMASS trong đó có vợ chồng Nguyễn Bá Chung-Phan Chấn, vợ chồng TS Kevin Bowen; hay như các anh Phan Xuân Sinh, Lâm Chương, Chân Phương, Trần Doãn Nho, Nguyễn Phú Phong, vợ chồng GS Trần Thành-Uyên Sa... bao giờ cũng là một niềm vui hiếm có trong những dịp lưu ngụ tại đây.

clip_image004

Cùng Nguyễn Trọng Khôi tại nhà vợ chồng Trần Thành-Uyên Sa chiều 4-7-2014.

Nhưng hiểu rõ tài năng Nguyễn Trọng Khôi thì phải đến 2010, hai phen có cơ hội đến nhà anh chị, ngôi nhà khiêm tốn ẩn mình lưng chừng một ngọn đồi ở Waltham, tầng hầm chứa đầy tranh anh vẽ. Khi xuống thăm cái basement chật chội, bên cạnh vô số bức tranh trừu tượng (abstract), ấn tượng (impressioniste), biểu hiện (expressioniste) đã hoàn thành hoặc đang vẽ dang dở chồng xếp la liệt, nhiều bức tĩnh vật và tranh chân dung theo khuynh hướng réaliste đập vào mắt làm tôi giật nẩy mình vì sống quá, trong đó có bức vẽ thân phụ anh, thoạt nhìn có dáng dấp một ông già L. Tolstoi nhưng là ông Tolstoi đặc Việt Nam đang nheo nheo đôi mắt trên tường nhìn mình, và đôi môi mấp máy chừng sắp nói với mình những điều ông ngẫm nghĩ.

clip_image006

Nguyễn Trọng Khôi với chân dung thân phụ, ông già Tolstoi đặc Việt Nam.

Lại có bức tranh khổ lớn vẽ vợ anh, thực hiện trong vòng mấy chục năm vẫn chưa xong – có lẽ thần thái của chị hiện ra mỗi lúc một khác nên từng ngày anh nắm bắt và đuổi theo cái "thần" ấy đến toát mồ hôi mà hình như vẫn chưa nắm thật trúng “bản lai diện mục”, nên cứ cảm thấy thúc bách sửa mãi, trong khi với khán giả thì bức tranh đã mỹ mãn lắm rồi.

clip_image008

Truyền thuyết Mỵ Châu – Nguyễn Trọng Khôi

Tôi càng thêm mến phục khi được nghe anh Khôi hát trong các bữa tiệc vui, với một giọng trầm ấm mà rất vang, âm vực rộng cuốn mãi lấy ta, giúp ta đột nhiên ngất ngây tự thực hiện một sự hồi cố – sống lại những "ám ảnh tiền chiến", "ám ảnh Trịnh Công Sơn" trong lòng từ lâu vẫn cất giữ. Tôi càng mê Nguyễn Trọng Khôi hơn khi được xem một đoạn video quay anh vẽ chân dung Chân Phương thi sĩ, chỉ trong phút chốc từ mẩu than chì nơi tay anh lướt nhanh trên mặt tờ giấy trắng đã hiện dần lên khuôn mặt đặc trưng của nhà thơ kiêm học giả lúc nào trong đầu cũng mơ màng về những đền đài triết học và văn học của nước Pháp hoa lệ đến mức bỏ quên cả hiện tại. Chân Phương từng nói với tôi: “Họa sĩ muốn trường phái gì cũng được, nhưng trước hết phải bắt đầu từ một nền tảng là vẽ chân dung thật vững thì mới là người họa sĩ bài bản, sau đấy dù vung bút thế nào cũng dễ dàng có được những sáng tạo thành công”.

clip_image010

Chân Phương qua nét bút Nguyễn Trọng Khôi ngày 21-10-2011. Huệ Chi chụp lại.

Trong lần gặp nhau nhân tôi sang Mỹ lần thứ ba vào cuối tháng 5 năm nay 2014, nhà họa sĩ tiếng tăm đã bất ngờ nhận lời vẽ chân dung cho tôi. Để đáp lại niềm hạnh phúc không mong mà có ấy, dưới đây là một vài dòng về câu chuyện giữa tôi và anh trong hai buổi đến ngồi cho anh vẽ, tạm gọi bằng một cái tên vui vui: Đối họa cùng Nguyễn Trọng Khôi.

clip_image012

Tháp chuông cô đơn – Tranh Nguyễn Trọng Khôi tặng Huệ Chi 19/12/2010.

Ngày 6-7 là buổi vẽ đầu tiên dưới “xưởng vẽ” của anh – ngăn một phần tầng hầm nhà anh và đào thông quả đồi để làm cửa vào, nhằm có đủ ánh sáng khi vẽ – chỉ cách đêm vui ở nhà đôi vợ chồng Trần Thành-Uyên Sa có hai ngày. Tôi và cậu con rể đến đúng giờ hẹn, lúc 1 giờ 30 chiều, sau 45 phút lái xe. Bắt đầu bằng những chén rượu vang sóng sánh – thứ rượu vang California ra lò năm 2010 theo anh là lứa rượu ngon trội hơn các lứa khác, nhất là rượu vang Cabernet Sauvignon gốc Pháp, vì là năm các vườn nho đặc biệt (vignobles) ở đây được mùa – và những câu chuyện thú vị về cơ duyên đưa anh chị đến với ngôi nhà hiện đang ở, những kỷ niệm khó quên làm anh chị ngày một thêm gắn bó với nó. Như việc một lần anh dùng máy để cắt cỏ ở mặt đồi phía trước nhà vào lúc chị đang về Việt Nam, chẳng may bước lùi quá đà, hẫng chân lăn xuống các bực gạch trước cửa "xưởng vẽ" và ngất đi. Khi tỉnh lại thấy đau buốt mà trong nhà tịnh không một ai, thế nhưng vẫn gượng đau ngồi được dậy, lại cố trườn lên cắt hết khoảnh cỏ còn lại trong tư thế cong người vì đau đớn, rồi mới chịu trườn vào nhà nằm vật ra. Hôm sau lết đến chỗ đặt điện thoại gọi người quen đưa đi khám thì mới tá hỏa: mình đã gãy một xương sườn.

clip_image014

Giấc ngủ muộn – Nguyễn Trọng Khôi

Anh cũng đưa ra nhận xét về lối sống Mỹ mà nhìn về hình thức có gì như mâu thuẫn. Người Mỹ làm hùng hục, gấp mấy cường độ người Việt Nam. Nhưng họ không mấy khi để dành, làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, có gì đã có an sinh xã hội bảo đảm. Họ chửi nhà nước như cơm bữa, kỳ thực chửi thì chửi chứ trong bụng ít để lại cái mặc cảm về một nhà nước vô trách nhiệm, phó mặc con dân, lâu ngày thành một “gánh nặng” thường trực trong tâm lý như ở Việt Nam.

Người Mỹ làm rất đúng giờ giấc và không có thói quen động một tí là xin tiền trợ cấp nên đôi khi họ cũng tỏ ý bất mãn với những người nhập cư thích tìm cớ bỏ việc để xoay tiền chính phủ, dễ xoay nhất là cứ đẻ con ra rồi nghỉ ở nhà, hai mẹ con hai suất trợ cấp đủ sống nhàn nhã, đi đâu diện kẻng vào người ngoài tưởng đâu “đại gia có cỡ” là khác, kỳ thực chỉ là dân trốn việc, không chịu dồn tâm dồn sức vượt lên khó khăn.

Người Mỹ sống lúc nào cũng vội vàng, nhưng họ vội vàng tất bật trong sinh hoạt để đáp ứng đòi hỏi của công việc thường rất căng, còn khi lái xe trên đường thì họ lại cẩn trọng từng chút, luôn luôn nhường người đi bộ và nhường nhau, vẫy tay cho nhau đi trước, rất ít khi xảy ra tranh lấn vượt ẩu và giữa các xa lộ cũng tuyệt không nghe một tiếng còi tuýt lên vô lối làm giật thót người đi đường. Trái lại ở Việt Nam, hễ ra đường là vội vàng lạng lách, đến nỗi nói như cố nhạc sĩ Phạm Duy, buổi sáng lên lầu nhìn ra cửa sổ thấy dưới đường ai cũng phóng bạt mạng như đang đi... tự tử. Nhưng vào sở (nói riêng các cơ quan hành chính nghiệp vụ) hay về nhà, thì những người vừa vội vã tranh cướp đường đến độ hung hiểm và có thể gây sự với nhau ấy nhiều khi lại chẳng biết dùng thì giờ thừa thãi làm gì.

Người Mỹ làm việc như một bản năng học được từ bé và có tư duy độc lập ngay lúc ở trường, thậm chí cãi lại bố mẹ rất hăng theo tinh thần nhà trường dạy dỗ mà chúng tin là đúng (anh Lâm Chương trong buổi sơ ngộ có kể với tôi, một hôm con anh đi học ở trường về thấy bố đang hút thuốc, bèn lễ phép bảo: Bố tắt thuốc ngay đi hoặc vào bathroom mà hút, nếu không con sẽ thưa với an ninh bố đã xâm phạm sức khỏe của người khác). Nhờ đó trong đời sống hàng ngày của xã hội Mỹ, có những cải tiến từ vô số việc nhỏ nhặt khiến ta phải lấy làm lạ. Con rể tôi là dân xây dựng, từng kể với tôi những chuyện làm nó không hết tấm tắc ngạc nhiên, chẳng hạn: Ở bên nhà hễ mình có việc đi qua những nơi thợ cắt đá mài đá làm việc thì bụi bốc mù mịt cả một dãy phố, đến phải bịt mũi nhắm mắt mà chạy cho nhanh; nhưng ở đây những nơi như vậy người dân vẫn thản nhiên qua lại an bình, chẳng có cảm giác gì là bụi bặm. Lúc mới đầu cứ thắc mắc không hiểu do đâu, sau tìm hiểu mới biết, mỗi một máy mài của họ đều có sáng kiến gắn kèm một máy hút bụi thông minh cỡ nhỏ, máy hoạt động đến đâu bụi hút sạch luôn đến đấy, không để lại một tẹo ảnh hưởng nào cho môi trường xung quanh, cứ nhìn mà phục lăn. Hay khi đào móng đóng cọc để xây nhà, thường thì ở Việt Nam vẫn để cho nước bùn chảy lênh láng tràn ra khắp đường phố, người thi công cứ tỉnh bơ nhìn dân chúng xắn quần nhón gót lội qua dòng nước đặc sánh, đâu có thèm biết đấy là thuộc trách nhiệm của ai. Nhưng bên này không thế, người ta hút ngay nước bẩn đưa vào xử lý tại chỗ, nên dù thi công kề sát bệnh viện cũng chẳng hề hấn gì, mà công nhân lại còn dư nước sạch để dùng. Những việc kiểu đó phải đâu kỹ sư nước mình không nghĩ được, thế mà chả một công ty nào chịu làm, chẳng qua vì đã là doanh nghiệp thì bản chất anh nào chẳng hám lợi, cứ sợ tốn kém; luật môi trường đặt ra cho gọi là có thế thôi chứ nào đủ hiệu lực làm cho họ sợ, vì mọi việc đã được “dàn xếp” phía sau; ngay người dân cũng không được dạy dỗ chu đáo từ trong trường học về nếp sống tôn trọng trật tự và vệ sinh công cộng để trở thành một kỷ luật tự nguyện, gắn bó với cả đời mình. Tuy nhiên, nói là nói vậy chứ sau khi học xong ra trường thì cũng như người Việt, lớp người bình dân Mỹ – tuy không ai không xuất thân đại học – phần lớn vẫn chỉ hành nghề theo quán tính, ít ai dám phá bỏ bài bản được giao. Một người thầu hễ đã hợp đồng với chủ cho thợ làm một việc gì đấy trong bao nhiêu ngày, nếu anh thợ nào có sáng kiến “thi đua cải tiến” vượt thời gian, phá bỏ quy trình đã vạch ra thì mất việc là cái chắc. Có những việc họ khoán cho anh Khôi một tuần, như phục hồi một mảng sơn tróc lở tại một thánh đường hay công sở nào đấy, nếu dồn hết tâm trí anh chỉ làm trong một ngày là xong, vậy nhưng lại không được phép “thi thố” tài năng mà cứ phải làm rề rà kéo dài; cái khó là “đóng kịch” sao cho thật tự nhiên, y như đang suốt ngày suốt buổi bận bịu vào công việc, để anh cai không biết là mình đang vừa... chơi vừa làm. Lãn công kể cũng là cả một “nghệ thuật” vô cùng vất vả chứ đừng có mà tưởng bở.

Người Mỹ rất thân thiện, nhân ái, giúp người khác hết lòng và giúp đến nơi đến chốn, nhưng nếu bất thình lình họ ngã xuống đường, mình nhảy bổ đến cứu thì liệu đấy, anh có thể bị kiện làm gãy tay hay trẹo vai tôi không biết chừng, vì anh làm việc ấy mà chưa... xin phép. Nếu nhà họ cháy tốt nhất là gọi điện cho cảnh sát, vì đặt cảnh sát ra không phải để trấn áp mà thực tế là nhằm thực hiện chức năng an dân. Nghe anh nói tôi chợt nhớ đến mùa đông 2010, cả thành phố Boston tuyết ngập đến quá đầu gối, đi lại rất khó khăn, ngoài đường chỉ có xe quét tuyết và xe cảnh sát hoạt động. Ngày thường cảnh sát lẩn đâu không thấy, chỉ thấy vài chàng mặc áo màu cứt ngựa đứng nghênh ngang bắn súng tốc độ lấy lệ trên một quãng đường dốc ở Quincy Center là nơi dễ xảy ra tai nạn, mà quy định của luật pháp lại không cho “núp bụi” như ở nước Nam nên chủ xe nào nhìn thấy họ từ xa cũng đã kịp hãm phanh, công việc “bắn để phạt” chỉ còn mang ý nghĩa răn đe chứ nói để “kiếm thêm vài đồng cải thiện” cho cảnh sát giao thông như cách nghĩ “rất Việt Nam” thì rõ là công cốc. Song những lúc tuyết ngập cả thành phố thì hễ có xe nào chết máy, hai phút sau cảnh sát đã lập tức trờ đến tận nơi giúp đỡ xử lý, nếu không người dân có thể chết cóng trong xe vì giá lạnh. Ấy, nói là nói thế chứ đừng có tưởng cảnh sát Mỹ dễ dãi mà lầm nhé. Có những anh chạy xe trên đường, cần mua vài thứ, đỗ xe vội không đúng chỗ quy định. Vừa vào cửa hiệu vài phút quay ra thì đã có một cảnh sát mặc đồ đen đến chìa giấy phạt. Anh ta tức mình làm dữ, giật phắt lấy xé làm mấy mảnh vứt đi. Viên cảnh sát không sừng sộ mời anh về đồn để rồi sáng mai thấy báo chí đưa tin anh đã “hối hận treo cổ tự tử” như vẫn xảy ra cơm bữa ở xứ sở chúng ta; không, bên đây anh cảnh sát chỉ lịch sự đưa tay lên trán chào rồi từ tốn rút. Và anh tưởng thế là cảnh sát chịu mình rồi, vui vẻ phóng xe đi tiếp, vô tình quên khuấy đi. Nhiều năm sau, nhân dịp cần thay chiếc xe đã cũ bằng chiếc xe mới, anh đến nơi đăng ký giấy tờ thì nhân viên bèn lục ngăn tủ chìa ra cho anh chiếc vé phạt thuở nọ. Nó vẫn còn nguyên đấy, có điều giờ đây số tiền phạt đã tăng lên đến mấy ngàn đồng, là số tiền lãi cứ lặng lẽ tăng theo thời gian, không ai bắt được nó dừng lại. Dù cay đến tận cổ cũng đành phải rút hầu bao, nếu không sẽ không có xe đi...

Chuyện cứ nhẩn nha mãi, lúc lâu anh Khôi mới cặp tờ giấy lên giá vẽ và cầm lấy mẩu than chì, bắt đầu công đoạn "phục hiện" khuôn mặt của người đang đối diện. Anh vừa vẽ vừa cụng ly với bố con tôi và kể tiếp nhiều câu chuyện lý thú, với cách kể rất hóm không cố ý mà tự nhiên buột ra đúng lúc, như bản tính vốn có của anh, nên càng làm người nghe hứng khởi, nhưng không thể nào nhớ xuể vì chuyện này dắt dây sang chuyện nọ, liên miên không dứt. Tuy vậy, linh cảm khiến tôi nhận ra cảm hứng hình như vẫn chưa đến nơi bàn tay cầm thỏi than của anh, làm cho anh vừa vẽ vừa phải "câu giờ". Và quả thực thế, sau ba tiếng đồng hồ miệt mài với thao tác quay mặt lại ngắm quay mặt sang quệt, ngắm-quệt ngắm-quệt như một trò chơi trùng lắp, trên mặt giấy trắng một khuôn mặt hiện hình, rất giống tôi mà xem ra vẫn chưa giống.

clip_image016

Chân dung đầu tiên của Huệ Chi do Nguyễn Trọng Khôi vẽ.

Tôi và cậu con rể sau những giờ phút hồi hộp chờ đợi, được nhìn tận mắt một "tôi" thứ hai thoát ra khỏi chính tôi đang ngồi đấy thì đã lấy làm thích thú lắm. Song anh vẫn quả quyết rằng cái thằng "tôi" thứ hai này chỉ mới là một anh chàng hơi giống Huệ Chi, có điều là anh bán phở cũng được hay làm gì cũng được, còn nếu là người nghiên cứu văn học cổ thì dễ đã mấy ai không ngờ vực. Anh nói như đinh đóng cột khiến tôi liên tưởng đến một nguyên tắc của hội họa phương Đông: con vật vẽ ra chưa thể nói là “linh” nếu chưa được họa sĩ dụng công “điểm nhãn”. Có lẽ bức chân dung của tôi đã có đủ mọi yếu tố của một bức tranh đẹp, duy chỉ phần “điểm nhãn” là còn chưa đủ “mười phần công lực” chăng? Dù sao khi bức tranh đã xong, ngắm đi ngắm lại hồi lâu rồi dứt khoát hẹn với mình phải vẽ lại, anh cũng bằng lòng ký vào và cho chúng tôi cầm về, hẹn một ngày tái ngộ vẫn đúng nơi nhà hầm của anh.

clip_image018

Nét mặt không thật hài lòng của tác giả bên giá vẽ trước lúc chia tay.

Bẵng đi 10 ngày, và cũng đúng vào một buổi tối đến dự họp vui ở nhà anh Trần Doãn Nho ở Worcester hôm 19-7, gặp lại anh, tôi lại được anh cho một cái hẹn thứ hai vào 23-7, vẫn 1 giờ rưỡi chiều. Tất nhiên chúng tôi rất mừng, lại trèo lên chiếc xe bán tải của con rể tìm đến số nhà đường Nathan khu Waltham đúng hẹn. Lần này anh vào cuộc ngay, mặc dù vẫn với phong cách nhẩn nha như cũ, vừa vẽ vừa trò chuyện với tôi, mỗi người cầm trên tay một chai bia đã mở nắp. Câu chuyện tưng tửng của anh vẫn đem lại cho người nghe những kích thích bất ngờ với tài năng tạo kịch tính mà không dụng ý.

clip_image020

Lần này, bỏ than cầm bút chì, họa sĩ bắt đầu bằng một nụ cười tự tin.

Chẳng hạn chuyện di chuyển những đồ đạc cồng kềnh trong ngôi nhà chật ở Mỹ, trong cảnh sống neo đơn không gọi được bạn bè (mỗi lần gọi, người nào đến được nhanh nhất cũng nửa tiếng lái ô tô trên đường cao tốc) là cả một vấn nạn, nhất là khi con đường 10 làn xe bò như sên vào buổi sáng giờ đi làm hay buổi chiều giờ tan sở. Một lần ra cửa hàng thấy có loại tivi cỡ lớn đang bán sale với giá cực rẻ, anh vội mua ngay một chiếc và nhờ nhà hàng cho nhân viên khuân giúp lên ô tô – vì nhà bị hỏng cái tivi cổ lỗ sĩ do chị đãng trí, tưới nước cho hoa mà bình hoa lại đặt trên tivi..., thành ra không còn gì để chị xem sau khi hết giờ làm ở hiệu, còn anh thì tất nhiên là không có thì giờ nhòm đến tivi. Nhưng về tới nhà đủn đít xe vào cửa “xưởng vẽ”, hai vợ chồng hỳ hục khuân sang tầng hầm rồi thì không sao đưa tivi lên cầu thang được nữa. Nó kềnh càng và nặng quá, không thể lọt qua khung cửa hẹp. Nghĩ mãi nghĩ mãi anh mới tìm ra được một kế: dựng tivi thẳng đứng, dùng tấm mền cũ quấn quanh nó rồi một mặt chị ở dưới ra sức đẩy, mặt khác anh cầm bốn múi mền lôi lên dần dần. Bất đồ lên đến giữa chừng thì mền bị toạc, chiếc tivi giở chứng lòi đầu ra và nguy cơ cái anh chàng “đầu bò đầu bướu” này lật ngược, đổ ụp lên mặt người đẩy chỉ là trong gang tấc. Sợ thất thần nhưng một phút tỉnh trí giúp anh biết nếu nói ra lúc này có thể làm chị cuống, càng thêm nguy hiểm; anh bèn giấu nỗi hồi hộp, tỉnh bơ, chỉ bảo chị hãy cố đẩy nhẹ nhàng hơn một chút còn mình thì cũng kéo sao cho không rách thêm tấm mền, cứ thế lần bước lên khỏi cầu thang mà mền không toạc tiếp. Quả là một cú liều thành công. Thở phào rồi mới nói hết những gì kinh khủng chờ chị ở phía dưới trong khi đang ngửa mặt đẩy tivi lên từng bậc thang khiến chị phải mở đôi mắt tròn xoe. Hôm sau chị đi làm, một mình anh với trái tim ốm yếu (một động mạch phải gắn stent), anh đã nghĩ ra cách kéo lê tivi vào sát tường, dán băng keo để cho tivi không đổ rồi nhích phần dưới lên từng nấc, nhích đến đâu lấy sách chèn vào, lại dán tiếp băng keo đến đấy. Khi chị về hết sức ngạc nhiên vì lão tivi to nặng là thế đã ngồi đúng vào chỗ của nó, cũng như chàng tivi đầu bự cổ lỗ đã được hạ bệ xuống sàn để anh chị mời... ra vệ đường cho ai cần thì lại đến khuân đi.

clip_image022

Người ngồi cho anh vẽ vẫn điềm nhiên tin tưởng ở bàn tay cầm bút vẽ của anh.

Hay một chuyện di chuyển khác dành cho chiếc bồn tắm của chủ cũ bỏ lại, đã cũ nát lại to và dài, thuộc loại bồn cũ bằng sắt tráng men, nhấc lên một tí đã ê ẩm cả tay. Mà cửa thì quá nhỏ, anh không biết làm cách nào tống nó ra khỏi nhà, nhất là trong lúc đang nóng một chuyến về Việt Nam. Một người bạn trẻ mà anh cho tá túc miễn phí thấy thế quả quyết nói: “Anh chị yên tâm ra phi trường đi, chuyện đâu có đó”. Khi anh chị trở lại Mỹ thì chiếc bồn tắm rò rỉ cũ kỹ nọ đã nằm chễm chệ phía sau vườn, trên quả đồi cỏ dại mọc um tùm, một bồn tắm mới toanh đang yên vị nơi chiếc bồn tắm cũ. Suy xét mãi mà không sao hiểu ra cung cách cậu bạn giúp mình cái việc tưởng chừng vô vọng như thế nào, hỏi thì cậu ta chỉ tủm tỉm không đáp. Mãi sau anh mới để ý thấy tường nhà mình có một mảng vết sơn còn mới. Thì ra cậu này đã tự ý làm chuyện “khoét vách”, chẳng là vách nhà ở Mỹ hầu hết đều bằng thạch cao, phía ngoài lợp gỗ hoặc các thanh nhựa trắng; chàng trai trẻ vốn rất nhanh trí liền bạo dạn cắt vách ra, lót giấy báo đẩy bồn tắm ra ngoài và đi mua một bồn tắm mới cũng tuồn vào nhà theo đường ấy, sau đó mua một tấm thạch cao vừa khuôn khổ ráp vào, dán lại, sơn lên, tường nhà lại... nguyên vẹn. Nhân tiện anh kể thêm, cậu bạn trẻ ở nhờ nhà anh trong khoảng một năm là người có nhiều sáng kiến thích nghi được với đời sống Mỹ, đã giúp nhà nghệ sĩ không lấy gì làm dư dật các việc tu sửa nhà cửa mà anh chị rất biết ơn, và nay đã sang định cư bên Texas. Thấy đất ở đấy rẻ anh ta dành dụm tiền mua luôn miếng đất khá rộng và một mình tự xây lấy một ngôi nhà khang trang ròng rã hàng năm trời mới xong, cốt để vợ con được sống ung dung – một việc có dễ chưa một ai ở Mỹ dám làm.

clip_image024

Tắm đêm bên bờ giếng – Một trong 8 bức tranh không được sở VHTTDL TP HCM duyệt treo trong triển lãm hội họa của Nguyễn Trọng Khôi tháng 9-2014 tại 53 Hồ Tùng Mậu, Sài Gòn.

Dắt dây từ chuyện không xem tivi, nhân tôi nhắc mình vừa được chiêm ngưỡng bức tranh abstract anh bán cho quán Phở Lê ở Cambridge qua chỉ dẫn của Chân Phương trong một lần cả hai đến quán nếm mùi vị bún chả cuốn quê nhà, anh cho biết, nhờ bức tranh đó mà một hôm bà Phó Thống đốc bang Massachusetts Kerry Healy bỗng xộc đến đây có xe công an đi trước, chỉ cốt được gặp anh để nhờ anh vẽ cảnh “cụng ly”, biểu tượng nhiều nghĩa của đôi vợ chồng người bạn thân của bà.

Thấy anh đáp lễ thường tình như đối với một khách hàng không quen biết, bà dè dặt hỏi: “Anh không... nhận ra tôi sao?”. “Thưa bà tôi không có hân hạnh quen bà”. Bà ngạc nhiên không nói gì thêm, lặng lẽ chào lui. Tối đó bất chợt ngó qua màn truyền hình của vợ, anh mới giật nẩy mình: bà khách hồi chiều đang xuất hiện trên truyền hình trong vai Phó Thống đốc. Hóa ra đang mùa tranh cử, bà Kerry Healy lên tivi trình diễn như cơm bữa, trong khi anh chăm chú vào việc vẽ nên chẳng đoái hoài đến tivi. Vậy mà bà Phó Thống đốc chẳng hề để bụng, vẫn lễ phép đưa người đến “ngồi mẫu”, sau đó lại hồ hởi đến nhận tranh với một số tiền đúng giá quy định – tất nhiên với ai sang giàu đến mấy anh cũng không đẩy giá lên để phải mặc cả với lương tâm.

clip_image026

Bà Phó Thống đốc bang Massachusetts nhận bức tranh Nguyễn Trọng Khôi vẽ.

Chuyện cứ lan man trong khi bàn tay của họa sĩ đưa thoăn thoắt trên giấy trông như vờn múa. Tôi nghĩ lần này tay anh có lẽ đã “nhập thần”. Quả nhiên, cũng sau khoảng ba tiếng đồng hồ như lần trước, anh vẫy hai bố con tôi đứng dậy, đến gần để ngắm tác phẩm mình vừa hoàn tất. Một Huệ Chi hiện ra rõ mồn một, lần này thì không phải là anh bán phở nữa mà là một kẻ đang trầm tư mặc tưởng đúng tư cách nhà nghiên cứu.

clip_image028

Lần này thì đã có được một gương mặt trầm tư như họa sĩ mong muốn.

Nhưng trong nhìn nhận của riêng tôi thì cũng như lần trước, đấy vẫn là một người “vừa quen vừa lạ”; quen, bởi ở đây đánh dấu một liên thông tình cảm tư tưởng lâu năm giữa người “cầm cọ” và đối tượng của anh; nhưng lạ, vì chính tôi là một người chưa bao giờ trực diện ngắm mặt mình. Tôi ngỡ ngàng mất một vài giây để tự vấn: “Mình là thế này sao? Anh chàng trong tranh trẻ hay là già hơn mình thế nhỉ?”; khi nghe con rể buột miệng khen “Lần này thì giống quá”, tôi mới thầm xác nhận đó là mình rồi, và dành vài phút im lặng đủ để ý niệm về người trong tranh chính là mình đi hẳn vào tâm trí. Thì cũng là lúc họa sĩ đã kịp trang trọng ghi lên cạnh tấm chân dung dòng chữ Nguyễn Huệ Chi, Boston July 23/14 và ký vào, phun sơn lên tranh vài ba lượt rồi cùng tôi đứng chụp chung mấy tấm ảnh kề bên giá vẽ và tháo tranh ra cuốn lại trao tặng tôi.

clip_image030

Bức tranh là vật chứng cho mối “duyên” giữa hai con người, nhưng tự nó đã có một đời sống độc lập.

Giã từ anh lúc đã gần 6 giờ chiều trong một không khí giữa mùa hè mà se lạnh. Về đến nhà, mở tranh ra cho cả nhà ngắm nghía, ai cũng khen: “Lần này thì giống thật”. Chỉ riêng con gái tôi vẫn tỏ ra chưa ưng ý: “Đôi mắt của bố sao to nhỏ không đều, cũng không có thần gì cả?” Tôi đáp: “Mắt như thế là mắt “một nhắm một mở” ghê lắm đấy con ạ”. Đáp lời con và nhớ lại lời bình của con về bức chân dung vẽ lần trước: “chỉ thấy cái mũi là giống bố thôi” tôi bỗng bật cười, nhớ đến một ý kiến của ai đấy rằng công chúng bao giờ cũng có những đòi hỏi khắt khe đối với trước tác nghệ thuật trước khi chịu nhận ra chỗ xuất thần của nghệ sĩ. Con gái mình chỉ tiếp nhận tác phẩm từ sự khúc xạ của những trực cảm bao nhiêu năm về người bố mà nó tưởng có bản quyền sở hữu. Có biết đâu họa sĩ lại thấu cảm bố với tư cách một con người đã bước ra khỏi giới hạn cuộc sống gia đình, ít nhiều gì cũng trở thành một kẻ xa lạ với nó mất rồi. Mối quan hệ gắn bó không lời từ lâu giữa nghệ sĩ và đối tượng như tôi đã nói, là điều nó làm sao đọc thấy, nói như A. Malraux: “Nghệ thuật, đó là con đường ngắn nhất đi từ con người đến con người – L’art, c’est le plus court chemin de l’homme à l’homme”. Dầu sao điều ấy vẫn chưa thật quan trọng. Có khi họa sĩ cũng không cần quen biết “người mẫu” nữa kia nhưng anh ta vẫn soi được vào cái phần “vô thức” ẩn sâu trong mẫu người mà anh đem hết thần trí ra nắm bắt. Ý hẳn cái chỗ con gái tôi không cảm thấy quen thuộc ở chân dung một người bố thường nhật cũng chính là phần không phải bố nằm ngay trong con người thường nhật ấy, tuy nhiên đấy là một miền khuất khúc, chỉ được phát hiện thông qua hai cuộc “phiêu lưu kiếm tìm” khổ công của họa sĩ mà thôi. Bức tranh vẽ tôi rõ ràng đã có vận mệnh độc lập với chính tôi. Càng thấm thía câu châm ngôn đích đáng của Paul Valéry: “Hiện thực duy nhất trong nghệ thuật đó là nghệ thuật – Le seul réel dans l’art, c’est l’art”.

clip_image032

Đến thăm phòng triển lãm “Cảm xúc đại ngàn” của Nguyễn Trọng Khôi ở 53 Hồ Tùng Mậu, SG, sáng 26-9-2014.

Hai phen được họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi vẽ chân dung là hai phen giúp tôi hiểu thêm nhiều về sáng tạo nghệ thuật, mà điều lớn nhất có lẽ là chiêm ngẫm ra cái hằng số mỹ học về khoảng cách vô hình không bao giờ xóa được – cái khoảng cách có thể nói là bất trị giữa nghệ thuật và đời sống. Tôi mới biết chỉ cứ lấy tiêu chí hiện thực để đối chiếu với tác phẩm cũng đã là cả một chuyện vô cùng rắc rối chứ không hề đơn giản như các thứ lý thuyết xưa kia mình đã học, và ngay cả gần đây mình cố tìm đọc để kiến thức mở mang thêm. Dáng chừng chính họa sĩ cũng chợt nhận ra còn nhiều nét ẩn khuất trên vẻ mặt tôi anh chưa thể hiện hết hay lúc này mới bất chợt nhận thấy, nên khi chia tay nhau lúc gặp lại ở Hà Nội trong ngày 15-9, anh có bảo: “Cách nhau nửa vòng trái đất, nếu còn có dịp quay lại thì có khi còn phải “khám phá” thêm anh một lần nữa”. Vâng, nửa vòng trái đất, xưa kia là “tân thế giới”, hễ nghe còi tàu thủy huýt thế là một đi không hẹn ngày về, nhưng ngày nay..., biết đâu đấy.

Boston 26/7 – Hà Nội 10/10/2014

H.C.

Nguồn: vanviet.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn