Ảnh hưởng của các đập trên phụ lưu sông Mekong

Nguyễn Minh Quang

Tháng 10 năm 2014

Tác giả là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của Tiểu bang California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972; Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi thuộc Bộ Công chánh và Giao thông đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Cao học Thủy lợi tại Ðại học Nebraska, Hoa Kỳ năm 1985; Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990, Kỹ sư Giám sát trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.

LỜI DẪN NHẬP

Việc xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chánh ở hạ lưu vực sông Mekong do Ủy ban Quốc tế Mekong (Mekong Committee) đề nghị năm 1994 [1] và quyết định của Lào trong việc tiến hành 2 trong số các đập đó - đập Xayaburi ở Bắc Lào năm 2007 [2] và đập Don Sahong ở Nam Lào năm 2008 [3] - đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của ngư/cư dân Thái Lan ở ven sông (Hình 1); của các tổ chức môi trường trên thế giới như Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (World Wildlife Fund (WWF)), Hệ thống Sông ngòi Quốc tế (International Rivers Network (IRN)), Oxfam Australia, Hãy Cứu sông Mekong (Save the Mekong (STM))…; và nhất là của Việt Nam. Các tổ chức môi trường và Việt Nam - dựa theo thẩm định của Trung tâm Quản trị Môi trường Quốc tế (International Centre for Environmental Management (ICEM)) [4] - yêu cầu Lào hoãn việc xây đập trong 10 năm để nghiên cứu thêm những ảnh hưởng tai hại của chúng, nhất là sự tồn vong của đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam (ĐBSCL) [5-8].

clip_image002

Hình 1. Phản đối việc xây đập Don Sahong [Ảnh: Internet]

Đối với các đập trên phụ lưu sông Mekong trong lãnh thổ Thái Lan, Lào, Cambodia, và Việt Nam, sự chống đối của các tổ chức môi trường có vẻ rất nhẹ nhàng, chỉ tập trung vào việc bồi thường cho người dân tái định cư và ảnh hưởng ở trong vùng xây đập, như trường hợp của đập Nam Theun 2 ở Lào [9] và đập Hạ Se San 2 ở Cambodia [10]. Phía Việt Nam thì hoàn toàn im lặng, có lẽ vì Việt Nam đã xây nhiều đập thủy điện trên Se San và Sre Pok (phụ lưu sông Mekong ở Cao nguyên Trung phần) [11] hoặc vì “chánh sách” “không nên xây dựng thủy điện trên dòng chính, mà chỉ nên xây dựng trên dòng nhánh [phụ lưu],” qua lời tuyên bố của Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện là Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam [12].

Tại sao chỉ nên xây dựng thủy điện trên phụ lưu mà không xây trên dòng chánh? Có phải vì các đập thủy điện trên phụ lưu không có hoặc có ít ảnh hưởng hơn các đập trên dòng chánh đối với các quốc gia ở hạ nguồn? Bài viết nầy có mục đích tìm hiểu về ảnh hưởng của các đập đã và sẽ xây trên phụ lưu sông Mekong qua kết quả khảo sát tại chỗ hoặc kết quả nghiên cứu đã được phổ biến và lý do tại sao các đập trên phụ lưu không được chú ý bằng các đập trên dòng chính.

VÀI ĐẶC TÍNH CỦA SÔNG MEKONG

Theo tài liệu của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) [13], sông Mekong dài 4.800 km, đứng thứ 12 trên thế giới, phát nguyên từ Cao nguyên Tây tạng và chảy qua Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam. Khi đến Phnom Penh, sông chia làm 2 nhánh - sông Tiền (Mekong) và sông Hậu (Bassac) - trước khi chảy vào Việt Nam ở Tân Châu và Châu Đốc rồi đổ ra biển (Hình 2). Sông Mekong có lưu vực rộng 795.000 km2 được chia làm 2 phần: thượng lưu vực nằm trong Cao nguyên Tây tạng và Trung Hoa rộng 165.000 km2 và hạ lưu vực nằm trong 5 quốc gia còn lại rộng 630.000 km2.

Thượng lưu vực hẹp và sâu nên không có phụ lưu lớn. Hạ lưu vực trải rộng nên có nhiều phụ lưu. Các phụ lưu quan trọng ở phía tả ngạn gồm có, từ thượng nguồn xuống hạ nguồn: Nam Tha, Nam Ou, Nam Soung, Nam Khan, Nam Ngum, Nam Ca Ding, Xe Bang Fai, Xe Bang Hieng và Se Done trong lãnh thổ Lào và Se Kong, Se San và Sre Pok (3S) trong lãnh thổ Lào, Việt Nam và Cambodia. Các phụ lưu quan trọng ở hữu ngạn gồm có, từ thượng nguồn xuống hạ nguồn: Nam Mae Kok, Nam Mae Ing, Songkhram, Nam Chi và Nam Mun trong lãnh thổ Thái Lan và Tônlé Sap trong lãnh thổ Cambodia [14].

clip_image004

Hình 2. Lưu vực sông Mekong [13]

Sông Mekong có lưu lượng trung bình tại cửa sông là 475 km3/năm, đứng thứ 10 trên thế giới. Lưu lượng nầy bao gồm 16% từ Trung Hoa, 2% từ Miến Điện, 18% từ Thái Lan, 35% từ Lào, 18% từ Cambodia và 11% từ Việt Nam (Bảng 1). Hệ thống phụ lưu 3S có lưu lượng cao nhất trong hạ lưu vực, chiếm hơn 25% lưu lượng trung bình hàng năm của sông Mekong tại Kratie và giữ một vai trò then chốt đối với dòng chảy của Tônlé Sap. Hệ thống phụ lưu Nam Chi và Nam Mun có lưu lượng thấp nhất, chiếm 6% lưu lượng trung bình hàng năm của sông Mekong.

clip_image006

Bảng 1. Diện tích lưu vực và lưu lượng của sông Mekong

Những nghiên cứu gần đây [15] cho thấy hầu hết phù sa ở ĐBSCL phát xuất từ vùng Tam Giang – vùng mà 3 con sông Mekong, Dương Tử, và Salween chảy gần nhau - ở Trung Hoa (40%) và vùng Cao nguyên Trung phần ở Việt Nam (52%). Phần còn lại của lưu vực chiếm 8%. Cao nguyên Khorat ở Thái Lan là vùng có độ phù sa rất thấp. Một nghiên cứu khác ước tính 40% phù sa trong dòng chánh sông Mekong phát xuất từ thượng lưu vực, 40% từ hệ thống phụ lưu 3S, và 20% từ các phụ lưu còn lại trong hạ lưu vực [16]. Dựa theo dữ kiện đo đạc độ phù sa và lưu lượng trong khoảng thời gian từ 1962 đến 1992, lượng phù sa trung bình hàng năm được ước tính vào khoảng 74,1 triệu tấn tại Chiang Sean, 73,0 triệu tấn tại Luang Prabang, 74,4 triệu tấn tại Nong Khai, 97,5 triệu tấn tại Mukdahan, 166,0 triệu tấn tại Khong Chiam, và 151,1 triệu tấn tại Pakse [17]. Lượng phù sa trung bình hàng năm cho toàn hạ lưu vực được ước tính khoảng 160 triệu tấn [15].

clip_image008

Hình 3. Các nhóm cá trong hạ lưu vực sông Mekong [18]

Có khoảng 850 loài cá sống trong hạ lưu vực sông Mekong [15]. Chúng được chia làm 3 nhóm chính dựa theo sinh thái và tập quán di cư của chúng (Hình 3). Nhóm “cá đen (black fishes)” sinh sống trong sông rạch hoặc vùng ngập nước ven sông và ít di cư, thí dụ như cá lóc, cá trê, và cá rô. Nhóm “cá trắng (white fishes)” di cư rất xa trong các vùng ngập nước hoặc dòng chánh Mekong, thí dụ như cá chép, cá tra, cá bông lau, cá ba sa. Nhóm “cá xám (grey fishes)” sinh sống trong vùng ngập nước vào mùa lũ nhưng theo nước rút xuống các phụ lưu và không di cư xa, thí dụ như cá tra vàng, cá trèn, cá tra sọc. Những vùng ngập nước dọc theo phụ lưu sông Mekong ở hạ nguồn Vientiane trong lãnh thổ Lào, Thái Lan và Cambodia được xem là có ảnh hưởng quan trọng đối với sự sinh trưởng của di ngư (migrant fish); trong khi dòng chánh sông Mekong ở hạ nguồn Vientiane, Biển Hồ và ĐBSCL có ảnh hưởng quan trọng đến việc đánh bắt (Hình 4) [18]. Số lượng cá đánh bắt trong hạ lưu vực sông Mekong được ước tính vào khoảng 1,9 triệu tấn trong năm 2000. Số lượng di ngư trung bình hàng năm trong hạ lưu vực sông Mekong được ước tính khoảng 20.000 tấn trong lưu vực từ biên giới Trung Hoa đến Vientiane, khoảng 500.000-600.000 tấn trong lưu vực từ Vientiane đến thác Khone, và khoảng 750.000-950.000 tấn trong lưu vực phía dưới thác Khone [19].

clip_image010

Hình 4. Vùng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và việc đánh bắt di ngư [18]

ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẬP TRÊN PHỤ LƯU

Dựa trên các đặc tính vừa nêu, đập trên phụ lưu – thường là đập tạo nên hồ chứa nước - có ảnh hưởng rất lớn đối với tình trạng thủy học, lượng phù sa và thủy sản của hạ lưu vực sông Mekong ở hạ nguồn Vientiane. Về phương diện thủy học, đập trên các phụ lưu trong lãnh thổ Lào, Cambodia và Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến khoảng 60% lưu lượng của sông Mekong khi chảy vào Việt Nam. Quan trọng nhất là các đập trên hệ thống phụ lưu 3S vì chúng có ảnh hưởng đến 25% lưu lượng của sông Mekong ở Kratie và có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của Tônlé Sap từ sông Mekong vào Biển Hồ ở Cambodia. Về phương diện phù sa, những hồ chứa nước lớn của các đập trên hệ thống phụ lưu 3S có ảnh hưởng đến 40% lượng phù sa của sông Mekong ở ĐBSCL; đặc biệt là các đập ở Cao nguyên Trung phần, vì theo một nghiên cứu khác, chúng có thể ảnh hưởng đến 52% lượng phù sa của sông Mekong. Về phương diện thủy sản, đập trên phụ lưu có ảnh hưởng đến vùng sinh trưởng rộng lớn của nhóm di ngư trong phụ lưu vực ở hạ nguồn Vientiane trong lãnh thổ Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam.

Theo tài liệu của MRC [16], có tất cả 11 vị trí trên dòng chánh và 125 vị trí trên phụ lưu có thể xây đập trong hạ lưu vực sông Mekong. Các vị trí trên phụ lưu gồm có 91 vị trí ở Lào, 7 vị trí ở Thái Lan, 12 vị trí ở Cambodia và 15 vị trí ở Việt Nam (Hình 5). Có 10 đập đã được xây ở Lào, 7 đập ở Thái Lan, 6 đập ở Việt Nam và 1 đập ở Cambodia. Ngoài ra, còn có 9 đập đang được xây ở Lào và 5 đập ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu trong tài liệu nầy cho thấy 56 đập được dự trù trên phụ lưu trong vòng 20 năm tới có thể làm tăng lưu lượng trung bình hàng tháng trong mùa khô của hạ lưu vực sông Mekong khoảng 357 m3/sec, làm giảm lưu lượng trung bình hàng ngày trong mùa lũ của hạ lưu vực sông Mekong khoảng 887 m3/sec, làm giảm số lượng nước chảy vào Tônlé Sap khoảng 1,787 triệu m3, và làm giảm sản lượng cá đánh bắt hàng năm khoảng 142.000 tấn.

clip_image012

Hình 5. Vị trí có thể xây đập trong lưu vực sông Mekong [16]

Trong một nghiên cứu khác [4], 77 đập được dự trù trên phụ lưu có thể làm giảm lượng phù sa của sông Mekong ở Kratie từ 165 triệu tấn/năm xuống còn 88 triệu tấn/năm (khoảng 47%), của vùng ngập lụt ở Cambodia từ 34 triệu tấn/năm xuống còn 18 triệu tấn/năm (47%), và của vùng ngập lụt ở ĐBSCL từ 26 triệu tấn/năm xuống còn 14 triệu tấn/năm (khoảng 46%). Sản lượng cá đánh bắt trong hạ lưu vực sông Mekong, được ước tính khoảng 2,1 triệu tấn trong năm 2000, có thể giảm từ 150.000 đến 480.000 tấn/năm trong năm 2015 nếu có 31 đập được xây trên phụ lưu và có thể giảm từ 210.000 đến 540.000 tấn/năm trong năm 2030 nếu có 61 đập trên phụ lưu được xây dựng.

Ảnh hưởng của đập Pak Mun

Đập Pak Mun (Hình 6) là đập thủy điện có công suất 136 MW được khởi công trong năm 1991 và hoàn tất vào năm 1994. Nó là con đập sau cùng được xây trong lưu vực Nam Chi và Nam Mun, một phụ lưu quan trọng của sông Mekong nằm trọn trong lãnh thổ Thái Lan với diện tích 117.000 km2 (15% hạ lưu vực) và lưu lượng đo đạc trung bình là 21,3 km3/năm (4,5% hạ lưu vực) [20]. Các con đập khác gồm có Ubolrathana (thủy điện, 1965), Lam Pao và Lam Phra Phloeng (thủy nông, 1968), Lam Takhong (thủy nông, 1969), Sirinthorn (thủy điện, 1970), Chulaphon (thủy điện, 1972), và Nam Nang Rong (thủy nông, 1991).


clip_image014

Hình 6. Đập Pak Mun [Ảnh: Internet]

Đập bằng bê tông, dài 300 m, cao 17 m, được xây cách hợp lưu với sông Mekong 5,5 km trong tỉnh Ubon Ratchathani. Tuy là đập thủy điện dùng dòng chảy (run-of-the-river), nó cũng tạo nên một hồ chứa rộng 60 km2 với dung tích 225 triệu m3. Đập có 8 cửa xả lũ, mỗi cửa rộng 22,5 m và cao 15 m (Hình 7). Khi đập sắp hoàn tất, một máng nước dành cho di ngư (fish ladder) mới được thực hiện (Hình 8). Đây là máng nước dành cho di ngư đầu tiên được xây dựng trong vùng Đông Nam Á nhưng không mang lại hiệu quả như mong đợi.

clip_image015

Hình 7. Cửa xả lũ của đập Pak Mun [Ảnh: Internet]

Đập Pak Mun ảnh hưởng đến sự di chuyển cũng như sự đa dạng của thủy sản trong lưu vực Nam Mun. Trước năm 1994, khi đập Pak Mun chưa được hoàn tất, lưu vực có 265 loại cá với 77 loại là di ngư; khảo sát mới nhất cho thấy vùng thượng lưu đập hiện chỉ còn 96 loại cá. Sản lượng cá đánh bắt ngay phía thượng lưu đập giảm từ 60 đến 80 % sau khi đập được hoàn tất [20]. Vì lý do đó, ngư dân trong vùng và một số tổ chức môi trường phản đối liên tục, đòi mở cửa xả nước cho cá di chuyển. Năm 2001, chánh phủ Thái Lan cho mở tất cả các cửa xả trong 1 năm để nghiên cứu ảnh hưởng. Kết quả khảo sát cho thấy có 184 loại cá trong vùng nghiên cứu và lợi tức của ngư dân cũng gia tăng đáng kể [21]. Theo đề nghị của nghiên cứu, chánh phủ Thái Lan quyết định mở cửa xả trong đầu mùa lũ, từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.

clip_image017

Hình 8. Máng nước dành cho di ngư ở đập Pak Mun [Ảnh: Internet]

Đập Theun-Hinboun

clip_image018

Hình 9. Đập Theun-Hinboun [22]

Đập Theun-Hinboun là đập thủy điện được xây trên phụ lưu Nam Theun ở Ban Kengbit trong tỉnh Bolikhamxay, Lào trong năm 1994 và hoàn tất vào năm 1998. Đập bằng bê tông, dài 268m và cao 27 m với 5 cửa xả lũ nhưng không có máng nước dành cho di ngư (Hình 9). Tại vị trí đập, Nam Theun có lưu vực rộng khoảng 4.900 km2 với l

ưu lượng trung bình hàng năm 180 m3/sec. Đập rẽ một lưu lượng 110 m3/sec của Nam Theun qua một đường hầm dài 6 km đến nhà máy thủy điện có công suất 220 MW với thủy thế 235 m nằm ở Ban Khounkham, tỉnh Khammouane (Hình 10) trong thung lũng

Nam Hai, một nhánh của Nam Hinboun, phụ lưu của sông Mekong. Đập và nhà máy thủy điện Theun-Hinboun được gọi là dự án Theun-Hinboun, khởi công trong năm 1994 và hoàn tất trong năm 1998 [22].

clip_image020

Hình 10. Nhà máy thủy điện Theun-Hinboun [22]

Sau khi đập thủy điện Nam Theun 2 được xây trên Nam Theun ở Nakai, cách đập Theun-Hinboun khoảng 32 km về phía thượng lưu, hầu hết nước trong lưu vực Nam Theun được chuyển sang lưu vực Xe Bang Fai. Vì thế, một đập thủy điện được xây trên Nam Gnouang, một nhánh của Nam Theun, để cung cấp nước cho đập Theun-Hinboun (Hình 11). Đập Nam Gnouang bằng bê tông, dài 480 m, cao 65 m và tạo nên một hồ chứa nước có diện tích 105 km2 với dung tích hữu dụng 2,262 triệu m3. Một lưu lượng 220 m3/sec chảy qua một nhà máy thủy điện có công suất 60 MW ở chân đập trước khi đến đập Theun-Hinboun. Lưu lượng nầy đủ để nới rộng công suất của nhà máy thủy điện Theun-Hinboun lên 440 MW. Việc xây đập Nam Gnouang và nới rộng nhà máy thủy điện Theun-Hinboun được gọi là dự án Theun-Hinboun Nới rộng, hoàn tất vào năm 2012 sau 4 năm xây dựng.

clip_image022

Hình 11. Dự án thủy điện Theun-Hinboun, Theun-Hinboun Nới rộng và Nam Theun 2 [23]

Đập Theun-Hinboun ảnh hưởng đến tình trạng thủy học của Nam Theun (còn có tên là Nam Cading trước khi đổ vào sông Mekong), Nam Hai, Nam Hinboun, và sông Mekong. Lưu lượng lũ trung bình của Nam Theun ở hạ lưu đập Theun-Hinboun giảm từ 1.030 xuống còn 160 m3/sec hay 87%, còn lưu lượng trung bình trong mùa khô 5 m3/sec thì không thay đổi vì số lượng nước nầy được xả từ đập Theun-Hinboun [24]. Nhưng theo dữ kiện đo đạc trong năm 1998 trước khi đập được hoàn tất, lưu lượng trong mùa khô (tháng 1 đến tháng 5) tại vị trí đập thay đổi từ 46 đến 59 m3/sec [25]. Như vậy, lưu lượng của Nam Theun trong mùa khô có thể giảm từ 89 đến 91%. Lưu lượng trung bình của Nam Hai ở Ban Namsanam tăng từ 250 m3/sec lên 360 m3/sec hay 44% trong mùa lũ và từ 0 đến 110 m3/sec trong mùa khô. Lưu lượng trung bình của Nam Hinboun ở Ban Khen tăng từ 870 m3/sec lên 980 m3/sec hay 13% trong mùa lũ và từ 2.7 đến 113.7 m3/sec hay 41 lần trong mùa khô. Lưu lượng của sông Mekong giảm 1.070 m3/sec hay 8% trong mùa lũ và tăng 3-4% trong mùa khô ở hạ lưu Nam Cading, và giảm 7% trong mùa lũ và tăng 4-5% ở hạ lưu Nam Hinboun. Lưu lượng sông Mekong ở hạ lưu Nam Hinboun sẽ giảm 4% trong mùa lũ và tăng 14% trong mùa khô nếu đập Nam Theun 2 được xây dựng.

Về phương diện thủy sản, đập Theun-Hinboun ảnh hưởng đến sự đa dạng, sự di chuyển của di ngư và sản lượng cá đánh bắt trong lưu vực Nam Cading/Nam Theun và Nam Hinboun. Một nghiên cứu trong năm 1992 cho thấy có 102 loại cá được tìm thấy trong lưu vực Nam Cading/Nam Theun phía dưới thác Keng Vang Fong (cách sông Mekong khoảng 38 km về phía thượng lưu), 79 loại được tìm thấy trong vùng đập Theun-Hinboun, và 118 loại cá được tìm thấy trong lưu vực Nam Hinboun. Sau khi xây đập, số loại cá ở thượng lưu đập giảm hơn 1/3. Chỉ có 71 loại cá được tìm thấy trong lưu vực Nam Cading/Nam Theun qua cuộc khảo sát thủy sản năm 2002 [24].

Đập Theun-Hinboun và sự thay đổi dòng chảy của Nam Theun phía dưới đập và của Nam Hinboun ảnh hưởng đến sản lượng cá đánh bắt trong lưu vực Nam Cading/Nam Theun và Nam Hinboun. Một cuộc khảo sát qua phỏng vấn ngư dân trong năm 1998 cho thấy sản lượng cá đánh bắt giảm từ 50 đến 70% ở hạ lưu đập, giảm từ 30 đến 50% ở thượng lưu đập và giảm 90% trong lưu vực Nam Hinboun [26].

Đập IaLy (Yali hay Yaly)

clip_image024

Hình 12. Đập IaLy [Ảnh: Internet]

Đập IaLy là đập thủy điện được xây trên Se San ở tỉnh Gia Lai, Việt Nam trong năm 1993 và hoàn tất trong năm 2002, cách biên giới Cambodia khoảng 70 km về phía thượng lưu. Tại vị trí đập, Se San có lưu vực rộng 7.454 km2 với một lưu lượng trung bình hàng năm 259 m3/sec [27]. Đập bằng đá đầm với lõi chống thấm bằng đất sét ở giữa thân đập, dài 522 m, cao 69 m và tạo một hồ chứa nước rộng 64,5 km2 với một dung tích hữu dụng 779 triệu m3. Đập có 6 cửa xả lũ bằng thép, mỗi cửa rộng 15 m cao 16,3 m với lưu lượng xả tối đa là 13.733 m3/sec (Hình 12). Nước từ hồ chứa, với lưu lượng 424 m3/sec, được dẫn qua hai đường hầm dài 3,8 km đến nhà máy thủy điện (Hình 13) có công suất 720 MW, nằm khoảng 4 km về phía hạ lưu và thấp hơn mực nước trong hồ chứa 190 m. Nước từ nhà máy thủy điện được xả trở lại Se San. [28]

clip_image026

Hình 13. Nhà máy thủy điện IaLy [Ảnh: Trịnh Minh Phú]

Đập IaLy ảnh hưởng đến tình trạng thủy học của Se San ở hạ lưu đập trong tỉnh Ratanakiri, Cambodia và của sông Mekong ở hạ lưu Stung Treng. Kết quả khảo sát trong tỉnh Ratanakiri [29] cho thấy tình trạng lũ lụt tệ hại trong năm 1996 một phần là do việc xả lũ từ đập IaLy. Trong mùa khô, mực nước Se San lên xuống bất thường, có khi sai biệt đến 2 m. Lưu lượng xả nước từ nhà máy thủy điện IaLy, 424 m3/sec, cao gấp 5 lần lưu lượng thấp nhất trung bình (average minimum flow) đo đạc được ở Ban Komphun, tỉnh Stung Treng từ năm 1961 đến 1970 là 85 m3/sec [30] và gia tăng lưu lượng thấp nhất trung bình đo đạc được ở Kratie, Cambodia từ năm 1960 đến năm 2004 (2.220 m3/sec [13]) lên 19%. Ảnh hưởng của việc xả lũ từ đập IaLy đối với tình trạng lũ lụt lại được ghi nhận trong tỉnh Ratanakiri từ ngày 3 đến 13 tháng 8 năm 2005 [31] và có lẽ đã làm mực nước nội đồng Đồng Tháp Mười ở ĐBSCL đang tăng nhanh lại càng tăng nhanh hơn vào trung tuần tháng 8 [32].

Về phương diện thủy sản, đập IaLy ảnh hưởng đến sự đa dạng và di chuyển của di ngư và sản lượng cá đánh bắt trong lưu vực Se San. Kết quả nghiên cứu cho thấy lưu vực Se San có 133 loại cá, trong đó có 7 loại chỉ sống trong lưu vực và 54 loại di ngư [30]. Sau khi đập IaLy được xây dựng, lưu vực Se San chỉ còn 111 loại cá, có nhiều loại trở nên khan hiếm và 6 loại biến mất hẳn. Sản lượng cá đánh bắt trong lưu vực Se San giảm 26,7% [33].

Đập IaLy cũng ảnh hưởng đến lượng phù sa của Se San ở hạ lưu đập và của sông Mekong ở hạ lưu Stung Treng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đập IaLy có thể giữ lại 94% lượng phù sa trung bình hàng năm của Se San tại vị trí đập, tức 2,432 triệu tấn/năm [34]. Lượng phù sa bị đập IaLy giữ lại chiếm khoảng 7% của vùng ngập lụt ở Cambodia và khoảng 9% của vùng ngập lụt ở ĐBSCL.

Đập Hạ Se San 2

Đập thủy điện Hạ Se San 2 sẽ được xây trên Se San, cách hợp lưu với Sre Pok khoảng 1,5 km về phía hạ lưu và cách sông Mekong khoảng 25 km về phía thượng lưu (Hình 14). Tại vị trí đập, Se San có diện tích lưu vực rộng 49.070 km2 với một lưu lượng trung bình hàng năm là 1.306 m3/sec [36]. Đập được chánh phủ Cambodia chuẩn thuận vào tháng 11 năm 2011, được khởi công (Hình 15) [37], và dự trù hoàn tất vào năm 2016. Chủ công trình là Hydropower Lower Sesan 2 Company, một liên doanh giữa Royal Group của Cambodia (39%), Hydrolancang International Energy Company của Trung Hoa (HIEC) (51%), và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) (10%) [38]. Cổ phần của EVN đã giảm từ 51 xuống còn 10% và của Royal Group giảm từ 49 xuống còn 39% sau khi HIEC tham gia vào liên doanh [39]. EVN cũng sẽ xây một đường dây điện 220 kV để cung cấp 50% sản lượng của nhà máy thủy điện Hạ Se San 2 cho mạng lưới điện của Việt Nam [35].

clip_image028

Hình 14. Vị trí của đập Hạ Se San 2 [35]

clip_image030

Hình 15. Công trường xây đập Hạ Se San 2 [Ảnh: Internet]

Đập Hạ Se San 2 sẽ được xây bằng đất, dài 8 km, cao 38 m và tạo nên một hồ chứa rộng 334 km2 với dung tích 1.792,5 triệu m3 (dung tích hữu dụng là 333,2 triệu m3). Đập xả lũ bằng bê tông, dài 245 m, cao 38 m, có 10 cửa xả bằng thép mỗi cửa rộng 15 m và cao 16 m với lưu lượng xả nước 27.942 m3/sec. Nước từ hồ sẽ được dẫn qua một đường hầm rộng 9,4 m, cao 12,25 m, dài 29 m với một lưu lượng thay đổi từ 459 đến 2.118 m3/sec đến nhà máy thủy điện có công suất 400 MW nằm ở chân đập [36]. Nước từ nhà máy thủy điện sẽ được xả trở lại Se San.

Đập Hạ Se San 2 sẽ ảnh hưởng đến tình trạng thủy học của Se San ở hạ lưu đập và của sông Mekong ở hạ lưu Stung Treng. Đập có thể gia tăng lưu lượng thấp nhất trong mùa khô của Se San ở phía hạ lưu đập lên 25 lần, từ 85 m3/sec lên 2.118 m3/sec và của sông Mekong ở Kratie lên 96%. Nếu được xả tối đa trong mùa lũ, đập sẽ gia tăng lưu lượng cao nhất trung bình của Se San ở hạ lưu đập lên 2,3 lần (từ 12.400 m3/sec lên 27.942 m3/sec) và gia tăng lưu lượng cao nhất trung bình từ 1924 đến 2003 của sông Mekong ở Kratie (41.000 m3/sec [13]) lên 68%.

clip_image002[4]

Hình 16. Vùng trồng lúa (màu vàng) ở hạ lưu vực Mekong [16]

Về phương diện thủy sản, đập Hạ Se San 2 ảnh hưởng đến sự đa dạng và di chuyển của di ngư và sản lượng cá đánh bắt trong lưu vực Se San và Sre Pok. Kết quả khảo sát [30] cho thấy lưu vực Se San có 133 loại cá, trong số đó có 54 loại di ngư và 7 loại chỉ sống trong lưu vực nầy. Lưu vực Sre Pok có 240 loại cá, trong số đó có 81 loại di ngư và 95 loại chỉ sống trong lưu vực nầy. Di ngư chiếm 60% số lượng cá đánh bắt trong vùng. Đập Hạ Se San 2 có thể làm giảm 9,3% lượng cá của hạ lưu vực Mekong [40], ngăn chận 50% lượng phù sa tại vị trí đập và giảm lượng phù sa của sông Mekong từ 6 đến 8% [35].

PHẦN THẢO LUẬN

Việc các tổ chức môi trường trên thế giới, các tổ chức phi chánh phủ (NGOs), và các nhà hoạt động môi trường trong và ngoài nước lớn tiếng chống đối việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chánh sông Mekong và làm ồn ào những sự kiện mà họ cho là hậu quả của các đập ở Trung Hoa [8,41-44] – vô tình hoặc có dụng ý – đánh lạc hướng dư luận, khỏa lấp ảnh hưởng của các dự án thủy lợi đã hoặc sẽ được xây trên phụ lưu, và bảo vệ kỹ nghệ du lịch “sinh thái” dọc theo sông Mekong ở Thái Lan và Lào. Ngoài đập Pak Mun ở Thái Lan và đập Theun-Hinboun và Nam Theun 2 ở Lào được các tổ chức nầy ít nhiều đề cập đến, có rất nhiều đập trên phụ lưu đã được hoàn tất hoặc đang được xây dựng “trong âm thầm,” thí dụ như 3 đập trên Nam Ou [45] và 7 đập trên Se Kong ở Lào, 9 đập trên Se San và 4 đập trên Sre Pok ở Việt Nam [46].

Đây có lẽ là chủ ý của Thái Lan và Việt Nam, hai thành viên có thế lực nhất trong MRC, nhằm được “tự do” khai thác các dự án trên lãnh thổ Lào và Việt Nam; điển hình là dự án thủy nông Kong-Chi-Mun của Thái Lan (chuyển 6,32 tỉ m3 nước từ lưu vực Nam Ngum và Xe Bang Hiang ở Lào sang lưu vực Nam Chi và Nam Mun ở Thái Lan để trồng 160.000-480.000 ha lúa trong mùa khô [47] (Hình 16)), đập thủy điện IaLy và các đập khác trong lưu vực Se San và Sre Pok và dự án khai thác triệt để ĐBSCL của Việt Nam (sử dụng tất cả lưu lượng kiệt của sông Mekong để trồng lúa trong mùa khô [47]). Chính vì thế mà trong Thỏa ước Hợp tác Phát triển Khả chấp Lưu vực sông Mekong (Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of the Mekong River Basin) - được ký kết tại Chiang Rai, Thái Lan năm 1995 để thành lập MRC (Thỏa ước MRC 1995) – không có một điều khoản ràng buộc pháp lý nào về việc sử dụng nước trên phụ lưu ngoài việc thông báo (notification), và đó có lẽ là lý do chánh khiến cho các đập trên phụ lưu không được sự chú ý của các tổ chức và nhà hoạt động môi trường trên thế giới.

clip_image034

Hình 17. Sông Mekong ở Nong Khai trong mùa khô 2010 [Ảnh: Internet]

Ảnh hưởng của các đập thủy điện ở Trung Hoa được làm ồn ào khắp nơi trên thế giới tiếp theo sau bản tin của Michael Casey (Associated Press (AP)) được đánh đi từ Bangkok ngày 21 tháng 5 năm 2009. Bản tin nói rằng một phúc trình của Liên Hiệp Quốc cho biết “hành động xây đập thiếu kiểm soát ở Trung Hoa là mối đe dọa lớn nhất cho tương lai của sông Mekong đang bị quấy nhiễu (a dam-building spree in China poses the greatest threat to the future of the already beleagued Mekong)” [47]. Sau bản tin của AP, báo chí Việt ngữ trong và ngoài nước cũng chạy tin với những hàng tít “rất đáng lo ngại và kinh sợ,” chẳng hạn như “Trung Quốc xây hàng loạt đập thủy điện làm hại dân hạ lưu sông Cửu Long” [48], “Vn [Việt Nam]: Tq [Trung Quốc] Giết Mekong, Sông Thành Sa Mạc” [49], “Bức tử sông Mekong với đập cao 292 m” [50], “Đập Tiểu Loan đe dọa đồng bằng sông Cửu Long” [51], hoặc “TQ [Trung Quốc] khai thác sông Mê Kông và nguy cơ giết chết ĐBSCL” [52].

Truyền thông khắp nơi lại càng ồn ào hơn sau bản tin của AFP vào ngày 25 tháng 2 năm 2010 cho biết “mực nước sông Mekong ở phía bắc xuống tới mức thấp kỷ lục, đe dọa đến cấp thủy, thủy vận, và thủy nông dọc theo dòng nước mà hàng triệu người đang cư trú…” [53] (Hình 17). Họ cáo buộc các đập thủy điện của Trung Hoa - đã làm cho mực nước xuống thấp và gây khó khăn cho người dân sống ven sông ở Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia, và Việt Nam, đặc biệt là ở Chiang Saen, Luang Prabang, Chiang Khan, Vientiane, và Nong Khai ở Bắc Lào và Thái Lan [41-42,54-56] - dường như để khỏa lấp ảnh hưởng của các dự án sử dụng nước ở Thái Lan và Lào. Những dự án nầy, cộng với tình trạng hạn hán trong năm 2010, có lẽ đã làm cho mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục vì chúng đã bơm nước sông Mekong để cung cấp nước uống cho Vientiane và Nong Khai cũng như để canh tác trong mùa khô ở nhiều vùng dọc theo sông Mekong ở Lào và Cambodia [57]. Các đập thủy điện ở Trung Hoa còn bị cáo buộc xả nước gây lũ lụt ở hạ lưu [44], khiến cho MRC phải lên tiếng để làm rõ sự việc [58-59].

Một lý do khác khiến các tổ chức môi trường trên thế giới, nhất là các NGOs ở Thái Lan, chống đối các đập thủy điện trên dòng chánh Mekong vì họ cho rằng chúng ảnh hưởng đến kỹ nghệ du lịch “sinh thái” dọc theo sông Mekong ở Thái Lan và Lào. Một trong những vùng được chú ý nhất là thác Khone, vì “đây là thiên đàng du lịch sinh thái có tất cả điều kiện để trở thành một Di sản Thế giới (World Heritage) với tất cả nguồn lợi du lịch một khi nó được công nhận.” [60] Chính vì thế mà ngay cả Bộ trưởng Du lịch Lào cũng lên tiếng phản đối [61].

Các đập thủy điện trên dòng chánh Mekong ở Trung Hoa, đập Xayaburi và Don Sahong ở Lào cùng các đập khác chắc chắn sẽ còn bị cáo buộc là “thủ phạm” của những ảnh hưởng tai hại ở hạ lưu vực Mekong. Nhưng kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy các đập thủy điện ở Trung Hoa và 11 đập được đề nghị ở hạ lưu vực có ít ảnh hưởng hơn các đập trên phụ lưu. Về phương diện thủy học, chỉ riêng các đập trên phụ lưu 3S (Se Kong, Se San, và Sre Pok) có thể làm lưu lượng sông Mekong tại Kratie giảm khoảng 4.000 m3/sec trong mùa lũ (10%) và tăng khoảng 2.200 m3/sec trong mùa khô (100%). Ảnh hưởng nầy cao gấp 2 lần ảnh hưởng của các đập ở Trung Hoa và 10 lần ảnh hưởng của 11 đập ở hạ lưu vực (Bảng 2).

clip_image036

Bảng 2. Ảnh hưởng đối với lưu lượng sông Mekong ở Kratie

Về phương diện thủy sản, các đập trên phụ lưu có ảnh hưởng nhiều hơn 11 đập trên dòng chánh, ngoại trừ ở Cambodia, như được trình bày trong Bảng 3. Kết quả nầy phù hợp với kết quả của một nghiên cứu khác [18], cho thấy sản lượng cá trong sông và đồng lụt ở hạ lưu vực có thể giảm 121.000 tấn/năm nếu có 31 đập được xây trên phụ lưu, giảm 187.000 tấn/năm nếu có 61 đập được xây trên phụ lưu, giảm 65.000 tấn/năm nếu có 6 đập trên dòng chánh được xây ở Bắc Lào, giảm 78.000 tấn/năm nếu 3 đập trên dòng chánh được xây ở Nam Lào, và 203.000 tấn/năm nếu 2 đập trên dòng chánh được xây ở Cambodia.

clip_image038

Bảng 3. Ảnh hưởng đối với sản lượng cá của hạ lưu vực Mekong

Đập trên dòng chánh sông Mekong ở hạ lưu vực cũng có ít ảnh hưởng hơn các đập trên phụ lưu đối với lượng phù sa của sông Mekong. Chúng có thể làm giảm lượng phù sa của sông Mekong ở Kratie khoảng 47 triệu tấn/năm (so với 77 triệu tấn/năm của 77 đập trên phụ lưu), của vùng ngập lụt ở Cambodia khoảng 10 triệu tấn/năm (so với 16 triệu tấn/năm của 77 đập trên phụ lưu), và của vùng ngập lụt ở ĐBSCL khoảng 7 triệu tấn/năm (so với 12 triệu tấn/năm của 77 đập trên phụ lưu) [4].


KẾT LUẬN

Từ trước cho đến nay, các tổ chức môi trường trên thế giới như WWF, IRN, Oxfam Australia; các tổ chức NGOs trong vùng như STM và 3S Rivers Protection Network; và các nhà hoạt động môi trường trong và ngoài nước lớn tiếng chống đối các đập thủy điện trên dòng chánh sông Mekong, sau khi Lào quyết định xây đập Xayaburi và Don Sahong, và làm ồn ào những sự kiện mà họ cho là hậu quả của các đập ở Trung Hoa. Họ – vô tình hoặc có dụng ý – bỏ quên các dự án thủy điện và thủy nông đã hoặc sẽ được xây trên phụ lưu. Điển hình là 3 đập trên Nam Ou và 7 đập trên Se Kong ở Lào, 9 đập trên Se San và 4 đập trên Sre Pok ở Việt Nam đã được hoàn tất hoặc đang được xây dựng “trong âm thầm.”

Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu và khảo sát gần đây cho thấy các đập trên phụ lưu sông Mekong có ảnh hưởng không kém các đập trên dòng chánh Mekong ở Trung Hoa và 11 đập được dự trù xây trên dòng chánh ở hạ lưu vực sông Mekong, ít nhất là về phương diện thủy học, sản lượng cá đánh bắt, và lượng phù sa. Các đập trên phụ lưu hiện nay có thể làm giảm 902 m3/sec (so với 400 m3/sec của 11 đập ở hạ lưu vực) lưu lượng trong mùa lũ và tăng 406 m3/sec (so với 200 m3/sec của 11 đập ở hạ lưu vực) lưu lượng trong mùa khô của sông Mekong ở Kratie. Nếu tất cả các đập trên phụ lưu 3S (Se Kong, Se San, và Sre Pok) được xây dựng, chúng có thể làm giảm 4.000 m3/sec (so với 1.807 m3/sec của các đập ở Trung Hoa) lưu lượng trong mùa lũ và tăng 2.200 m3/sec (so với 812 m3/sec của các đập ở Trung Hoa) lưu lượng trong mùa khô của sông Mekong ở Kratie.

Sản lượng cá trong sông và đồng lụt ở hạ lưu vực có thể giảm từ 121.000 đến 187.000 tấn/năm nếu có 31-61 đập được xây trên phụ lưu, so với 346.000 tấn/năm của 11 đập trên dòng chánh ở hạ lưu vực. Tuy nhiên, sản lượng cá sẽ sụt xuống 65.000 tấn/năm nếu có chỉ 6 đập trên dòng chánh được xây ở Bắc Lào, xuống 78.000 tấn/năm nếu chỉ có 3 đập trên dòng chánh được xây ở Nam Lào, và xuống 203.000 tấn/năm nếu chỉ có 2 đập trên dòng chánh được xây ở Cambodia (Stung Treng và Sambor) (Hình 16).

Về lượng phù sa, các đập trên phụ lưu cũng có ảnh hưởng nhiều hơn 11 đập trên dòng chánh ở hạ lưu vực Mekong. Nếu 77 đập được xây trên phụ lưu, chúng có thể giảm lượng phù sa của sông Mekong ở Kratie khoảng 77 triệu tấn/năm (so với 47 triệu tấn/năm của 11 đập), của vùng ngập lụt ở Cambodia 16 triệu tấn/năm (so với 10 triệu tấn/năm của 11 đập), và của vùng ngập lụt ở ĐBSCL 12 triệu tấn/năm (so với 7 triệu tấn/năm của 11 đập).

Mặc dù ảnh hưởng của các đập trên phụ lưu có ảnh hưởng không kém các đập trên dòng chánh Mekong ở Trung Hoa và 11 đập được dự trù xây trên dòng chánh ở hạ lưu vực sông Mekong, Thái Lan và Việt Nam – hai thành viên có thế lực nhất của MRC – dường như đã “phớt lờ” khi ký kết Thỏa ước MRC 1995 vì cả hai đều muốn khai thác các dự án trên phụ lưu và các dự án thủy nông trong lưu vực Nam Chi-Nam Mun ở Đông bắc Thái Lan và ở ĐBSCL. Thái Lan và Việt Nam có lẽ cũng rất “hài lòng” vì các tổ chức môi trường thế giới, nhất là các NGOs ở Thái Lan, đã “chĩa mũi dùi” vào các đập thủy điện của Trung Hoa, cáo buộc chúng là “thủ phạm” đã, đang, và sẽ gây những “thảm họa” ở hạ lưu vực Mekong - kể cả ĐBSCL và Mũi Cà Mau - thay cho “thủ phạm thật sự,” đã, đang, và sẽ hiện diện trong khắp các phụ lưu từ Nam Ou cho đến Se Kong, Se San, và Sre Pok. Các NGOs ở Thái Lan dường như cũng “không thích” các đập thủy điện trên dòng chánh Mekong trong lãnh thổ Lào, có lẽ chúng có thể có ảnh hưởng đến kỹ nghệ du lịch “sinh thái” dọc theo sông Mekong của Thái Lan.

Với ảnh hưởng của các đập trên phụ lưu cùng với tinh thần “mạnh ai nấy làm” của Thỏa ước MRC 1995, nguy cơ trước mắt của ĐBSCL dường như không phát xuất từ các đập trên dòng chánh sông Mekong ở Trung Hoa hay ở Lào, mà phát xuất từ các đập trên phụ lưu, quan trọng nhất là hệ thống phụ lưu 3S (Se Kong, Se San, và Sre Pok) với đập Hạ Se San 2. Các đập trên phụ lưu 3S có ảnh hưởng rất lớn đối với tình trạng thủy học, sản lượng cá, và lượng phù sa của ĐBSCL. Đập Hạ Se San 2 có thể biến một mùa nước nổi bình thường thành một trận lũ lụt chưa từng thấy trong lịch sử nếu tất cả các cửa xả của nó được mở tối đa để xả lũ. Nếu các đập trên dòng chánh ở Trung Hoa được xem là “những quả bom nước khổng lồ lơ lửng trên đầu hàng triệu người dân ĐBSCL [62],” thì đập Hạ Se San 2 cũng là một quả bom nước khổng lồ lơ lửng trên đầu hàng triệu người dân ĐBSCL. Chỉ khác một điều là những quả bom nước ở Trung Hoa được treo bằng “bê tông,” còn quả bom nước ở Cambodia sẽ được treo bằng… “đất,” tương tự như quả bom Đầm Hà Động (Long Châu Hà) (Hình 18) vừa “giáng” xuống đầu người dân ở huyện Đầm Hà, Quảng Ninh hôm 30 tháng 10 vừa qua [63].

clip_image040

Hình 18. Đập Đầm Hà Động bị vỡ [63]

Đối với 11 đập được đề nghị trên dòng chánh ở hạ lưu vực sông Mekong, thì 6 đập ở Bắc Lào có ảnh hưởng nhỏ nhất và 2 đập ở Cambodia có ảnh hưởng lớn nhất, nhất là về phương diện thủy sản. Do đó, điểm đáng nhắm phải là Stung Treng và Sambor chứ không phải là Xayaburi hay Don Sahong.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Compagnie Nationale du Rhône. December 1994. Mekong Mainstream Run-Of-River Hydropower. Prepared for Mekong Secretariat. Lyon, France.

[2] International Rivers Network (IRN). April 2014. “Xayaburi Dam: Timeline of Events.” IRN. Berkeley, California.

[3] The Rivers Coalition in Cambodia and International Rivers Network. September 2008. “The Don Sahong Hydropower Project.” IRN. Berkeley, California.

[4] International Centre for Environmental Management (ICEM). October 2010. Strategic Environmental Assessment of Hydropower on the Mekong Mainstream – Final Report. Prepared for the Mekong River Commission. Glen Iris, Victoria, Australia.

[5] Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Vietnam Rivers Network (VRN)). Tháng 01 năm 2011. Đập Xayaburi – Hiểm Họa của Sông Mêkong. VRN. Hà Nội, Việt Nam.

[6] Dat Viet. 30/06/2014. “Laos hydropower plant threatens Vietnam’s Mekong.” VietNamNet Bridge. http://english.vietnamnet.vn/fms/environment/106305/laos-hydropower-plant-threatens-vietnam-s-mekong.html

[7] Thanh Phương. 07/02/2012. “Tác động của đập thủy điện hạ lưu Mekong lên đồng bằng Cửu Long. RFI. http://vi.rfi.fr/viet-nam/20120206-tac-dong-cua-cac-dap-thuy-dien-ha-luu-song-mekong-len-dong-bang-cuu-long/

[8] Quang Duẩn - An Điền. 19/04/2011. “Đập trên thượng nguồn Mê Kông ảnh hưởng mũi Cà Mau.” Thanh Niên. http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110419/Dap-tren-thuong-nguon-Me-Kong-anh-huong-mui-Ca-Mau.aspx

[9] Tania Lee. 11/18/2013. “Nam Theun 2 Affected People Left in the Dark.” IRN. http://www.internationalrivers.org/blogs/294/nam-theun-2-affected-people-left-in-the-dark

[10] Coco Liu. June 10, 2014. “China-led hydropower projects faces resistance in Cambodia.” E & E Publishing, LLC. http://www.eenews.net/special_reports/global_climate_debate/stories/1060000986

[11] Công Hoan. 05/08/2014. “Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Srêpốk và SêSan: Tăng quyền vận hành cho địa phương.” Sài Gòn Giải Phóng. http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2014/8/357207/

[12] Hương Thu. 23/02/2011. “Tranh cãi về đập thủy điện trên sông Mekong.” VNExpress. http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2011/02/tranh-cai-ve-dap-thuy-dien-tren-song-mekong/

[13] Mekong River Commission (MRC). November 2005. Overview of the Hydrology of the Mekong River. MRC. Vientiane, Lao PDR.

[14] MRC. Accessed October 23, 2014. “Physiography.” http://www.mrcmekong.org/mekong-basin/physiography/

[15] MRC. April 2010. State of the Basin Report 2010. MRC. Vientiane, Lao PDR.

[16] MRC. April 2011. Assessment of Basin-wide Development Scenarios – Main Report. MRC. Vientiane, Lao PDR.

[17] Lu, X.X. and R.Y. Siew. 21 March 2006. “Water discharge and sediment flux changes over the past decades in the Lower Mekong Rivers: possible impacts of the Chinese dams.” Hydrology and Earth System Sciences, 10, 181-195. www.hydrol-earth-syst-sci.net/10/181/2006/

[18] Baran, Eric. 2010. Mekong fisheries and mainstream dams. Contribution to the Strategic Environmental Assessment of hydropower on the Mekong mainstream for the Mekong River Commission. International Center for Environmental Management, Glen Iris, Victoria, Australia.

[19] Barlow, Chris, Eric Baran, Ashley S. Halls and Mrigesh Kshatriya. December 2008. “How much of the Mekong fish catch is at risk from mainstream dam development?” Catch and Culture. Volume 14, No. 3. MRC. Vientiane, Lao PDR.

[20] Amornsakchai, S., Annez, P., Vongvisessomjai, S., Choowaew, S., Thailand Development Research Institute (TDRI), Kunurat, P., Nippanon, J., Schouten, R., Sripapatrprasite, P., Vaddhanaphuti, C., Vidthayanon, C., Wirojanagud, W., Watana, E. November 2000. Pak Mun Dam, Mekong River Basin, Thailand. A WCD Case Study prepared as an input to the World Commission on Dams. Cape Town, South Africa. www.dams.org

[21] Tuantong Jutagate, Chaiwut Krudpan, Praneet Ngamsnae, Kanjana Payooha and Thanatip Lamkom. 31 March 2003. “Fisheris in the Mun River: A One-Year Trial of Opening the Sluice Gates of the Pak Mun Dam, Thailand.” Fisheries Programme, Faculty of Agriculture, Ubon Ratchathani University. Ubon Ratchathani, Thailand.

[22] Theun-Hinboun Power Company (THPC). Accessed October 30, 2014. “Technical Specifications.” THPC. Vientiane, Lao PDR. http://www.thpclaos.com/index.php?lang=en

[23] IRN. June 2014. Failure to Restore: An Assessment of the Impacts of the Theun-Hinboun Dam Projects on Downstream Communities in Laos. IRN. Berkeley, California.

[24] THPC. April 2008. Theun Hinboun Expansion Project. Final EIA/EMMP. Section 1 EIA. Prepared for THPC by Norplan A.S. Vientiane, Lao PDR.

[25] THPC. June 1999. A Monitoring Study to Assess the Localized Impacts Created by the Nam Theun-Hinboun Hydro-Scheme on Fisheries and Fish Populations. Final Report. Prepared for THPC by Terry J. Warren. Vientiane, Lao PDR.

[26] Shoemaker, Bruce. March 1998. “Trouble on the Theun-Hinboun: A Field Report on the Socio-Economic and Environmental Effects of the Nam Theun-Hinboun Hydropower Project in Laos.” http://www.eprf.ca/pi/documents/Mekong/theun98.htm

[27] Electricity of Vietnam. Power Engineering Consulting Company No. 1 (EVN). December 2006. Final Report. Environmental Impact Assessment on the Cambodia Part of the Se San River due to Hydropower Development in Vietnam. Prepared for EVN by SWECO Groner. Hanoi, Vietnam.

[28] Công ty Thủy điện IaLy. Accessed October 31, 2014. “Sông Sê San –‘Dòng sông năng lượng’.” Gia Lai, Việt Nam. http://ialyhpc.vn/?php=news&basic=detail&id=491

[29] The Fisheries Office, Ratanakiri Province. May 29, 2000. A Study of the Downstream Impacts of the Yali Falls Dam in the Se San River Basin in Ratanakiri Provinve, Northeast Cambodia. Agriculture, Fisheries and Forestry Department. Ratanakiri, Cambodia.

[30] Baran, Eric, Saray Samadee, Teoh Shwu Jiau, Tran Thanh Cong. December 2011. Fish and Fisherirs in the Se San River Basin. MK3 Cathmant Baseline-Fisheries Section. WorldFish Center. Phnom Penh, Cambodia.

[31] Sesan Protection Network. September 1, 2005. “Heavy water release from Vietnam’s Yali Falls dam floods communities in Northeastern Cambodia.” Probe International. http://journal.probeinternational.org/2005/09/01/heavy-water-release-vietnams-yali-falls-dam-floods-communities-northeastern-cambodia/

[32] Nguyễn Minh Quang, P.E. Tháng 9 năm 2006. ”Những Vấn đề Thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long.” Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Garden Grove, California.

[33] Baird, Ian G. and Meach Mean. December 2005. Sesan River Fisheries Monitoring in Ratanakiri Province, Northeast Cambodia: Before and After the Construction of the Yali Falls Dam in the Central Highlands of Viet Nam. 3S Rivers Protection Network and the Global Association for People and the Environment. Ban Lung, Ratanakiri, Cambodia.

[34] Ketelsen, T., Nguyen, V.A., Mai, K.V., Kummu, M., Wrad, P., Rasanen, T.. December 2013. Assesing the Impact of Sedimentation on Reservoir Life. Example from the Yali Reservoir, Vietnam. ICEM. Hanoi, Vietnam.

[35] Grimsditch, Mark. April 2012. 3S Rivers Under Threat – Understanding New Threats and Challenges from Hydropower Development to Biodiversity and Community Rights in the 3S Basin. 3S Rivers Protection Network and International Rivers. Ratanakiri, Cambodia.

[36] EVN. 23 January 2010. Summary Report of Lower Se San 2 Hydropower Project. EVN. Hanoi, Vietnam.

[37] Carmichael, Robert. May 10, 2013. “Work underway on ‘disastrous’ Cambodia dam.” http://www.dw.de/work-underway-on-disastrous-cambodian-dam/a-16803423

[38] Mekong Watch and 3S Rivers Protection Network. September 18, 2014. “Fact Sheet-Lower Sesan 2 Hydropower Project, Northeastern Cambodia.” Tokyo, Japan. http://www.mekongwatch.org

[39] Chen, Dene-Hern and Kuch Naren. November 28, 2012. “Electricity Vietnam No Longer Involved in Lower Sesan 2 Dam.” http://www.cambodiadaily.com/archives/electricity-vietnam-no-longer-involved-in-lower-sesan-2-dam-6363/

[40] Ziv, Guy, Eric Baran, So Nam, Ignacio Rodríguez-Iturbe, and Simom A. Levin. January 28, 2012. “Trading-off fiss biodiversity, food security, and hydropower in the Mekong River Basin.” Proceedings of the National Academy of Sciences. http://www.pnas.org/cgi/doi/10.1073/pnas.1201423109

[41] Marwaan Macan-Markar. March 17, 2010. “Blame on Chinese Dams Rises as Mekong River Dries Up.” IPS News. http://www,ipsnews.net/news.aps?idnews=50696

[42] Editorial. 25 February 2010. “China’s dams killing Mekong.” The Bangkok Post. http://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/33467/china-dams-killing-mekong

[43] Fred Pearce. 25 March 2004. “Chinese dams blamed for Mekong’s bizarre flow.” http://www.newscientist.com/article/dn4819-chinese-dams-blamed-for-mekongs-bizarre-flow.html#.U8B3AfldWSo

[44] Samean Yun, Somnet Inthapanna, and Joshue Lipes. September 9, 2014. “Neighbors on Alert as China Releases Deluge of Water from Mekong Dam.” http://www.rfa.org/english/news/laos/dam-09092014195810.html

[45] Nam Ou River Basin Hydropower Company. April 30, 2013. “Progress Report. Nam Ou-First Phase Power Project (Nam Ou 2, 5 and 6).” http://poweringprogress.org/download/Reports/2013/Steering%20NO256/Progress_Report_Nam_2_5_6.pdf

[46] Piman, T., A. Cochrane, M.E. Arias, A. Grenn, and N.D. Dat. “Assessment of Flow Changes from Hydropower development and Operations in Sekong, Sesan, and Srepok Rivers of the Mekong Basin. Journal of Water Resources Planning and Management. November/December 2013. American Society of Civil Engineers.

[47] Nguyễn Minh Quang. Tháng 7 năm 2009. “Mối đe dọa lớn nhất của sông Mekong và hiểm họa thực sự của Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.” http://www.mekonginfo.org/document/0003047-inland-waters-m-i-e-d-a-l-n-nh-t-c-a-s-ng-mekong-v-hi-m-h-a-th-c-s-c-a-ng-b-ng-s-ng-c-u-long-vi-t-nam

[48] TN. May 25, 2009. “Trung Quốc xây hàng loạt đập thủy điện làm hại dân hạ lưu sông Cửu Long.” Người Việt Online. http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=95494&=2

[49] VB. 22 tháng 6 năm 2009. “Vn: Tq Giết Mekong, Sông Thành Sa Mạc.” Việt Báo. http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=146091

[50] N.T. Đa. 23 tháng 5 năm 2009. “’Bức tử’ sông Mekong với đập cao 292 m.” Tuổi Trẻ. http://www.tuoitre.com.vn

[51] H. Giang. 27 tháng 5 năm 2009. “Đập Tiểu Loan đe dọa đồng bằng sông Cửu Long.” Tuổi Trẻ. http://www.tuoitre.com.vn

[52] Người đô thị. 21 tháng 6 năm 2009. “TQ khai thác sông Mê Kông và nguy cơ giết chết ĐBSCL.” Tuần Việt Nam. http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu//7254/index.aspx

[53] Ian Timberlake. February 25, 2010. “Record low Mekong River poses threat to millions.” AFP. http://www.google.com/hostednews/afp/article/ALeqM5ivyv0nL-g_pLaxJERKoQMfNfFi7g

[54] Save the Mekong. 14 March 2010. “Drought brings severe hardship to riverside communities, demonstrate needs for regional cooperation to protect Mekong River.” Save the Mekong. Bangkok, Thailand. http://www.SavetheMekong.org

[55] Peh Shing Huei. 4 April 2010. “The Mekong River is drying up: Who is to blame?” The Strait Times. http://www.asianewsnet.net/climate/detail.php?id=110&sec=11

[56] Opinion. 22 February 2010. “The mighty Mekong river is just a memory – Damn those dams.” Bangkok Post. http://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/169260/the-mighty-mekong-river-is-just-a-memory

[57] Nguyen, Quang M. June 28, 2010. “Review of the ‘Record-Low’ Levels in the Mekong River during the 2010 Dry Season.” http://www.mekonginfo.org/document/0003352-inland-waters-nh-n-x-t-v-m-c-n-c-th-p-k-l-c-c-a-s-ng-mekong-trong-m-a-kh-2010-review-of-the-record-low-levels-in-the-mekong-river-during-the-2010-dry-season

[58] Office of the Secretariat. 15th September 2014. “Rainfall and Jinghong dam water discharge not yet causes of flood concerns in Mekong countries.” MRC. Vientiane, Lao PDR. http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/rainfall-and-jinghong-dam-water-discharge-not-yet-causes-of-flood-concerns-in-mekong-countries/

[59] Office of the Secretariat. 29th September 2014. “No extreme water releases are planned for dam operations, says China.” MRC. Vientiane, Lao PDR. http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/no-extreme-water-releases-are-planned-for-dam-operations-says-china/

[60] Fawthrop, Tom. 14th December 2013. “The Mekong must run free!” http://www.theecologist.org/News/news_analysis/2196721/the_mekong_must_run_free.html

[61] Fawthrop, Tom. 13 March 2009. “Mekong river hydroelectric dam threatens livelihoods and endangered species in landlocked Laos.” http://www.theguardian.com/environment/2009/mar/13/laos-hydroelectric-dam

[62] Đức Vịnh. 24/09/2014. “Đập thủy điện thượng nguồn Mekong: Những quả bom nước.” Tuổi Trẻ. http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20140924/dap-thuy-dien-thuong-nguon-song-mekong-nhung-qua-bom-nuoc/649660.html

[63] Nguyễn Hùng – Trần Ngọc Duy. 30/10/2014. “Lũ dữ qua, đập Đầm Hà Động đầy ‘thương tích’ và thiệt hại nặng nề.” Lao Động. http://laodong.com.vn/xa-hoi/lu-du-qua-dap-dam-ha-dong-day-thuong-tich-va-thiet-hai-nang-ne-262741.bld

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn