Bình an dưới thế

Trịnh Khả Nguyên

Vào mùa Giáng sinh, ngoài cảnh “Hang đá-máng cỏ”, “Cây thông Noel mừng Chúa giáng sinh”, còn có câu “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”(Lc.2,14) .

“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” thì không dám bàn, chỉ nói đôi điều về “Bình an dưới thế...”

Các ngày lễ lớn của cả nước thì toàn dân được nhắc nhở làm vệ sinh đường phố, treo cờ lại có thêm các cuộc vui công cộng nên quang cảnh khác hẳn ngày thường. Còn các ngày lễ lớn của các tôn giáo như Phật đản, Giáng sinh thì chỉ có các cơ sở tôn giáo, các tín đồ liên quan mới vui mừng long trọng tổ chức. Tuy nhiên, ngày nay, có một số ngày lễ tôn giáo dường như đã trở thành ngày vui của cộng đồng dân tộc. Ví dụ, những ngày trước lễ Giáng sinh, một số cửa hàng trang trí đèn hoa, áo mũ ông già Noel,  nhạc Noel làm cho không khí thêm rộn ràng. Phóng sự của VTV cho thấy ở các thành phố vào đêm 24.12 đông nghịt nam thanh nữ tú, phần đông họ không phải là tín đồ Cơ Đốc. Họ “chơi” Noel rất “đời” theo nhiều cách, nhiều lý do khác nhau, nhưng có điểm giống nhau là VUI, và để được vui thì cần nhiều yếu tố, trong đó có BÌNH AN.

“Bình an dưới thế” là mong ước chung của mọi người. Ai cũng muốn có một cuộc sống an lành, một gia đình hòa thuận, một xã hội công bình, một môi trường trong sạch. Không ai muốn bị bệnh hiểm nghèo, bị hoạn nạn, bị đối xử bất công, bị vu oan giá họa. Ngay những người ít  thiện tâm, hay làm điều ác cũng muốn mình, gia đình mình, người thân của mình được an khang thịnh vượng. “Bình an dưới thế” là cho từng người hay cho nhiều người đều đáng quí như nhau. Ở những nước văn minh, sự an bình của từng công dân rất được coi trọng.

Ở Việt Nam ta, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chuyện cướp của giết người xảy ra như cơm bữa, tai nạn giao thông thảm khốc, tranh  gia tài, đất đai dẫn đến những người thân giết nhau bất chấp luân thường đạo lý, không còn là chuyện lạ. Hàng giả, hàng nhái thì đã đành, nhưng đến đồ ăn thức uống, thậm chí là thuốc chữa bệnh cũng giả, cũng có chất độc hại. Lụt lội, bảo tố, ô nhiểm môi trường ngày càng trầm trọng cũng do con người tạo ra. Ngay trong những nơi được xem là an bình như trường học, bệnh viện... gần đây cũng bị đảo lộn bởi nạn bạo hành trẻ em, bắt cóc tống tiền, tiêm nhầm thuốc. Chuyện thi PTTH năm nay, một hay hai đề/kỳ,  chuyện xét tuyển vào ĐH, CĐ, chuyện chấm bài theo thang điểm 20 cũng làm cho học sinh lo lắng (xem http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/thang-diem-20-anh-huong-gi-den-thi-sinh-518672.html). “Chạy” bằng cấp cũng là một cách làm mất an bình cho người khác, như “chạy” bằng bác sĩ, thì làm sao chữa bệnh và như vậy là giết người, “chạy” bằng cấp cao để làm công tác văn hóa là giết văn hóa, để làm việc hưởng lương cao là hại của dân.

Có những bất an mà hậu quả chỉ gây ra cho một hoặc ít người, có những bất an mà hậu quả gây ra cho nhiều người như bắt cóc con tin tập thể, đặt chất nổ chỗ đông người, chính quyền đàn áp các cuộc biểu tình ôn hoà nhân danh các điều luật mơ hồ, nạn phá rừng khai thác gỗ bừa bãi, xây các đập thủy điện không an toàn, hủy hoại môi trường  sinh thái, thậm chí đe doạ tính mạng con người. Vụ Đạ Dâng-Lâm Đồng vừa qua là ví dụ điển hình.

“Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, người có thiện tâm không những không làm điều ác mà còn vì người khác như cứu người gặp nạn, hoặc thấy chuyện bất bình, oan khiên thì lên tiếng. Ông bà ta đã nói ở hiền, gặp lành , nhưng thực tế không thiếu trường hợp cây ngay chết đứng, còn kẻ thủ ác thì lại sống khoẻ. Đó chính là cuộc sống luôn tiềm tàng sự bất trắc. Những kiếp nạn mà ta có tránh đến mấy nó vẫn cứ vận vào.

Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” đã từng viết Việc nhân nghĩa cốt ở an dân. Ngày trước các vua chúa phong kiến thường có lễ cầu “quốc thái dân an”. Cầu khấn là một chuyện, nhưng chuyện quan trọng vẫn là Nhà nước phải có được một CHÍNH SÁCH AN DÂN. Có điều, chính sách hay pháp luật không phải từ trên trời rơi xuống mà do con người đặt ra,. Tuy nhiên những chính sách ấy có xuất phát từ thiện tâm của người cầm quyền? Và, điều quan trọng là nó có tính khả thi, có thực sự đi vào lòng dân, hay chỉ là thứ bùa phép, chỉ để trị dân, còn phần lớn quan chức thời nay thì hành xử ngoài vòng pháp luật, thậm chí đứng trên pháp luật.

Các đạo luật trong xã hội đối với công dân về cơ bản, khác kinh đạo của tôn giáo đối với tín đồ. Kinh bổn thì tín đồ không dám sửa, nhưng luật pháp nếu chưa phù hợp thì phải sửa. Bằng chứng là nhiều nước đã nhiều lần tu chỉnh Hiến pháp thông qua Trưng cầu dân ý, bãi bỏ các điều luật lỗi thời, thêm các điều luật tiến bộ. Việt Nam cũng đã sửa đổi, bổ sung một số luật như Luật Đầu tư, Luật Cho người ngoại quốc được mua nhà đất…, nhưng bộ luật cơ bản nhất là Hiến pháp được Quốc hội thông năm 2013, xem ra có vẻ thụt lùi một bước khá xa nếu so với Hiến pháp 1946.

Việc Mỹ và Cuba thông báo  bình thường hóa quan hệ là một cách “sửa luât”, vì theo Tổng thống Obama  các luật lệ cũ không còn phù hợp nữa. Trong thể thao cũng có luật,  luật của FIFA,  luật của AFF... nhưng không phải luật này chống luật kia, luật của nước này khác luật của nước kia. FIFA, AFF...cũng đã nhiều lần thay đổi luật chơi để cho việc tranh tài thể thao tốt hơn, vận động viên được an toàn hơn. Tuy nhiên trọng tài cũng là cái cân công lý của luật, nếu trọng tài công minh, hiểu luật thì quá tốt, ngược lại là phản tinh thần thể thao. Tương tự vậy, có luật rồi, nhưng việc thi hành luật cũng là vấn đề, luật một nơi thi hành một nẻo thì bộ luật ấy, chẳng khác gì cái “khiên” che cho bọn cơ hội núp vào đó để nhũng nhiễu dân lành. Hiện tượng các địa phương lợi dụng Luật Đất đai, vẽ ra “dự án ma”, cưỡng chế giải toả với với giá rẻ mạt, rồi phân lô bán với giá trên trời, biến một bộ phận không nhỏ nông dân thành kẻ vô gia cư, phải gia nhập đám “dân oan” đội đơn về thủ đô kêu cứu đã thành “chuyện thường ngày”.

Đến Noel thì cũng sắp hết năm cũ sang năm mới, mọi người đều có hy vọng mới, nhà nào cũng sắm một quyển lịch mới. Có nhà treo lịch để trang trí, có nhà treo  lịch để xem ngày tháng, có lịch đẹp, có lịch thường. Nhưng phần lớn, trên các tấm lịch có những câu chữ rất phổ thông với hàm ý cầu mong BÌNH AN. Hai chữ BÌNH AN, nghe tưởng bình thường, mà sao với người dân đất nước hình chữ S nay còn quá xa vời…

T.K.N.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn