Vụ “Cây Hà Nội” cần tham vấn chuyên gia Nông Đức Mạnh

Mạc Văn Trang

Trong vụ “Cây Hà Nội” diễn ra căng thẳng, phức tạp đầu năm 2015, cả phía lãnh đạo và người dân Hà Nội đều quên tham vấn chuyên gia lâm nghiệp nổi tiếng – cựu TBT Nông Đức Mạnh. Đó là một thiếu sót lớn, một thiệt thòi cho thủ đô nói riêng và cho quốc gia nói chung!

Chúng ta thấy cựu chính khách hàng đầu ở các nước như Mỹ, Anh, Úc, Singapore… khi hết thời lãnh đạo, họ thường tiếp tục hoạt động chuyên môn - nghề nghiệp với những đóng góp thiết thực, hữu ích cho xã hội, được nhân trân trọng, mến yêu…

Trong khi đó các cựu lãnh đạo Việt Nam, dù lúc vào Đảng đã tuyên thệ “cống hiến cho nhân dân đến hơi thở cuối cùng…”, nhưng khi hết thời làm lãnh đạo thì thường chỉ về “vui thú điền viên” chứ không mấy khi tham gia các hoạt động chuyên môn – nghề nghiêp, tiếp tục đóng góp cho xã hội? Mặc dù những vị này thường vẫn sống rất lâu như cựu Chủ tịch Lê Đức Anh, TBT Đỗ Mười và trông vẫn rất khỏe mạnh như TBT Nông Đức Mạnh, TBT Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An … Quả là những kho chất xám bị lãng quên! Hoặc giả, các vị chỉ bí mật đóng góp trong phạm vi hẹp nào đó mà nhân dân không được chiêm ngưỡng, cũng là rất lãng phí!

Riêng vụ “Cây Hà Nội”, không có nhà tham vấn nào xứng tầm hơn cựu TBT Nông Đức Mạnh. Đây nhá, tiểu sử ông trong Wikipedia ghi rõ:

“Ông là một người Dân tộc Tày. Ông sinh ngày 11 tháng 9 năm1940 ở xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn,[1][2][3] xuất thân trong gia đình nông dân, dân tộc Tày, tham gia hoạt độngcách mạng năm 1958, rồi vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày5 tháng 7 năm 1963.

“Từ năm 1958 đến năm 1961, ông học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương Hà Nội. Hai năm sau đó, ông là công nhân lâm nghiệp, kỹ thuật viên điều tra rừng Ty Lâm nghiệp Bắc Kạn, sau đó là đội phó đội khai thác gỗ Bạch Thông.

“Từ năm 1966 đến năm 1971, Ông du học tại Học viện Lâm nghiệp Leningrad (tại Sankt-Peterburg)

“Từ năm 1972 đến năm 1973, ông về nước và làm phó ban thanh tra Ty lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái (nay tách thành hai tỉnhBắc KạnThái Nguyên)

“Từ năm 1973 đến năm 1974, ông làm giám đốc Lâm trường Phú Lương (Bắc Thái).

“Từ năm 1974 đến năm 1976, ông học ở Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Từ năm 1976 đến năm 1980, ông là tỉnh ủy viên, phó trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái, kiêm chủ nhiệm công ty xây dựng lâm nghiệp rồi trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái…”

Với lý lịch như trên ta mới hiểu: tại sao thời làm TBT 10 năm liền, đến đâu ông cũng chỉ đạo “Trồng cây gì, nuôi con gì”, nổi tiếng đến mức câu nói đó đã trở thành thương hiêu của ông. Vậy trong lúc rối bời này, tại sao Hà Nội lại không tham vấn chuyên gia Nông Đức Mạnh xem Hà Nội “Trồng cây gì” phối kết với “nuôi con gì” cho phù hợp và xứng tầm thủ đô của một nước XHCN có dân số gần 100 triệu?

Hơn nữa mọi việc tranh cãi rắc rối cứ mời ông Nông đến phán cho một câu hay cầm tay chỉ việc là xong. Đây nhé:

- Cây nào đang khỏe mạnh, cây nào sâu bệnh nhưng chữa được, cây nào không chữa được phải thay, thay cây gì… ông Nông liếc qua, phán trúng liền;

- Chặt hạ một cây sà cừ giữ thủ đô nhà nước phải chi 36 triệu đồng… Ông từng nhiều năm là đội trưởng khai thác gỗ, ông biết ngay bọn này gian dối ở đâu. Khéo ông trổ tài hạ một cây chỉ tính công 3,6 triệu!

- Bao nhiêu cây đốn hạ rồi, tập trung lại, ông nhìn qua hay ngửi mùi gỗ là biết ngay cây ấy gỗ gì, loại mấy, dùng vào việc gì, giá bao nhiêu… Đố tay lâm tặc hay anh buôn gỗ nào lòe được ông.

- Ông nhìn phát biết ngay đây là cây vàng tâm hay cây mỡ hay “mỡ vàng tâm”, đỡ tốn giấy mực, thời gian tranh cãi của mấy ông giảng viên lý thuyết và quan chức…

- Ông nhìn phát cũng biết liền những cây mới trồng kia có sống được không? Nó đực hay cái và 10 năm sau sẽ ra hoa trái thế nào, sâu bọ sinh sôi ở đó ra sao…

- Nhưng quan trọng nhất là ông tư vấn cho Hà Nội xem chiến lược cây xanh sẽ như thế nào. Hiện nay lắm ý kiến trái chiều, dân hoang mang lắm. Lãnh đạo Hà Nội bảo Chủ trương “thay thế” 6.700 cây là đúng. Thực hiện sai. Tạm dừng. Rồi lại tiếp tục thực hiện! Dân bảo chủ trương sai, phải truy tố, xét xử vụ cố ý giết cây hàng loạt! Có người lại tư vấn “Hà Nội nên chặt hết cây, chỉ trồng toàn cây chuối” vừa đồng loạt, vừa nhiều tiện ích. Có người bảo “trồng toàn cau” cho trầu không leo lên, rất truyền thống cổ tích, quả cau và nhất là rễ cau làm thuốc kích dục rất giá trị…Thật là rối như mớ bòng bong! Lúc nay rất mong với cái tâm, cái tầm và uy tín cao của mình, ông Nông phán cho một câu: “Hà nội trông cây gì, nuôi con gì” là phù hợp, hiệu quả nhất? Ngay tắp lự toàn đảng, quân, dân, chính … sẽ nhất loạt im re!

À quên, để lâm nghiệp hiện đại kết với văn hóa XHCN, mỗi cây ở thủ đô nên treo một đôi câu đối như của AHLĐ, GS vũ Khiêu “Thu hết tinh hoa kim cổ lại - Vươn cao khí thế nước non này”! Cũng nên phát động toàn dân làm câu đối treo cho cây để “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Riêng tôi xin hiến một đôi: “Chặt hết Sà cừ thu gom lại – Trồng Mỡ vươn cao thế rồng bay”!

Hà Nội, ngày 4/4/2014

M.V.T

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn