Thời khắc cải cách thể chế đã đến?

Quang Chung

Chúng ta đã tiến hành rất, rất nhiều cuộc cải cách như Cải cách ruộng đất, Cải cách tiền lương, Cải cách giáo dục…, nhưng bạn đã thấy cuộc cải cách nào thật sự thành công chưa?
Riêng ngành giáo dục đã có 4 đến 5 cuộc cải cách gì đó nhưng càng cải cách thì mọi thứ có vẻ như càng xấu đi, thậm chí thua cả trước khi tiến hành cải cách. Người ta cho rằng hồi ông Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng chất lượng giáo dục tốt hơn bây giờ nhiều.
Bản chất của mọi cuộc cải cách chân chính là làm cho mỗi cá nhân có nhiều tự do, nhiều sáng tạo hơn, điều này dị ứng với thể chế độc Đảng, một thể chế, về bản chất là bóp nghẹt tự do và sáng tạo. Đây cũng chính là lý do làm cho các cuộc cải cách ở Việt Nam chỉ mang tính cải lương nửa vời và thất bại. Đừng có mà tưởng bở, cải cách thể chế sẽ có số phận như cải cách giáo dục. Không tin bạn hãy chờ xem!
Bauxite Việt Nam


Để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, Việt Nam cần  chuyển đổi sang mô hình phát triển mới và thực hiện những thay đổi thể chế cần thiết. Ảnh: TL TBKTSG
(TBKTSG Online) – “Để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao ở mức 7,5 – 8%/năm trong mười năm tới, đã đến thời khắc Việt Nam chuyển đổi sang mô hình phát triển mới và thực hiện những cải cách thể chế cần thiết để hỗ trợ cho sự chuyển đổi này”, bài phân tích chính sách mới nhất của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright viết.
Sáng nay, 10-6-2015, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã tổ chức buổi tọa đàm về “Cải cách thể chế: từ tầm nhìn đến thực tiễn”. Đây cũng là tựa đề của bài nghiên cứu chính sách mới nhất của nhóm tác giả (*) thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Phạm Duy Nghĩa, thành viên nhóm nghiên cứu, ví von nền kinh tế Việt Nam hiện nay như một người bệnh. Người bệnh này đã khám và được xác định một số bệnh cụ thể; các bác sĩ cũng đã kê toa thuốc nhưng bệnh nhân không chịu uống hết đúng liều.
Rồi, ông Nghĩa đi thẳng vào vấn đề: “Thực trạng nền kinh tế chúng ta đã thấy, các giải pháp chúng ta đã đưa ra, vấn đề còn lại là thực hiện. Nhưng, tại sao không thực hiện được? Theo tôi vấn đề nằm ở thể chế của chúng ta không theo kịp yêu cầu cuộc sống”.
Ông Nghĩa cho rằng, để cải cách thể chế phục vụ cho phát triển cần phải thúc đẩy cải cách lập pháp và tư pháp. “Nói đã nhiều, bây giờ là lúc phải hành động cụ thể”, ông nói. Theo ông, Hiến pháp 2013 và các tuyên bố chính trị đã bao hàm một chương trình cải cách đồ sộ, nhưng cái cần hiện nay là ban hành các đạo luật làm nền móng cho quản trị quốc gia trong nhiều thập niên mới.
Một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, TS. Huỳnh Thế Du, cho rằng đây là thời khắc để kiến tạo liên minh cải cách. Theo ông, câu hỏi lớn nhất hiện nay không còn là cải cách cái gì mà là tiến hành cải cách như thế nào, bắt đầu từ đâu, với những liên minh nào để thúc đẩy cải cách theo hướng bao trùm, lôi cuốn nhiều giai tầng tham gia tích cực hơn vào đời sống kinh tế, chính trị và xã hội.
Ông Du đề xuất liên minh cải cách và phát triển cho Việt Nam gồm: Đảng, cơ quan dân cử, tư pháp, hành chính công vụ, kinh tế tư nhân…
Về Đảng, theo ông Du, vai trò lãnh đạo và dẫn dắt cần tập trung vào các vấn đề: Thứ nhất là thể hiện qua việc thảo luận và đưa ra các định hướng chính sách quyết định đến sự phát triển của Việt Nam. Để có được chính sách tốt, hợp lòng dân thì thảo luận chính sách phải công khai. Muốn vậy phải chấp nhận một xã hội cởi mở, chấp nhận vai trò phản biện của trí thức mạnh mẽ hơn.
Thứ hai là Đảng cần thúc đẩy cơ chế cạnh tranh, tìm ra nhân lực lãnh đạo có thực tài. Như vậy phải có một quá trình lựa chọn dân chủ, cởi mở, dựa trên nền tảng cạnh tranh.
Và thứ ba là cần luật hóa vai trò lãnh đạo và hoạt động của Đảng. Đảng cần gương mẫu là người đầu tiên tuân thủ chế độ pháp quyền, thượng tôn pháp luật.
Song song với những vấn đề nói trên, theo ông Du, Đảng cần tập trung một cách chủ động vào năm vấn đề – năm cấu phần quan trọng của việc hình thành một liên minh cải cách và phát triển đúng nghĩa, đó là (i) chuyên nghiệp hóa hoạt động của cơ quan dân cử và dân biểu; (ii) tạo dựng một nền hành chính công vụ chuyên nghiệp đủ năng lực quản lý và điều hành quốc gia; (iii) tạo dựng hệ thống tư pháp đủ quyền lực độc lập để bảo vệ công lý; (iv) xem kinh tế tư nhân trong nước như một đối tác liên minh của chính quyền trong việc tạo ra một Việt Nam thịnh vượng; và (v) thừa nhận sự tồn tại và vai trò tất yếu của các tổ chức xã hội, chấp nhận quyền giám sát nhà nước và thị trường của các tầng lớp trong xã hội và giới truyền thông.
Tham dự tọa đàm, TS. Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam), luật sư Trần Hữu Huỳnh (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) và nhiều ý kiến của các chuyên gia khác đều thừa nhận bộ máy hành pháp của Việt Nam hiện nay quá mạnh trong khi tiếng nói của lập pháp và tư pháp quá yếu ớt nên cần phải có cơ chế mới để cân bằng.
(*) Nhóm nghiên cứu gồm các tiến sỹ: Vũ Thành Tự Anh, Laura Chirot, David O. Dapice, Huỳnh Thế Du, Phạm Duy Nghĩa, Dwight H. Perkins, Nguyễn Xuân Thành
Q.Ch

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn