“Đi thì cũng dở, ở không xong”

Tương Lai
Đấy là mượn ý câu thơ của Bà chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương mà không hiểu cắc cớ làm sao bỗng vận vào trong mông lung suy ngẫm qua những điều đọc được trên báo chí truyền thông trong nước, ngoài nước về chuyến Mỹ du của ông Nguyễn Phú Trọng:
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở ở không xong
Dùng dằng vì bên “người bạn lớn” vừa kết giao còn “người bạn siêu lớn” vốn là người thân quý cùng chung ý thức hệ. Đâu phải là chuyện bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn mà là chuyện chính trị, chuyện quốc gia đại sự quan trên nhằm xuống người ta trông vào.

Thì kìa, ông Trọng nở nụ cười xúc động để nói với cựu Tổng thống Mỹ Bin Clinton: “Ngài là người bạn lớn của chúng tôi”. Ông còn nói: “Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh trên mặt trận chống phát xít”. Ông còn đặc biệt lưu ý: “Người nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám là những người bạn Hoa Kỳ”. Khó để có những lời có cánh nào nồng thắm hơn. Và ông Clinton khẳng định: “Chúng ta chấp nhận nhau là chúng ta đã giải thoát chính mình”. Chắc ông Trọng hiểu được chiều sâu triết lý trong mệnh đề “giải thoát chính mình” nên xem ra có phần suy tư?
Thời điểm vị Tổng thống Mỹ ra tuyên bố lập lại quan hệ bình thường với Việt Nam cách đây 20 năm là lúc ông Trọng vừa được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII đang quyết liệt chống “những thế lực nước ngoài” mưu toan thực hiện “diễn biến hoà bình” mà tạp chí Cộng sản là nơi lĩnh ấn tiên phong.
Với ông Clinton thì “Bình thường hóa bang giao đối với tôi, về mặt cá nhân, chính trị và giá trị địa lý chiến lược là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình. Nó giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quan hệ hữu nghị và chứng tỏ cho thế giới ngày càng phân hóa rằng: hợp tác vẫn là tốt đẹp hơn xung đột rất nhiều.”
Nhưng với ông Trọng thì trong khúc “prelude” chuẩn bị cho bản hợp xướng công du Mỹ quốc sẽ được công diễn đã cao giọng nhắc lại lời tuyên bố đanh thép của người “kiên định lập trường phân rõ địch ta” để quyết ôm lấy người “bạn siêu lớn”, dẫn đến nỗi nhục Thành Đô với lý do “Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam lại đem trao vào tay những lực lượng đưa đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thật sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân dân“… vì vậy: “Kiên trì chủ nghĩa Marx-Lenin là vấn đề có tính nguyên tắc số một đối với Đảng ta”.
Mà đâu chỉ ở khúc dạo đầu cho chuyến công diễn ở Mỹ, RFA ngày 10.7.2015 đã lưu ý: “Trong lúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cố gắng cải thiện hình ảnh dân chủ nhân quyền của Việt Nam trong chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kỳ đang diễn ra, thì tại Việt Nam sáng nay, Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị nhân sự khóa mới có lời kêu gọi tích cực phòng chống về điều gọi là tự diễn biến, tự chuyển hóa. Sau đó một ngày, 11 tháng 7 2015 BBC đưa ra nhận định của Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam: “Thực ra bây giờ những người vẫn còn lo lắng về ‘Diễn biến hòa bình’ là những người rất lạc hậu”.
Phải chăng Tiến sĩ Zachary Abuza đúng khi đưa ra nhận định trên BBC: “Ông Trọng là người bị giằng xé giữa quá khứ và tương lai”? Chao ôi “[…] Mưa gió dập dìu/ Liều thân thì cũng phải liều thế thôi”!
Hãy nghĩ thêm về lời bàn của Jonathan London ngay khi ông Trọng vừa đặt chân lên đất Mỹ ngày 8.7.2015: “Việc Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ có thể nói, kể cả phái bảo thủ nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thấy ra sự cần thiết của mối quan hệ mạnh mẽ đối với Mỹ. Dù vẫn còn có những quan điểm khác nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng rất khó tưởng tượng họ vẫn cứ nói đến diễn biến hòa bình…, hoặc nói xấu Mỹ liên tục. Trên thực tế vì những quyền lợi chiến lược của Việt Nam thì dù có quan điểm chính trị ra sao, đều vẫn phải có quan hệ tốt với Mỹ.
Nếu ngài Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thuộc Kiều hơn tí nữa chưa chừng sẽ lẩy câu: “Trời làm chi cực bấy trời/ Này ai vu thác cho người hợp tan!” để sẻ chia với ông Trọng trong chuyến Mỹ du khá gay cấn. Cho dù cưỡi chuyên cơ và ngồi ghế VIP nhưng sao cứ như “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” vì bên trong ông vẫn bị “giằng xé giữa quá khứ và tương lai.
Một mặt thì ông tuyên bố một cách hùng hồn: “Đây là thời điểm tốt để chúng ta đánh giá lại chặng đường đã qua và chia sẻ tầm nhìn “hướng tới tương lai”” như đã nói trước diễn đàn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở thủ đô Washington ngày 9.7.2015. Ông còn thiết tha kêu gọi Mỹ “sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhất là khi Việt Nam đã tham gia một hiệp định có tiêu chuẩn cao và toàn diện như TPP. Nhưng mặt khác, là Trưởng ban chuẩn bị nhân sự khóa mới ông sẽ xử lý ra sao với lời kêu gọi tích cực phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa mà RFA đã cẩn thận giải thích hộ: “Được biết những nhóm từ tự diễn biến, tự chuyển hóa được dùng để mô tả khuynh hướng cán bộ đảng viên có tư tưởng xa rời chủ nghĩa Mác-Lenin, tán dương nền kinh tế thị trường của các nước theo chế độ tư bản”?!
Rồi ra liệu phải “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ” với những người cùng chí hướng từ lâu đã cùng ông chia sẻ gánh nặng quyền lực của hệ thống chuyên chính vô sản? Nhưng gay nhất là làm sao để không phật ý ông “bạn siêu lớn”cùng chung “ý thức hệ” từng làm chỗ dựa cho ông khi ông kiên định con đường xã hội chủ nghĩa và quyết liệt giữ vững chủ nghĩa Mác-Lênin để giữ bằng được cái ghế quyền lực đã lung lay!
Ông bạn siêu lớn ấy chắc chắn sẽ không dung tha khi ông định “đánh giá lại chặng đường đã qua và chia sẻ tầm nhìn “hướng tới tương lai”” với Mỹ! Đơn giản chỉ vì Việt Nam thực hiện dân chủ hoá là điều tối kỵ với Bắc Kinh! Đấy là điểm vào tử huyệt của chế độ toàn trị độc đảng của Trung Quốc từ Mao, Đặng cho đến Giang, Hồ rồi Tập Cận Bình hiện nay: “Này này tớ bảo cho mà biết/ Chốn ấy hang hùm chớ mó tay”!
Đành rằng nhận thức là một quá trình. Và đôi khi với những xung động từ bên ngoài tương tác với những cảm xúc, tâm tư của con người cũng có thể đẩy tới những đột biến trong nhận thức. Thì chẳng phải kim cương được hình thành dưới áp lực đó sao? Đương nhiên, ở đây chả cần tạo ra áp lực vượt 70.000kg/cm2 và nhiệt độ trên 13000C để làm gì, vì chúng ta đâu có nói chuyện giàu sang mà phải cần đến chuyện tạo ra kim cương!
Vả chăng, như các cụ ta xưa đã dạy: “Thiên khả đạc, địa khả lượng/ Duy hữu nhân tâm bất khả phòng” (Trời đo được, đất lường được/ Chỉ có lòng người không thể phòng). Không nói chuyện giàu sang bởi lẽ “Thế gian phú quí hoa gian lộ/ Thế thượng công khanh hải thượng âu”, tạm dịch là: “Giàu sang ở đời chớp nhoáng như giọt sương trong hoa/ Quyền lực ở đời mong manh như bọt nước đầu ghềnh”.
Nhiệm kỳ quyền lực của ôngTrọng cũng chỉ trọm trẹm mấy tháng nữa thôi, nó có “mong manh như bọt nước đầu ghềnh” không thì chưa biết được, nhưng dù sao thì ông cũng đã làm được một việc có ích mà trong trường hợp này thì xem ra lời tự sướng dạo nào “mình phải như thế nào thì người ta mới mời chứ” đâm ra lại tìm ra nơi đắc địa để thể hiện. Thú vị nằm ở sự kiện đầy kịch tính này đây! Sự thể hiện đó rồi sẽ nhận được sự phán xét rất công minh của lịch sử cho dù có lúc ông đã ngậm ngùi tự phán: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”. Vuông tròn ra sao thì còn ăn vào hậu vận! Còn hôm nay đây thì báo chí thế giới nhìn nhận chuyến thăm của ông Trọng “mang một ý nghĩa biểu tượng”.
Biểu tượng cho cái gì?
Hãy nghe phát biểu của Tổng thống Obama: “Tôi nghĩ rằng cuộc gặp gỡ này là chỉ dấu cho thấy sự tiến bộ vượt bậc đã diễn ra trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta trong hai mươi năm quaĐây là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi làm sâu sắc thêm các cuộc thảo luận của hai nước quanh viễn kiến của chúng tôi cho một mối quan hệ đối tác toàn diện”.
Một bài viết trên đài VOA thì bình rằng: ““Thú vị”, “sâu sắc”, “ngỡ ngàng”, “kỳ diệu”, “hết sức tâm đắc”, đó là những từ mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng trong phát biểu với Tổng thống Obama và trong bài diễn văn đọc trước bữa tiệc chiêu đãi do Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì”.
Nêu lên mẫu số chung giữa Việt Nam và Mỹ, tờ New York Times đưa ra nhận định: “Mặc dù còn bất đồng sâu sắc về nhân quyền và quyền của người lao động, ông Obama đã phá lệ vì ông Trọng là lãnh đạo cao cấp nhất, là nhân vật thuộc phe bảo thủ và đã từng là một trong những người chống đối mạnh mẽ nhất việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ”.
Theo báo này, cuộc gặp gỡ tại Nhà trắng cho thấy quyết tâm của Tổng thống Obama xây dựng quan hệ đối tác sâu rộng hơn với các nước Châu Á, nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và quân sự, đồng thời bảo đảm an ninh khu vực. Tờ New York Times cho rằng, lý do thúc đẩy hai nước thắt chặt quan hệ Việt-Mỹ, đó là lợi ích chung giữa Washington và Hà Nội!
Tờ Washington Post thì thẳng thừng mà rằng Barack Obama nỗ lực lôi kéo Việt Nam làm đồng minh chống Trung Quốc. Rồi thì TPP là một công cụ nằm trong chiến lược xoay trục về Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, bằng cách dùng các ảnh hưởng kinh tế để hình thành một liên minh chống lại sự bành trướng của Trung Quốc!
Nhìn toàn cảnh chuyến đi thì đây chính là cuộc công diễn ‘quyến rũ Hoa Kỳ’ của Đảng Cộng sản Việt Nam”, đài BBC đưa ra nhận định rồi bình luận tiếp: “Báo chí tiếng Anh hay nói người Mỹ tìm cách ‘quyến rũ’, ‘thu hút’ lãnh đạo Việt Nam (an American charm offensive) nhưng nói ngược lại cũng đúng. Đảng Cộng sản Việt Nam qua chuyến thăm của Nguyễn Phú Trọng đang cố gắng tỏ ra thân thiện với nước Mỹ và gửi thông điệp rằng “tuy là cộng sản, chúng tôi rất đáng mến” và mong quan hệ này giúp cho hệ thống bền hơn mà không phải thay đổi về cơ bản”.
Thực hiện thành công màn “công diễn” khó khăn và tế nhị này, ông Trọng, theo nhận định của Alexander L. Vuving ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương, “đã thể hiện một hình ảnh, một con người khác – gần như là trái ngược với những gì mà dư luận cảm nhận về ông trước đây.
Nếu như Hội nghị Thành Đô 1990 để lại di sản trong chính trị Việt Nam là xu hướng “chống phương Tây” giành ngôi trưởng, xu hướng “hiện đại hoá” chỉ ở ngôi thứ, thì chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có tác động ngược lại.
Nó báo hiệu rằng xu hướng “hiện đại hoá” đang đi lên và xu hướng “chống phương Tây” đang đi xuống. Sự kiện này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả Đại hội 12 của Đảng Cộng sản, dự trù nhóm họp vào cuối năm nay hoặc đầu sang năm.
Tuy nhiên, Alexander L.Vuving đã không quên cảnh báo: “Việt Nam sẽ phải đương đầu với mối đe doạ chiến lược của một Trung Quốc nhiều tiền lắm mẹo, Việt Nam sẽ không có con đường nào khác là phải đổi mới để sống còn”.
Ông Trọng sẽ giữ một vai trò như thế nào trong sự đổi mới để sống còn đó? Nếu không quá cường điệu thì cũng có thể nói đó sẽ là một dấu ấn lịch sử.
Có lẽ cần nhắc lại một ý đã viết trong bài “Những bước đi oái oăm của lịch sử”: “Trong những bước đi oái oăm của lịch sử, nhân tố ngẫu nhiên có vai trò đặc biệt của nó. [] Những ngẫu nhiên này chính là một bộ phận trong tiến trình phát triển. Sự phát triển diễn ra nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào cái ngẫu nhiên, kể cả những cái ngẫu nhiên rất nhỏ mà những điều vừa nói cho thấy điều đó. Điều này chứng tỏ cái được gọi là ngẫu nhiên đó luôn ẩn dấu cái tất yếu [] Và sự trớ trêu của cuộc sống thường hiện diện trong mối quan hệ mà thoạt nhìn có vẻ bí ẩn đó”.
Sự trớ trên đó đang hiện diện trong chặng đường còn rất ngắn của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã miêu tả rất văn vẻ: “không gì khác ngoài những triển vọng ở phía chân trời”!
Chỉ có điều, ông Joe Biden tế nhị đã không lưu ý ông Trọng đến người cũng được ông xem là “người bạn lớn”, là “bạn siêu lớn” vốn quá thân thiết và tin cậy mà vừa về được mấy hôm thì đã đến vấn an ngay. Và rồi, ông lại cũng phải nở nụ cười thân thiết như thông lệ! Cũng theo thông lệ, ông phải ôm hôn ông Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ấy ba lần.
Thật ra thì ngay khi ông Trọng còn ở Mỹ, tờ báo Hoàn Cầu ra ngày 8/7/2015 của “bạn siêu lớn” đã ỡm ờ giọng lưỡi lưu manh: “[…] chiến lược căn bản của Việt Nam là cổ võ phát triển kinh tế xã hội như Trung Quốc và họ sẽ đạt được thành quả tối đa nếu chiến lược đó đừng đi ngược lại các tranh chấp Biển Đông…” và đe doạ: “Không nước nào được hưởng lợi khi mời Mỹ chen vào các cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Thật ra, điều đó báo hiệu thất bại”. Rồi không hề úp mở nói toẹt ra: “Mối quan hệ thân cận hơn giữa Việt Nam và Mỹ một phần là nhằm đối phó với Trung Quốc, và kéo theo biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây áp lực lên cả ba phía, và khi đó, Việt Nam có thể trở thành kẻ chịu thiệt hại nhiều nhất. Và ngay lập tức, món võ Tàu bí truyền được vung ra: Lá bài Campuchia được người đồng chí cùng chung ý thức hệ vận dụng cấp tập: chọc vào biên giới Tây Nam, gây bất ổn, phá hoại quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam – Campuchia.
Để làm gì ư? Thì còn đó bài học táng tận lương tâm của việc Bắc Kinh sử dụng Khmer Đỏ đánh đòn hiểm khi Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến với thương tích đầy mình những nghĩ rằng đất nước này sẽ không gượng dậy nổi để phải quỳ gối trước chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. 40 năm trước đây Đặng Tiểu Bình quyết vỗ béo con hổ Polpot, kẻ thực hiện kế hoạch diệt chủng đối với dân tộc Campuchia làm tên lính xung kích đánh Việt Nam. Hôm nay, Tập Cận Bình dùng mọi cách để thao túng giật dây các thế lực chính trị Campuchia để quậy phá Việt Nam. Không có gì phải ngạc nhiên cả. Đấy là sự tiếp nối đường lối nhất quán của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán xuyên suốt lịch sử.
Tự bao đời, bất cứ người Việt Nam nào còn lưu chảy trong huyết quản dòng máu Việt bất khuất quật cường không thể quên và không hề quên bài học nằm lòng ấy. Họ hiểu ra ngay đòn hiểm của món võ Tàu bí truyền được hiện đại hoá với chiêu bài “cùng chung ý thức hệ” được tô son, vẽ phấn với 16 chữ và 4 điều lừa mị bịp bợm. Họ cũng thừa biết đòn hiểm ấy được tung ra là nhằm chiêu dụ những ai còn lú lẫn và sùng bái mớ giáo điều đã bị lịch sử vứt bỏ mong tìm một điểm tựa cho sự sụp đổ nhãn tiền bộ phận còn lại của hệ thống xã hội chủ nghĩa đang thoi thóp! Thì đó, hãy xem cách “xoay trục” ngoạn mục của Raul Castro đang được dân Cuba vỗ tay rầm rầm.
Đấy chính là nguyên nhân sâu xa và cũng là chuyện sống còn mà Alexander L.Vuving nhận định rất đúng: “sẽ không có con đường nào khác là phải đổi mới để sống còn”. Sự sống còn của đất nước trước nanh vuốt kẻ thù, cũng là sự sống còn của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những thế lực từng nhận được sự hậu thuẫn của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ”!
Trên Asia Sentinel David Brown đưa ra nhận định: “Ở Việt Nam, chuyến đi của ông Trọng được coi như một bước đột phá trong quan hệ với kẻ thù một thời của Hà Nội [] trong dịp này các hệ phái chính trị đã đi vào cùng chiều với nhân vật chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người vốn được xem [] là một “lãnh đạo đảng yếu kém nhất từ trước đến giờ”. Nhưng vào dịp này, ông đã hành xử đúng với danh nghĩa nhân vật số một của chế độ Hà Nội [] Không ai ở Hà Nội có thể hiểu biết hơn ông Trọng về thông điệp mà chuyến đi của ông sẽ chuyển tới Bắc Kinh “người hàng xóm khổng lồ muôn thuở” rằng: Hà Nội đã tự điều chỉnh để gần gũi hơn với Washington, ít nhất là trong suốt thời gian Trung Quốc theo đuổi bá quyền trên vùng biển ngoài khơi bờ biển dài 3.260 km của Việt Nam”.
Đây là điểm gay cấn hiểm nghèo nhất của ông Trọng! Thế nhưng dù sao thì cũng cần phải hy vọng rằng, hành động trắng trợn và hung hãn của ông “bạn siêu lớn” vừa qua đã làm bừng tỉnh khỏi cơn mê ngủ của những người từng cả tin vào ảo ảnh “cùng chung ý thức hệ” để vượt lên chính mình.
Trên The Diplomat hôm 13/7 Carl Thayer bình luận rằng, cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng đã phá vỡ mọi rào cản chính trị trong quan hệ song phương []Việc mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào Phòng Bầu Dục đã cho thấy cam kết của ông Obama tôn trọng hệ thống chính trị Việt Nam, phá tan những lo ngại rằng Hoa Kỳ “âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thông qua diễn biến hòa bình. Phải chăng vì thế mà trong bài nói chuyện tại CSIS, ông Trọng rất hăng hái và hùng hồn kêu gọi: “Cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống”?
Thay đổi cơ bản mang tính hệ thốngthay đổi cái gì vậy?
Đây là một câu hỏi cực lớn.
Nếu ông Trọng dám gửi vào trong lời kêu gọi hùng hồn đó một nội dung phản ánh đúng ý nguyện của nhân dân, thuận chiều với quy luật lịch sử nhằm hướng tới một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh thay cho một thể chế phản dân chủ được áp đặt bởi một nền chuyên chính tàn bạo và nghiệt ngã đè nặng lên đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, kìm hãm sự phát triển đất nước gần nửa thế kỷ qua thì, thay vì là tội đồ của lịch sử, ông sẽ được ghi nhận là người, vào phút bù giờ, đã góp phần cứu một bàn thua trông thấy để góp phần thúc đẩy lịch sử. Sự oái oăm của lịch sử còn thể hiện ra ở đường giáp ranh mong manh giữa tội đồ lịch sửngười thúc đẩy lịch sử!
Nếu được ghi nhận thì vì lần này ông đã không bỏ lỡ thời cơ như ông và một số người tiền nhiệm của ông đã từng bỏ lỡ với nhận thức rằng bỏ lỡ thời cơ là sai lầm lịch sử tệ hại nhất mà cái giá đất nước phải trả là không sao tính nổi. Nếu làm được vậy thì dù ông chưa có được ý tưởng cao thượng như Theodore Roosevelt “Không một người tù nào cảm thấy nhẹ nhàng hơn tôi khi tôi trút được gánh nặng quyền lực, cũng học được cách thế ứng xử của vị Tổng thống Hoa Kỳ mà ông đã trích dẫn để kết thúc cho bài nói chuyện của ông tại CSIS: “Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công.
Trích dẫn này cần được xem là câu hay nhất mà ông đã nói được trong chuyến đi mang tính biểu tượng này. Hay nhất vì ở đây, người ta có thể tìm thấy hình hài khá rõ nét tính biểu tượng của chuyến đi mà người Mỹ đã kiên trì và nhẫn nại dọn đường. Hình hài ấy tuy chỉ ẩn náu một quyết tâm, nhưng đó chính là cái mà cuộc sống chờ đợi.
Liệu ông Trọng có vượt lên được chính mình để “một nửa thành công” còn lại được thực hiện? Câu trả lời còn bỏ ngỏ. 
T. L.
Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn