Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á (Kỳ 8)

Bill Hayton

Phan Văn Song dịch

Hoàng Việt hiệu đính

Chương 3 (tiếp theo)

Nguy hiểm và Ranh Ma*:

1946-1995

(Danger and Mischief: 1946 to 1995)

Đối với một số người đó là chuyện khôi hài, các hoạt động của Cloma khơi lại sự lo ngại của khu vực đối với Quần đảo Trường Sa. Đài Loan trở lại Ba Bình vào năm 1956, sau 6 năm vắng bóng, thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc từng gợi hứng cho chuyến đi đầu tiên của họ vào năm 1946. Vào thời điểm của màn tóm thu đảo kế tiếp, khi mà Ferdinand Marcos ra lệnh cho quân đội Philippines chiếm giữ 3 đảo vào năm 1971, động lực lại là dầu. Một vài năm sau đó, dầu cũng là lý do khiến Việt Nam Cộng Hòa tham gia vào cuộc đua. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cố đánh thắng cuộc chiến chống lại cộng sản, đồng thời giải cứu nền kinh tế vỡ vụn do chi tiêu quân sự căng kéo quá mức và viện trợ Mỹ nhanh chóng sụt giảm. Ngày 20 tháng 7 năm 1973, một tháng sau khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu cấm tất cả các hoạt động chiến đấu của Mỹ ở Đông Dương, VNCH chuyển nhượng quyền khai thác dầu đầu tiên. Tám lô ngoài khơi bờ biển phía Nam và phía Đông của VNCH đã được trao cho Mobil, Exxon, một tập đoàn của Canada và một công ty con của Shell gọi là Pecten. Tháng 9 năm 1973, để bảo vệ việc thăm dò, Nam Việt Nam chính thức sáp nhập 10 đảo của Quần đảo Trường Sa. Họ đã triển khai hàng trăm binh lính đến đảo Trường Sa và Nam Yết - chỉ đối diện Ba Bình ở phía bên kia đầm phá. Các phản kháng từ Đài Bắc và Manila đều to tiếng. Bắc Kinh chậm rãi xem xét các lựa chọn của mình.[1]

clip_image002

Nam Yết chỉ cách Ba Bình khoảng 20 km bên kia đầm phá

Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh đã phải cân nhắc những tác động của một số những thay đổi quan trọng trên toàn cầu và trong khu vực. Mặc dù trên danh nghĩa tất cả đều là cộng sản, quan hệ giữa các chính phủ ở Bắc Kinh, Moscow và Hà Nội khó còn là quan hệ anh em. Một sự chia tách ý thức hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô đã dần trở nên tồi tệ hơn trong thập niên 1960 và hai nước này đã đánh nhau ở biên giới năm 1969. Vào thời điểm đó, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đã bắt đầu thấy Liên Xô là một mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Mỹ. Đồng thời, ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger, nhận ra rằng Trung Quốc có thể là một đồng minh hữu ích trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Liên Xô nên bắt đầu gieo cấy quan hệ. Chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh trong tháng 7 năm 1971 đã mở đường cho sự đột phá đầy kèn trống của Tổng thống Nixon vào tháng 2 năm 1972.

Việt Nam thấy mình bị kẹt dí giữa tam giác này. Miền Bắc cộng sản từ lâu đã cố gắng cân bằng quan hệ với Moscow và Bắc Kinh tốt hơn để tiến hành cuộc chiến chống lại miền Nam được Washington hậu thuẫn. Vũ khí, viện trợ và cố vấn đến từ cả hai nước này nhưng Hà Nội không muốn chịu ơn nước nào. Bản sắc dân tộc hiện đại của Việt Nam ít nhiều được xây dựng xung quanh những câu chuyện về cuộc đấu tranh dài hàng ngàn năm chống Trung Quốc. Ban lãnh đạo đảng Cộng sản ở Hà Nội quyết tâm không để trở thành một nước chư hầu lần nữa. Cũng có các khác biệt về chính trị. Hà Nội kiên quyết giải phóng (theo như họ thấy) toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong khi Bắc Kinh muốn Hà Nội tiến hành một cuộc chiến lâu dài và kéo dài để giữ cho Mỹ bị sa lầy.[2] Kết quả là Hà Nội bắt đầu nghiêng về phía Moscow.

Có hai quan ngại làm nỗi lo sợ Trung Quốc sâu sắc hơn. Nếu Hà Nội thắng cuộc chiến, hạm đội Liên Xô có thể có quyền sử dụng các căn cứ ở Biển Đông, có nguy cơ bóp nghẹt đường tiếp tế của Trung Quốc. Thứ hai, nếu có dầu ở đó, những nước khác đã đặt tay lên đó trước. Theo quan điểm của Bắc Kinh ai kiểm soát Quần đảo Hoàng Sa sẽ có thể săn tìm dầu ở vùng nước xung quanh chúng và kiểm soát việc đi lại tới miền Nam Trung Quốc. Vào thời điểm đó các đảo vẫn còn chia tách: nhóm An Vĩnh do quân cộng sản Trung Quốc chiếm đóng và nhóm Trăng Khuyết do Nam Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ VNCH quan tâm tới các sự kiện trên đất liền nhiều hơn là các đốm đất đá rải rác trên biển. Đơn vị trú đóng trên đảo Hoàng Sa chỉ hơn một trạm thời tiết đôi chút, một đội nhỏ các người làm nhiệm vụ bảo vệ cùng một đàn dê. Dù vậy, từ trong nhóm An Vĩnh, mọi thứ đã hoàn toàn khác. Bắt đầu từ năm 1970, Trung Quốc đã điều tra tất cả các đảo và xây dựng một cảng mới ở đảo Phú Lâm. Đó là điểm khởi động cho một chiến dịch sẽ đẩy một người Mỹ thầm lặng lên những bản tin.

Gerald Kosh tin vào sứ mệnh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông tình nguyện tham gia quân đội ngay khi xong trung học, những lời của J. F. Kennedy trong bài diễn văn “đừng hỏi tổ quốc làm gì cho bạn” vang lên trong tai ông. Cha ông, một cựu thương binh Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã phản đối ý tưởng nhưng Kosh là một người đàn ông quả quyết. Tháng 5 năm 1967, ông tốt nghiệp trường Airborne Ranger như là lãnh đạo xuất sắc (Outstanding Leader) của lớp và đã được phái đến Việt Nam. Ông chuyển về lực lượng đặc biệt rồi trở thành một đại uý lính mũ xanh (Green Beret). Một cựu chiến binh trinh sát tầm xa, ông là hình ảnh thu nhỏ của chiến binh rừng rậm của Mỹ. Sau khi chuyến đi kết thúc, ông vẫn ở trong quân đội, biên chế trong nhóm Lực Lượng Đặc Biệt thứ 10, định kỳ trở lại Đông Nam Á để huấn luyện các lực lượng chống cộng.

Ông rời quân đội nhưng - gia đình ông nói - không vui thú cuộc sống dân sự. Chán nản, ông quay trở lại Việt Nam với $300 trong túi và lời hứa về một công việc thông qua toà Đại sứ Mỹ. Ngày 10 tháng 12 năm 1973 tùy viên Hải quân ở Sài Gòn bổ nhiệm ông là một trong 12 nhân viên liên lạc khu vực được phân công để theo dõi việc sử dụng các thiết bị quân sự của Mỹ chuyển giao cho chính phủ Việt Nam. Các báo cáo của ông phải đòi hỏi việc đọc rất dữ, đặc biệt khi thỏa thuận ngừng bắn chính thức, có hiệu lực từ tháng 1 trước, bị tan vỡ. Ngày 4 tháng 1 năm 1974, tổng thống Thiệu tuyên bố rằng cuộc chiến đã bắt đầu lại ở Việt Nam.

Chỉ một tuần sau đó, một người phát ngôn của Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền mới của Bắc Kinh đối với Quần đảo Hoàng Sa, nhưng hầu như ở Sài Gòn không ai nhận thấy. Và nếu như Washington có ý niệm mơ hồ nào về những gì đang đến, thì họ cũng không để nó hiện ra. Mục tiêu của Mao Trạch Đông là đảm bảo tính nhanh nhạy chiến lược ngoài khơi bờ biển phía Nam của Trung Quốc và cho phép việc săn tìm dầu xung quanh Quần đảo Hoàng Sa và xa hơn nữa. Quan hệ của Bắc Kinh với Bắc Việt Nam xấu đi nhanh chóng và Nam Việt Nam bị mất sự yểm trợ quân sự của Mỹ. Tháng 1 năm 1974 là một thời điểm mà các lãnh đạo Bắc Kinh có thể hành động mà không sợ hậu quả. Đối với Kissinger và Nixon, số phận của việc Nam Việt Nam sở hữu các hòn đảo là ít quan trọng hơn so với việc cải thiện quan hệ Mỹ - Trung. Một liên minh Mỹ-Trung ngầm sẽ có rất nhiều ý nghĩa đối với kết quả của cuộc Chiến tranh Lạnh hơn bất cứ điều gì sẽ xảy ra ở Sài Gòn.

Hiện nay chúng ta biết rằng chiến dịch [Hoàng Sa – ND] đã được lên kế hoạch trong một thời gian trước đó. Lịch sử chính thức của Hải quân Trung Quốc xuất bản tại Bắc Kinh vào năm 1987 cho chúng ta biết rằng lệnh được đến từ nơi chóp bu nhất: nó đã được Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đưa ra vào năm 1973. Người mà họ giao trách nhiệm là Đặng Tiểu Bình, về sau là lãnh đạo “trên thực tế” của đất nước này nhưng vào thời điểm đó, chỉ vừa mới được gọi về lại thủ đô sau 6 năm trong ô nhục chính trị. Việc chuẩn bị đã được giữ bí mật rất cao nhưng chúng tôi biết theo một tài liệu quân sự Mỹ giải mật sau này do Gerald Kosh viết rằng quân đội Trung Quốc đã bắt đầu huấn luyện cho một loại chiến dịch nào đó vào khoảng tháng 9 năm 1973. Tình báo Mỹ có một nguồn ở cảng Bắc Hải của Trung Quốc đã báo cáo về việc thắt chặt an ninh quanh thời gian này - mặc dù liên kết với những gì đã xảy ra về sau sẽ chỉ được thực hiện sau này. Từ giữa tháng 12 trở đi, người ta thấy hàng trăm lính đặc nhiệm Trung Quốc rời cảng mỗi ngày trên 6 tàu đánh cá và trở về vào mỗi tối. Điều này tiếp diễn trong khoảng 10 ngày. Họ đã sẵn sàng cho hành động vào đầu tháng 1.[3]

Khi người Việt chuẩn bị Tết, tin về nhiều tàu lạ xuất hiện quanh Quần đảo Hoàng Sa truyền tới Sài Gòn. Một tàu Hải quân Việt Nam được phái đi để tìm xem chuyện gì đang xảy ra. Ngày Thứ Hai, 14 tháng 1 những lo ngại của chỉ huy cao cấp đã được khẳng định. Hai tàu đánh cá của Trung Quốc bỏ neo cách đảo Hữu Nhật (Robert Island) 300 mét. Đột nhiên, hải quân phải tăng tốc, họ đã quen với việc yểm trợ các cuộc hành quân trên đất liền hoặc tuần tra các tuyến đường sông ở đồng bằng sông Cửu Long, bây giờ phải đối mặt với khả năng đánh nhau trên biển. Đồng thời các chỉ huy không thể loại trừ khả năng là hoạt động này của Trung Quốc chỉ dùng để phân tâm giúp lực lượng cộng sản thực hiện một bước đột phá trên đất liền.

Rõ ràng báo động đã lan ra. Thứ Ba, 15 tháng 1, chính tổng thống Thiệu đặc biệt đến thăm Hải quân tại Đà Nẵng.[4] Và vào một lúc nào đó hôm đó, Jerry Scott thuộc toà lãnh sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng đã liên lạc với chỉ huy hải quân khu vực, người bạn tốt của ông là đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, với một yêu cầu đặc biệt. Có thể cho một trong những nhân viên của ông, nhân viên liên lạc khu vực tên Gerald Kosh, được lên một trong những tàu sắp khởi hành đi tới Quần đảo Hoàng Sa hay không? Việc này đã được đồng ý nhanh chóng và Kosh tham gia vào đoàn thuỷ thủ của tàu HQ-16.[5] Tàu này là một trong 7 tàu tuần duyên cũ của Mỹ đã được trao cho Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Mặc dù được đóng trong thế chiến thứ hai, các súng 5 inch (12,7 mm) đã làm cho chúng thành các tàu trang bị vũ khí mạnh nhất trong Hải quân Việt Nam.

Ngày hôm sau, HQ-16 đưa 14 thành viên của đơn vị người nhái lên bảo vệ đảo Hữu Nhựt. Nhưng khi đến đảo Duy Mộng (Drummond) và Quang Hoà (Duncan) họ phát hiện ra là đã quá trễ. Quân Trung Quốc đã ở trên đảo với các tàu yểm trợ gần đó. Tất cả điều này đã được báo cáo khẩn cấp về Đà Nẵng. Tối hôm đó, bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam công khai lên án Trung Quốc chiếm đóng các đảo và giành quyền thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để đối phó với tình hình.[6]

Bên trong hậu trường đã có hoảng loạn. Sĩ quan hải quân cao hàng thứ ba, tham mưu phó hành quân Đỗ Kiếm, đã thúc giục có một phản ứng nhanh chóng và quyết đoán. “Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ, chúng ta có thể chiếm lại đảo”, ông nhớ lại đã thúc giục tổng chỉ huy của mình, Để đốc Trần Văn Chơn.[7] Thay vào đó, theo tường thuật của Kiếm, Chơn dao động, đòi hỏi bằng chứng chủ quyền về mặt lịch sử của Việt Nam đối với các đảo. Trong khi giờ khắc trôi tuột đi, Kiếm co lại trong việc lục lọi thư viện và hồ sơ của hải quân để tìm các tài liệu thích hợp. Đồng thời, thông qua nhân viên liên lạc Mỹ chính thức của mình, Kiếm chính thức yêu cầu Hạm đội 7 của Mỹ hình thành một tuyến cản để chặn Hải quân Trung Quốc đi tới các đảo. Chẳng có điều gì đã được thực hiện. Người Việt chỉ có chính mình.

Thứ Năm, 17 tháng 1, 15 người nhái đã đổ bộ lên đảo Quang Ảnh (Money). Trong số 7 hòn đảo trong nhóm Trăng Khuyết, có 3 đảo do Việt Nam và 2 do Trung Quốc chiếm đóng. Ba chiếc tàu khác được vội vã phái tới Quần đảo Hoàng Sa: HQ-5 (một tàu tuần duyên cũ của Mỹ), HQ-4 (USS Forster cũ, một tàu khu trục trang bị súng 3-inch) và HQ-10 (tàu quét mìn USS Serene cũ, bây giờ là tàu tuần tra). Vào sáng Thứ Sáu, 18 tháng 1, cả 4 tàu đều nằm yên ở các đảo và chỉ huy đội tàu, hạm trưởng Hà Văn Ngạc, đã quyết định phô trương sức mạnh và cố gắng cho người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hoà. Trong khi 4 tàu khác của Trung Quốc đứng chờ, hai tàu hộ tống Trung Quốc (tàu săn tàu ngầm do Nga đóng vào những năm 1950) vận động lên phía trước.

Sử dụng đèn tín hiệu, họ bắt đầu một cuộc tranh luận về lịch sử bằng tiếng Anh. Họ nhá đèn “Những đảo này thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Minh. Không ai có thể phủ nhận”. Việt Nam trả lời ít uyên bác hơn “vui lòng rời khỏi lãnh hải của chúng tôi ngay lập tức”. Điều này diễn ra trong vài phút thì các tàu hộ tống Trung Quốc ngừng các bài học lịch sử và bắt đầu trò chơi gà (game of chicken), chạy vào đường đi của các tàu Việt Nam. Ngạc quyết định không đấu và hủy bỏ việc đổ bộ. Vòng đầu phần thắng về Trung Quốc.

Lúc 8 pm Thứ Sáu, Kosh được gọi qua HQ-5 để gặp Ngạc, cùng với một toán công binh quân đội Việt Nam cùng được phái đi với đội tàu. Ngạc nói với ông rằng vì có đánh nhau nên những ai không là thủy thủ nên lên bờ. Kosh và toán công binh đã được đưa tới đảo Hoàng Sa (Pattle), cùng với một số dự trữ và 10 gói thuốc lá Capstan, để cùng với các nhân viên khí tượng và những người bảo vệ họ chờ trận chiến xảy ra. Lúc họ đi ngủ ở trạm khí tượng, một điện tín mật mã từ Đà Nẵng đã được chuyển đến Ngạc. Lệnh mâu thuẫn: lấy lại đảo Quang Hoà một cách hòa bình. Làm cách nào để đội tàu 4 chiếc và đội người nhái ít ỏi đi cùng sẽ thuyết phục đội tàu Trung Quốc lớn hơn cùng với các lực lượng cố thủ của họ trên các đảo ra đi thì không được chỉ rõ. Ngạc quyết định cho đổ bộ vào sáng hôm sau, Thứ bảy, 19 tháng 1. Lúc 8 am, 20 người nhái xuống hai xuồng cao su và chạy nhanh về phía bờ với nhiệm vụ đàm phán với người Trung Quốc và yêu cầu họ rời đi. Lúc 8: 29 am họ tới bờ. Khi họ lội băng qua sóng, Trung Quốc nổ súng, bắn chết một người nhái. Một người nhái thứ hai cũng bị bắn chết khi cố gắng lấy xác đồng đội. Người nhái rút lui.

Ngạc gọi vô tuyến xin lệnh. Tại Bộ chỉ huy Hải quân ở Sài Gòn, Đỗ Kiếm tìm đô đốc Chơn. Không thấy ông ta ở đâu. Một phụ tá nói với ông rằng đô đốc Chơn đã lên máy bay đi Đà Nẵng. Kiếm gọi cấp phó của ông Chơn tại Đà Nẵng. Cũng không gặp được: ông bận ra sân bay để đón ông Chơn. Vào khoảnh khắc khi số phận của các đảo treo trên bàn cân, hai viên chức cao cấp nhất của Hải quân Việt Nam tự làm mình mất liên lạc. Cuối cùng, tự ông Kiếm đã phải đưa ra lệnh nổ súng. Ông cũng đưa ra yêu cầu thứ hai nhờ Hạm đội 7 Mỹ yểm trợ. Một lần nữa, chẳng có gì xảy ra từ đó.

Vì vậy, vào 10:29 am, hai giờ sau khi hai người nhái bị giết, 4 tàu Việt Nam nổ súng vào 6 tàu Trung Quốc. Họ chỉ cách nhau một hải lí. Không may cho Việt Nam, khẩu súng phía trước trên HQ-4 không bắn được và con tàu đã nhanh chóng bị một trong các tàu hộ tống Trung Quốc bắn trúng. HQ-5 làm hư hỏng nặng một tàu hộ tống khác, nhưng sau đó đã bắn vào chính mình. Rồi 15 phút sau đó, HQ-5 xoay xở vô tình bắn trúng HQ-16. Đạn pháo phang vào phòng động cơ bên dưới mớn nước. HQ-16 nhanh chóng bị mất lực đẩy và bắt đầu bị nghiêng 20°. Sau đó, HQ-5 bị bắn trúng một lần nữa, mất tháp pháo súng và vô tuyến điện. Cuối cùng, HQ-10, chiếc nhỏ nhất trong 4 tàu, bị trúng một quả phóng lựu Trung Quốc, phá hủy boong tàu và giết chết hạm trưởng. Trong vòng nửa giờ, mặc dù đã làm hư hại nặng hai tàu Trung Quốc, đội tàu Việt Nam hoàn toàn mất khả năng tác chiến. HQ-10 bị chìm và 3 tàu kia khập khiễng trở về Đà Nẵng. Theo bất kỳ đánh giá độc lập nào, cuộc đụng độ này là một thảm họa, nhưng các thủy thủ trở về được chào đón như những anh hùng. Phương tiện truyền thông của Việt Nam đã được cho biết rằng họ đã đánh chìm hai tàu Trung Quốc và buộc một hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều phải rời đi. Nó đã được xoay thành một câu chuyện về tin tốt lành, đúng vào dịp lễ Tết.

Trong khi đó Gerald Kosh, và những người khác trên 3 đảo do Việt Nam kiểm soát, chỉ còn cách chờ đợi số phận của mình. Hai toán người nhái trên đảo Quang Ảnh và Hữu Nhựt là các chiến binh dày dạn. Trên đảo Hoàng Sa, các nhân viên khí tượng và bảo vệ của họ thì không như thế. Chỉ có Kosh là biết cảm giác đánh nhau như thế nào. Họ không phải chờ đợi lâu. Kosh quan sát sự chuyên nghiệp của cuộc xâm chiếm của Trung Quốc với sự ngưỡng mộ, đặc biệt khi so với yếu kém về năng lực phòng thủ củaViệt Nam. Ông quan sát khi họ chuẩn bị đổ bộ lên đảo Hữu Nhựt cách đó hai hải lí.

Vào lúc 9 am, ba pháo hạm Trung Quốc tiến đến đúng vị trí ngoài khơi và một giờ sau đó bắt đầu nã pháo có hệ thống lên đảo. Nửa giờ sau đó, hai tàu đánh cá đến. Số người trên tàu cho thấy chúng đúng là những chiếc tàu đã được thấy huấn luyện ngoài khơi Bắc Hải một tháng trước.

Sau đó ít nhất 100 binh sĩ xuất hiện trên boong mỗi tàu đánh cá và thả xuống các xuồng cao su. Vì Kosh ngồi ở vị trí thuận lợi, ngắm hoạt động qua ống nhòm, thấy 6 đến 8 binh sĩ dùng thang dây leo xuống mỗi chiếc xuồng. Khi xuống xong, 30 xuồng lập thành đội hình tấn công chèo vào. Khi họ đi qua các rạn san hô, một xuồng bắn lên một ngọn lửa màu đỏ và các tàu ngừng nã pháo rồi di chuyển ra phía đảo Hoàng Sa. Lực lượng đổ bộ tiến vào phía bãi biển, vẫn giữ trong đội hình chặt chẽ. Người nhái nổ súng nhưng không gây ra bất kỳ thương vong nào. Bị áp đảo về quân số, hơn 10 chọi 1 nên chẳng bao lâu họ đầu hàng. Không quen với Kosh, 15 người nhái trên đảo Quang Ảnh đã thấy ra việc gì sẽ đến. Họ đã xuống biển trước khi có thể bị bắt giữ. Sau 9 ngày trôi dạt 200 hải lý trên một xuồng cao su, cuối cùng họ được ngư dân giải cứu ngoài khơi cách bờ biển Việt Nam 35 hải lí.

Sự nể trọng của Koshs đối với cuộc tấn công của Trung Quốc càng trở nên mạnh mẽ hơn khi họ chuyển sự chú ý về đảo Hoàng Sa. Cũng thế, đảo này bị dọn trước với pháo binh. Kosh và những lính Việt phải nấp vào chỗ trú ẩn xung quanh trạm thời tiết gần một giờ khi pháo rơi xuống. May mắn thay, không ai trong số họ bị bắn trúng. Rồi hai tàu đánh cá đến và một đoàn xuồng khác đã đổ lên đảo khoảng 200 lính Trung Quốc. Kosh vẫn nấp trong khi quan sát cách họ càn quét có hệ thống qua hòn đảo với từng đơn vị tập trung vào các mục tiêu cụ thể. Trong vòng một giờ chiến dịch đã hoàn tất. Cuộc xâm lược ngoài nước qua đường biển đầu tiên của Cộng sản Trung Quốc đã thành công.

Tuy nhiên, đối với Kosh tình hình có vẻ đen tối. Ông đã trải qua những giờ phút căng thẳng để giải thích lý do tại sao ông lại ở trong Quần đảo Hoàng Sa. Người Trung Quốc đã buộc phải coi ông là một gián điệp và theo đó mà đối xử. Hai sĩ quan CIA, John T. Downey và Richard G. Fecteau, bị bắn rơi khi đang cố tiếp tế cho quân nổi dậy chống cộng sản ở Trung Quốc vào năm 1952, chỉ vừa mới được thả ra sau 20 năm ngồi tù. Ông nói với người Trung Quốc ông là một nhân viên dân sự, một người quan sát, và ông chỉ đến với quần đảo này để đánh giá những gì công binh đã lên kế hoạch để làm. Họ chuyển ông đến Hải Nam và sau đó đến Trung Hoa đại lục.

Trong khi đó, ở cả Việt Nam lẫn Mỹ, các quan chức ra sức tìm hiểu những gì đã xảy ra với ông. Nhận thức được tính cấp bách của tình hình, Henry Kissinger đã mời quyền phó đại sứ Trung Quốc tại Washington đến trao đổi vào ngày 23 tháng 1. Theo biên bản được giải mật của cuộc gặp gỡ này, Kosh là mục đầu tiên trong chương trình nghị sự. Kissinger nói rõ rằng Mỹ đã không có lập trường gì về những cái đúng hay cái sai trong tranh chấp Quần đảo Hoàng Sa nhưng kêu gọi rằng Kosh phải được thả sớm, và điều đó chắc chắn sẽ xoa dịu tình hình xa tới mức mà Hoa Kỳ quan tâm, ông nói với chuẩn đại sứ.[8]

Kosh đã trải qua gần một tuần trong tù cho tới khi lời thúc giục của Kissinger có hiệu quả mong muốn. Ngày 29 tháng 1 ông bước qua biên giới sang Hồng Kông (lúc đó còn là thuộc địa của Anh) cùng với 4 tù binh Việt Nam. Các quan chức Mỹ đã cố gắng hết sức mình để giữ kín vấn đề. Các nhà báo được cho biết ông bị viêm gan và cần phải được kiểm dịch. Ông được trực thăng đưa đến sân bay, bay ngay lập tức tới căn cứ không quân Clark ở Philippines và về bệnh viện Hải quân Philadelphia ở Mỹ. Ông không trả lời phỏng vấn. Thay vào đó, ông dường như đã giành năng lượng của mình cho dự thảo đánh giá về cuộc tấn công của Trung Quốc cho ban nghiên cứu đặc biệt của quân đội, một báo cáo được giải mật 20 năm sau đó.

Kosh khó có bị đánh đập. Chỉ một tháng sau khi đến bệnh viện Hải quân, ông đã trở lại công việc cũ tại Việt Nam. Rồi sau khi mãn hạn công việc ở đây, ông làm việc như một nhà hợp đồng dân sự với các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Sinai và sau đó làm các công việc khác ở nước ngoài mà có lẽ ông vẫn duy trì các hoạt động báo cáo ở những chỗ đó. Nhưng bi kịch đối với ông và gia đình là Gerald Kosh không thích vui hưởng việc nghỉ hưu lâu dài và hạnh phúc với đầy các câu chuyện chiến tranh hay ho nhất của thế giới. Người vốn đã dành cả cuộc đời mình để phục vụ đất nước và đã từng chiến đấu ở Việt Nam theo một cách, gần như tới khi kết thúc cuối cùng lại trở thành một nạn nhân của nó. Trong những chuyến tuần tra xa với tư cách một lính mũ xanh ông đã bị tẩm trong chất độc da cam - thuốc diệt cỏ phun từ máy bay Mỹ để diệt thảm thực vật rừng làm phô lộ kẻ thù ẩn nấp bên trong. Bị nhiễm dioxin, chất độc màu da cam có độc tính cao. Năm 2002, ở tuổi 56, Gerald Kosh đã chết vì hóa chất phun từ máy bay Mỹ 30 năm trước.

B.H.

Dịch giả gửi BVN


[1] Marwyn S. Samuels, Contest for the South China Sea (London, 1982).

[2] Robert S. Ross, The Indochina Tangle: China’s Vietnam Policy 19751979 (New York, 1988).

[3] Chinese amphibious assaults in the Paracel Archipelago SRD-SR44. USArmy Special Research Detachment, Fort Meade, January 1974. Available from USArmy Military History Institute.

[4] US Embassy Saigon, Weekly Roundup January 16 1974 US Embassy Saigon. Available at http://aad.archives.gov/aad/createpdf?rid=10696&dt=2474&dl1=1345. See also RVNCaptain Ha Van Ngac, The January 19, 1974 Naval Battle for the Paracels against the Peoples Republic of Chinas Navy In the East Sea (Austin, Texas, 1999), 40.

[5] Ho Van Ky Thoai, Valor in Defeat: A Sailors Journey [Can Truong Trong Chien Bai: Hanh Trinh Cua Mot Thuy Thu] (Centreville, Virginia,  self-published).

[6] US Embassy, Saigon, telegram GVN/PRC DISPUTE OVER PARACEL ISLANDS, 17 January 1974. Có thể xem tại http://aad.archives.gov/aadcreatepdf?rid=4752&dt=2474&dl1=1345.

[7] Kiem Do and Julie Kane, Counterpart: A South Vietnamese Naval Officers War (Annapolis, Maryland, 1998).

[8] Foreign Relations of the United States 19691976, vol. 18, China, 19731976, Document 66. Có thể xem tại http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1060-76v18/d66.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn