Tuổi trẻ Mỹ gốc Việt đang đứng ở đâu?

Nguyễn Khoa Thái Anh

Dưới đây là quan điểm cá nhân của người viết không liên quan đến Trịnh Hội hay các bạn trẻ trong tổ chức VOICE. Người viết trước tiên bày tỏ những nhận xét cá nhân của mình về một hiện trạng, nếu xét trên góc độ tiêu cực, người ta có thể xem là một não trạng của cộng đồng hải ngoại, trái lại nếu xét từ góc nhìn tích cực thì có thể nhận định đây là một biểu hiện mới của cái nhìn đa nguyên của tuổi trẻ, độc lập và riêng rẽ với các thế hệ đàn anh của họ. Thiếu vắng một thống kê hay nghiên cứu chính thức, người viết hy vọng sự khác biệt về tầm nhìn giữa hai thế hệ chỉ là chuyện chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các câu chuyện của cộng đồng. Dầu sao cũng mong mỏi gióng lên được một tiếng nói xây dựng, rằng sự khác biệt trong quan điểm về đất nước giữa tuổi trẻ và những người lớp trước thời gian gần đây đã thu hẹp lại, có chiều hướng khích lệ, và tới đây sẽ tạo ra một phong trào kết hợp được già và trẻ, trong nước và ngoài nước, cho tương lai và chuyện sống còn của Việt Nam.

Tác giả

Thứ Bảy 15 tháng 8, 2015, hơn 6 giờ chiều, trời còn rực nắng, nhà hàng Phú Lâm trên đường Story Rd. ở San José đã nhộn nhịp kẻ ra người vào. Nhiều gương mặt rạng rỡ, nở trên môi những nụ cười tươi tắn, những ánh mắt tinh anh, tiếng chào hỏi, cười nói râm ran. Anh ngữ nhiều hơn Việt ngữ, nhưng trong một sinh hoạt cộng đồng hiếm khi có được cả Anh lẫn Việt, cả già lẫn trẻ như vậy, có phải đáng gọi là đề huề hay không?

Họ mang xách nhiều vật liệu để sắp xếp chuẩn bị cho buổi tiệc gây quỹ “Tiếng Nước Tôi” của Tổ chức VOICE, giúp tái định cư cho những thuyền nhân Việt còn sót lại ở Thái Lan từ mấy thập niên lại đây, đa số là những người trẻ trên dưới 30. Trịnh Hội vẫn còn áo thun quần cộc, tươi cười đón tiếp các bạn đến sau; với vẻ tự nhiên và thanh thản cố hữu, anh hướng dẫn và ra tay xốc vác khi cần, không hề ra vẻ mình là “người quan trọng”. Khó phân biệt được thành viên của VOICE và các bạn trẻ khác, họ đều là những con người trẻ trung và tích cực; người có trách nhiệm lo làm tròn phần việc của mình, những bạn trẻ khác không thờ ơ đứng ngoài mà cũng xúm vào tự nguyện chung tay góp phần với họ.

Không khí nhẹ nhàng và vui tươi, không trịnh trọng, trang nghiêm hoặc căng thẳng quá. Lại thêm thứ Bảy đúng vào ngày nghỉ ở nhiều công ty và công sở, khách đến dự trông có vẻ thư thái và dễ chịu, kể cả những bậc đàn anh đứng tuổi. Có phải họ là những thành phần khác biệt khi đến dạ tiệc VOICE so với những sinh hoạt khác? Hoặc so với những nhân vật đi dự những buổi lễ hội trọng thị thuộc những tổ chức khác? Câu trả lời có lẽ là KHÔNG. Vậy mà cuộc họp hôm nay lại toát lên một điều gì đúng là rất khác.

Tuy phí tổn cho buổi dạ tiệc không phải là nhỏ, thành quả đáng kể của VOICE là đã thu nhận được gần 20 ngàn mỹ kim trong buổi tiệc gây quỹ ở Phú Lâm. Cảm động nhất là trong số người hơn 10 năm trước còn lây lất ở Phi Luật Tân, nay – sau khi được Trịnh Hội tạo điều kiện để đến định cư tại San José – có người đã tặng cho VOICE $500 USD. Trong khi đó không kể tìền vé dạ tiệc $50 và $75 một người, còn một cuộc đấu giá rất vui nhộn và khích động với sa sĩ Lâm Thúy Vân và Trịnh Hội. Họ đã bán được một chiếc guitar (trị giá khoảng $150-$200) $1,500 đô.

Trịnh Hội không đặt nặng phần diễn ngôn, anh chỉ nói qua về tổ chức VOICE và các bạn trẻ tình nguyện sang sống và làm việc ở Phi Luật Tân, kể cả một số bạn trẻ đến từ Việt Nam. Anh cho biết mức tốn kém để chuyển được một người sang định cư tại Canada là $20 ngàn Mỹ kim và đây là số tiền mà VOICE và các cá nhân mạnh thường quân phải gầy dựng được để lo cho mỗi người nhập cư trong vòng 5 năm, vì chính quyền Canada không chịu trách nhiệm tài trợ khâu này. Trong nhiều buổi tiệc gây quỹ khác, khách đến dự được rót đầy tai bởi những diễn giả tràng giang đại hải giữ nhiều chức vị và tên tuổi. Tối thứ Bảy này, ngoài giờ đấu giá, và mấy câu vắn tắt như trên của người chủ trì, khách đến dự được ngập tràn một cách thoải mái trong không khí văn nghệ, ấy thế mà hiệu quả lại vượt quá mong đợi.

clip_image002

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và TS Nguyễn Quang A cũng tới tham dự buổi tiệc gây quỹ “Tiéng nước tôi” ngày 15-8-2015 tại nhà hàng Phú Lâm, San José, Hoa Kỳ.

Có lẽ chuyện kết hợp thành phần người trẻ với người đứng tuổi trong những hoạt động của người Việt hải ngoại thường không được cộng đồng xem trọng cho lắm. Trong trí nhớ và điều kiện tham gia hạn hẹp sinh hoạt cộng đồng thời gian gần đây, người viết chỉ nhớ có hai cuộc có nhiều người trẻ tham dự: Tháng Tư Đen ở Tòa Thị Sảnh San José và VOICE ở nhả hàng Phú Lâm. Tuy rằng cả hai đều do các bạn trẻ chủ xướng, nhưng họ đã thu hút được nhiều lứa tuổi khác nhau, với những chủ đề/chủ đích đáng được trân trọng. Những ai quen thuộc với việc làm của Trịnh Hội và các bạn trẻ trong VOICE đều biết rõ họ không thích phô trương, vậy nhưng lại thu gặt được nhiều thành quả trong việc cứu trợ cho những người vượt biên không may mắn, hoặc đem tiếng nói của những người bị bức hiếp đến với chính quyền Hoa Kỳ và quốc tế.

Nói cho cùng, những sinh hoạt của những bạn trẻ này đều mang tính chất chính trị, cùng đấu tranh cho người bị đàn áp hay bạc đãi, nhưng không nặng tính chính trị võ đoán, cố chấp, hô hào cường điệu, hay quá khích, như những hoạt động Quốc-Cộng khác lâu nay. Thiết nghĩ người trẻ không sợ chuyện chính trị, họ chỉ ngán ngẩm những chuyện chính trị thậm xưng, đượm màu sắt máu, chia rẽ, lên án và chụp mũ. Điều ấy phải nói là một cố gắng đáng kể. Xã hội Tây phương và Anh Mỹ thường nhắc nhở khi đàm đạo nơi công cộng nên tránh những vấn đề như tôn giáo, tình dục và tiền bạc hay chuyện cá nhân riêng tư; họ nêu “chính trị” như một cấm kỵ hàng đầu trong những cấm kỵ khác.

Nói đến những người trẻ tích cực, đáng khen, hướng tới tự do trong ngôn hành, tưởng cũng nên nhắc đến cuộc triển lãm “nghệ thuật hoàn toàn khác biệt”, và “chệch hướng” tháng 1, 2009 ở Santa Ana, có tên là F.O.B. II: Art Speaks (Nghệ Thuật Lên Tiếng) do hai cô Trâm Lê và Lan Dương chủ xướng và được VAALA tài trợ, đáng lý được kéo dài từ ngày 9 đến 18 tháng Giêng, đã bị buộc phải đóng cửa ngày 16 do áp lực cộng đồng; nhóm Thanh Niên Cờ Vàng và các chính khách như Trần Thái Văn, Trí Tạ, Trương Diệp, Andy Quách, José Solorio… Cuộc triển lãm do một nhóm trẻ chủ trương, nhưng họ đã thái quá với những sản phẩm nghệ thuật thiếu suy xét và mang tính chất khiêu khích cộng đồng tị nạn CS, như tượng Hồ chí Minh, cờ đỏ sao vàng, cờ vàng trên kẽm gai, v.v. Nhưng có lẽ một bài thấu triệt nhất về quyền tự do phát biểu phải được kể là bài của ông Đinh Từ Thức: “Tiếng nói của nghệ thuật, tiếng nói của hành động” đăng trên Da Màu (1).

Người ta có thể viện những lý cớ và nguyên do khác nhau khiến người trẻ không thích tham gia vào chuyện cộng đồng, như khoảng cách thế hệ (generation gap) sự hiểu biết khác biệt, và mức độ khoan dung. Đương nhiên có những người trẻ không được hiểu biết nhiều về lịch sử cuộc chiến Quốc-Cộng, khởi sự từ thời thực dân và các cuộc kháng chiến chống Pháp, từ Quốc dân Đảng cho đến Việt Minh, chuyện phe Cộng sản vì sao mà thắng cũng như phe Quốc gia vì sao mà bại. Từ đó cho đến khi họ thu thập ở học đường Mỹ (và Tây phương) những tài liệu không đầy đủ, có khi thiên lệch, về cuộc chiến đã qua. Hiện tượng này gây ra một vấn nạn không nhỏ đối với cộng đồng hải ngoại, khi những người trẻ chê bai thế hệ đi trước cực đoan và tự phong cho mình vai trò “trứng khôn hơn vịt”.

Đó là chưa kể đến chuyện con em Việt-Mỹ bị chi phối bởi các giáo lý thiên tả của các Giáo sư, bởi các thành phần (sinh viên và bạn bè) da màu bị áp chế trong quá trình du nhập vào Hoa Kỳ cho nên mang nhiều ác cảm với đường lối và định chế của Hoa Kỳ. Họ đồng hóa chuyện chiến tranh Việt Nam với “chính sách bành trướng và kỳ thị của đế quốc Mỹ”. Đã có bao nhiêu các sinh viên Việt-Mỹ theo học ̣các môn Ethnic Studies, African, Indian-American, Asian-American Studies mà truyền thống và chủ trương của các môn học này nảy sinh từ chuyện xuống đường, tranh đấu chống đô hộ, áp bức và phân biệt đối xử của Hoa Kỳ, trùng hợp và đồng thời với các cuộc biểu tình dân quyền/civil rights, SDS-WSA, Weather Underground (Students for a Democratic Society, Worker-Students Alliance) đốt phá, đánh bom của thời 60”s, chống chiến tranh Việt Nam (2).

Hôm nay người viết xin không đào sâu vấn đề này. Đó chính là cả một đề tài và những môn học vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhưng dù sao thì các bậc phụ huynh của con em Việt-Mỹ nên để ý đến chuyện lý tưởng phóng khoáng (liberal ideals) của con em mình. Một số nhỏ các thành phần trẻ tham gia, hoạt động, đề xướng những vấn đề hoàn toàn trái ngược với mong muốn của các bậc cha ông của họ. Không nói ra, sự hận thù thái quá, nhìn đâu cũng thấy bóng ma Cộng sản của một số các thế hệ đi trước đã đào hố ngăn cách giữa thế hệ ấy và con em mình. Chúng ta có thể đổ lỗi cho trường học, sách vở, và các nhóm thiên tả hay phe Việt Cộng nằm vùng, v.v. Nhưng có lẽ một vấn đề mà cộng đồng Việt-Mỹ có thể khắc phục được – dễ hơn các nan đề khác như văn hóa, tư duy, trình độ tiếp thu khác nhau, khác thời đại – là chuyện ngôn ngữ bất đồng: người trẻ không thạo tiếng Vịêt và người lớn không thông suốt tiếng Anh.

Đây không còn là môi trường mà cha mẹ có thể áp đặt con em mình mãi được, nhất là khi ngôn ngữ yếu kém của đôi bên đã trở thành một rào cản lớn không giúp cho họ đả thông tư tưởng. Thiết tưởng bước sang kỷ nguyên 2,000 – đổi mới, thay màu, bình mới rượu cũ hay gì đi nữa – sự thông thương, đi lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (hay các nước sở tại khác) đã mở, dù muốn hay không thế hệ trẻ đã tìm về ngôn ngữ và nguồn gốc của cha ông họ, mặc dù những chuyện thiện nguyện và đóng góp xã hội cho Việt Nam, mặc dù nguồn gốc Việt Nam mà con em tiếp thu đã không còn được như xưa đã làm cho nhiều phụ huynh đau đầu và bất bình, thì các thành phần trẻ đã có thể tìm hiểu vấn đề Việt Nam nhiều hơn – tuy rằng đúng hay sai, như ý mình hay không lại là chuyện khác.

Nếu như Anh hay Việt ngữ là một chuyện lâu dài cũng như chuyện thay đổi cái nhìn và tư duy của hai bên cũng là một chuyện lâu dài, không có thì giờ cho con em và người lớn cân nhắc thì chuyện bất cập có lẽ cũng dành phó mặc cho dun dủi mà thôi. Người trẻ – kể cả nhóm hậu sinh mà thế hệ sinh thành đã chấp nhận đường lối của họ – nhiều khi vẫn có những tầm nhìn đa nguyên và thông thoáng hơn thế hệ cha ông chúng. Quý vị có hay không phó thác con em cho học đường, thì chúng vẫn cứ đi theo một lối nào đó mà mình không kiểm soát được hay không dễ để cho mình chi phối.

Nghĩa là cuối cùng thì tuổi trẻ cũng có hướng đi riêng của họ. May ra thi lối đi này vẫn phù hợp với ý nguyện, hoài bão của bậc cha mẹ. Hy vọng kinh nghiệm sống của cha mẹ lúc nào cũng phong phú, cũng chính xác, sâu xa hơn con em mình, nhất là chuyện đất nước. Do đó nếu quan điểm của những người đi trước là đúng, mong rằng con em sẽ thấy được và người lớn không cần phải mệt óc. Nhưng nhằm giúp giảm bớt gánh nặng đả thông tư tưởng, để dễ dàng thông cảm nhau hơn, thiết nghĩ chuyện cởi mở, nhân nhượng và lắng nghe con em một chút nên được các bậc cha mẹ ghi lòng. Dù sao thì cha mẹ bao giờ cũng mong tầm nhìn của tuổi trẻ được bao quát hơn, bao dung hơn.

Ngay cả người viết, qua nhiều năm trong cái nghiệp dạy học, dắt dìu thế hệ trẻ – kể cả khoảng thời gian ở Mỹ lâu dài không được gần gũi người thân, đó là khoảng thời gian đơn độc nhất để trầm tư, suy nghĩ về thân phận Việt và số phận Việt Nam trong thời đại Cộng sản lên ngôi – vẫn (mang ảo) tưởng mình có nhiều cảm thông với tuổi xuân, người trẻ Việt-Mỹ, nên có thể đóng vai một người trong thế hệ chuyển tiếp để bắc một nhịp cầu nối kết tuổi hoa với thế hệ cha ông của họ. Nhưng qua những cố gắng, theo đuổi tôi vẫn chưa bao giờ đạt được sở nguyện, vì mục tiêu tuổi trẻ – như chính thực tế cuộc đời – cứ liên tiếp thay đổi mãi không ngừng. Tuy vậy, nào biết làm gì hơn ngoài chuyện vẫn nuôi hoài bão, cố giữ cho con tim được đập những nhịp yêu thương, mở rộng và bớt già nua.

Và điều quan trọng nhất vẫn là ý tưởng, ý muốn của tuổi trẻ. Họ phải chính là những người tự phát, tự chọn, cầm cương cho hướng đi và lý tưởng cho cuộc đời của họ.

N.K.T.A.

Chú thích:

(1) http://damau.org/archives/4174

http://www.vaala.org/fob-ii.htmlTrí Tạ

(2) Cả Tom Hayden, chồng cũ của Jane Fonda (biệt danh Hanoi Jane), Bill Ayers và vợ là Bernadine Dorhn (hai người đỡ đầu và ủng hộ ông Obama khi ông còn là ứng cử viên Tổng thống lần đầu tiên, gây nhiều tranh cãi sôi nồi vào lúc đó) đều là những người lãnh đạo các phong trào thiên tả SDS, Weather Underground vào thập niên 60”s, đánh bom các định chế, chống lại Hoa Kỳ. Sau này họ trở nên những Giáo sư đại học nổi tiếng và Tom Hayden cũng là thành viên của Quốc hội bang California.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn