Luật sư vụ Đỗ Đăng Dư hứa “sẽ làm hết mình”

clip_image002

Luật sư Trần Thu Nam cho hay các luật sư sẽ làm tất cả để làm sáng tỏ sự thực về cái chết của bị can 17 tuổi Đỗ Đăng Dư.

Một luật sư trong vụ bị can vị thành niên Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong trại giam của Công an Hà Nội nói các luật sư “sẽ làm tất cả” để đảm bảo cho sự thực khách quan trong vụ việc được đưa ra ánh sáng.

Trao đổi với BBC tuần này, Luật sư Trần Thu Nam, một trong mười bốn luật sư đã gửi thư kiến nghị lên chính quyền về vụ Đỗ Đăng Dư và là luật sư được gia đình nạn nhân, bị hại trong trại giam này mời bảo vệ lợi ích hợp pháp trong vụ án, nói:

"Chúng tôi đã vào cuộc một cách nhanh chóng, sau khi làm đơn trình báo của các luật sư, thì hôm nay, tất cả các luật sư đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu Dư, cho gia đình người bị hại trong vụ án mà cháu Dư bị đánh chết”, luật sư nói với Bàn tròn của BBC hôm thứ Năm.

"Tiếp theo nữa, chúng tôi đã soạn những văn bản gửi các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Chương Mỹ để yêu cầu cung cấp cho gia đình những văn bản tố tụng như là các lệnh bắt giữ, rồi các lệnh tạm giam, rồi các lệnh khởi tố đối với cháu Dư trong hồ sơ vụ án mà cháu Dư là bị can vụ án trộm cắp.

"Để chúng tôi đánh giá xem việc mà đã tạm giữ, tạm giam của cháu Dư đã có đúng pháp luật hay không và chúng tôi sẽ làm tất cả những việc theo trình tự quy định của pháp luật để xác định ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Dư có đúng là cháu Vũ Văn Bình đánh không, hay là những đối tượng nào khác, thì chúng tôi sẽ phải xác định..”., ông Trần Thu Nam nói với BBC.

Hôm 12/10, một thư kiến nghị dưới dạng “Đơn trình báo” đã được nhóm luật sư 14 người thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong đó có các luật sư Ngô Ngọc Trai, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Luân, Trần Thu Nam, Nguyễn Hà Luân, Hoàng Văn Hướng, Phan Hữu Thư, đã được gửi tới Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đề nghị chính quyền điều tra, xác minh vụ việc.

Tiếp tục trợ giúp

Hôm thứ Sáu, trên trang Facebook cá nhân của mình, Luật sư Trần Thu Nam cập nhật thêm về việc các luật sư tiếp tục trợ giúp trong vụ án Đỗ Đăng Dư.

Ông viết: "Hiện nay có thêm Công ty Luật TNHH (Trách nhiệm Hữu hạn) Quốc tế Hồng Thái và Cộng sự của Luật sư Nguyễn Hồng Thái sẵn sàng tham gia tố tụng hoặc các kiến nghị khác để trợ giúp cho gia đình.

"Ngoài ra, còn hai nữ Luật sư sẵn sàng sát cánh cùng người phụ nữ mất con là bà Đỗ Thị Mai trong vụ án.

"Tôi sẽ thông báo các thông tin này đến gia đình bà Mai biết để làm các thủ tục mời Luật sư theo Luật định.

"Khi nào hoàn tất các thủ tục tôi sẽ công khai danh tính của các nữ Luật sư sau.

clip_image003

Blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) từ Đức cho rằng có thể nạn nhân Đỗ Đăng Dư đã qua đời sớm hơn ngày 10/10 không như những gì đã được loan báo.

"Chúng tôi, các Luật sư xin chia sẻ nỗi đau mất mát cùng cha, mẹ của cháu Đỗ Đăng Dư!", Facebook của Luật sư Nam viết.

Tin cho hay, gia đình nạn nhân là bị can vị thành niên Đỗ Đăng Dư, người bị thiệt mạng hôm 10/10 trong Trại Giam số 3 ở Hà Nội, đã gửi đơn cầu cứu tới Cao ủy Liên Hiệp Quốc.

Trong lá đơn được gửi một tuần sau cái chết của con trai mình, bà Đỗ Thị Mai, mẹ của nạn nhân hôm 16/10 đã yêu cầu làm sáng tỏ cái chết. Lá đơn viết:

“Ngày 10/10/2015, con trai tôi là Đỗ Đăng Dư đã tử vong sau hơn hai tháng bị tạm giam trại tạm giam số 3 Công an thành phố Hà Nội.

"Cái chết của con trai tôi quá nhiều uẩn khúc, gia đình tôi không tin rằng con trai tôi bị bạn tù đánh chết”.

Có nhiều dấu hỏi

Tại bàn tròn trực tuyến của BBC hôm 15/10, ông Bùi Thanh Hiếu, tức blogger Người Buôn Gió, một trong số nhiều nhà hoạt động trên mạng xã hội đã theo dõi và bình luận về vụ Đỗ Đăng Dư, cho rằng có nhiều 'dấu hỏi và mâu thuẫn' trong vụ nạn nhân này bị một 'bạn tù đánh chết' trong trại tạm giam.

Trình bày quan điểm dưới dạng những giả thuyết, blogger từ Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức nói:

"Bà (Đỗ Thị) Mai mẹ của cháu Dư có nói rằng lúc 10h ngày 4/10, công an gọi bà đến trại giam để nhìn thấy con, cái sự việc bị đánh này xảy ra lúc 8h30 theo báo chí (Việt Nam), đến 10h, công an gọi bà đến trại để nhìn con, tất cả những kinh nghiệm của tôi ở trong trại giam (cho thấy rằng) không bao giờ công an người ta gọi người nhà đến ngay lập tức như thế, trừ trường hợp đã tử vong.

"Và ở trong vấn đề này, bà Mai nói rằng khi bà đến nơi rồi, bà nhìn thấy con bà không nói năng gì và đang nằm bất tỉnh, có thể bà Mai chưa thể khẳng định được rằng con bà còn sống lúc ấy hay không. Cho nên tôi hỏi rằng sau đấy một quá trình người ta chuyển đi thì không ai thấy cháu Dư đều ở trạng thái mê man, bất tỉnh, mà nhiều người nói rằng là có nước vàng rỉ ra.

"Tôi nghĩ nguyên nhân tử vong này bây giờ phải làm rõ ràng nó xảy ra lúc 18h30 của ngày 10/10 hay nó xảy ra ngay lúc mà xảy ra sự việc, tức là 8h30 ngày 4/10 xảy ra sự việc “đánh nhau”? Mười giờ thì công an gọi bà Mai vào. Tất cả những trường hợp mà tôi đã từng kinh qua trong các nhà tù, thì không bao giờ... Ở trong nhà tù thì họ đánh nhau nhiều và đi viện rất là nhiều, và họ thậm chí vài ba ngày hôm sau họ về, họ cũng chẳng báo gia đình.

"Bệnh viện lại đưa người tù đó trở về, còn trường hợp bị gãy xương tay phải bó bột, hoặc là liệt tay, liệt chân, thì cũng phải một, hai tháng sau người nhà lên thăm thì mới biết, chứ họ không bao giờ họ gọi. Ở trong trường hợp này có một điểm rất đặc biệt, trái với mọi quy luật bình thường là chỉ 8h30 xảy ra việc đánh nhau, 10h công an đã gọi gia đình lên, và gia đình lên chỉ nhìn thấy cháu Dư đang ở trong trạng thái bất tỉnh, và từ lúc 10h của ngày 4/10 ấy đến lúc nhận xác đều hoàn toàn bất tỉnh.

clip_image004

Luật sư Trần Quốc Thuận nói vụ Đỗ Đăng Dư đã đang làm công luận liên hệ tới ít nhất 226 người bị chết trong các trại giam ở Việt Nam vài năm trở lại đây.

"Cho nên tôi nghĩ rằng, thời điểm của cái chết này cần phải làm rõ. Cái việc mà khám tử thi, cháu Dư đã nằm ở trong một thời gian điều trị, thì các bác sỹ có thể chụp siêu âm, cắt lớp, họ có thể xác định được nguyên nhân tử vong hay nguyên nhân bệnh lý, hoàn toàn họ có thể xác định được rồi, ngay ở trong thời điểm mà họ ở bệnh viện rồi, cho nên việc khám nghiệm tử thi, tôi hoàn toàn tôi thấy rằng việc ấy chỉ mang tính chất thủ tục”, ông Bùi Thanh Hiếu nêu quan điểm.

Điều không bình thường

Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, bình luận về vụ án, ông nói: "Bà Đỗ Thị Mai được gọi vào và vào thì không cho vào, ở đây gọi vào bảo là con bị bệnh thế này, thế kia, thế thì gọi vào như vậy, tôi cho là một hiện tượng không bình thường.

"Bởi trong trại giam, chuyện đánh đập bị thương tật, như có luật sư mới trình bày, như (ý kiến) của anh Bùi Thanh Hiếu trình bày, thì tôi cho rằng chuyện đánh nhau trong trại giam rồi bị thương tật này kia, nhưng mà tự nhiên có người gọi gia đình chạy vào rồi thế này, thế kia, thì đó là... những hiện tượng đó không bình thường.

"Những hiện tượng đó làm cho người ta liên hệ đến là trong các năm vừa qua đến 226 người bị bắt, rồi bị chết trong trại giam vì lý do này, vì lý do khác, v.v... người ta suy nghĩ đến chuyện đó. Cho nên tôi nghĩ người ta sốt ruột rồi cho... công an nên an toàn trong các trại giam, đây là trại giam của các trẻ em vị thành niên, tức là dưới 18 tuổi, thì dĩ nhiên là trong thông báo mà báo chí đăng, dường như đọc, thấy nó có vẻ hoàn toàn là đúng luật cả.

"Nào phê chuẩn trại giam thiếu niên, rồi ba cháu kia (giam chung) cũng thiếu niên này kia, thì hình như không có chuyện gì. Nhưng mà (cái) tự nhiên không có chuyện gì đó, cần phải điều tra nó có chuyện gì trong cái không có chuyện gì đó”, Luật sư Thuận nói với BBC.

Hôm thứ Năm, từ Đà Nẵng, blogger, nhà báo tự do Trương Duy Nhất cũng bình luận thêm về vụ Đỗ Đăng Dư, đặc biệt là từ góc nhìn, động thái của giới luật sư và giới báo chí, ông đề xuất cần làm gì để làm giảm thiểu các vụ việc như đã xảy ra với bị can vị thành niên mới tử vong ở tuổi 17 ở Hà Nội.

"Trong những vụ việc như thế này, thì làm sao để hai lực lượng chúng ta tự tham gia thế nào để làm đối trọng, để làm giảm bớt cái oan sai và những cái gọi là tự tung, tự tác ở phía cơ quan điều tra. Đó là lực lượng luật sư và báo chí”, ông Trương Duy Nhất nói.

Tuần qua, trên mạng xã hội và dư luận tiếp tục có nhiều bình luận về vụ việc Đỗ Đăng Dư bị thiệt mạng, một số cho rằng chính quyền nên có lời xin lỗi “công khai” và ngay lập tức trước gia đình nạn nhân trên truyền thông đại chúng về việc để vị thành niên này bị chết trong trại tạm giam, thay vì là “giữ im lặng”.

Cũng có những ý kiến khác đặt dấu hỏi về việc liệu lãnh đạo công an thành phố Hà Nội đã “làm tròn trách” nhiệm hay chưa trong vụ Đỗ Đăng Dư, trong khi đó, việc để tới ít nhất 226 nạn nhân thiệt mạng trong các trại giam trong vài ba năm trở lại đây, theo số liệu được truyền thông Việt Nam loan bố, có thuộc “pham vi trách nhiệm” của lãnh đạo Bộ Công an và ngành này hay là không?

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/10/151018_dodangdu_lawyers

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn