Bà Suu Kyi tự tin chờ chiến thắng

Fergal Keane BBC News, Yangon

clip_image001

Với các kết quả chính thức vẫn đang được công bố từ các điểm kiểm phiếu trên toàn quốc, có vẻ như vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng.

Nhưng bà Aung San Suu Kyi tỏ ra tự tin về kết quả tới đây.

Bà là nhà lãnh đạo có cảm nhận rõ ràng về việc thời của mình đã điểm. Bà nói với tôi bà trông đợi là đảng của bà sẽ giành đủ số ghế để thành lập chính phủ.

Một số nhân vật cao cấp trong đảng NLD của bà Suu Kyi tin rằng họ sẽ dễ dàng đạt được số ghế cần thiết.

Đó có thể là lý do khiến bà Suu Kyi nói với tôi rằng các ủng hộ viên của bà cần phải thể hiện thái độ khiêm nhường.

"Tôi không nghĩ là những ai chiến thắng đều cần phải gây ồn ào hoặc làm tổn thương cảm xúc của những người bị thua".

Bà Suu Kyi đã đi từ vị trí là biểu tượng của phong trào đấu tranh đòi dân chủ thành một nhà điều hành chính trị cứng rắn.

Sự hy sinh cá nhân

Có hai quyết định đã đóng vai trò then chốt trong việc dẫn tới chiến thắng ngày hôm nay. Thứ nhất là việc bà cương quyết đi theo đường lối bất bạo động của ông Gandhi.

Bà nói với tôi: "Giới quân sự càng đàn áp bao nhiêu tôi càng cảm thấy rõ rệt chuyện mình cần phải theo đuổi đường lối bất bạo lực bấy nhiêu".

Bà tin rằng cuộc đấu tranh vũ trang là sai lầm về đạo đức, và còn có thể có tác dụng ngược. Thế giới, và quan trọng hơn là nhân dân cũng đồng ý như vậy.

Đã có sự hy sinh cực kỳ đau đớn và hoàn toàn cá nhân từ phía bà. Với việc khước từ đi sống lưu vong ở nước ngoài, chấp nhận ở lại Myanmar trong chế độ bị quản thúc tại gia, bà Suu Kyi đã phải chịu cảnh chia ly với chồng và hai con trai.

Đó là sự hy sinh của gia đình bà, nhưng sự hy sinh đó được hàng chục triệu người dân Miến Điện tri ân.

Quân đội vẫn đầy quyền lực, với sự hiện diện trong quốc hội và quyền kiểm soát các bộ ngành an ninh.

Tôi nói rằng họ vẫn có thể phá hoại quá trình chuyển tiếp.

"Thời thế đã thay đổi, con người đã thay đổi", bà trả lời.

“Nhân dân muốn hòa bình”

clip_image002 Image copyright Reuters

Một trong những cam kết quan trọng nhất của bà trong cuộc phỏng vấn có nội dung liên quan tới vị trí của nhóm người Hồi giáo thiểu số ở nước này, gồm cả người Rohingya ở bang Rakhine thuộc miền tây bắc.

Trước đây, bà đã từng đối diện với những chỉ trích quốc tế mạnh mẽ về việc không lên tiếng bảo vệ họ.

Tôi đặt câu hỏi cho bà, phải chăng phép thử thực sự cho một nền dân chủ là chuyện nền dân chủ đó bảo vệ ra sao đối với quyền của những đối tượng yếu đuối nhất, bị gạt ra bên lề nhất. Tất cả đều cần được bảo vệ, bà nói, và những người khích động thù hận sẽ bị truy tố.

"Việc gây phương hại không dễ gì xóa bỏ được ngay, sự thù hận sẽ không dễ gì xóa bỏ được... Tôi tin rằng đa số người dân đều muốn hòa bình... họ không muốn sống trong thù hận và sợ hãi".

Điều này có nghĩa là bà sẽ phải đối đầu với cách hành xử mang màu sắc phe phái trong một số nhà sư Phật giáo đầy quyền lực, những người đã cáo buộc bà mềm mỏng với người Hồi giáo.

Ở bà Suu Kyi có một sự pha trộn giữa lý tưởng hóa và sự sắc sảo trong chính trị. Khi giới quân sự chặn không cho bà tiến tới vị trí tổng thống, bà chỉ đơn giản là đi đường vòng.

Có vẻ như một cộng sự cao cấp của bà sẽ được đề cử làm tổng thống, nhưng bà Suu Kyi sẽ ra “mọi quyết định”.

Bà sẽ là, như bà nói với tôi, "một bông hồng nhưng mang một cái tên khác".

FK

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/11/151110_myanmar_suu_kyi_position_after_victory

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn