Vụ khủng bố ở Pháp: Bí mật trong quyết định sinh tử của Tổng thống

Tuệ Minh lược dịch

Khi âm thanh của quả bom phát nổ trên người một kẻ đánh bom tự sát vang lên bên ngoài sân vận động Stade de France, Tổng thống Pháp Francois Hollande đang có mặt để theo dõi trận đấu giữa đội tuyển quốc gia và đội tuyển Đức.

Chỉ một vài phút sau, lãnh đạo nước Pháp nhận được tin khẩn. Paris đang bị các phiến quân của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tấn công và ông Hollande phải đưa ra quyết định có cho sơ tán hàng nghìn người khỏi sân vận động hay giữ họ lại sẽ an toàn hơn?

Theo các quan chức Pháp, sau khi bàn bạc với hai fan VIP khác là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp Noel le Graet và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bernad Cazeneuve, ông Hollande quyết định vẫn để trận đấu tiếp tục.

Điều đó có nghĩa là hai trung vệ của đội tuyển Pháp là Lassana Diarra và Antoine Griezmann vẫn tiếp tục cống hiến cho trận đấu trong khi phía bên kia của thành phố, những người thân của hai cầu thủ này đang bị các tay súng IS đe dọa mạng sống.

Nhưng ông Hollande cho rằng sẽ là quá nguy hiểm nếu để đám đông cổ động viên bóng đá tràn ra đường phố Paris nơi các phiến quân khủng bố có thể đang chờ sẵn. Và quả đúng là như vậy.

clip_image001

Tổng thống Pháp đang ở trong sân vận động Stade de France khi vụ tấn công khủng bố diễn ra. Nguồn: AP

Chỉ trong khoảng thời gian 33 phút, ba nhóm phiến quân với sự phối hợp chặt chẽ đã ập vào nhà hát Bataclan, nơi đang diễn ra buổi biểu diễn nhạc rock và tấn công 5 địa điểm khác khắp Paris từ những chiếc xe hơi màu đen, khiến 129 người thiệt mạng, trong đó có người chị họ của trung vệ Diarra.

“Chị ấy là một con người mẫu mực, một người luôn giúp đỡ người khác, một người chị vĩ đại”, trung vệ Diarra phát biểu sau cái chết của chị mình.

Sự việc này được xem là một đòn tấn công bất ngờ vào một quốc gia vốn luôn mạnh tay với chủ nghĩa khủng bố. Ông Hollande đã nâng cảnh báo an ninh quốc gia lên mức cao nhất kể từ khi vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái diễn ra hồi tháng 1.

Tuy nhiên, trong vụ tấn công vào Thứ 6 ngày 13 vừa qua, nước Pháp đã hoàn toàn mất cảnh giác. Ông Hollande đang tận hưởng trận đấu bóng cùng với họ hàng của những người đã thiệt mạng trong một bi kịch không liên quan, đó là vụ máy bay của hãng Germanwings đâm vào dãy núi Alps. Ông là một trong số ít những người đã rời khỏi sân vận động khi trận đấu đang diễn ra.

Trước khi vụ tấn công xảy ra, người Paris đang bận bịu tham gia một tuần lễ với nhiều hoạt động tôn giáo, họ đổ xô tới bờ phải của dòng sông Seine, nơi có những địa điểm hội họp ban đêm đông đúc và nổi tiếng nhất của thành phố.

Bertrand Gauthier, 41 tuổi, đến nhà hát Bataclan tối thứ 6, mặc một chiếc áo phông in hình các cậu con trai của mình cùng ca sĩ chính của nhóm nhạc rock Eagles of Death Metal, nhóm nhạc California trình diễn đêm đó. Khi buổi trình diễn đến cao trào, đám đông đều reo hò hưởng ứng. “Có rất nhiều người nói tiếng Anh cùng hát theo các bài hát. Không khí thật là tuyệt vời”, ông Gauthier nói.

Nhưng chỉ cách đó vài tòa nhà, chuỗi tấn công thảm sát bắt đầu diễn ra. Vào khoảng 9h25 phút tối, một nhóm phiến quân ập vào một trong những địa điểm vui chơi ban đêm thời thượng nhất ở Paris, mang theo các loại vũ khí tự động và những chiếc áo vest chứa bom.

Alexis Debreil, 38 tuổi, đang ăn tối cùng hai người bạn tại nhà hàng Le Petit Cambodge thì một tên khủng bố mặc trang phục màu đen xả súng điên cuồng vào một bàn gần đó, bắt tất cả các vị khách đứng dậy. Tên khủng bố này lại nổ súng, bắn ông Debreil vào đầu gối và một trong những người bạn của ông bị trúng đạn ở hông.

Ngay phía bên kia con phố, một tên khủng bố khác lại nã súng vào đám đông các thanh niên đang uống bia tại Le Carillon. Khi tên này quay trở lại chiếc xe hơi Seat, 15 người đã thiệt mạng, trong đó có cả người phụ nữ nằm ngay cạnh ông Debreil.

“Tôi lay tóc của cô ấy và nói: “Hãy chịu đựng thêm chút nữa, hãy ở lại với chúng tôi”. Nhưng sau đó cô ấy hoàn toàn trắng bệch và bất động, tôi biết cô ấy đã chết”, ông Debreil nhớ lại sự việc đau lòng.

Chiếc xe chở bọn khủng bố đã tấn công thêm ba quán cà phê và quán bar khác, khiến 24 người thiệt mạng. Tại điểm dừng chân cuối cùng, quán Comptoir Voltaire, một tên khủng bố đã nổ bom tự sát trong khi chiếc xe lao đi khỏi hiện trường.

Trận đấu tại Stade de France vẫn diễn ra và cảnh sát liên tiếp cập nhật tình hình cho Tổng thống Hollande cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tập trung tại một phòng kín của sân vận động, ông Hollande cùng các phụ tá của mình nhận định rằng “sân vận động là nơi an toàn nhất cho tất cả các khán giả”, Laura Goutry, phát ngôn viên Liên đoàn bóng đá Pháp cho Wall Street Journal biết.

Theo các quan chức an ninh, một kẻ đánh bom liều chết, trước khi kích nổ áo vest của mình đã cố đột nhập vào sân vận động với một tấm vé trên tay. Cảnh sát cho biết tên khủng bố này có thể muốn tạo nên một vụ giẫm đạp ở Stade de France, buộc khán giả tháo chạy ra các đường phố bên ngoài, nơi có hai kẻ tấn công khác đang chờ sẵn.

“Xung quanh vẫn chưa được an toàn”, bà Goutry cho hay.

clip_image002

Nhân viên an ninh hướng dẫn người hâm mộ ra khỏi sân vận động. Nguồn: AP

Khi hiệp một của trận đấu kết thúc, các quan chức lặng lẽ cho phong tỏa sân vận động, đóng toàn bộ các lối ra và không cho phép bất kỳ một người nào ra ngoài. Kẻ đánh bom tự sát thứ ba đã kích nổ tại một cửa hiệu McDonald ngay gần sân Stade de France nhưng không làm ai thiệt mạng.

Khi đó, Tổng thống Pháp phải đưa ra một quyết định nữa: đó là có nên tiếp tục trận đấu hay không. Các cầu thủ không hề biết gì về sự việc khủng khiếp đang diễn ra và những người hâm mộ cũng không thấy có điều gì bất thường. Cũng giống như trong rất nhiều trận đấu bóng khác, việc nghe điện thoại trong một đám đông ồn ào là rất khó.

Philippe Tournon, phát ngôn viên đội tuyển quốc gia Pháp cho biết, khi các cầu thủ vào phòng nghỉ giữa hiệp, các quan chức của đội tuyển quyết định không nói với họ về những gì đang diễn ra bên ngoài, mọi người đều cho rằng bên trong sân vận động là nơi an toàn nhất.

“Không đáng để cảnh báo các cầu thủ, họ sẽ hỏi những câu hỏi mà chúng tôi không muốn trả lời”, ông Tournon nói.

Ở bên kia thành phố, em gái của trung vệ Griezmann đang nhún nhảy theo điệu nhạc của Eagles of Death Metal tại nhà hát Bataclan.

Vào lúc 9h40 phút tối, ba tay súng cùng với những chiếc áo vest gắn bom nhảy ra khỏi chiếc VW màu đen, bắt đầu tấn công khủng bố nhà hát. Khi ban nhạc đang trình diễn bài hát “Kiss the Devil” thì âm thanh của những phát súng đầu tiên cũng vang lên. Đột nhiên, ban nhạc lập tức rời khỏi sân khấu và đèn được bật lên.

Florian Nowak, 22 tuổi, học viên quân sự, đang tham dự buổi biểu diễn cùng cha mình, đã nhìn thấy một người đàn ông cao lớn, để râu dài, mặc một chiếc áo len có mũ chặn dòng người đang chạy loạn. “Hắn ta xả súng liên tiếp, nạp đạn rồi lại bắn”, Nowak nhớ lại.

Giữa khung cảnh hỗn loạn, rất nhiều người bị kẹt ở khu vực gần sân khấu trong khi số khác lại chen lấn ở những lối ra. Một camera an ninh đã ghi lại cảnh tượng nhiều thi thể bị treo trên những ô cửa sổ ở tầng thứ ba khi những người xem buổi biểu diễn xô đẩy nhau khỏi sảnh rạp hát.

Khi số người thiệt mạng tăng lên, tay súng giảm dần cường độ. Những tên khủng bố di chuyển một cách chuyên nghiệp qua sảnh, hành quyết những người còn sống nằm trên sàn và tiếp tục nạp đạn. Những người chứng kiến cho hay, bằng một thứ tiếng Pháp trôi chảy, chúng lên tiếng mắng nhiếc Tổng thống Hollande, tuyên bố cuộc tấn công của mình là nhằm trả thù hành động can thiệp quân sự của Pháp trong chiến dịch chống IS do Mỹ đứng đầu ở Iraq và Syria.

Các đội đặc nhiệm SWAT đảm nhận các vị trí cố thủ bên ngoài nhà hát trong khi các phiến quân đang bắt giữ con tin. 20 phút sau nửa đêm, cảnh sát đã đột kích vào tòa nhà, bắn một tên khủng bố mang theo mình bom tự sát và hai tên khủng bố còn lại cũng nhanh chóng bị hạ gục sau đó.

Khi khói bụi, hơi cay của cảnh sát bay đi, có tổng cộng 89 người chết bên trong nhà hát Bataclan và sàn gỗ của thính phòng đã chuyển sang màu đỏ của máu.

Xe cứu thương chạy đầy trên các con phố, chở hàng trăm người bị thương tới bệnh viện. Các nhân viên y tế đều đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ở khắp Paris, các bệnh viện đã được tập huấn để đối phó với các vụ tấn công khủng bố giống như vụ việc Charlie Hebdo, bác sĩ Patrick Pelloux, người từng tham gia cứu chữa cho các nạn nhân trong sự kiện hồi tháng 1, cho biết.

Trong những giờ đầu tiên của ngày thứ 7, bác sĩ Pelloux được giao trọng trách kiểm soát phòng cấp cứu với hơn 500 bác sĩ và y tá. Khi các nạn nhân ở nhà hát Bataclan được chở đến, 60 bàn phẫu thuật đều hoạt động, gấp hơn 5 lần so với bình thường.

“Tôi nhìn thấy máu ở khắp mọi nơi, trên sàn nhà, trong thang máy”, John Robert, bệnh nhân 30 tuổi đang điều trị tại bệnh viện Pitié-Salpêtrière khi các nạn nhân của vụ khủng bố được đưa đến.

Quay trở lại sân Stade de France, trận đấu đã kết thúc được hơn một giờ đồng hồ với chiến thắng 2-0 cho đội Pháp, người hâm mộ đã được phép rời đi nhưng các cầu thủ vẫn phải ở lại. Hầu hết họ đều đã biết thông tin về vụ tấn công khủng bố khi rời đi.

Đội tuyển Đức, trước đó đã bị chấn động bởi một lời đe dọa đánh bom ở khách sạn vào sáng ngày 13, đã rất muốn nhanh chóng rời khỏi Paris. Họ cần một chuyến bay mới hay một khách sạn mới, nhưng không có cái gì sẵn có cả. “Các cầu thủ thực sự rất sốc”, giám đốc điều hành Oliver Berhoff nói.

Các quan chức Pháp đã đề nghị tiếp đón các cầu thủ và huấn luyện viên đội tuyển Đức tại Clairefontaine, trung tâm huấn luyện quốc gia nhưng đoàn đại biểu 100 người Đức quyết định sẽ ở lại cùng nhau. Họ chọn cách ở lại một đêm tại sân vận động, nghỉ trên những tấm đệm trải trên sàn nhà.

Đến nửa đêm, đội tuyển Đức cuối cùng cũng có được chuyến bay tới Frankfurt. Đó là nỗ lực của người Pháp để đưa họ về nhà. Xe bus chở các cầu thủ cũng ra được khỏi sân vận động Stade de France lúc 2h55 sáng, ai cũng dính chặt lấy chiếc điện thoại.

Khi đó, cũng là lúc trung vệ Griezmann nhận được tin tốt từ gia đình: em gái của anh vẫn còn sống. “Cảm ơn Chúa, em gái của tôi đã có thể rời khỏi Bataclan”, anh viết trên Tweeter.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.

T.M.

Nguồn: http://infonet.vn/vu-khung-bo-o-phap-bi-mat-trong-quyet-dinh-sinh-tu-cua-tong-thong-post182687.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn