Thế sự du du (Mênh mông thế sự 25)

Tương Lai

Năm 2015 trôi qua để lại biết bao xáo động trong thế sự và trong tâm trạng mỗi người. Tuỳ theo chỗ đứng khác nhau mà cảm nhận và suy tư về sự xáo động ấy. Mỗi cách nghĩ đều có cái lý của riêng mình và đương nhiên, phải chịu trách nhiệm bởi chính mình. Chẳng hiểu tại sao giữa cái mênh mông thế sự đó, trong tôi thoáng gợi lên niềm cảm khái về câu thơ của Đặng Dung “Thế sự du du nại lão hà” (Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào).

Đúng là ở tuổi 80, cách nghĩ có bớt đi sự nông nỗi nhưng “nại lão hà” thì không đến trong tôi khi tôi nghĩ để viết. Có chăng là càng bị giục giã quyết liệt hơn khi viết bởi ý tưởng “Những ai chần chừ, tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại: sẽ đi đến đâu và bằng cách nào đi đến đó, khi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi.

Dễ chừng đã hơn hai thập kỷ, ý tưởng ấy và ý tưởng của Nobert Wiener, cha đẻ của ngành điều khiển học: “Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta tận gốc rễ để rồi ta phải biến đổi chính mình mới tồn tại được trong môi trường ấy” đọng lại trong óc tôi, chi phối cách suy nghĩ của mình. Nhìn lại những gì đã xảy ra năm 2015 và những tin tức tràn ngập trên mạng trong buổi giao thoa giữa năm cũ và năm mới lại càng thấm thía những lời đúc kết có ý nghĩa cảnh báo ấy. Thế nhưng quả là không dễ gì ngay một lúc đã thấy ra đủ chiều sâu và sức nặng của một dự báo khoa học, một cách nhìn mang tầm vóc thời đại.

Thì chẳng thế sao khi nhớ lại từng có một thời, do ngập chìm trong lo toan về đánh giặc cứu nước, đã có người không đủ sức để thấy, để hiểu nên đã mỉa mai những cảnh báo khoa học về hiểm hoạ của môi trường bị tàn phá rồi sẽ còn khủng khiếp hơn cả chiến tranh. Giờ đây, khi hàng ngày hàng giờ chịu tác động trực tiếp của hiểm hoạ đó ngay trên đất nước mình, một trong những vùng bị tác động ghê gớm nhất, liệu đã là “đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi” mà khoa học thế giới cảnh báo chưa?

Thì ra sự thiển cận, lại là thiển cận ở cấp quốc gia thì hệ luỵ của nó khó mà lường hết được. Ảnh hưởng trực tiếp của hiểm hoạ môi trường tự nhiên có thể đo đếm được thì dễ thấy. Chẳng hạn như Hội An, một địa danh du lịch vào loại đặc biệt nhất của Việt Nam có đường bờ biển dài khoảng 7,6 km, nhưng đã mất gần 200 m do sạt lở trong vòng 10 năm trở lại đây. Từ tháng 10.2014, bờ biển lại tiếp tục bị lấn sâu khoảng 30 m. Đợt gió mùa đông bắc cuối tháng 11 năm 2015 vừa qua còn xói lở nghiêm trọng hơn với 250 m chiều dài bờ biển và ăn sâu 10 m vào đất liền. Nhưng đo đếm về môi trường xã hội của Hội An, một trong những nhân tố khá quyết định thu hút khách du lịch thì chắc khó hơn nhiều.

Nói điều này để lưu ý rằng, hiểu ra được cái môi trường xã hội mà chúng ta đang ngập chìm trong đó là hết sức khó. Khó vì môi trường ấy đã nhào nặn ra tập quán và thói quen cho cả một xã hội có sức trì kéo khủng khiếp đối với sự ra đời của cái mới, của tiến bộ và phát triển.

Điều này thì thế giới người ta nói lâu rồi. “Tính chuyên chế của tập quán ở mọi nơi là chướng ngại thường trực cản trở con người tiến lên phía trước, luôn không ngừng đối kháng với xu thế hướng tới cái gì đó tốt đẹp hơn thói thường, cái xu thế mà tùy theo tình hình vẫn được gọi là tinh thần tự do”. Đây là lời cảnh báo của tác giả cuốn sách Bàn về tự do John Stuart Mill ra đời cách nay đã 150 năm (1859). Năm 1868 người Nhật đã dịch và phát hành 2 triệu bản, góp rất lớn vào công cuộc canh tân nước Nhật.

Ở ta thì mãi năm 2006, NXB Tri thức của Chu Hảo mới cho dịch và in 1000 bản, vừa phát hành vừa thăm dò ý kiến các “đồng chí lãnh đạo”, những người đang cai quản đầu óc của cả nước xem có bị chệch hướng không! Chẳng trách mà thế lực giáo điều bảo thủ cho dù chỉ còn thoi thóp và đã bốc mùi lên rồi nhưng vẫn còn có đất dụng võ, xưng hùng xưng bá, múa gậy vườn hoang. Mọi cao đàm khoát luận, lâm ly thống thiết trong diễn văn diễn võ, hay mùi mẫn tỉ tê những lời thăm hỏi mị dân ẩn bên trong ngón đòn chĩa vào đối thủ… đều được trình diễn trên cái nền của sự ngu dân bằng bưng bít thông tin, bóp méo sự thật, áp đặt tư tưởng.

Sự đầu độc môi trường xã hội không dễ đo đếm như cách tính ra bao nhiêu thước đất bị sạt lở, mấy phần trăm cây số bờ biển ngập trong nước biển dâng, nhưng hệ luỵ của chúng thì khủng khiếp không kém. Cái kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội cho dù bị xáo động dữ dội song không dễ gì chuyển đổi một sớm một chiều. Sức trì kéo của “đất lề, quê thói” trói chặt với nguyên lý “nối tiếp, làm theo, không thay đổi” (kế, thuật, vô cải) của Nho gia là một thứ xiềng xích về tư tưởng, không cho nó bung ra khỏi những tập quán quen thuộc đã định hình từ bao đời. Cái “đã định hình” ấy khước từ mọi sự canh tân. Nó củng cố tính bảo thủ được khoác cho những tấm áo đủ mọi màu sắc.

Chính đấy là mảnh đất nuôi dưỡng sự trì trệ, được thăng hoa bằng chủ nghĩa giáo điều Mao ít đang ngự trị được đeo cái mặt nạ “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa”. Thế nhưng, thật là mỉa mai mà nhắc lại cội nguồn của cái “ý thức hệ” ấy: “Ngày 27 tháng 11 năm 1925, tờ New York Times, có một tin ngắn, loan báo vừa có một đảng, mang tên là Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa ra đời tại Đức, quen gọi tắt là Đảng Quốc xã. Người sáng lập và lãnh đạo Đảng Quốc xã là Adolf Hitler”. Còn Vladimir Bukovsky, một nhà văn Xô viết thì lưu ý: “Mọi người quên rằng chế độ Đức Quốc Xã ở Đức cũng là một chế độ xã hội chủ nghĩa. Nó chính thức được gọi là Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa. Nó là một chi nhánh của chủ nghĩa xã hội. Liên Xô được gọi là xã hội chủ nghĩa quốc tế và Đức Quốc Xã được gọi là xã hội chủ nghĩa quốc gia.

Sự thiển cận ở tầm quốc gia khi lựa chon mô hình phát triển đã đẩy dân tộc ta, đất nước ta vào sự tụt hậu đáng xấu hổ giữa các nước trong khu vực và thế giới văn minh. Đau đớn hơn nữa là sự thiển cận ấy đang ngoan cố không chịu thay đổi, đang dao động nghiêng ngả vì bị chi phối bởi quyền lực nhưng lại khoác cho mục tiêu bẩn thỉu đó cái nhãn ý thức hệ xã hội chủ nghĩa!

Người ta cố bịt mắt lại trước một thực tế phũ phàng thức tỉnh cả thế giới buộc người ta phải nhìn nhận bằng con mắt tỉnh ngộ như C. Mác từng viết chứ chẳng phải ai khác! Hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ tan tành như một lâu đài xây trên cát. Nó sụp đổ vì cái chân móng của nó đã rệu rã vô phương cứu chữa mà những đầu óc thức thời đã hiểu ra và nhân dân đã cảm nhận bằng sự trải nghiệm của chính họ. Mọi sự tuyên truyền bịp bợm với một bộ máy tuyên truyền còn khủng khiếp hơn của Goebbels được hỗ trợ bằng bộ máy bạo lực chẳng kém của Bormann thời Hitler. Và điều này cũng đang là một thực tế không thể lảng tránh, không thể chối bỏ ở Việt Nam trong cái thời điểm tranh tối tranh sáng này. Điều rất cần phải nói thêm là cái “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” mà thế lực giáo điều bảo thủ quyết kiên định bám lấy lại gắn chặt với “người đồng chí láng giềng cùng chung ý thức hệ”. Đây chính là tử huyệt của thế lực bảo thủ, giáo điều.

Trong tâm thế Việt Nam, kẻ đầu hàng, câu kết với bọn xâm lược cướp nước không có tên gọi nào khác là bọn bán nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam năm 1951 tại Việt Bắc: “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần yêu nước ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Hãy chú ý: “ bán nước” đặt trước “lũ cướp nước”. Đây là điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm lý, tình cảm của người Việt Nam ở bất cứ tầng lớp xã hội nào, sinh sống ở đâu, trong nước hay ngoài nước, tôn giáo tín ngưỡng ra sao.

Khi mà Tập Cận Bình đã hiện nguyên hình là một tên bành trướng Đại Hán hung hãn và xảo quyệt, trắng trợn tuyên bố việc xâm chiếm lãnh thổ của đất nước ta ở Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo chìm đảo nổi nằm trong vùng tranh chấp ở Biển Đông là miễn bàn vì đó là của tổ tiên hắn để lại, thế rồi giàn khoan 981 lại ngạo ngược kéo vào như một thách thức và làm áp lực cho những kẻ yếu bóng vía trước thếm Đại hội XII, thì toan tính và hành động dại dột của những kẻ dựa vào Trung Quốc để bám giữ cái ghế quyền lực sẽ chạm đúng vào điểm nhạy cảm bậc nhất ấy. Mọi mưu ma chước quỷ học được từ ông thầy, mọi thủ đoạn quay quắt được tính toán kỹ lưỡng từ xa chỉ càng lột cái mặt nạ xấu xa không sao che đậy được trước đôi mắt tinh tường của công luận.

Phải chăng khuyến cáo của Paul Krugman có lý không chỉ đối với nhà kinh doanh mà càng đúng hơn với những kẻ đang kinh doanh quyền lực: “Khi khủng hoảng trở nên trầm trọng, những cách tư duy thông thường không còn đúng nữa: cái bạn cho là tốt thực ra là tệ hại, cái mà bạn tưởng là thận trọng thực ra lại đầy rủi ro, và sự khôn ngoan lại hóa ra là dại dột”.

Vậy thì cái gì mới thật sự là “thận trọng” và “khôn ngoan”? Thuận theo ý nguyện của dân, đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển đất nước, đó chính là sự khôn ngoan nhất của những ai đang thận trọng chọn chỗ đứng và hướng đi cho mình.

Bưng bít thông tin, bóp méo sự thật, bóp nghẹt tự do tư tưởng, đàn áp những người đấu tranh cho quyền làm chủ đích thực của người dân theo đúng nguyên lý từng được rao giảng “quyền hành và lực lượng đều nơi dân” để duy trì một chính sách ngu dân có bài bản không còn là bảo bối của chế độ toàn trị phản dân chủ trước những thành tựu của cuộc cách mạng thông tin và mạng Internet nối mạng toàn cầu. Nếu tập quán của một xã hội tiểu nông đã định hình một lối sống là điểm tựa vững chắc của chủ nghĩa giáo điều mao ít thì internet lại là bệ phóng của tiến trình dân chủ hoá đang phát triển mạnh mẽ không cách gì cản được.

Theo số liệu mới được công bố bởi Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế (www.internetworldstats.com), tính đến hết tháng 6/2015, Việt Nam đã có 45,5 triệu người dùng internet, đạt mức thâm nhập/dân số là 48%, xếp thứ 6 trong khu vực châu Á về số lượng người dùng, đứng thứ 17/20 quốc gia có lượng người dùng internet nhiều nhất thế giới. Đó là một sức mạnh cực kỳ lớn lao mà chế độ toàn trị phản dân chủ không sao lường hết được.

Sức mạnh ấy biết hướng đất nước đi về đâu trong thời đại của nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức. Ai là người đi tiên phong trên con đường đưa đất nước đi vào quỹ đạo của phát triển ấy nếu không là giới trí thứcthế hệ trẻ đang sở hữu những thành tựu của công nghệ mới để nhạy bén nắm bắt thông tin. Không chỉ thông tin trong nước mà còn là thông tin trên thế giới. Họ hiểu khá rõ thời cơ chưa từng có với tiến trình hội nhập đi vào chiều sâu với những Hiệp ước được ký kết với Châu Âu, với khu vực ASEAN, với Nhật Bản, đặc biệt là với TPP, tạo ra khả năng to lớn đưa đất nước đi tới, thoát khỏi hiểm hoạ biến thành chư hầu của Tàu mà từ năm 1990 với mật ước Thành Đô đã có lời cảnh báo về “một thời kỳ Bắc thuộc mới có thể đang bắt đầu”.

Chỉ những kẻ ngu ngốc không nắm bắt được thông tin về thời cuộc mới mơ hồ trước mưu toan đưa đất nước chui vào cái thòng lọng của đế chế Trung Hoa thời Tập Cận Bình. Không ai muốn là đồng loã của bọn bán nươc cầu vinh, trở thành tội đồ của lịch sử.

Bỗng nhớ lại vẻ mặt đăm chiêu và những ánh mắt đồng tình rực sáng của lớp sinh viên khoa Triết khoá 1 Đại học Tổng hợp Hà Nội cách đây 25 năm đối với ý tưởng của một nhà xã hội học Đức tôi dẫn ra trong bài giảng: “Những bức tường xã hội có sẵn trước khi chúng ta ra đời nhưng cũng được chúng ta xây nên. Chúng ta bị giam cầm bởi chính sự hợp tác của chúng ta”. Đã đến lúc phải đập vỡ bức tường đó để mở đường cho cuộc sống mới, cuộc sống của đất nước, trong đó có cuộc sống của chính mình. Được sự khích lệ bởi những ánh mắt ấy, tôi bắt tay vào viết tiểu luận “Chân lý là cụ thể” trong thời điểm ấy. Quá trình viết tiểu luận này chính là quá trình tôi tự suy ngẫm về bức tường ý thức hệ do chính tôi góp phần xây dựng nên để rồi bị cầm tù trong vòng vây khủng khiếp của chính cái được xây nên đó. Đó cũng là khởi đầu một quá trình tự thanh lọc tâm hồn mình. Giữ lại những gì được nhìn nhận là những giá trị tốt đẹp mà mình trân trọng như những kỷ niệm đẹp của một thời trai trẻ giàu khát vọng và say mê đi tìm lý tưởng sống phù hợp với sự định hình nhân cách. Đồng thời mạnh dạn gạt bỏ những gì là sai lầm, là ảo tưởng, là lừa mị. Từ trong quá trình nghiền ngẫm và tự thanh lọc đó tôi kiến nghị lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và trở lại với tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam.

Tôi nhận thức rất rõ là rồi sẽ phải đối diện với những thách đố gay gắt và ứng xử nghiệt ngã. Cho nên, rất ngẫu nhiên, song nghĩ lại thì cũng là logic khi tôi dẫn ra hai câu thơ trong bài “Cảm hoài” của một danh sĩ cuối triều Trần. Nói là logic vì tâm trạng bức xúc trước những bề bộn, ngổn ngang trong nhìn nhận và tự lý giải cho mình về thế sự.

Trong sự bi phẫn có chen vào cảm hứng bi hùng từ tứ thơ tuyệt đẹp của người tráng sĩ thời tao loạn ở buổi mạt kỳ vương triều Trần thế kỷ XIV chuyển sang XV trong cuộc chiến không cân sức chống quân xâm lược nhà Minh. Đẹp với hình tượng trong câu thơ mà người đời gọi là “thi trung hữu hoạ”: “Thù nước chưa trả mà mái tóc đã bạc sớm, Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng” (“Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma”).

Ở đây không là sự bi luỵ của người bại vong thất thế, mà là cảm hứng bi hùng của một nhân cách lớn vượt lên trên số phận, có sức dựng người ta dậy, nâng người ta lên, đẩy người ta đi tới. Hình ảnh mài gươm dưới ánh trăng có sức thăng hoa khó biểu đạt bằng lời, chỉ có thể nói là nó quá đẹp. Cái đẹp nâng lên tầm cái cao cả. Không chỉ Đặng Dung, đại văn hào Nguyễn Du cũng từng dựng lên một hình tượng bi hùng như vậy qua câu thơ “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên”. Trong niềm cảm khái đó mà tôi tự phân tích mổ xẻ về tư tưởng và nhận thức của chính mình rồi viết ra.

Để làm gì? Để công khai và minh bạch chính kiến của mình, đấu tranh chống lại những gì tôi cho là “cũ kỹ hư hỏng” để hướng tới những cái “mới mẻ tốt tươi”. Tôi viết trong tư thế ấy. Tôi không mài gươm vì cũng chẳng có gươm báu để mài. Tôi mài ngọn bút. Người ta đã “rút phép thông công” cấm cửa tôi trên báo “quốc doanh”, trong các diễn đàn chính thống, thì tôi lại có một khoảng trời rất rộng để “trông vời trời biển mênh mang”.

Thì ra “hoạ trung hữu phúc”, trong cái rủi có cái may. Vùng thoát ra khỏi vòng cương toả của một cơ chế bóp nghẹt cá tính, độc quyền tư tưởng để có thể giành lấy cho mình quyền tự quyết định hành động và cách ứng xử của riêng mình, chịu trách nhiệm lấy chính mình là một may mắn. Tự do trong suy nghĩ, nghiêm cẩn và táo bạo trong tư duy để hướng tới mục tiêu của cuộc sống mà vì nó mình dấn thân từ lúc đầu xanh cho đến lúc tóc bạc không chịu bất cứ một sự chỉ đạo nào ngoài bộ óc trong cái đầu bạc của mình là một ân huệ. Vì thế tôi hay đọc thầm trong óc câu thơ của Aragon đã nhập tâm “Những gì ta yêu phải cứu thoát ra. Tự mình ta, tự mình ta”.

Tự mình ta” không là sự cô độc hay tự cô lập mình, mà là cách khẳng định trách nhiệm cá nhân. Đã đến lúc phải rạch ròi trách nhiệm cá nhân đối với cuộc sống của đất nước, cũng là trách nhiệm cá nhân trước lịch sử, không thể dựa dẫm, ỷ lại vào bất cứ một lực lượng bên ngoài nào. Đặc biệt là khi “suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong” (Aragon) thì sự tường minh về thái độ là một đòi hỏi của lương tri, lương năng của người có lương tâm. Câu nói của Mạnh Tử bỗng có sức lay động vào cái buổi nhố nhăng, hệ thống giá trị đảo lộn này: “Nhân chi sở bất học nhi năng giả, kỳ lương năng dã. Sở bất lự nhi tri giả, kỳ lương tri dã” (Mạnh Tử, Tận tâm thượng). Những điều mà con người không học mà làm được thì gọi là “lương năng”, không cần suy nghĩ mà biết được thì gọi là “lương tri” vậy.

Phải chăng vào thời khắc khẩn trương quyết liệt này, đánh thức lương tri, lương năng của con người, trước hết là những đảng viên là đại biểu đi dự Đại hội, là các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đang sắp bước vào Hội nghị Trung ương thứ 14 trước những vung vãi của ngôn từ, lời lẽ, mưu toan, thủ đoạn chất chứa bao tham vọng của cuộc tranh giành quyền lực trước thềm Đại hội XII là một việc làm cần thiết?

Chao ôi, tôi những muốn chân thành nói thêm với những ai đó rằng: Giàu sang ở đời chớp nhoáng như giọt sương trong hoa; Quyền lực ở đời mong manh như bọt nước đầu ghềnh như các cụ ta xưa đã dạy. Bọt nước tan đi không còn một thoáng gợn, nhưng cái sẽ đọng lại vĩnh viễn trong lòng nhân dân là nghĩa cả đối với tổ quốc. Dám đặt tổ quốc lên trên hết, trước hết. Cái đó sẽ trường tồn với non sông đất nước.

Chính điều ấy khuấy động mối “cảm hoài” trong những thoáng gợn suy tư về thời gian mênh mông, “thế sự du du”, trời đất cũng mênh mông vô tận, “vô cùng thiên địa”. Trong cái mênh mông đó ngời sáng lên hình ảnh của người tráng sĩ với khát vọng “hữu hoài phù địa trục” dù phải xoay trục quả đất mà có thể cứu được nước thì cũng làm, những muốn “vô lộ vãn thiên hà”, kéo sông trời xuống mà rửa sạch giáp binh, đem lại hạnh phúc cho muôn dân.

Ấy vậy mà đó là ý chí và khát vọng của người ở trong thế nước đang suy. Thế nhưng ông cha ta cũng đã dạy “chuyện thịnh suy ở đời chỉ như giọt sương trên ngọn cỏ chẳng có gì đáng sợ hãi (“Nhậm vận thịnh suy vô bố uý, Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”) (Quốc sư Vạn Hạnh, 1018). Có bản lĩnh đó thì mới có khí phách của người kiên trì mài gươm báu nuôi chí lớn diệt giặc cứu nước khi mà vận nước đang chao đảo trước nạn ngoại xâm còn lực lượng cứu nước thì lại đang dồn sức cho việc tranh chấp ngôi vị. Lịch sử dường như đang lặp lại, chuyện cay đắng đó cũng đang là mối nguy nhỡn tiền. Chính vì vây phải viện dẫn đến cha ông, lắng nghe “những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Đình Thi) những mong đánh thức lương tri, lương năng vẫn còn ẩn kín trong mỗi con người Việt Nam yêu nước nhận rõ cần phải làm gì vào lúc này.

Mạo muội nói lên điều đó để hiểu cho thật rõ chúng ta đang ở trong một thời điểm mà thách thức gắn liền với vận hội. Tỉnh táo vượt qua thách thức, có bản lĩnh đón lấy vận hội, quyết đoán và dũng cảm dấn bước trên con đường phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đó chính là sự chọn lựa của chúng ta. Không một trở lực nào ngăn nổi xu thế phù hợp với quy luật vận động của lịch sử. Không thể lại đánh mất cơ hội để đất nước lại chìm đắm trong những ngày đen tối mới của thân phận chư hầu của một siêu cường hung đồ đang nhe nanh múa vuốt để khuất phục những kẻ yếu bóng vía với cái não trạng bạc nhược “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không. Phải làm sống lại cái khí phách “hữu hoài phù địa trục” của ông cha ta, dám kéo sông trời xuống mà rửa sạch nhục nô lệ và lạc hậu. Không chịu khuất phục trước áp lực của Trung Quốc Tập Cận Bình, đó là xu thế không gì ngăn cản nổi.

Vận nước đang giục giã mỗi người Việt Nam yêu nước quyết đẩy tới xu thế mạnh mẽ ấy để khẳng định tiến trình dân chủ hoá đất nước gắn làm một với chống chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Tập Cận Bình là không gì cản được. Phải chăng đây mới là niềm cảm khái của người hiểu rõ quy luật vận động của cuộc sống để cảm nhận được những gì cần đến sẽ đến khi bước vào năm 2016.

3.1.2016

T. L.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn