Tinh thần can đảm của những người tự ứng cử và cơ hội vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Đình Ấm

Mặc dù hiến pháp quy định công dân với những điều kiện bình thường mà phần lớn đều có, có thể tự do đề cử, ứng cử nhưng mấy chục năm qua hầu như không có mấy ai tự mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), hội đồng nhân nhân.

Phải chăng, dân ta bàng quan với chính trị, với đất nước? Hoàn toàn không phải như vậy. Sở dĩ không mấy ai tự ra ứng cử vì qua kinh nghiệm họ biết chắc không thể nào trúng cử và hiểm họa thì khôn lường.

Để lọt vào danh sách để cử tri bầu, người ứng cử phải trải qua nhiều công đoạn như lấy tín nhiệm ở tổ dân phố, xóm thôn, phường xã, hiệp thương ở nhiều cấp Mặt trận Tổ quốc… do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu những người do Đảng cử ra thì các bước nói trên được sắp xếp để diễn ra thuận lợi, người ứng cử dễ dàng vượt qua. Nếu có trắc trở gì thì tổ chức của Đảng sẽ dùng mọi biện pháp “hiệp thương” để vượt qua.

Riêng với những người tự ứng cử nếu không có “tiền sự” gì làm trái ý Đảng Cộng sản, được Đảng sắp xếp vào “cơ cấu” thì có thể cũng dễ vượt qua các công đoạn nói trên nhưng khi lập danh sách bầu, sắp xếp nơi ứng cử sẽ để ở vị trí không thuận lợi kiểu “lót đường” cho các nhân vật Đảng Cộng sản muốn họ thắng cử. Hoặc do người “lót đường” kia quá nổi tiếng dân tín nhiệm cao vẫn bầu cho người “lót đường” dẫn đến làm thất bại những ứng viên Đảng cần phải giữ “uy tín” thì cũng vẫn bị gạt ở khâu cuối cùng. Đây là trường hợp của nhà báo Võ Đắc Danh ở Cà Mau. Theo tường thuật của nhà báo thì lúc đầu do bạn bè, đồng nghiệp… động viên nhà báo này ứng cử ĐBQH. Khi đó do chưa nhận thức ngay được “vấn đề” nên lãnh đạo địa phương cũng ủng hộ và nhà báo Võ Đắc Danh vượt qua các bước thủ tục dễ dàng. Đến khi dân bầu, do nhà báo nổi danh chống tiêu cực, tham nhũng, có đức, có tài nên số phiếu cao hơn đại biểu Nguyễn Đức Triều, ủy viên Trung ương Đảng từ Hà Nội “bắn” vào và ứng viên Bùi Công Bửu, Phó Bí thư tỉnh ủy Cà Mau. Không thể để những VIP này “kém thường dân”, bị trượt nên ứng viên Võ Đắc Danh bị đánh trượt do có chỉ thị mật: “Tổ bầu cử nào để Võ Đắc Danh trúng cử thì bí thư chi bộ đó phải chịu trách nhiệm”. Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên, Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội (1991) cũng bị “gạt” trong những trường hợp tương tự.

Tuy nhiên, đó vẫn là những người tự ứng cử đã cực kỳ may mắn. Một số trường hợp tự ứng cử đến nay còn mang nỗi kinh hoàng.

Thấy luật nói người dân tự do ứng cử và cơ quan khuyến khích, ông Nguyễn Phúc Giác Hải sinh năm 1934 ở phường Chương Dương (Hà Nội) công tác ở Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người làm đơn ra ứng cử ĐBQH khóa 2011. Cũng như các ứng cử viên khác, ông được đưa ra cơ sở để lấy ý kiến cử tri. Mặc dù ông được cư dân sở tại, cơ quan rất kính trọng, tín nhiệm nhưng trong buổi họp hôm ấy ông thấy toàn những người lạ hoắc, dáng vẻ ngổ ngáo như những anh nghiện ngập, giang hồ…đến họp. Thế là ông trở thành bị cáo trong cuộc đấu tố. Theo những người có mặt hôm ấy thì có lẽ cả đời người trí thức 77 tuổi này bị một cuộc xúc phạm đến như thế. Những người tuổi đời chỉ đáng cháu ra sức xỉa xói, mạt sát ông với những lời tục tĩu “không thể viết ra”. Có người chỉ vào ngực hỏi, ông biết tôi là ai không?Ông ứng viên nói không biết liền bị ăn một câu tục… “Ông không biết thì “đại diện thế đ. nào được cho tôi”… Có người lục vấn tuổi rồi,ông nói 77 tuổi thì bị khuyên “Đồ già rồi còn tham quyền cố vị làm gì…”. Thế là, cả buồi “lấy ý kiến cử tri” trở thành một buổi đấu tố, miệt thị.

Tất nhiên thư ký ghi vào biên bản những điều cần ghi để báo cáo cơ quan tổ chức bầu cử địa phương là ông không nhận được tím nhiệm của “nhân dân” và bị loại ở giai đoạn “gửi xe”.

Đây cũng là trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân và một số người tự ứng cử khác. Riêng luật sư Lê Quốc Quân còn bị lũ người lạ đón đường hành hung dã man như thể để cảnh cáo… Vừa qua các ông Nguyễn Tường Thụy, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Thành… mới chỉ tuyên bố ra ứng cử nhưng trên mạng xã hội đã tung ra cơ man những lời vu khống trắng trợn, hèn hạ như ông Thụy ăn cắp tiền, ngoại tình gái gú, sống lang chạ bừa bãi, bà Hạnh, ông Thành thế nọ, thế kia… trong khi chúng tôi biết rõ phẩm giá, tài, đức của những người này.

Lần này trong số người tôi biết có khoảng hơn chục trường hợp tự ra ứng cử ĐBQH khóa 14 (2016). Họ biết rõ hơn ai hết đầy rẫy nguy hiểm trước mắt nhưng vẫn dấn thân. Bởi vì, họ không muốn cứ bỏ mặc Đảng Cộng sản làm gì thì làm trước vận mệnh nguy nan của đất nước và “trắc nghiệm” luôn lời tuyên bố của ông trưởng Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng “sẽ gần dân, tôn trọng dân … và “dân chủ đến thế là cùng” xem sao.

Họ là những người vô cùng can đảm.

Riêng tôi nghĩ, đây là cơ hội vàng để Đảng Cộng sản Việt Nam “lặng lẽ” chuyển sang thể chế dân chủ, là chiến lược duy nhất để xây dựng đất nước hùng cường, có cơ may đoạt lại những phần giang sơn bị ngoại bang cướp đoạt và Đảng Cộng sản chuộc lại phần nào cái tội làm mất nước, hại dân trong cả gần thế kỷ. Họ nên biết chế độ nào cũng không thể tồn tại “muôn năm” trong khi chế độ cộng sản là chế độ độc tài lạc hậu hầu hết các quốc gia khác đã ném vào sọt rác. Các nước cộng sản đang khủng hoảng toàn diện.

Chúng ta hãy chờ xem, Đảng Cộng sản Việt Nam chọn cách ứng xử nào qua cuộc bầu cử này.

N. Đ. A.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn