Sự chân thành đáng sợ

NGỌC VIỆT

(GDVN) - “Triệu tấc đất” của tổ tiên dần dần trở thành tài sản của người khác trong một cuộc chiến âm thầm – chiến tranh kinh tế - thì nhiều người có thể dễ

Ngày 3/3 The Straits Times có đăng bài viết của Giáo sư Lu Guangsheng - Đại học Vân Nam về công cụ “ngoại giao đường sắt” của Trung Quốc, trong đó chủ yếu phân tích về nguyên nhân các doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu trong các dự án đường sắt cao tốc tại các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian gần đây.

“Đó là một cuộc đua và Trung Quốc cuối cùng đã vượt qua đối thủ Nhật Bản trong tháng 10/2015, khi các doanh nghiệp Trung Quốc đã ký một thỏa thuận liên doanh với các đối tác Indonesia về dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung.

Dự án này là một mốc quan trọng trong sự tiến bộ của chính phủ Trung Quốc trên lĩnh vực "ngoại giao đường sắt". Trung Quốc đã đạt được thành công ban đầu với ngoại giao đường sắt của mình, trước hết bởi vì Trung Quốc rất coi trọng ngành đường sắt tốc độ cao của mình.

Thứ hai, Trung Quốc cho thấy mình có "đủ chân thành", mà dự án Jakarta-Bandung là một ví dụ. Trung Quốc đồng ý không sử dụng vốn của chính phủ Indonesia hoặc yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ nước này đối với các khoản vay.

Nói cách khác, Trung Quốc cung cấp khoản vay đủ 5,5 tỷ USD với lãi suất 2%/năm mà không đòi hỏi Indonesia ứng vốn hay bảo lãnh nợ".

clip_image002

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và lãnh đạo ngành đường sắt Trung Quốc Sheng Guangzu tham dự một buổi lễ động thổ cho tuyến đường sắt tốc độ cao Jakarta-Bandung – một sản phẩm của “ngoại giao đường sắt với đầy sự chân thành" của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Hiện cũng đã có tiến bộ trong các dự án đường sắt Trung - Thái, Trung - Lào và dự kiến ​​sẽ khởi công trong năm nay.

Vào tháng 9/2015 chính phủ Lào đã thông qua một nghị quyết cho việc xây dựng đường sắt Trung - Lào với chi phí 6,8 tỷ USD. Tháng 11/2015, Nội các Thái Lan đã thông qua dự án đường sắt Trung - Thái với chi phí 14 tỷ USD.

Qua phân tích cho thấy, Chính phủ Trung Quốc đã nâng đỡ các đối tác của mình và hỗ trợ họ có thể sử dụng sản phẩm công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc một cách tưởng chừng "chân thành và đầy nghĩa cử cao đẹp" của những mối quan hệ hợp tác.

Điều đó cùng với việc bị tung hỏa mù bởi quy trình kinh tế đảo ngược là lý do khiến các đối tác không thể từ chối bắt tay Trung Quốc.

Với những chiến thắng trên mặt trận không tiếng súng này cùng những kết quả của việc tái cơ cấu nền kinh tế, có thể thấy rằng những triết lý và cơ chế nguy hiểm trong chính sách phát triển kinh tế của Trung Quốc đang là mối nguy hại cho các nền kinh tế trên thế giới, nhất là những quốc gia láng giềng và thân cận của họ.

Theo tìm hiểu của người viết và qua những sự kiện diễn ra gần đây trong hợp tác kinh tế của Trung Quốc với nước ngoài, trong đó có Việt Nam, có thể nhận diện hai hiện tượng nguy hiểm, thể hiện sự “chân thành” của người Trung Quốc đối với những đối tác thân tình nhưng mục đích có lẽ không ngoài việc phục vụ ý đồ toàn cục của họ.
Những công trường rộn tiếng Hoa

“Trung Quốc đã trúng thầu bằng cách cung cấp cho Indonesia một gói tài chính cạnh tranh hơn Nhật Bản. Song điều đáng chú ý là đường sắt tốc độ cao Jakarta-Bandung dài 150 km, tốc độ 250 km/h đến 300 km/h, áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn của Trung Quốc về công nghệ và thiết bị. Trung Quốc sẽ quản lý toàn bộ quá trình từ khảo sát, thiết kế, xây dựng đến vận hành và quản lý khai thác”, theo Giáo sư Lu Guangsheng.

Như vậy là người Trung Quốc có mặt và nắm giữ vai trò đối với tất cả các khâu của một dự án đầu tư nước ngoài. Và không chỉ là sự có mặt của các chuyên gia kỹ thuật, những nhà kỹ trị mà là cả công nhân lao động kỹ thuật cao và thậm chí cả lao động làm những công việc phổ thông, giản đơn – những công việc thường thuộc về người lao động bản địa.

clip_image004

Khu công nghiệp Formosha, Vũng Áng, Hà Tĩnh cũng là một đại công trường "rộn tiếng Hoa", ảnh: Báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn).

Điều ấy đã là một thực tế và càng ngày càng có nhiều dự án kiểu “bao trọn gói” như vậy của người Trung Quốc. Những nhà thầu Trung quốc tạo công ăn việc làm cho người Trung Quốc ở nước ngoài không chỉ là “lợi ích toàn tập” mà nó còn là một kênh góp phần quan trọng vào việc giải quyết vấn nạn lao động dôi dư của Trung Quốc do tái cơ cấu kinh tế tạo ra.

Ngay từ năm 2011 – 2012, khi Chính phủ Trung Quốc xác định và đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào tiêu dùng nội địa và dịch vụ tài chính, thương mại thì nhịp độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc giảm nhiệt. Và sau 25 năm bùng nổ, năm 2015 vừa qua tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chỉ đạt con số 6,9%.

Con số 6,9% gắn với nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh mà Bắc Kinh phải giải quyết. Đặc biệt năm 2016 và những năm tiếp theo, dự báo kinh tế nước này vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng giảm, năm sau phát triển thấp hơn năm trước. Điều đó khiến cho việc giải quyết những hệ quả của nó ngày càng trở thành vấn đề mang tính chiến lược của Trung Quốc.

Trong số đó có vấn đề đầu tư nước ngoài và tạo việc làm cho lưc lượng lao động dôi dư do tái cơ cấu nền kinh tế tạo ra. Khi đầu tư trong nước giảm thì đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tăng để tạo sự cân bằng trong phát triển, nhưng thực ra là tạo ra đòn bẩy cho hoạt động thương mại và dịch vụ tài chính.

Doanh nhân Trung Quốc ra nước ngoài làm ăn, ngoài làm tăng giá trị tài sản của Trung Quốc nước ngoài, còn giải quyết việc làm cho lao động Trung Quốc.

Sau khi “ngoại giao kinh tế” đi trước, tiếp theo sẽ đến nghiệp vụ kinh tế phát sinh, thể hiện qua việc người Trung Quốc tham gia hợp tác kinh tế với đối tác bằng hàng loạt những dự án mà họ là những nhà thầu cung ứng trọn gói các dịch vụ từ khảo sát thiết kế, tư vấn giám sát, quản lý kỹ thuật đến triển khai gói thầu, sử dụng sản phẩm và quản lý khai thác.

Nếu như các nhà thầu ở các quốc gia khác, lực lượng triển khai gói thầu chủ yếu là lao động có trình độ chuyên môn cao như các chuyên viên, chuyên gia thì với người Trung Quốc, họ tham gia vào cả những bước công việc, thực hiện những loại công việc có tính chất giản đơn mà trước đây giành cho công nhân lao động của những quốc gia là chủ đầu tư.

Vì vậy, đã có nhiều công trường “rộn tiếng Hoa” ở nhiều quốc gia mà doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu và triển khai dự án. Nay với việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm đầu tư trong nước thì lượng lao động thất nghiệp tại quốc nội là rất lớn.

Bởi vậy, sắp tới sẽ có làn sóng người Trung Quốc chuyển ra nước ngoài làm việc, cạnh tranh gay gắt với thị trường lao động thế giới.

Dư luận Việt Nam đã từng nhiều lần đặt câu hỏi và nghi ngại về hàng ngàn người Trung Quốc làm việc trên công trường của các dự án mà doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu tại Việt Nam. Điều đó cho thấy nguy cơ người Việt Nam bị “cướp” mất việc ngay trên đất nước mình là một thực tế được cảnh báo và đã diễn ra.

Theo báo cáo của Ban quản lý các Khu kinh tế Hà Tĩnh tháng 10/2014, trong tổng số hơn 5.300 lao động làm việc tại các công trường của dự án Formosa có 3.680 người Trung Quốc.

Trong dự án Formosa có 92 nhà thầu thi công đến từ Trung Quốc, Đài Loan và chính quyền Hà Tĩnh đồng ý cho các nhà thầu tuyển dụng 10.820 lao động nước ngoài, để đáp ứng nhu cầu của họ.

Trong khi đó, trả lời báo chí ngày 9/10/2014, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) thì cho hay: "Ở Vũng Áng, thời điểm cao nhất trung bình cứ 7 người Việt Nam thì có một người nước ngoài làm việc. Thời điểm thấp nhất tỷ lệ này là 4/1. Như vậy, lao động Việt Nam vẫn là những lao động chính".

Có lẽ cơ quan quản lý nhà nước chưa xem vấn đề lao động Trung Quốc tại Việt Nam là đáng báo động.  

Hiện nay, ở Việt Nam có bao nhiêu dự án, bao nhiêu nhà thầu và bao nhiêu người lao động Trung Quốc đang làm việc tại đó, người viết xin phép chưa đưa ra con số cụ thể, bởi lẽ nó không chính xác vì còn tình trạng lao động chui, lao động không phép.

Tuy nhiên, chỉ biết rằng những công trường rộn tiếng Hoa vẫn đang hàng ngày, hàng giờ tạo ra những "đổi thay" trên đất nước Việt Nam.

Ngoại giao nhà đất

Tại Indonesia, Thái Lan, Lào, nhà thầu Trung Quốc được đối tác lựa chọn nhờ có sự hỗ trợ của “ngoại giao đường sắt” khi “Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy để thỏa hiệp nhiều lần và cuối cùng đồng ý cung cấp khoản vay đầy đủ mà không cần vốn đối ứng của đối tác cũng như bảo lãnh của Chính phủ Indonesia, như trong dự án đường sắt Jakarta-Bandung.

Bởi lẽ Trung Quốc áp dụng lãi suất khoảng 2%/năm, trong khi Nhật Bản cung cấp một lãi suất thấp đáng ngạc nhiên là 0,1%/năm đối với dự án đó. Điều này cũng làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Trung Quốc với Nhật Bản khi tham gia đấu thầu các dự án đường sắt lớn ở Đông Nam Á”, theo Giáo sư Lu Guangsheng.

Nhưng hiện nay, với kinh tế khó khăn và thời gian hoàn vốn cho dự án rất dài nên những dự án lớn của Trung Quốc thắng thầu ở nước ngoài sẽ tăng thêm mức độ rủi ro. Vậy nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tăng cường hợp tác đầu tư ở nước ngoài, vẫn tham gia mọi gói thầu mà họ thấy có lợi. Tại sao họ không lo sợ mất vốn, thua lỗ, thiệt thòi?

clip_image006

Dự án “đổi đất lấy hạ tầng” Tân Sơn Nhất – Bình Lợi có thể là cơ sở cho “ngoại giao nhà đất” của Trung Quốc. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn).

Thực ra, Chính phủ Trung Quốc, doanh nhân Trung Quốc đã nhìn thấy một loại vốn đối ứng cho khoản tiền “bỏ ra trước” trong việc thi công những công trình mà họ thắng thầu, đó là nhà và đất. Và “ngoại giao nhà đất” sẽ là một kiểu “ngoại giao kinh tế” mà Chính phủ Trung Quốc có thể thực hiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở nước ngoài.

Hiện tại ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hàng ngàn công trình ngàn tỷ, trăm tỷ phải ngừng thi công vì thiếu vốn, gây lãng phí tiền bạc vô cùng lớn cho người dân, cho doanh nghiệp và cho nhà nước. Theo giới đầu tư quốc tế, những công trình đắp chiếu ấy sắp tới có thể là những tài sản đối ứng cho Trung Quốc và nhiều công trình sẽ lại rộn tiếng Hoa.

Việc đó không có gì là không thể khi người Trung Quốc có thể định giá “rẻ như cho” những “miếng mồi” mà trước đây thuộc dạng “đắt sắt ra miếng” và họ chỉ cần hoàn tất là có thể sử dụng vào mục đích của mình.

Còn với chính phủ và doanh nghiệp các nước sở tại, nếu được đề nghị đối ứng thì chẳng khác gì nằm mơ giữa ban ngày. Tưởng chừng như thế là "hai bên cùng có lợi".

Tuy nhiên, việc “nhà đối ứng công trình” hay “công trình đối ứng công trình” còn gặp khó khăn về thủ tục và nhất là định giá, do đó thời gian sẽ không thể nhanh được, ảnh hưởng đến những công trình mới mà doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế - xã hội của một vùng miền hay cả một đất nước.

Do vậy người viết cho rằng, doanh nhân Trung Quốc sẽ chọn vốn đối ứng là quyền sử dụng đất, ngay cả đất nông nghiệp hay đất lâm nghiệp, thậm chí cả đất hoang hóa, chứ không cần đất ở các khu vực đắc địa hay “đất vàng”. Điều này tính khả thi cao và có thể sớm diễn ra “ngoại giao nhà đất” giữa Chính phủ Trung Quốc với nhiều chính phủ các quốc gia trên thế giới.

Riêng ở Việt Nam, có lẽ dư luận chưa quên một dự án giao thông quan trọng bậc nhất của Thành phố Hồ Chí Minh là dự án vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi (nay là đường Phạm Văn Đồng) đã thực hiện theo phương châm “đổi đất lấy hạ tầng” với nhà thầu chính Tập đoàn GS Engineering & Construction (GS E&C) – Hàn Quốc, theo báo cáo của UBND Tp.Hồ Chí Minh. 

Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đi từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất qua cầu Bình Lợi và nối với vành đai ngoài tại Ngã tư Xuân Hiệp. Toàn tuyến dài 13,7 km đi qua 4 quận: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức, chiều rộng tuyến từ 30-60 m (tương đương đường 6 - 12 làn xe). Thời gian thi công dự án là 48 tháng kể từ khi bàn giao mặt bằng
Đây là dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đầu tiên do công ty vốn 100% nước ngoài đảm nhận, theo đó Công ty GS E&C sẽ ứng vốn thi công dự án và đổi lấy 7 khu đất tại Quận 2, Quận 9, Quận 10 của Thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích 100 hecta để GS E&C đầu tư các dự án bất động sản. Tổng trị giá đầu tư cho dự án là hơn 340 triệu USD.

Đến nay, dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi đã đưa vào sử dụng. Với một “tiền lệ” như vậy, có lẽ việc doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất phương án “đổi đất lấy hạ tầng” cho những dự án của họ sẽ triển khai là không có gì nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư. Đặc biệt, với mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì hình thức “ngoại giao nhà đất” có thể diễn ra thuận lợi.

Như vậy trong tương lai có thể hàng trăm hecta, thậm chí hàng ngàn hecta đất của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, trở thành vốn đối ứng trong các dự án mà doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu. Trong tương lai sẽ có thể có những “làng mạc” Trung Quốc ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứ không chỉ là những khu phố Trung Quốc, dạng “China town” nữa.clip_image008

Nông dân Trung Quốc thuê đất ở nước ngoài làm nông nghiệp – có thể trong tương lai họ sẽ tham gia thực hiện chính sách “ngoại giao nhà đất” của Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Trong khi người ta còn đang mải nghiên cứu tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc là gì, chỉ số tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm thì có ý nghĩa như thế nào, thì tác hại của nó đã hiển hiện, đã trở thành mối nguy cho người dân, cho đất nước ở nhiều khu vực trên thế giới – trong đó có người dân, có doanh nghiệp Việt Nam.

Chỉ “một tấc đất” của cha ông để lại nơi biên giới hay đảo xa bị mất là có thể xảy ra những xung đột căng thẳng. Nhưng hàng ngày, hàng giờ có thể có hàng “triệu tấc đất” của tổ tiên dần dần trở thành tài sản của người khác trong một cuộc chiến âm thầm – chiến tranh kinh tế - thì nhiều người có thể dễ lãng quên.

“Cuộc chiến tranh không tiếng súng” với Trung Quốc dù không gây ra thương vong, đổ máu, nhưng ảnh hưởng của nó trên những công trường rộn tiếng Hoa có thể là nguyên nhân khiến cho người dân mất đi cuộc sống yên bình, đất nước mất đi vẻ thanh bình nếu mất cảnh giác với những suy nghĩ chủ quan.

N.V.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/gdvn-post166141.gd

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn