Động thái mới của Hoa Kỳ: “Điểm huyệt” Trung Quốc trên Biển Đông

1. Hải quân Hoa Kỳ triển khai một số chiến hạm và một hàng không mẫu hạm thách thức Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp

Giao Phạm

Việt Nam không được mời tham gia cuộc diễu hành này, nhưng với tinh thần đấu tranh khôn khéo của mình sẽ tiếp tục cho anh Hải Bình tuyên bố: "Đề nghị các nước kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình tại biển Đông...". Bọn Tàu sẽ không dám hoe hoe gì, cần chi phải tuần tra cho tốn kém nhỉ?

Hai Nam Nguyen

Sáng nay, ngày 4 tháng 3, Hải quân Hoa Kỳ đã điều một đoàn tàu thuộc Đệ thất Hạm đội tới những khu vực Trung Quốc xây dựng trái phép như một thách thức lớn nhất từ trước đến nay.

Đoàn chiến hạm bao gồm chiếc Hàng không mẫu hạm John C. Stennis, hai Chiến hạm, hai Tuần dương hạm, nằm trong số tàu chiến của Đệ Thất Hạm đội. Họ đã có mặt ở những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây trái phép trong thời gian qua.

Đây cũng là việc thách thức nghiêm trọng nhất từ trước đến nay của Hải quân Hoa Kỳ về vụ việc này. Hoa Kỳ muốn diễu võ dương oai để cảnh cáo Trung Quốc rằng, Hoa Kỳ đã nhất quyết không thể làm lơ để họ mặc tình thao túng được.

Hoa Kỳ dường như đã không thể từ tốn trong việc triển khai quân đội vào vùng tranh cãi này, qua tính cách nghiêm trọng mà Trung Quốc đã làm trong thời gian 2 tuần lễ qua, sau việc họ mang Hỏa tiễn phòng không và những đài Radar đến những hòn đảo xây dựng trái phép.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cho những chiếc tàu chiến và máy bay các loại hoạt động thường xuyên hơn, qua khắp vùng biển Nam Hải, cũng như chúng tôi đã từng làm thế suốt mấy thập niên qua - Đề đốc Hải quân Clay Doss tuyên bố.

Các bình luận gia quân sự cho rằng đây là tầm mức rất quan trọng khi Hải quân Hoa Kỳ kéo ồ ạt đến đây vào thời điểm này.

Việc đem cùng một lúc nhiều chiến hạm đến khu vực cũng là một thách thức lớn đến nhà cầm quyền Bắc Kinh về việc bành trướng quân sự của Trung Quốc trong vùng.

Nó cũng nói lên sự quyết định dứt khoát của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ luật Tư do Hàng hải cũng như để bảo vệ quyền lợi của các quốc gia đồng minh dưới áp lực bành trướng của Bắc Kinh.

Chờ coi thái độ của Trung Quốc ra sao trong những ngày sắp tới… Có lẽ tiếp tục... quan ngại chăng???

*** TIN CẬP NHẬT: Sau khi tin này được thông báo trên báo chí Mỹ thì ông Tư lệnh Hải quân ở Thái Bình Dương Adm. Harry Harris, lại lên tiếng thêm rằng, chỉ trong nay mai sẽ có 3 quốc gia khác cùng HQ Hoa Kỳ xách tàu chiến của họ đi diễu hành trong khu vực này. Đó là Úc, Nhật và Ấn Độ... hổng mời Việt Nam sao ta?

clip_image001

Chiếc HKMH Stennis này đã ra khơi tiến về biển Đông từ Tiểu bang Washington ngày 15 tháng 1 vừa qua.

G.P.

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?

fbid=1302900523057314&set=a.508054802541894.129555.100000121376041&type=3

2. Mỹ tăng cường tuần tra ở Biển Đông

clip_image002Hàng không mẫu hạm John C. Stennis được điều từ Washington tới Biển Đông

Hoa Kỳ điều hàng không mẫu hạm cùng nhiều tàu chiến vào Biển Đông, nơi nước này nói Trung Quốc đang 'tăng cường quân sự'.

Các nguồn tin cho hay hàng không mẫu hạm John C. Stennis cùng hai khu trục hạm, hai tuần dương hạm và tàu chỉ huy thuộc Hạm đội 7 đã được đưa vào khu vực biển đang có tranh chấp này trong những ngày gần đây.

Nguồn tin từ Hải quân Mỹ cho hay hai tuần dương hạm là Antietam và Mobile Bay, và hai khu trục hạm là Chung-Hoon và Stockdale.

Tàu chỉ huy Blue Ridge, nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội 7, cũng đang hiện diện trong khu vực và trên đường tới Philippines.

Hàng không mẫu hạm John C. Stennis rời Washington hôm 15/1 và tới Biển Đông hôm 1/3. Trong khi đó các khu trục hạm và một tuần dương hạm đã tới Tây Thái Bình Dương từ 4/2.

Tuần dương hạm Antietam thì đã đóng căn cứ sẵn tại Nhật Bản.

Cùng với đội tàu nói trên là hàng nghìn lính thủy.

Báo Washington Post dẫn lời Phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Clay Doss nói tuần dương hạm John C. Stennis đang thực hiện chuyến tuần tra thường kỳ ở Biển Đông.

Ông này cũng khẳng định Hải quân Mỹ sẽ thường xuyên xuất hiện ở Biển Đông. Riêng năm ngoái, các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương đã có 700 ngày hoạt ̣động trong khu vực này.

Tuần trước, hai tàu chiến khác là USS McCambell và USS Ashland cũng đã tuần tra Biển Đông.

Hiện chưa rõ liệu tàu chiến Hoa Kỳ có thực hiện hoạt động được gọi là Bảo đảm tự do lưu thông hành hải (Fonop) hay không.

Hai đợt Fonop hồi năm ngoái của Mỹ đã khiến Trung Quốc vô cùng tức giận vì các tàu Mỹ đã áp sát khu vực 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc đang xây cất.

Bắc Kinh gọi đây là hành động "khiêu khích".

clip_image003Người phát ngôn Lê Hải Bình

Trong một diễn biến có liên quan, tại cuộc họp báo chiều 3/3 ở Hà Nội, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Ông Lê Hải Bình cũng cho hay cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu kỹ nội dung của thông báo mời thầu mà Trung Quốc công bố mới đây đối với các lô dầu khí ở Biển Đông, biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải.

Hiện Việt Nam còn đang xác định liệu các lô dầu khí mời thầu này có nằm trong vùng biển của Việt Nam hay vùng biển chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không.

Ông Bình nói tại cuộc họp báo: "Lập trường nhất quán của Việt Nam là tại khu vực mà hai nước đang đàm phán, phân định đối với vùng biển thực sự chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thì theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không một bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò khai thác dầu khí".

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/03/160304_us_ship_scs

3. Mỹ đã 'điểm huyệt' TQ trên Biển Đông?

clip_image004 Đại sứ, TS. Nguyễn Ngọc Trường cho rằng Hoa Kỳ đã 'điểm huyệt' Trung Quốc trên Biển Đông trong năm 2016.

Không phải là Hoa Kỳ đã sao nhãng vấn đề của châu Á - Thái Bình Dương do kỳ tranh cử Tổng thống ở trong nước, mà nước này vẫn theo sát các động thái, diễn biến ở khu vực, và đặc biệt đã 'điểm huyệt' Trung Quốc trên Biển Đông.

Đó là ý kiến của Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD), tại Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC.

Bình luận về điều được cho là bước chuyển mới vào một giai đoạn mới trong chiến lược và chính sách 'xoay trục' của Mỹ ở khu vực, ông Nguyễn Ngọc Trường nói:

Tôi rất chú ý tới sự kiện là (Mỹ) bắt đầu đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa với Hàn Quốc, tôi cho rằng đó là một biện pháp, một cái điểm huyệt đầu tiên của Mỹ đối với Trung Quốc trong chuyện chuyển trục sang châu Á

Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường

"Tôi thấy hiện nay, nước Mỹ không phải là vì những vấn đề chính trị nội bộ mà ít chú ý hơn đến vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, mà theo tôi từ tháng Hai năm 2016 đến nay, rõ ràng là đã có những chuyển động trong Bộ Quốc phòng, trong Hội đồng Tham mưu Liên quân, trong Bộ Tư lệnh của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

"Cho thấy rằng nước Mỹ đang chuyển, đang bước vào giai đoạn hai của chính sách xoay trục sang châu Á.

"Và tôi rất chú ý tới sự kiện là (Mỹ) bắt đầu đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa với Hàn Quốc, tôi cho rằng đó là một biện pháp, một cái điểm huyệt đầu tiên của Mỹ đối với Trung Quốc trong chuyện chuyển trục sang châu Á".

Tiếp tục can dự

clip_image005

Nhà báo Đỗ Thông Minh cho rằng Nhật Bản và các quốc gia bị chính sách 'bành trướng' của Trung Quốc tác động trong đó có Việt Nam, Philippines đang học hỏi lẫn nhau trong ứng phó.

Khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục can dự tới châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường từ Hà Nội nói thêm:

"Và ngoài tuyên bố của ông (Aston) Carter (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) là trọng tâm chuyển sang châu Á, chúng tôi (Mỹ) đầu tư nhiều hơn cho châu Á, sẽ có ngân sách nhiều hơn cho châu Á, ông Đô đốc (Harry) Harris (Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ) thì sẽ nói rằng là sẽ đề nghị hải quân Mỹ chuyển thêm tàu chiến, chuyển thêm tên lửa, chuyển thêm các phương tiện chiến tranh sang châu Á.

"Nhưng mà ngày 17/2 vừa rồi, không quân Hoa Kỳ đã ký một hiệp định là nhận, chuẩn bị các căn cứ dự phòng cho không quân Mỹ, trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc.

"Trước đây, tên lửa của Trung Quốc trưng ra là có thể bắn đến 4.800 cây số tới Guam, giống như (Mỹ) ngày xưa đối phó với Liên Xô, thế thì các nhà quân sự Mỹ đang chuẩn bị phòng một cuộc xung đột mới với Trung Quốc, thì có thể bảo toàn được lực lượng không quân và hải quân của mình.

Sự bành trướng của Trung Quốc thì vô hình trung là đẩy các nước lại gần với nhau. Nhật Bản ngày xưa cũng từng xâm chiếm Philippines và Việt Nam, thì cũng coi như là loại kẻ thù cũ, nhưng mà hôm nay ở một mức độ nào đó trở thành đồng minh

Nhà báo Đỗ Thông Minh

"Cho nên tôi nghĩ rằng, thứ nhất là nước Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới của chính sách xoay trục, bắt đầu tôi nghĩ là từ tháng Hai. Và thứ hai chính là lợi ích quốc gia của Mỹ sẽ quyết định là Mỹ phải tiếp tục can dự và dính líu đến khu vực này.

"Tôi đã từng nói với các bạn Mỹ rằng là dù các ông một lúc nào đó rời bỏ châu Á, nhưng châu Á không rời bỏ các ông, bởi vì đây là kinh nghiệm của những năm 1935 cho đến năm 1939, đến trước khi xảy ra Trân Châu Cảng, khi (đó) chính quyền Roosevelt tìm cách cản trở nước Nhật bành trướng, cuối cùng thì nước Nhật vẫn đánh Trân Châu Cảng.

"Cho nên đấy là bài học (rằng) nước Mỹ dù có rút ra khỏi vùng Tây Thái Bình Dương thì châu Á và Tây Thái Bình Dương vẫn theo sát vào nước Mỹ", Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh.

Học hỏi đối phó

Từ Tokyo, nhà báo Đỗ Thông Minh trả lời câu hỏi các nước bị tác động trước chính sách được cho là 'bành trướng' và 'lấn lướt' của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam, có thể học hỏi được gì từ cách thức mà Nhật Bản đã và đang đối phó với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, ông nói:

"Tất cả các nước chung quanh Trung Quốc, với sự bành trướng của Trung Quốc thì vô hình trung là đẩy các nước lại gần với nhau.

"Nhật Bản ngày xưa cũng từng xâm chiếm Philippines và Việt Nam, thì cũng coi như là loại kẻ thù cũ, nhưng mà hôm nay ở một mức độ nào đó trở thành đồng minh.

clip_image006

GS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc chờ đợi Hoa Kỳ sẽ đơn phương hành động sẽ là một sai lầm đối với các nước ở châu Á trong đối phó với Trung Quốc.

"Và vì vậy cho nên vì vấn đề an toàn của Nhật Bản cũng như với sự hậu thuẫn của Mỹ, thì tình hình Nhật Bản càng ngày càng gia tăng quốc phòng và gia tăng sự hiện diện, chúng tôi cũng không hiểu rằng trong tất cả các nước trong thời gian 5-10 năm qua đều gia tăng quốc phòng, và sự hiện diện quân sự lớn lao như vậy thì không biết một ngày nào đó có xảy ra một sự đụng độ hay không.

"Thành ra Nhật Bản rất là quan tâm và học hỏi lẫn nhau, và điều học hỏi lớn nhất đối với người Việt Nam... thì có lẽ là phải nhìn chuyện Philippines can đảm đứng ra kiện và Tòa án Trọng tài đã xác nhận rằng họ có thẩm quyền để xử vụ này.

"Cũng như mới đây chúng ta thấy cuộc biểu tình ở tại Philippines cũng có người Việt và một số quốc gia khác tham gia, thì bên Philippines họ thoải mái biểu tình chống Trung Quốc, chứ không phải nửa cho phép, nửa ngăn chặn như là ở Việt Nam".

Một điều sai lầm

Sự can thiệp của Mỹ ở Á Châu tùy thuộc vào sự đóng góp của Á Châu, Mỹ không có làm một mình, thành ra việc cứ mong muốn Mỹ làm một mình là một điều rất sai lầm

GS. Nguyễn Mạnh Hùng

Từ Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia bang giao quốc tế thuộc Đại học George Mason, dự đoán khả năng có động thái mới của Trung Quốc từ nay đến cuối năm 2016 và bình luận về điều mà ông gọi là 'sai lầm' nếu các quốc gia ở châu Á quá trông cậy vào sự đơn phương hành động của Mỹ trước Trung Quốc.

Ông nói: "Về chuyện vùng nhận diện phòng không, thì tôi thấy triển vọng xảy ra rất thấp.

"Là bởi vì nếu như vậy, ông ấy (Trung Quốc) phải (bao phủ) một vùng rất là lớn, sẽ hoàn toàn bị xâm nhập.

"Người ta sẽ chống lại ngay lập tức và họ sẽ sẵn sàng chống một cách rất dễ dàng, thành loại bỏ cái đó ra.

"Thành ra tôi nghĩ Trung Quốc, ảnh hưởng của họ sẽ tùy thuộc vào cán cân lực lượng ở vùng Á Châu - Thái Bình Dương, nếu cán cân thuận lợi, thì có thể đến một sự tương nhượng nào đó, còn nếu không thuận lợi, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục (bước) tiến của họ.

"Và để bổ túc cho việc ông (Nguyễn Ngọc) Trường nói, tôi nghĩ rằng Á Châu không nên lạc quan về việc Mỹ cứ phải liên lạc về Á Châu, bởi vì Mỹ có nhiều chọn lựa hơn là những nước ở Á châu.

"Hiện nay chúng ta thấy sự can dự nhiều hơn ở Á Châu, là nhờ phản ứng của các quốc gia ở Á Châu, ví dụ Nhật là tăng cường khả năng phòng thủ của họ, Philippines, Malaysia cũng đóng góp thêm.

clip_image007

Nhà báo Vincent Ni (trái) cho rằng Trung Quốc sẽ phải tính toán kỹ trước khi tuyên bố vùng ADIZ ở Biển Đông trong năm 2016.

"Thì cái đó chúng ta thấy sự can thiệp của Mỹ ở Á Châu tùy thuộc vào sự đóng góp của Á Châu, Mỹ không có làm một mình, thành ra việc cứ mong muốn Mỹ làm một mình là một điều rất sai lầm", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với BBC.

Mở ADIZ hay không?

Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc trong năm 2016 có tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hay là không, nhà báo Vincent Ni từ Ban BBC Tiếng Trung nói với Tọa đàm:

"Khó mà nói là động thái kế tiếp của Trung Quốc sẽ là gì.

Khó mà nói là động thái kế tiếp của Trung Quốc sẽ là gì. Có thể là Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng ADIZ, nhưng trong bối cảnh tranh cãi gây ra vào năm 2014, khi Trung Quốc làm điều đó ở biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ về điều đó cẩn thận hơn

Nhà báo Vincent Ni, BBC Tiếng Trung

"Có thể là Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng ADIZ, nhưng trong bối cảnh tranh cãi gây ra vào năm 2014, khi Trung Quốc làm điều đó ở biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ về điều đó cẩn thận hơn.

"Chỉ trong vài tháng tới, Tòa án Quốc tế ở La Haye sẽ ra kết luận về phiên tòa trọng tài mà Philippines đệ đơn. Do đó, từ nay đến cuối năm, mọi sự có thể khá là khó dự đoán.

"Tôi nghĩ rằng đối với cả Trung Quốc và Philippines, các tháng tới sẽ là quan trọng. Nói cách khác, sẽ vẫn có một cửa sổ hy vọng cho tới giữa năm nay để cho hai bên cùng ngồi xuống và tìm một giải pháp mà cả hai bên sẽ có lợi."

Và sau tọa đàm, nhà báo Vincent Ni nói thêm với BBC Việt ngữ:

"Và tất nhiên, thái độ của Washington sẽ cũng rất quan trọng. Toàn bộ cuộc tranh chấp không chỉ giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng, nó cũng liên quan tới Hoa Kỳ.

"Chúng ta không biết ai sẽ là chủ nhân kế tiếp của Tòa Bạch Ốc cho tới cuối năm nay, do đó đây cũng có thể là một biến số," Vincent Ni nói thêm.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/160303_hangout_china_biendong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn