Cuộc chiến truyền thông: ai dối trá?

Chu Mộng Long

... chỉ có thể thốt lên: Dối trời lừa người đủ muôn nghìn kế! – Chu Mộng Long

Đất nước dùng tư liệu giả thì dân tộc chưa trưởng thành được.

Thảm họa môi trường vừa rồi được đưa ra ánh sáng nhờ có các cơ quan truyền thông nhanh nhạy, chuyên nghiệp và có trách nhiệm với dân với nước. Để đối phó lại, một số cơ quan đã sử dụng những tư liệu dối trá. Báo địa phương đặt dưới sự chỉ đạo của cơ quan tuyên huấn tỉnh hành xử rất thiếu tính chuyên nghiệp, chuyện ấy chẳng nói làm gì, nhưng ngay cả một số tờ báo trung ương có lịch sử lâu đời, có đội ngũ đông đảo và tiêu tốn ngân sách kinh khủng cũng sử dụng tư liệu giả để chống lại sự thật.

Luật pháp và xã hội chúng ta chưa nghiêm khắc với việc sử dụng tư liệu giả để thông tin và lập luận. Còn hơn cả đạo đức nghề nghiệp, việc sử dụng tư liệu giả là một cách thức khinh bỉ con người, muốn điều khiển con người, nô dịch trí tuệ con người. Chừng nào đất nước còn sử dụng tư liệu giả thì dân tộc chưa thể trưởng thành được.

Đoàn Lê Giang

Biển chết quằn quại là sự thật không thể chối cãi. Cái người dân cần minh bạch lúc này là những thứ nấp đằng sau sự thật. Kẻ nào đã gây ra cảnh chết chóc đầy thảm họa này? Biết để khắc phục và ngăn chặn hậu họa. Mọi sự che giấu đều là tội ác trời không dung.

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải điều tra, vạch trần chân tướng đằng sau sự thật đã phơi bày.
Vậy mà, đến lúc này vẫn còn nhiều kẻ tuyên truyền che giấu luôn cả sự thật hoặc tìm cách đánh loãng thông tin để lừa bịp.

Việc chậm trễ đến sau hơn 20 ngày cá chết mới lấy mẫu thử nghiệm rồi công bố chỉ số an toàn trong ngưỡng cho phép của nước biển thì có ý nghĩa gì? Ngay cả việc lãnh đạo tắm biển, ăn cá cho dân xem để chứng minh biển không có độc tố cũng không giải quyết được điều gì! Chẳng nhẽ tất cả thông tin này nhằm mục đích để chuẩn bị cho một kết luận cuối cùng, rằng hàng tấn tấn cá chết trước đó không do độc tố trong nước biển? Không do độc tố thì là do đâu? Chẳng nhẽ nói ngộ nghĩnh theo trẻ con là vì vui quá lũ cá sặc nước mà chết?
Lạ nhất là, có bạn phát hiện báo Nhân dân lấy một tấm ảnh đưa vào photoshop cho tăng màu đỏ từ mặt nước đến bờ đất, thân cọc để tuyên truyền về thủy triều đỏ ở Nghệ An nhằm đánh lạc thông tin mà quên rằng thủy triều đỏ cũng là sản phẩm của sự ô nhiễm chứ không hề thuần túy tự nhiên. Tại đây:
http://www.nhandan.com.vn/…/29385902-thuy-trieu-do-xuat-hie….

clip_image001

Dư luận xôn xao nhất là thí nghiệm sau 2 phút cá chết của phóng viên Bá Thăng VTC. Truyền hình Hà Tĩnh cho quân đến tại nhà hàng Lý Hộ để phỏng vấn bà chủ nhà hàng và cho rằng đã vạch trần được sự dối trá trong thí nghiệm của Bá Thăng và khẳng định "cá, mực ở Vũng Áng vẫn sống"! Có lẽ cách làm này muốn phủ nhận luôn hàng chục tấn cá nuôi bè chết trước đó mà các báo đã loan tin? Và thật lạ là có nhiều người tin bà chủ nhà hàng đã nói thật để tố cáo VTC. Cơ quan chức năng còn đánh công văn đe dọa VTC mới kinh. Tại đây:
http://baohatinh.vn/…/video-ca-chet-sau-2-phut-c…/112958.htm

Thật buồn cười cho nhóm phóng viên Hà Tĩnh. Lời nói ấp a ấp úng như đang ngậm đồ cúng. Tố người thành ra tự tố mình. Bà chủ đã nói là Bá Thăng của VTC chỉ lấy nước tại đây rồi mang nước đi nơi khác để thí nghiệm, còn đi đâu bà không biết, không thấy. Thế mà sau đó lại mớm được vào miệng bà ta là 2 con cá Bá Thăng mang ra thí nghiệm chính là cá nước ngọt! Tại đây:
https://www.youtube.com/watch?time_continue=6&v=lwbkheiPjrs.

Đúng là ngu vượt quá giới hạn. Nhiều người tin theo mới chứng tỏ bệnh ngu có khả năng lây lan. Ngu như thế thì đến lúc trúng độc chết là vừa!

Xem phản hồi của VTC để biết ai dối trá. Dù sao cũng chúc mừng bà chủ Lý Hộ trong lúc ế khách đã có được tiền... từ trên trời rơi xuống. Phản hồi của Bá Thăng và VTC đây:
https://www.facebook.com/HaTinh24h/videos/1077290819010412/

Đến đây chỉ có thể thốt lên: Dối trời lừa người đủ muôn nghìn kế!

C.M.L.

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=269241440085101&id=100009977416332

Phụ lục:

1. Bộ trưởng Y tế: “Hải sản tươi sống ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đều an toàn”

Mạnh Nguyễn

BizLIVE - “Tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, Bộ Y tế đã lấy mẫu nhiều loại hải sản tươi sống do ngư dân đánh bắt về như: tôm, cá, ốc, sò, mực, một số loại rau để phân tích thì các chỉ số đều an toàn đối với sức khỏe con người...”.

clip_image002

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng, nhiều lãnh đạo các ngành của địa phương cùng ngư dân đã mua cá và ăn món cá ngừ luộc mà tàu ngư dân đưa về.

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại cuộc họp với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết bất thường, ngày 1/5.

Cuộc họp có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, và Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an, Quốc phòng; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và 5 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, Bộ Y tế đã lấy mẫu nhiều loại hải sản tươi sống do ngư dân đánh bắt về như tôm, cá, ốc, sò, mực, một số loại rau để phân tích.

Kết quả đo được thì các chỉ số đều an toàn đối với sức khỏe con người.

“Thông tin rất quan trọng là hải sản tươi sống đều an toàn. Riêng các mẫu hải sản ở Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế ngày 2/5 sẽ có kết quả”, bà Tiến cho biết.

Trả lời câu hỏi đối với các vùng nuôi trồng thuỷ, hải sản có lấy nước biển vào nuôi được không, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, qua phân tích cho thấy những chỉ tiêu cơ bản thì bảo đảm an toàn, tuy nhiên cũng cần chú ý theo dõi chặt để đề phòng các diễn biến bất thường.

Về vấn đề ngư dân quan tâm là có thể đánh bắt hải sản ở khu vực nào, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước hết là vùng biển khơi, cách bờ từ 20-30 hải lý trở lên.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã thông báo kết quả phân tích mẫu nước ở một số bãi tắm đều nằm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Sở Công thương Hà Tĩnh công bố đường dây nóng hỗ trợ thu mua cá theo số điện thoại 0393.950888 hoặc 0393.608967.

Chiều 30/4, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cùng các công chức tắm biển, ăn hải sản tại biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên).

Trưa 1/5, Phó chủ tịch Hà Tĩnh Dương Tất Thắng đã tiếp cán bộ đến từ Bộ Y tế gồm Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục Quản lý môi trường bằng hải sản cũng tại bãi biển này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng, nhiều lãnh đạo các ngành của địa phương cùng ngư dân đã mua cá và ăn món cá ngừ luộc mà tàu ngư dân đưa về.

M.N.

Nguồn: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-truong-y-te-hai-san-tuoi-song-o-ha-tinh-quang-binh-deu-an-toan-1702214.html

2. Trên 1.000 cán bộ TP Đà Nẵng sẽ ăn cá vào buổi trưa

LÊ PHI

(PLO)- Đó là chỉ đạo của ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) vừa đưa ra để khuyến khích việc tiêu thụ hải sản khi ngư dân đang gặp khó khăn.

Ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đã có văn bản yêu cầu Văn phòng UBND TP Đà Nẵng bắt đầu từ ngày 5-5 phải yêu cầu bộ phận căn tin tại trung tâm hành chính sử dụng hải sản để chế biến các món ăn phục vụ cán bộ, công chức ăn trưa.

Theo đó, hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức TP, trong đó có cả Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ và giám đốc các sở, ban ngành sẽ ăn cá tại căn tin này trong ít nhất một tuần, kể từ ngày 5-5.

Ông Thơ cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Y tế, TN&MT, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng khẩn trương hướng dẫn ngư dân vùng khai thác hải sản, quản lý chặt các phương tiện đánh bắt hải sản, bảo đảm việc đánh bắt ở các vùng biển không nghi ngờ về ô nhiễm nguồn nước.

clip_image003
Ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) thăm hỏi tình hình đánh bắt cá của ngư dân đang gặp khó khăn. Ảnh: LÊ PHI

Bên cạnh đó xác lập quy định, quy trình để quản lý chặt chẽ các nguồn hải sản nhập vào TP Đà Nẵng phải đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Lập thủ tục cần thiết để xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở khai thác, thu mua, chế biến hải sản trên địa bàn TP bắt đầu từ ngày 4-5.

Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các quận/huyện và các đơn vị liên quan quản lý hải sản tại các chợ và các điểm tiêu thụ khác cho bà con ngư dân; có biện pháp hỗ trợ cho hoạt động này của các doanh nghiệp.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản trên địa bàn để bàn biện pháp đẩy mạnh thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản.

clip_image004
Ông Đặng Việt Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, áo trắng bên trái) cùng các lãnh đạo sở, ban ngành ăn hải sản để khuyến khích tiêu thụ cho ngư dân tại lễ hội ẩm thực. Ảnh: LÊ PHI

Ông Thơ yêu cầu các doanh nghiệp không được lợi dụng tình hình để ép giá, gây khó khăn cho bà con ngư dân. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền đến ngư dân tuyệt đối không đổ cá chết xuống sông, biển gây ô nhiễm nguồn nước, tạo tâm lý hoang mang dư luận xã hội...

Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, Sở Công Thương tham mưu UBND TP có hướng hỗ trợ khó khăn cho bà con ngư dân vào thời điểm này. Sở VH-TT&DL tổ chức Tuần lễ ẩm thực hải sản khuyến mãi vào đầu tháng 5-2016 với tổng kinh phí thực hiện là 500 triệu đồng. Sở có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, lập thủ tục thanh toán đúng quy định.

Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập sản phẩm khai thác hải sản ở các tỉnh phía Bắc vào TP Đà Nẵng. Hình thành các điểm bán hải sản tập trung tại các chợ và vài địa điểm lưu động trên địa bàn TP bắt đầu từ ngày 4-5.

clip_image005
Những mớ cá tươi rói như thế này sẽ được kiểm tra trước khi đưa đến bàn ăn của người dân. Ảnh: LÊ PHI

Ông Thơ cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, chủ tịch UBND các quận/huyện theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm vận động, tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tiêu thụ sản phẩm hải sản có nguồn gốc, xác nhận đảm bảo an toàn của Sở NN&PTNT.

Sở TN&MT tiếp tục quan trắc, lấy mẫu nguồn nước biển và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Giao UBND các quận ven biển như Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn theo dõi địa bàn quản lý; chủ trì, phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tổ chức lực lượng ra quận dọn vệ sinh môi trường ở các bãi biển và hoàn thành trước ngày 10-5.

L.P.

Nguồn: http://plo.vn/thoi-su/tren-1000-can-bo-tp-da-nang-se-an-ca-vao-buoi-trua-626709.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn