“Cá chết Formosa Hà Tĩnh”: Nên ra tòa hay thương lượng?

Trần Thành

Vụ việc Vedan Đồng Nai kéo dài, và số tiền đền bù như thỏa thuận sau đó đã không đến tay người dân đầy đủ. Đây là những việc rất cần có những đánh giá minh bạch để cân nhắc lựa chọn việc khởi kiện Formosa Hà Tĩnh ra tòa, hay chấp nhận thương lượng “song phương” ngoài tòa.

clip_image002

Vì sao nên chọn tòa án?

Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 3-2-2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự về chứng minh, chứng cứ thì các bên phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Chứng minh và đưa ra chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp. Do đó, các bên đều có quyền đưa ra những mức thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại khác nhau, phụ thuộc vào ý chí và các chứng cứ thu thập được. Một bên có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận mức độ thiệt hại do bên kia đưa ra. Trong trường hợp các bên không thống nhất được thì phải trưng cầu giám định.

Trong trường hợp phải trưng cầu giám định thì việc lựa chọn cơ quan giám định phải được sự đồng thuận của của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường. Trường hợp không thống nhất được thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.

Theo những quy định này thì việc trưng cầu giám định thiệt hại trong “vụ việc Formosa Hà Tĩnh” cần có sự đồng thuận của bên bị thiệt hại (cơ quan nhà nước đại diện cho lợi ích về môi trường, các hộ gia đình bị thiệt hại hoặc người đại điện theo ủy quyền của các hộ gia đình bị thiệt hại) và chủ thể gây hại - Công ty Hưng Thịnh Formosa. Trong trường hợp không thống nhất được thì cơ quan trưng cầu giám định thiệt hại là tòa án nhân dân thụ lý, giải quyết tranh chấp này. Những giám định thiệt hại không tuân thủ quy định này không trở thành chứng cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp nhưng có thể là căn cứ tham khảo khi các bên tự thương lượng.

Như vậy, chọn tòa án là nơi giải quyết tranh chấp, người dân sẽ có lợi là đội ngũ luật sư sẽ đại diện để thực hiện tất cả các bước quy trình tố tụng; đồng thời cũng giúp minh bạch tất cả các khoản thiệt hại và đền bù hơn rất nhiều so chuyện ngồi thương lượng.

Đối với thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, Điều 181 Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định không được hòa giải trong trường hợp yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Theo tinh thần của quy định này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không được thỏa thuận về mức bồi thường với Công ty Hưng Thịnh Formosa mà phải khởi kiện tại tòa án. 

Một vài vấn đề đặt ra từ “vụ việc Vedan”

Công luận đang đặt câu hỏi là căn cứ vào đâu để Chính phủ Việt Nam chấp nhận số tiền đền bù là 500 triệu USD từ Công ty Hưng Thịnh Formosa? Liệu có một thỏa thuận nào khác không được công bố trong vụ việc? Băn khoăn này nhất thiết phải được đặt ra như điều kiện tiên quyết.

Như đã trình bày ở trên, đối với những tranh chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường, người bị hại là người dân thường có vị thế yếu thế hơn so với người gây hại. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nghiên cứu. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này phải dựa trên lợi ích của người dân và không thể xâm phạm tới quyền tự định đoạt của các đương sự trong mối quan hệ dân sự.

Ở vụ việc Vedan Đồng Nai, người ta nhận ra rằng các cơ quan quan lý nhà nước cũng như của Hội nông dân đã can thiệp quá sâu vào quyền định đoạt của các bên tranh chấp. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa những người dân bị thiệt hại với Công ty Vedan hôm qua, và Formosa Hà Tĩnh hiện tại là tranh chấp dân sự. Các ý kiến, kể cả bằng hình thức văn bản, của cơ quan hành chính nhà nước được nhìn nhận là những gợi ý, những ý kiến của người thứ ba trong quan hệ tranh chấp nhằm tìm ra những phương án giải quyết chứ không phải là những quyết định mang tính chất quyền lực buộc các bên tuân thủ.

Hội Nông dân được hiểu là tổ chức đại diện cho lợi ích của người nông dân. Khi lợi ích của người nông dân bị xâm hại thì tổ chức này có trách nhiệm, trong chức năng quyền hạn của mình, giúp hội viên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, diễn biến vụ việc Vedan trong quá khứ, và Formosa Hà Tĩnh hiện tại cho thấy tiếp tục tình trạng Hội Nông dân “chờ đợi ý kiến chỉ đạo” của cơ quan hành chính nhà nước và do đó có thể chưa thực hiện đúng, đủ và hết chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ theo Điều lệ Hội Nông dân.

Việc hình thành những liên minh các văn phòng luật sư để cùng giúp người dân kiện Formosa Hà Tĩnh ra tòa, được đánh giá là một giải pháp phù hợp và đã được khởi động tại Hà Nội và Sài Gòn.

T.T.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/07/vntb-ca-chet-formosa-ha-tinh-nen-ra-toa.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn