“Chúng tôi có thể nghĩ tới việc kiện tụng, nhưng chúng tôi lại muốn để nước khác làm việc này”

Lê Dung

Trong một cuộc trả lời báo giới đầu tháng 7/2016, Giáo sư Carlyle A. Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc nhận định một cách mát mẻ: Việt Nam sẽ có lập trường theo kiểu “chúng tôi có thể nghĩ tới việc kiện tụng, nhưng chúng tôi lại muốn để nước khác làm việc này”. Việt Nam luôn luôn thận trọng và thực dụng, cân nhắc cách tiếp cận có lợi nhất.

clip_image002

Giáo sư Carlyle A. Thayer (ảnh datviet.com)

Thực vậy, ngay cả cái tát mang tên Hải Dương 981 vào giữa năm 2014 cũng không thể khiến giới lãnh đạo Hà Nội tỉnh ngộ. Thói đu dây như ăn vào tận xương tủy đã hiến chính thể Việt Nam tự đào hố chôn mình. Tất cả những gì được gọi là “kiện Trung Quốc” mà giới chức Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng giới Đảng Nguyễn Phú Trọng lúc đó tuyên rao té ra chỉ là đầu môi chót lưỡi. Cuối cùng thì Philippines mới là quốc gia thật sự đi bằng chân chứ không phải bằng đầu gối.

Ngày 12/7 đang đến rất gần – thời điểm mà Tòa án Quốc tế ở The Hague sẽ ra phán quyết mang tính quyết định về “đường lưỡi bò 9 đoạn” do Trung cộng đơn phương vẽ ra ở Biển Đông.

Vậy Trung cộng có thể hành xử ra sao sau phán quyết ngày 12/7?

Nhận định mới nhất về thuộc về Harry J. Kazianis, một chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, Mỹ, đăng trên tờ Asia Times, với 3 kịch bản về hành động của Trung cộng sau khi tòa ra phán quyết.

Kịch bản thứ nhất là Trung cộng sẽ không có phản ứng quyết liệt. Bắc Kinh chỉ đơn giản đưa ra tuyên bố nói Biển Đông là vùng biển chủ quyền của mình và để sự kiện trôi qua. Có thể cho đây là kịch bản êm dịu nhất.

Kịch bản thứ hai là Bắc Kinh thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Hành động đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông có thể gây ra một cuộc khủng hoảng khu vực khiến nhiều bên trên khắp châu Á phải nhập cuộc. Washington sẽ phải phản ứng và có thể không chỉ bằng một hoặc hai chuyến bay của oanh tạc cơ chiến lược B-52.

Kịch bản thứ ba là Trung cộng có những hành động theo kiểu “tôi muốn làm gì thì làm”. Nếu cho rằng triển khai ADIZ là chưa đủ và muốn đi xa hơn, Trung cộng có thể quyết định gia tăng sức ép ở tất cả điểm nóng tại châu Á. Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể tăng cường đáng kể các cuộc tuần tra hải quân và không quân ở biển Hoa Đông, bất chấp sự phản đối của Nhật Bản. Ngoài ra, Trung cộng có thể bắt đầu các dự án khai thác dầu và khí đốt tại khu vực này.

Nhưng theo chuyên gia Kazianis thì dù với kịch bản nào, có vẻ như Biển Đông sẽ đón một vài tháng tới đầy căng thẳng.

Trở lại sự mát mẻ của Giáo sư Carlyle A. Thayer, chế độ chính trị bị coi là “khôn lỏi” ở Việt Nam đang muốn đóng vai “ngư ông đắc lợi”. Thế nhưng rất có thể tính toán tủn mủn đầy ích kỷ đó sẽ rất sai lầm. Philippines dù là một nước nhỏ nhưng lại là đồng minh quân sự của Mỹ. Còn Việt Nam dù có hàng chục “đối tác chiến lược” trên thế giới nhưng thật sự chẳng có một đồng minh quân sự nào, và cũng chẳng cói ai là bạn. Vụ việc Hải Dương 981 đã cho thấy thực tế quá chua chát đó: không một nước nào, kể cả Nga, chìa tay cho Việt Nam.

L.D.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/07/vntb-chung-toi-co-nghi-toi-viec-kien.html

Phụ chú:

Biển Đông: Việt Nam và phán quyết của Tòa Trọng tài

RFI

clip_image004

Trụ sở Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, La Haye, Hà Lan (wikipedia.org)

Ngày 12/07/2016, Tòa án Trọng tài thường trực La Hay ra phán quyết trong vụ Philippines kiện các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Vậy Việt Nam sẽ phản ứng ra sao? Sau đây là nhận định của Giáo sư Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, khi trả lời các câu hỏi của báo giới, ngày 03/07.

1. Theo Giáo sư, Việt Nam theo dõi vụ kiện này ra sao?

Việt Nam theo dõi rất sát sao vụ kiện lên Tòa án Trọng tài thường trực La Hay. Trong vụ này, Việt Nam đã đệ trình lên Tòa một tuyên bố về các quyền lợi của mình và đã được phép gửi quan sát viên đến theo dõi các phiên điều trần. Việt Nam cũng đã chính thức tuyên bố là Tòa có thẩm quyền trong vụ kiện này.

Việt Nam cũng theo dõi xem các thủ tục này ảnh hưởng ra sao đến ổn định tại Biển Đông. Mọi đối đầu về chính trị-ngoại giao hoặc trên một lĩnh vực nào khác, sẽ có các tác động tiêu cực đối với môi trường an ninh trực tiếp của Việt Nam.

2. Phán quyết của Tòa có hệ lụy ra sao đối với Việt Nam?

Các cuộc điều trần tại Tòa cho thấy tất cả các nước, dù lớn hay bé, đều có các quyền, chiểu theo luật pháp quốc tế. Việt Nam đã thăm dò khả năng kiện nhưng đã kìm lại, không làm. Thắng lợi của Philippines sẽ mở cửa cho Việt Nam dùng tới điều chỉnh của pháp luật nếu Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn.

Nếu Tòa án Trọng tài giải quyết vấn đề mà Philippines đưa ra qua việc xác định quy chế hợp pháp của các thực thể – đảo, đá, thực thể nửa chìm nửa nổi – thì Việt Nam sẽ chịu áp lực là phải làm rõ quy chế pháp lý các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ. Nếu Việt Nam làm như vậy, thì có thể là sẽ có những vùng biển chồng lấn với Philippines và Trung Quốc. Điều này sẽ tạo cơ sở cho việc phân định vùng biển với Philippines nhưng công việc này sẽ không được Trung Quốc thừa nhận.

3. Trong thời gian sắp tới, liên quan đến những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam sẽ hành động ra sao?

Trong các tuyên bố của mình, Việt Nam khẳng định ủng hộ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Do vậy, Việt Nam sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan hoặc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng và thực hiện các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài hoặc nói một cách ít nhất có thể để tránh làm Trung Quốc nổi giận.

Cho đến nay, các quan chức Việt Nam vẫn tuyên bố rằng kiện tụng là giải pháp cuối cùng. Việt Nam có thể dành ưu tiên cho các cuộc đối thoại song phương với Trung Quốc về các tranh chấp trên biển giữa hai nước mà không liên quan gì đến nước khác.

Việt Nam sẽ có lập trường theo kiểu “chúng tôi có thể nghĩ tới việc kiện tụng, nhưng chúng tôi lại muốn để nước khác làm việc này”. Việt Nam luôn luôn thận trọng và thực dụng, cân nhắc cách tiếp cận có lợi nhất.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160706-bien-dong-viet-nam-va-phan-quyet-cua-toa-an-trong-tai

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn