Giảm nợ công: Bộ Tài chính sẽ càng ‘bóp’ chi cho nông nghiệp và an sinh xã hội?

Lê Dung

Mặc dù không nó thẳng ra, nhưng quan chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đang khiến những đối tượng chỉ biết trông cậy vào đồng lương còm cõi phải lo lắng khôn nguôi.

clip_image001

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (Ảnh: VOV)

Trong một “tâm tư” bộc lộ gần đây trên Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), ông Đinh Tiến Dũng cho rằng một nguyên nhân quan trọng tác động khiến nợ công tăng nhanh là do vào giai đoạn kinh tế suy thoái 2011-2015, chính sách của Chính phủ vẫn đảm bảo vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, nên nhiều chính sách ban hành để chi cho các việc này.

“Vì thế mà tổng chi ngân sách đã méo mó đi so với dự toán, làm cho chi thường xuyên đến hết 2015 đã lên tới 65% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nhu cầu chi đầu tư cho phát triển hạ tầng cũng lớn nên bội chi ngân sách cao, nợ công cũng tăng cao trong 5 năm qua” - ông Dũng kết luận.

Trước đó, đã có nhiều thông tin vừa chính thức vừa ngoài lề cho biết Bộ Tài chính sẽ tìm nhiều cách để “gọt chân cho vừa giày”, tức giảm và thậm chí là giảm đến mức tối thiểu phần chi cho an sinh xã hội và nộng nghiệp, nông dân.

Rất có thể “chủ trương cắt gọt” của Bộ Tài chính đã đi ngược lại nghị quyết của một bộ cao hơn bộ này rất nhiều là Bộ Chính trị, về chính sách ưu đãi nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong thực tế và qua cuộc khủng hoảng cá chết Formosa, xã hội đã quá đủ để nhận ra Nhà nước Việt Nam đã “thực tâm chăm lo cho ngư dân” như thế nào. Trong khi đó, nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với mối nguy hiểm hạn mặn mà chẳng thấy Chính phủ đâu. Nếu đến những năm sau mà nạn hạn mặn tiếp tục hoành hành, dự trữ trong nông dân sẽ cạn kiệt nhanh chóng và sẽ xuất hiện một đợt di cư khổng lồ của hàng triệu nông dân về Sài Gòn, bỏ lại nhiều vùng đất hoang hóa.

Cùng trong thời gian gần đây, chính sách tăng viện phí và giá dịch vụ khám chữa bệnh ở toàn bộ các khu vực tại Việt Nam đã buộc người bệnh phải trả thêm ít nhất 50% chi phí. An sinh xã hội được coi là một ưu việt của “chủ nghĩa xã hội Việt Nam”, nhưng từ nhiều năm qua đã trở thành một món hàng mua bán. Quá nhiều ví dụ về chuyện bệnh nhân chết cay đắng vì không tiền, ngay tại hành lang bệnh viện.

Thế nhưng giới quan chức nắm tay hòm chìa khóa của Chính phủ đã hầu như không quan tâm đến tình cảnh đồng loại. Mang trên mình nhiệm vụ phải thu càng nhiều càng tốt để “bù đắp khó khăn ngân sách” - mà thực chất là bù đắp một phần cho vô số khoản lỗ lã gây ra bởi các tập đoàn kinh tế nhà nước, cùng nạn tham nhũng khủng khiếp từ trung ương xuống các địa phương, vào năm 2015 Bộ Tài chính đã “phát kiến” ra việc thu “phí bảo vệ môi trường” gấp 3 lần, để thu lợi cho ngân sách vài chục ngàn tỷ đồng.

Cũng vẫn quan chức Đinh Tiến Dũng, trong lúc nói bóng gió về việc giảm chi cho an sinh xã hội và nông nghiệp, nông dân, thì lại đòi tăng chi phí cho “đầu tư phát triển”. Trong thực tế, đầu tư phát triển bao gồm nhiều hạng mục công trình, dự án xây dựng cơ bản mà từ rất nhiều năm qua đã trở thành rốn tham nhũng của các nhóm lợi ích.

Ngân sách càng rỗng ruột, người ta càng dễ nhận ra chính sách “luôn quan tâm và chăm lo người dân” của chế độ đã lệch hẳn sang chủ trương bóp nặn dân chúng đến mức tối đa, và chỉ tìm cách ưu đãi những nhóm lợi ích cánh hẩu.

Với quan điểm lợi ích nhóm quá đậm đặc, nhân vật Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng xứng đáng được xã hội và người dân đưa vào “tầm ngắm”.

L.D.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/07/vntb-giam-no-cong-bo-tai-chinh-se-cang.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn