Khi những “quả đấm” không còn... thép

Bài 1: Nguy cơ mất trắng hàng ngàn tỷ đồng

Không phủ nhận vị trí đầu tàu và đóng góp cho nền kinh tế của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong những năm qua. Nhưng thay vì củng cố sức mạnh và trở thành bệ đỡ cho các thành phần kinh tế khác, nhiều DNNN đang teo tóp.

clip_image001

Công ty mẹ COMA hiện có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố số liệu liên quan tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2014 tại 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước (tổng cộng 234 doanh nghiệp). Mổ xẻ hoạt động của các DNNN này cho thấy, nhiều đơn vị có kết quả kinh doanh thua lỗ nặng, thậm chí âm vốn chủ sở hữu tới vài chục cho đến cả trăm lần.

Lỗ khủng khiếp

Trong một lần trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (khi đó là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) từng chia sẻ bản thân ông luôn đánh giá cao vai trò đầu tàu kinh tế của khối DNNN; đặc biệt là những tập đoàn, tổng công ty năng động, biết làm ăn kinh doanh hiệu quả trong thời kỳ đổi mới. Đó là những gương sáng: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Tuy nhiên, ông Huệ cũng lưu ý không phải tất cả DNNN đều hoạt động hiệu quả.

Trở lại kết quả mới đây, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tình hình tài chính, các hoạt động liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại 234 DN thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2014 cho thấy, có 33/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh có lãi. Trong đó đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với lợi nhuận sau thuế năm 2014 hơn 43.800 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC 5.289 tỷ đồng, Mobifone gần 5.100 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 4.400 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hơn 2.500 tỷ đồng…

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, 5/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ, mà đứng đầu là Vinalines với số lỗ khủng lên đến gần 3.500 tỷ đồng. Riêng con số này đã gấp nhiều lần số lỗ của 4 đơn vị khác cộng lại. Ngoài ra, còn các đơn vị khác lỗ như Tổng công ty 15 là 471 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) lỗ 131 tỷ đồng... 33 doanh nghiệp còn lại có lãi và bảo toàn được vốn.

Đặc biệt, hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng... dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Tính đến cuối năm 2015, Chính phủ đã phải bảo lãnh vay vốn hơn 26 tỷ USD cho các doanh nghiệp thuộc khối này.

Nợ khó đòi vô số kể

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra những bất cập khác của các tập đoàn, tổng công ty trong sử dụng vốn kém hiệu quả. Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt, dẫn đến thất thu, quá hạn, nợ khó đòi. Một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng chưa đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi...

Theo Báo cáo Kiểm toán, dẫn đầu trong số doanh nghiệp có nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là các công ty thuộc Vinalines như Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau (154 lần), Công ty Phát triển Hàng hải (55 lần), Cảng Năm Căn (17 lần), Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô (40 lần), Cảng Cái Lân (27 lần)... Công ty mẹ COMA có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu...

Đơn cử, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có khoản nợ khó đòi lên tới hơn 376 tỷ đồng (chiếm 25,7%), Văn phòng Tổng công ty Vinataba, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9, COMA 18, COMAEL,... có số nợ khó đòi lên tới vài chục tỷ đồng mỗi đơn vị. Mobifone có khoản nợ khó đòi 312 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng 65,8 tỷ đồng, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia 53,8 tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc 49,8 tỷ đồng. Bên cạnh một số đơn vị đầu tư tài chính có hiệu quả, nhiều nơi vẫn góp vốn vào doanh nghiệp có tình trạng tài chính xấu, nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể như Vận tải Viễn dương Vinashin, Vận tải Biển Đông, Vận tải Biển Bắc, Vận tải Dầu khí Việt Nam, Xi măng Hạ Long...

Điểm danh một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, tại Vinalines, 51 đơn vị có vốn đầu tư của công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp. Còn tại Tập đoàn Dầu khí, khoản đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank nay đã mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông (Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng). Hay như Tổng công ty Dầu Việt Nam, năm 2014 cũng phải trích lập dự phòng 1.915 tỷ đồng đối với 14 doanh nghiệp có lỗ lũy kế...

Nhận xét về hiệu quả hoạt động của khối DNNN, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hải, Phó Trưởng khoa Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn: DNNN hiện chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP. “Đây là một con số vô cùng khiêm tốn, chúng ta cần suy ngẫm”, ông Hải nói.

Bài 2: Những cỗ máy yếu, vì sao?

Từng được Chính phủ kỳ vọng là “những quả đấm thép” với đỉnh điểm đóng góp gần 40% GDP (năm 2008), khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang tụt lại, vị trí bánh lái nền kinh tế bị lung lay. Tại cơ chế hay do con người chưa đủ tài, đủ lực?

DNNN độc quyền - ngồi không cũng làm được

Cuối năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo tổng thể cập nhật tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Theo đó, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty đạt 250.857 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2013.

Căn cứ thực tế, bộ này nhận xét: Kết quả hoạt động của một số đơn vị chưa cao, có tập đoàn, tổng công ty báo cáo hoạt động của công ty mẹ có lãi, nhưng báo cáo hợp nhất vẫn bị lỗ và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất đến thời điểm hết năm tài chính 2014 còn cao hơn thời điểm hết năm tài chính 2013.

clip_image003

Xi măng Hạ Long, một đơn vị đang nợ nần âm vốn cả ngàn tỷ.

Theo Bộ Tài chính, năm 2015 tổng giá trị tài sản của DN 100% sở hữu nhà nước là 3,105 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu nhà nước là 1,233 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê vào năm 2014, DNNN chỉ tạo ra 24% doanh thu, dưới 20% giá trị sản xuất công nghiệp...

Lần giở lại một báo cáo tại Quốc hội kỳ trước đây, theo tính toán, xét về hiệu quả đầu tư, vai trò kinh tế của khu vực DNNN đang ngày càng suy giảm. Giai đoạn 2000 - 2006, khu vực kinh tế nhà nước đầu tư 7,2 đồng mới tạo ra được 1 đồng GDP, những năm 2007 - 2012 phải đầu tư tới 9,3 đồng mới tạo ra được 1 đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn rất thấp và ngày càng giảm. Năm 2007, tỷ suất này của các DNNN khoảng 2,6%, nhưng đến năm 2012 giảm xuống chỉ còn 1%. Trong khi đó, tỷ lệ trả lãi vay bình quân cả trong và ngoài nước khoảng 4-5% nên nhiều DNNN khó có thể trả nợ. Điều này khiến áp lực nợ công ngày càng tăng.

Đến lúc phải thay đổi?

Trò chuyện với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị một DNNN đang nằm trong “Top” nộp ngân sách nhiều ngàn tỷ những năm qua chia sẻ: “Chúng tôi rất hiểu cái hay, cái dở của DNNN là như thế nào và vì sao vậy. Trên thực tế đúng là DNNN rất được Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện, thậm chí, có những DNNN độc quyền thì nói thật ngồi không, họ cũng có lợi nhuận. Tuy nhiên, muốn DNNN hoạt động tốt điều chúng tôi cần hơn là cơ chế thì lại không có”.

“Hiện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, nếu quản lý tốt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 17% - 20%. Nếu có cơ quan quản lý hiệu quả 1,3 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN, tương ứng tỷ suất lợi nhuận đạt 17% thì mỗi năm có thể thu về 200.000 tỷ đồng lợi nhuận từ các DNNN”

        - Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội

Vị này đơn cử việc thu hút lao động hay nhân tài. Bây giờ, DNNN muốn tuyển thêm người thì bị Nghị định 52 về sử dụng lao động khống chế. Muốn xin thêm người, chúng tôi phải xin đủ chữ ký các cấp, bộ ngành. Hay cứ động đến phê duyệt đầu tư dự án, nếu so sánh với quy trình của doanh nghiệp tập đoàn tư nhân có lẽ dài hơn rất nhiều lần. Vì thế, nhiều khi cơ hội đã đi qua từ lâu dự án mới được phê duyệt. Một điểm nữa là hễ động làm gì thì tâm lý của nhiều lãnh đạo DNNN đều sợ bị dính đến pháp luật.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, không nói đến nhà nước hay tư nhân quan trọng nhất của một doanh nghiệp là phải có người đứng đầu giỏi. “Ưu ái DNNN là tốt nhưng họ cũng cần cơ chế chuyển động xứng đáng. Cái chúng ta cần, đó là phải có cơ chế để tuyển chọn những người đủ tầm lãnh đạo DNNN. Tôi nghĩ muốn có lãnh đạo giỏi ngay kể cả DNNN cũng cần chọn lọc dựa trên tố chất, năng lực chứ không phải do “nhân tạo”, ông Hưng nói.

K.H - L.H.V.

Nguồn:

- Phần 1: http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/khi-nhung-qua-dam-khong-con-thep-1032326.tpo

- Phần 2: http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/khi-nhung-qua-dam-khong-conthep-bai-2-nhung-co-may-yeu-vi-sao-1032699.tpo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn