“Mổ xẻ” về Formosa

Dear Anh Vũ Quang Việt

Cám ơn Anh đã quan tâm và chuyển cho tôi đọc bài báo: Formosa Hà Tĩnh phát thải “siêu độc” quản lý “chưa tiên liệu” của tác giả Đăng Nguyễn đăng trên Kinh tế Sài Gòn online đã bị gỡ bỏ. Việc dỡ bỏ bài báo này chắc là lệnh của trên, chứng tỏ nhận thức, tầm nhìn và hành động của người có trách nhiệm chưa đáp ứng được yêu cầu của đất nước muốn phát triển.

Nội dung về chuyên môn của bài báo nói trên có nhiều điểm đúng nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần phải thảo luận, làm cho rõ hơn.

1. Phần đầu của bài viết đề cập nguyên văn như sau: “Trước đây, hay nói đúng hơn là cho đến thời điểm này, các vấn đề môi trường của ngành thép được quản lý như thế nào để bây giờ Formosa Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường ven biển miền Trung đến nỗi Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phải thừa nhận có thể nói ta chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa”.

Tôi không nhất trí với ý kiến này vì nguyên lý công nghệ luyện kim đã có hàng trăm năm rồi. Các công ty hiện đại hóa lên, giảm tiêu hao năng lượng, giảm nguyên liệu sản xuất và nước, giảm chất thải, tăng cường tái sử dụng và xử lý ô nhiễm, tùy trình độ mỗi nước và công ty, mức độ khác nhau. Đương nhiên, công nghệ của Formosa là của Trung Quốc trình độ tiên tiến chỉ hơn Việt Nam một chút thôi. Cho nên người ta có thể tiên liệu được, chứ chưa nói là ông Bộ trưởng lại có trình độ cao hơn.

2. Phát thải “siêu độc” của Formosa?

Nếu nói đúng nghĩa luyện kim, thì chất thải từ sản xuất thép của Formosa không phải là siêu độc, không nên cố gán như thế. Thế giới sản xuất cả tỷ tấn thép mỗi năm nhưng chưa bao giờ có gây ô nhiễm độc hại như ngành công nghiệp hóa chất, chế biến thực phẩm hay công nghiệp dệt và giấy, khai thác mỏ cũng như chế biến khoáng sản. Các chất thải của nhà máy sản xuất thép hoàn toàn có thể xử lý được. Nhưng đây phải nói là văn hóa của người Trung Quốc và Việt Nam chưa trải qua quá trình công nghiệp dài như các nước phương Tây.

3. Đoạn nói về tổng lượng phenol và xyanua trong nước thải của Formosa trước xử lý là 120 tấn/năm hay 0,36 tấn/ngày (cho rằng nhà máy vận hành 330 ngày/năm), tính theo tài liệu hướng dẫn ĐTM của Bộ TNMT. Theo tôi hiểu nhà máy chưa đi vào hoạt động, mới chạy thử nên phải chứng minh cyanide và phenol thải ra lúc nào, hàm lượng bao nhiêu? Nước thải có độc tố chảy ra hay phun ra từ đầu ống đáy biển?

Thời điểm xảy ra sự cố Formosa đang vận hành (chạy “commissioning”) với công suất bao nhiêu? những phân xưởng nào đang vận hành (thì mới tính ra được lượng nước thải và lượng chất ô nhiễm). Thông thường trong commissioning phase có rất nhiều mode vận hành chứ không phải là luôn vận hành toàn bộ nhà máy với công suất tối đa.

4. Về so sánh QCVN 52 với tiêu chuẩn của IFC: đúng là tiêu chuẩn của IFC nhiều thông số hơn, nhưng 12 thông số trong QCVN 52 quy định giới hạn cho phép tương tự với 12 thông số tương ứng của tiêu chuẩn IFC tính ở thời điểm soạn thảo QCVN 52. Tôi nhấn mạnh thời điểm soạn thảo bởi vì có thể đến thời điểm này IFC đã ban hành tiêu chuẩn mới theo nguyên tắc BAT. Tất cả các QCVN của mình đều dựa trên tiêu chuẩn quốc tế thời điểm soạn thảo (có xét đến nhu cầu các dự án đầu tư cho VN), đấy là cơ sở khoa học để các bộ/ngành liên quan áp dụng khi xây dựng TCVN và QCVN.

5. Formosa mất điện 5 ngày là mất điện liên tục hay chỉ là 5 ngày dừng công đoạn xử lý nước thải sinh học do vi sinh chết? Nếu mất điện thời gian ngắn hơn thì các công đoạn trung hòa, lắng, hóa lý (tuyển nổi, keo tụ) sẽ hoạt động lại khi có điện và xử lý được kim loại nặng, trong đó có CrVI (nếu không xử lý hóa lý thì chắc là sẽ phát hiện được CrVI trong môi trường biển, ít nhất trong trầm tích).

Tôi không tin về sự cố mất điện ở Formosa, là chuyện buồn cười thành ra cũng chả nên mất thì giờ tìm hiểu thêm làm gì mà chỉ cần tìm cách kiểm soát việc xả thải bằng cách “nắm đằng chuôi” nghĩa là phải cho cái hệ thống quản lý máy bơm nước thải ra biển vào một cái “cubicle”.

6. Việc “tính theo giấy phép xả thải mà Formosa đã được cấp với lưu lượng 45.000 mét khối/ngày, chỉ riêng với nồng độ phenol hay xyanua cho phép đều là 0,585 mg/l, thì tổng lượng phenol và xyanua sẽ thải ra biển Vũng Áng trong điều kiện Formosa vận hành ổn định và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép sẽ là 17,37 tấn/năm, tức là lớn gấp 9,5 lần so với lượng thải của năm ngày gây ra thảm họa”, thì đấy là lỗi rất lớn của giấy phép xả thải.

Xem lại file ảnh chụp giấy phép xả thải của Bộ TNMT (Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai ký) thì thấy cho phép thải 45.000 m3/ngày đêm với yêu cầu “thông số giới hạn chất ô nhiễm trong nước thải không vượt quá QCVN 52”. Lỗ hổng này rất nguy hiểm vì đáng nhẽ chỉ nước thải sản xuất thép (chủ yếu là từ 4 lò luyện cốc) mới được phép áp dụng QCVN 52. Quy định thế này là cho phép toàn bộ nước thải của nhà máy được áp dụng QCVN 52, tức là có thể dùng nước thải từ những hoạt động không chứa phenol, xyanua, Cr VI... trộn lẫn, pha loãng nước thải của lò cốc (đâu như khoảng hơn 4000 m3/ngày đêm).

7. QCVN 52 không có quy định thông số FeII mà chỉ có chắt rắn lơ lửng. Các công đoạn sản xuất thép không thải nhiều sắt trong nước thải, và lượng sắt nhỏ có thể xử lý đạt tiêu chuẩn trong công đoạn lắng, hóa lý của hệ thống xử lý nước thải. Lượng huyền phù FeII phát hiện trong môi trường biển miền Trung là từ việc súc rửa đường ống ra lượng lớn nước thải thẳng ra biển mà không xử lý.

8. Còn một nguyên tắc áp dụng QCVN đối với ngành đặc thù cần nhấn mạnh: Các QCVN này chỉ tập trung vào các thông số điển hình của các ngành đặc thù ấy, thế nên những thông số “không điển hình” thì khi thải ra phải áp dụng QCVN 40 (trong trường hợp thải nước thải), do đó không được hiểu sai là nước thải của ngành sản xuất thép chỉ phải kiểm soát 12 thông số quy định trong QCVN 52, các thông số khác được thải thoải mái! Cũng tương tự như vậy, các hoạt động khác không thuộc công đoạn sản xuất thì phải áp dụng QCVN 40.

Các nội dung khác của bài báo nói trên chính xác, rất đáng suy ngẫm.

Nhân đây, tôi muốn bàn tiếp với Anh về bài báo: “Formosa tráo công nghệ của tác giả Nguyễn An đăng trên blog của Kim Dung/Kỳ Duyên (lấy nguồn gốc từ báo Thanh niên)

Từ khi còn ở nước ngoài, tôi đã có thói quen hàng ngày chịu khó đọc, suy ngẫm rất nhiều thông tin, tư liệu về các chủ đề mà mình quan tâm, đồng thời hay trò chuyện, tranh luận với nhóm bạn hữu (kể cả chuyên gia quốc tế) nên tích lũy, cập nhật được các kiến thức trong thế giới phẳng.

Bàn về Formosa, phát biểu trên mặt báo, tôi thật ái ngại vì có những vị trong ngành nhưng phát ngôn về khía cạnh chuyên môn lại rất hời hợt.

“Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi kiểm tra liên ngành, phát hiện Formosa làm sai thiết kế cơ sở. Thay vì công nghệ luyện cốc là dập khô thì chủ đầu tư đã chuyển sang dùng công nghệ ướt. Lý giải về việc “tráo” công nghệ, tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn trong ngành thép giải thích trong xử lý cốc để luyện thép, hiện có hai công nghệ phổ biến là luyện cốc khô và xử lý ướt. Công nghệ khô ưu điểm ở chỗ thu hồi nhiệt và ít ô nhiễm môi trường, trong khi công nghệ ướt nhược điểm là nguồn nước thải ra lớn và gây mất nhiệt vv...”

Bình luận

Dù biết nói thẳng, sẽ “đụng chạm” đến cả những vị quan chức mà mình quen biết nhưng là người làm công tác khoa học và nhà báo công dân, khi cầm bút, tôi chỉ có một nguyên tắc là luôn tôn trọng sự thật.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và vị Tổng giám đốc doanh nghiệp thép phát biểu không đúng về thuật ngữ chuyên môn. Làm gì có “luyện cốc khô” vì hiện nay kỹ thuật luyện cốc cơ giới hóa ở các nhà máy trên thế giới về cơ bản giống nhau, chỉ có khác một chút về mặt lựa chọn kiểu lò, tham số công nghệ, bố trí công nghệ, phối ghép máy móc, giải pháp bảo vệ môi trường.

Nếu xét về phương diện nạp than vào lò luyện cốc thì có thể chia ra lò cốc nạp than trên nóc lò nhờ trọng lực và lò cốc nạp than trộn rắn. Nếu xét về mặt nguồn hơi tăng nhiệt cho lò luyện cốc thì có thể chia ra làm loại phun dưới và loại phun bên. Nếu xét về mặt nguồn hơi tăng nhiệt cho lò luyện cốc thì có thể chia ra loại tăng nhiệt lại và loại tăng nhiệt một lần. Nếu xét về mặt hình thức kết cấu đường lửa của lò luyện cốc thì có thể chia ra loại đường lửa kết nối kép và loại đường lửa chia đôi.

Nói về “xử lý ướt” chứng tỏ lỗ hổng về thuật ngữ chuyên môn ngành luyện kim. Theo các tài liệu khoa học, sau khi than mỡ được chưng khô với nhiệt độ cao khoảng 950-1050 độ C, để tạo thành than cốc và khí than tự do, than cốc chín muồi trong buồng than hóa, được dỡ ra truyển tải vào xe tắt cốc, kéo dẫn vào tháp tắt cốc để tiến hành tắt lửa cốc bằng cách phun nước hoặc tắt khô.

Tắt cốc chia làm hai loại là tắt ướt và tắt khô. Nếu áp dụng phương pháp tắt ướt sẽ tiết kiệm được đầu tư, và có thể lợi dụng nước thải sau khi sử lý sinh hóa để tắt cốc. Như vậy, thực hiện được mục tiêu nước thải không xả ra ngoài, nhưng về mặt hiệu quả tận dụng tổng hợp nguồn năng lượng lại tương đối thấp.

Phương pháp tắt khô tỏ ra ưu việt hơn hẳn phương pháp tắt ướt về mặt lợi dụng tổng hợp nguồn năng lượng, cũng như về mặt hiệu quả bảo vệ môi trường, nhưng đầu tư cao hơn. Hiện nay, ở Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên áp dụng tắt lửa cốc bằng phương pháp tắt ướt.

TS. Lưu Bích Hồ cho rằng mục tiêu thu hút FDI để nâng cao công nghệ sản xuất trong nước trong trường hợp này đã thất bại là chính xác nhưng ông lại nói không đúng khi cho rằng dự án thép là ngành gây ô nhiễm nhiều nhất.

Bộ KHCN theo cơ chế, không có thẩm quyền xét duyệt về công nghệ, chỉ là “mình rơm, vạ đá” vì trách nhiệm chính là Bộ Công Thương. Đã đến lúc Nhà nước nên quy định lại quyền hạn và trách nhiệm, loại nào, cỡ nào địa phương hay khu công nghiệp được quyết, loại dự án nào không được vào những khu vực địa phương “nhạy cảm” đặc biệt là an ninh, quốc phòng. Muốn đất nước ổn định và phát triển không thể lẩn tránh được việc phải nhìn thẳng vào sự thật “mổ xẻ” về THỂ CHẾ VÀ CON NGƯỜI.

Nếu Anh theo dõi, hệ thống lại các nội dung trao đổi trong nhóm chuyên gia yêu môi trường của chúng tôi thì ngay từ đầu tháng 4/2016, tôi đã đặt nghi vấn Formosa là nghi can số 1 nhưng phải minh chứng bằng các luận cứ và dẫn chứng cụ thể các bằng chứng khoa học để thủ phạm tâm phục, khẩu phục. Đến nay, Formosa đã nhận tội là cố gắng lớn cần ghi nhận của các bộ ngành và các nhà khoa học trực tiếp tham gia khảo sát, điều tra, thí nghiệm, minh chứng buộc tội Formosa.

Ở đây cần nói rõ hơn: cyanide chỉ độc mạnh khi nó là CN-, mà các muối KCN hay NạCN đều tan rất tốt trong nước, cho nên người ta coi KCN và NaCN trong nước là hoàn toàn tồn tại ở dạng K+, Na+ và CN-. CN- là anion có xu thế tạo phức rất mạnh đối với Fe và các kim loại nặng khác. Khi tạo phức thì độ độc của nó giảm đi tùy theo độ bền của phức. Độ bền của phức càng cao thì khả năng phân ly ra ion CN- càng nhỏ.

Còn các kim loại nặng như Pb, Hg... dễ thủy phân trong môi trường trung tính và lắng xuống đáy. Khi lắng xuống đáy biển thì do các quá trình yếm khí, chúng hầu hết sẽ chuyển thành muối sunphua (PbS, HgS...), những muối sunphua thường là rất khó tan nên độ độc của chúng rất hạn chế. Còn như Hg, nó có thể chuyển thành các metyl thủy ngân thì lại khác, chất này rất linh động, nó lại có tính độc cao, dễ đi vào cơ thể động vật và gây ngộ độc mạnh.

Còn vụ cá chết ở miền Trung, đặc biệt do nước thải súc rửa đường ống sắt từ Formosa và muốn biết được chính xác nguyên nhân thì phải biết được Formosa đã làm gì, danh mục hóa chất và khối lượng các hóa chất đã sử dụng trong thời gian đó. Khi có bản đánh giá chính thức của đoàn điều tra quốc gia công bố, mới có đủ thông tin bàn sâu hơn về khía cạnh chuyên môn. Tôi vẫn thiên về nguyên nhân thủ phạm là do Formosa cố ý (đặc biệt lỗi nhà thầu phụ là Trung Quốc) chứ không phải là sự cố. Đừng quên Formosa đã bị tai tiếng rất nhiều vì tội hủy hoại môi trường.

Kết luận

Hậu Formosa còn rất nhiều việc phải làm với biết bao câu hỏi tại sao, tôi đã đề cập trong các bài viết trước đây, kể cả việc phải kiện Formosa ra tòa án để xem xét bồi thường thỏa đáng cho dân. Cần khẩn trương xác định, đánh giá mức độ từng khu vực bị ô nhiễm để có giải pháp thích hợp, hiệu quả. Nói về chuyển nghề, thì phải ưu tiên hàng đầu cho các công việc của người dân liên quan đánh bắt hải sản, bám biển, giữ làng, giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn