Những người biểu tình nói gì sau vụ Formosa

Hoàng Dung

clip_image001

Người dân biểu tình tại Hà Nội chống tập đoàn Đài Loan Formosa ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Để yêu cầu Chính phủ minh bạch nguyên nhân ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh Bắc Miền Trung thì một số người ở Việt Nam đã xuống đường để biểu tình, tuy nhiên họ bị chính quyền huy động một lực lượng lớn công an đàn áp.

Những người biểu tình nói gì?

Hiện tượng cá chết lần đầu tiên xuất hiện ở Vũng Áng, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 06 tháng 04 năm 2016, sau đó lan xuống Quảng Bình, Quảng Trị, rồi đến Thừa Thiên Huế. Sau khi sự việc xảy ra thì nhiều ngư dân cũng như nhiều người cho thấy đây là hiện tượng bất ổn, trên nhiều trang mạng xã hội nhiều người đã bày tỏ ý nguyện được biết nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là gì, tuy nhiên chính quyền không có thiện chí trong việc truy tìm nguyên nhân, hơn nữa lại có phát biểu của ông giám đốc đối ngoại Formosa nói là: “Chọn thép hay chọn tôm cá”, lời phát biểu đó như đổ thêm dầu vào lửa trong khi cá ngày càng chết, ngư dân lại càng khốn khó.

Gần 1 tháng sau từ hiện tượng cá chết, thì vào ngày 01 tháng 05 năm 2016 thì người dân cả nước mới xuống đường biểu tình yêu cầu Chính phủ minh bạch nguyên nhân cá chết, với số lượng người biểu tình đông nhất từ trước đến nay, tập trung chủ yếu ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và lẻ tẻ ở Nghệ An. Chính phủ không những không có thiện chí để truy tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết, mà trong các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân chính quyền lại huy động một lực lượng lớn công an, dân phòng, cảnh sát giao thông… để bắt bớ và đánh đập những người biểu tình.

Vào những ngày cuối tháng 04 năm 2016 một số ngư dân ở Quảng Bình đã biểu tình để yêu cầu chính quyền truy tìm nguyên nhân để giúp người dân có thể đi đánh bắt cá trở lại, và để cộng đồng có thể nắm bắt thông tin cụ thể, chính xác và nhanh nhất, trong khi các báo đài Nhà nước lại không lên tiếng, thì nhiều phóng viên độc lập đã đến tận nơi để cập nhập nhưng họ lại bị bắt và bị đánh đập, câu lưu trong nhà tù gần 1 tuần, trong đó là phóng viên độc lập Chu Mạnh Sơn, khi nói về nguyên nhân tại sao anh lại bị bắt và bị đánh đập thì anh chia sẻ:

“Theo tôi nhận định thì tại sao họ bắt tôi trong quá trình tôi lấy thông bởi vì họ bắt tôi với ba mục đích. Thứ nhất là đàn áp tinh thần đối với những người đấu tranh và những người phóng viên độc lập hôm đó đang vào lấy thông tin. Thứ hai là đổ lỗi trách nhiệm về vấn đề cá chết ở khu vực ô nhiễm môi trường cũng như là cá chết ở trong bốn tỉnh Miền Trung vừa qua thì là do tôi là người thổi bùng, sai thông tin sự thật và họ muốn gán cho tôi là kích động người dân. Thứ ba là họ muốn tôi là người thế chân của Formosa giống như là một người chịu trách nhiệm đẩy dư luận để rồi tảng lờ quên đi trách nhiệm về cá hay là về môi trường hay là Formosa gây ra. Và thứ tư thì họ muốn ngăn chặn các cuộc biểu tình ở Vinh ngày hôm sau xảy ra với tinh thần cũng như khủng bố tinh thần đối với những người khác.”

Anh Lê Sỹ Bình người Nghệ An nhưng anh tham gia biểu tình trong Thành phố Hồ Chí Minh, anh là người bị công an đánh đập trong 2 lần biểu tình là ngày 01 tháng 05 và ngày 08 tháng 05 chia sẻ:

“Họ muốn bưng bít thông tin, thông tin xấu của Nhà nước họ muốn bao che cho tội hủy diệt môi trường của Formosa, họ muốn che giấu sự thật, rồi họ đánh đập bắt bớ người dân, cách họ bắt bớ hoàn toàn sai pháp luật.”

Theo anh Dương Lâm ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thì chính quyền đã bị dồn vào thế bí, chính quyền muốn bắt tay với Formosa để xử lý chuyện này, tuy nhiên khi không còn lối thoát thì chính quyền mới dùng đến bạo lực để trấn áp phong trào muốn Chính phủ minh bạch vụ cá chết.

“Chính phủ huy động một lực lượng lớn để mà canh giữ, chặn bắt, ngăn chặn biểu tình, là lựa chọn của chính quyền đối với việc thảm họa xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung. Đó là thái độ lựa chọn của chính quyền, thay vì họ phải minh bạch làm rõ nguyên nhân thảm họa, thì họ lại đổ cho những cho những người tuần hành vì môi trường là do thế lực thù địch xúi dục, kích động, đó là việc làm không thể chấp nhận được, tức họ đứng về công ty đó, họ muốn đẩy vấn đề này sang một hướng khác chứ không muốn minh bạch.”

Anh Huỳnh An Lộc ở tỉnh Sóc Trăng thì cho rằng qua sự việc lần này thì càng chứng tỏ Đảng Cộng sản không quan tâm, không lo cho người dân mà họ chỉ biết bảo vệ quyền lợi cho họ.

clip_image003

Xe cảnh sát tại khu vực người biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở thành phố Hà Nội ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Anh Lộc chia sẻ:

“Đảng Cộng sản không có quan tâm đến môi trường, Đảng Cộng sản quan tâm nhất là để bảo vệ Đảng Cộng sản, Đảng Cộng sản quay lưng 360 độ để chống lại chính nhân dân Việt Nam.”

Giám đốc khu công nghiệp Formosa đã bồi thường cho các ngư dân cũng như để làm sạch môi trường với số tiền là 500 triệu USD, nhưng theo anh Bình chính quyền cũng như khu công nghiệp Formosa cũng phải xin lỗi những người đã bị chính quyền xúc phạm nhân phẩm, phải bồi thường về thể xác cho những người bị đánh đập.

Anh Bình chia sẻ:

“Đền bù những thiệt hại mà người bị đánh, đền bù nhân phẩm và thể xác cho họ mà họ từng lên tiếng biểu tình mà bị chính quyền đánh đó.”

Mong muốn chính quyền làm gì với khu công nghiệp Formosa?

Sau khi nguyên nhân được làm rõ thảm họa môi trường ở miền Trung gây nên, trên nhiều Facebook cũng như lời chia sẻ của nhiều người thì họ mong muốn chính quyền đóng cửa Formosa, vì không ai biết trong tương lai sự việc có xảy ra tiếp hay không.

Anh Dương Lâm ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, sống trong một đất nước dưới sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản thì mọi chuyện có thể xảy ra:

“Cần phải đóng cửa Formosa, cái thứ nhất là bởi vì những gì mà họ đã tạo ra, cái thứ hai là vì môi trường an toàn cho người Việt Nam sau này.”

Anh Bình yêu cầu Chính phủ phải đóng cửa khu công nghiệp Formosa ngay lập tức và truy tố những người đã đồng ý ký cho khu công nghiệp Formosa xây dựng ở Việt Nam.

“Phải nên đóng cửa Formosa vĩnh viễn, chính quyền phải làm như vậy, nhưng hiện tại Formosa và chính quyền đang thông đồng cho nhau, để mà chạy án, họ dùng 500 triệu USD đó để tìm mọi cách để chạy án, đúng ra đúng pháp luật thì phải khởi tố Formosa và bắt khẩn cấp đưa ra xét xử một cách công minh. Tìm ra những kẻ nào đứng sau hậu thuẫn cho Formosa gây thiệt hại môi trường, yêu cầu Nhà nước làm rõ ra những cái đó, nếu chúng ta không đứng lên thì chính quyền Việt Nam và Formosa sẽ bỏ qua vụ này luôn.”

Anh Sơn thì cho rằng phải đóng cửa Formosa không những là sự việc vừa xảy ra ở Vũng Áng, Kỳ Anh mà Formosa có lịch sử họ không tuân thủ những biện pháp để xử lý nước và nhiều nước đã tẩy chay rồi, cớ sao Việt Nam lại rước vào.

“Tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam đều lên án Formasa và yêu cầu Formosa đóng cửa và cuốn gói về nước. Tất cả mọi người đều biết rằng là quá trình lịch sử hình thành của Formosa, không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác và họ cũng đã gây ra các thảm họa và tôi nghĩ rằng cái này ho dọ yếu kém.”

Theo những người mà chúng tôi tiếp xúc cho biết, dù họ bị công an đánh đánh đập, bị chính quyền bắt bớ, nhưng việc biểu tình để đòi Chính phủ minh bạch nguyên nhân gây cá chết đó là quyền của người dân, người dân có quyền được đòi. Họ còn chia sẻ với chúng tôi giờ họ sẽ tiếp tục kêu gọi đòi hỏi Chính phủ phải bảo vệ môi trường, và tẩy chay Formosa vì việc này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của nước Việt Nam và con cái chúng ta sau này.

H.D.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-protester-say-after-formosa-hd-07052016085405.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn