TPP có được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn trong kỳ họp ‘’vịt què’’?

LS Nguyễn Văn Thân

Đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có chuyến công du Hoa Kỳ đánh dấu quan hệ ngoại giao 50 năm giữa hai nước. Nhưng đề tài thảo luận chính là tiến trình phê chuẩn TPP. Điều này sẽ là một phép thử uy tín của Hoa Kỳ.

Phát biểu trước 200 lãnh tụ doanh nghiệp, Thủ tướng Lý nhấn mạnh TPP sẽ là một đòn bẩy kinh tế với 12 thành viên có tổng số GDP tương đương với 40% toàn cầu, 1/3 kim ngạch thương mại thế giới và một thị trường với 800 triệu dân. So với các hiệp định thương mại khác, TPP bao gồm các điều kiện về nhân quyền, sở hữu trí tuệ, điều lệ bảo vệ quyền lợi của người lao động và môi trường. Các tiêu chuẩn cao này sẽ giúp doanh nghiệp Mỹ tiếp cận và mở rộng thị trường. Ngoài ra còn có mặt chiến lược. TPP sẽ hỗ trợ cho chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Obama bảo đảm quyền lợi an ninh và kinh tế lâu dài của Mỹ. Nếu Mỹ không phê chuẩn TPP thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải nhận định là khi đối đầu với một câu hỏi sống còn thì họ không thể tin và dựa vào Mỹ được.

Sau khi các phái đoàn hoàn tất đàm phán thành công hồi tháng 10 năm ngoái, TPP đã được chính thức ký kết vào ngày 4/2/2016 tại Tân Tây Lan. Tiến trình phê chuẩn có thể xảy ra dưới hai hình thức. Một là tất cả 12 thành viên phê chuẩn và TPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi thành viên thứ 12 phê chuẩn. Nếu sau 2 năm mà tất cả 12 thành viên chưa phê chuẩn thì TPP vẫn có hiệu lực nếu hội đủ 2 điều kiện là có ít nhất 6 thành viên sáng lập đã phê chuẩn và GDP của 6 thành viên này đạt ít nhất 85% GDP của 12 quốc gia thành viên.

Trong 12 quốc gia TPP thì Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thành viên quan trọng nhất. GDP của Hoa Kỳ chiếm 62% và Nhật chiếm 17%. Có nghĩa là TPP không thể có hiệu lực nếu Mỹ hoặc Nhật không phê chuẩn. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang gặp phải chống đối từ giới nông gia lo ngại về tương lai của họ, nhưng Abe có khả năng hoàn tất việc phê chuẩn. Tân Bộ trưởng Kinh tế, Giao thương và Công nghệ Hiroshige Seko vừa mới nhậm chức đã tuyên bố là sẽ làm mọi cách để Quốc hội Nhật phê chuẩn TPP trong mùa họp từ tháng 9 đến 12 sắp tới. Cựu Bộ trưởng Nobuteru Ishihara cũng kêu gọi Nhật Bản phê chuẩn TPP trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ để giúp Obama đẩy TPP qua cửa Quốc hội trong mùa "vịt què".

Chỉ có Hoa Kỳ đóng vai trò quyết định. Sở dĩ ông Lý Hiển Long lo âu là vì hiện nay cả hai ứng cứ viên Donald Trump và Hilary Clinton đều không ủng hộ TPP. Trump đã nói rõ là ông sẽ vứt TPP vào sọt rác và chỉ đồng ý thương lượng hiệp định thương mại tự do song phương với từng quốc gia một. Nếu Trump thắng cử thì TPP sẽ bị chôn sống. Còn Hilary thì khi làm Ngoại trưởng chính bà đã cổ súy cho chính sách này. Nhưng khi làm ứng cử viên thì bà đổi giọng vì sợ bị tấn công từ phía nghiệp đoàn vốn là một thành phần đáng kể trong Đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, bà chỉ nói là không thể ủng hộ TPP với nội dung hiện tại vì nó không đạt tiêu chuẩn cao như bà mong đợi. Có nghĩa là cũng có cơ hội để bà đồng ý chấp thuận TPP nếu có sự thay đổi nào đó. Vấn đề là 11 thành viên khác có chịu trở lại bàn đàm phán hay không?

Khi vận động tranh cử tại tiểu bang Michigan vào ngày thứ Năm 11/8 vừa qua, bà Clinton lập lại là bà chống TPP và sẽ tiếp tục chống TPP sau ngày tranh cử và khi làm Tổng thống vì bà cho rằng TPP sẽ dẫn đến hậu quả mất việc làm cho nhiều công dân Hoa kỳ. Thật ra, khi Obama tranh cử tổng thống vào năm 2008, ông cũng tuyên bố chống đối và đòi thương lượng lại Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng với lý do tương tự. Nhưng bây giờ thì ông là người thúc đẩy TPP mạnh mẽ nhất.

Tổng thống Obama vẫn nuôi hy vọng là TPP sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn trong kỳ họp sau ngày bầu cử vào cuối năm nay. Ông cho rằng với nhiệt độ của mùa bầu cử thì khó mà có được một cuộc tranh luận đúng đắn. Nhưng sau khi có kết quả bầu cử rồi thì mọi người sẽ nhận thấy những con số thật sự là có lợi cho Hoa kỳ và sẽ ủng hộ TPP. Tuy nhiên, 6 dân biểu Cộng Hòa trước đây ủng hộ TPP vừa mới gửi thư yêu cầu Obama không đưa TPP vào Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay và còn đề nghị là Mỹ nên thương lượng lại để loại trừ chính sách thao túng tiền tệ hoặc hối suất. Nhà Trắng không chấp nhận đề nghị này vì Hiệp Định Thương Mại Tự Do không phải là công cụ kiểm soát chính sách tiền tệ. Nếu vậy thì các quốc gia trong TPP sẽ có thể kiểm soát chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trữ kim Hoa Kỳ, một điều mà không có chính quyền hoặc người dân Mỹ nào chấp nhận được.

Tháng trước, lãnh tụ Thượng viện Mitch McConell (Cộng Hòa) phát biểu rằng cơ hội TPP được Quốc hội thông qua trong năm nay là rất mong manh. Vào ngày 4/8, Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan (Cộng Hòa) nói rõ hơn là không có lý do gì để Obama đưa TPP vào Quốc hội vì không có đủ số phiếu để thông qua. Văn bản TPP đồng thuận sau cùng đã làm mất đi phiếu ủng hộ của hàng chục dân biểu. Ryan cũng đề nghị thương lượng lại đặc biệt là các điều lệ liên quan tới thị trường nông nghiệp và lao động.

Mặt khác, Obama cương quyết thúc đẩy để Quốc hội phê chuẩn TPP như là một di sản trong chiến lược an ninh và ngoại giao của ông trước khi ông rời Nhà Trắng vào tháng Giêng năm 2017. Vào ngày thứ Sáu 12/8 vừa qua, Nhà Trắng đã thông báo là Obama sẽ gửi dự luật TPP cho Quốc hội duyệt xét. Sau 30 ngày kể từ khi ra thông báo, chính quyền có thể đệ trình dự luật vào Quốc hội. Nhưng theo một số nhà bình luận thì Obama chắc sẽ không đệ trình dự luật này trước ngày bầu cử để tránh TPP bị "chính trị hóa", nhất là khi cả hai ứng cử viên tổng thống đều chống đối với lý do là TPP sẽ hủy diệt công ăn việc làm của công dân Mỹ. Một số dân biểu không hài lòng với thời hạn độc quyền dành cho bằng sáng chế dược phẩm. Nhiều dân biểu của Đảng Dân Chủ lo ngại là không có biện pháp hữu hiệu để bảo đảm một vài quốc gia TPP cụ thể nhất là Việt Nam sẽ tuân thủ chuẩn mực môi trường và lao động cũng như thao túng chính sách tiền tệ có hại cho thị trường lao động Mỹ.

Ngay cả khi Quốc hội đồng ý phê chuẩn TPP, Tổng thống Clinton hoặc Trump sau ngày 8/11 không nhất thiết phải ban hành và áp dụng đạo luật này. Thời hạn áp dụng hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền hành pháp. Trong quá khứ, các vị tổng thống thường đợi cho tới sau khi các quốc gia đối tác đã hoàn tất tiến trình phê chuẩn và lập pháp bảo đảm là hệ thống luật pháp phù hợp với nghĩa vụ của họ dưới Hiệp Định.

Nếu Mỹ rút khỏi TPP thì Trung Quốc sẽ thắng lớn. Trung Quốc đang thúc đẩy Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực (RCEP) với 10 quốc gia thành viên trong Khối ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và Tân Tây Lan. RCEP bắt đầu từ tháng 11 năm 2012 tại Cam Bốt và tới nay đã trải qua 13 vòng đàm phán. Vòng đàm phán thứ 14 sắp tới sẽ diễn ra tại Việt Nam trong tuần này từ 15 - 18 tháng 8. Nếu thành công thì RCEP còn lớn hơn cả TPP về mặt tổng số GDP cũng như kim ngạch thương mại. Lợi điểm của RCEP là không đặt nhiều tiêu chuẩn cao hoặc điều kiện khắt khe như TPP ví dụ như chuẩn mực lao động, môi trường, minh bạch, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước. Do đó, có nhiều cơ hội RCEP sẽ được quốc hội của các quốc gia thành viên thông qua dễ dàng, nhất là khi được dẫn đầu bởi Trung Quốc là một quốc gia mà Quốc hội chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Sau ngày 8/11 thì sẽ có kết quả bầu cử. Nếu Tổng thống Clinton hoặc Trump quyết định chôn sống TPP thì vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ tức tưởi chết theo. Và như thế thì Trung Quốc sẽ làm bá chủ võ lâm (trước thương mại, sau an ninh - chiến lược) tại châu Á - Thái Bình Dương, không còn gì bàn cãi.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn